Ngày 14-6, một cuộc đình công trên toàn quốc gia do đảng đối lập Liên minh Quốc qia vì Công lý và Dân chủ, tập hợp khối tư nhân, xã hội dân sự và sinh viên, khởi xướng, đã diễn ra để phản đối Tổng thống Daniel Ortega đàn áp phong trào phản kháng, làm trên 150 người biểu tình bị thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương trong không đầy 2 tháng qua.
Từ ngày 16-4-2018 đến nay, không có ngày nào mà bạo lực không diễn ra, và có thêm một nạn nhân mới. Bất kể là ở thủ đô Managua hay ở những vùng sâu xa khác của quốc gia Trung Mỹ này, những nơi mà việc lưu thông đã trở nên khó khăn do các rào chắn của những người biểu tình phản đối Tổng thống Ortega được dựng lên trên các con lộ.
Mặt khác, chính những rào chắn này, từ vài ngày qua, đã trở thành mục tiêu ưu tiên của cảnh sát chống bạo động và nhóm dân quân tự vệ đang tìm cách phá hủy. Các cuộc tấn công của lực lượng an ninh này cũng nhằm mục đích phá dỡ rào chắn trong các khu phố do dân làng dựng lên. Không chỉ để phản đối, nhưng còn để phòng chống các băng nhóm có vũ trang đang lộng hành và giết chóc mà không hề bị trừng phạt.
Trước sự leo thang bạo động, các giám mục Công giáo ngày 7-6 đã trình bày với Tổng thống Ortega một đề xuất dân chủ hóa đất nước, cho phép nối lại đối thoại. Nhưng Tổng thống Nicaragua vẫn chưa trả lời. Đây chính là lý do của cuộc tổng đình công của phe đối lập ngày 14-6, tiếp tục nhấn chìm đất nước trong sự hỗn loạn.
Sự phản đối của người dân tại hầu hết các thành phố của Nicaragua diễn ra từ ngày 16-4-2018 sau khi chính phủ ban hành sắc lệnh cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội, trong đó nâng phần đóng góp bắt buộc của cả các doanh nghiệp, người lao động và người hưu trí. Chính phủ Nicaragua đưa ra dự luật cải cách trên nhằm giảm thâm hụt ngân sách đang leo thang ở một trong những quốc gia nghèo nhất Mỹ Latinh này.
Bạo động đã khiến Tổng thống Daniel Ortega buộc phải hủy bỏ dự luật cải cách. Sau một thời gian dài ủng hộ tổng thống, giới doanh nhân Nicaragua nay đã cắt đứt quan hệ với ông Ortega vì ông sử dụng bạo lực với người biểu tình. Đến ngày 16-5, Chính phủ Nicaragua và đại diện giới doanh nhân, sinh viên, nông dân của quốc gia Trung Mỹ này đã bắt đầu cuộc đối thoại dân tộc vì hòa bình do Hội đồng giám mục Thiên chúa làm trung gian, nhằm tìm ra lối thoát cho tình trạng biểu tình và bạo loạn kéo dài.
Trong cuộc đàm phán, Tổng thống Ortega cho biết, Viện An ninh xã hội Nicaragua (INSS) đã quyết định ngừng những biện pháp cải cách được cho là sẽ làm tăng phần đóng góp của cả giới chủ và người lao động, trong khi giảm tiền trợ cấp, đặc biệt là giảm 5% tổng số lương hưu.
Tuy nhiên cuộc đối thoại bất thành vì phe đối lập cho thế là chưa đủ, họ yêu cầu Tổng thống từ chức và tổ chức bầu cử trước thời hạn. Các phong trào biểu tình lại tiếp diễn. Ngày 28-5, một nhóm sinh viên đã đốt cháy Đài phát thanh Radio Ya. Miguel Guevana, một tài xế taxi trẻ tuổi kêu gọi “Daniel Ortega phải lưu vong và Nicaragua tổ chức bầu tổng thống trước kỳ hạn. Tôi muốn có một cuộc bầu cử minh bạch thật sự, để đổi mới đất nước”.
Ngày 13-6, Giáo hội Thiên Chúa giáo Nicaragua với ảnh hưởng của mình đã đề nghị 2 bên nối lại đối thoại. Nhấn mạnh đến việc “phản kháng một cách hòa bình”, Giáo hội Thiên Chúa giáo kêu gọi chính quyền và phía đối lập ngồi vào bàn đối thoại từ ngày 15-6. Trong khi chờ đợi để tìm ra một giải pháp, nhiều người dân Nicaragua đua nhau đi mua dự trữ thực phẩm, trước khi cuộc đình công toàn quốc bắt đầu.
Các rào chắn của người biểu tình đã khiến các lĩnh vực như thương mại, giao thông vận tải, nhà hàng và khách sạn hiện chỉ hoạt động ở mức 20-30% công suất, trong khi hoạt động xây dựng tư nhân cũng như việc triển khai các dự án công đều bị đình trệ. Đây là đợt biểu tình bạo lực tồi tệ nhất trong nhiều năm qua kể từ khi Mặt trận Giải phóng dân tộc Sandino (FSLN) cầm quyền đánh đổ chế độ độc tài Somoza và tái thiết lập nền dân chủ tại Nicaragua năm 1979.
Theo ước tính của Quỹ Phát triển kinh tế xã hội Nicaragua (FUNIDES), tổng đình công kéo dài đã gây thiệt hại trên 900 triệu đôla cho nền kinh tế của đất nước vốn đang khó khăn.
Nicaragua vẫn đang là một trong những quốc gia nghèo nhất ở châu Mỹ. Nhà xã hội học Cirilo Otero nói: “Chúng tôi đang chứng kiến sự hỗn loạn xã hội ở Nicaragua, vì thiếu vai trò lãnh đạo của chính phủ, cuộc khủng hoảng này kết hợp với sự đói nghèo mà với bất kỳ xã hội nào, đấy đều là bom hẹn giờ”.
Tình hình tại Nicaragua đã khiến Mỹ ra tuyên bố ngừng hoạt động cấp thị thực tại quốc gia Trung Mỹ này “cho tới thông báo tiếp theo” do các “điều kiện an ninh bất ổn”. Trong một phát biểu gần đây, Tổng thống Ortega cáo buộc người biểu tình, đa số là sinh viên đại học đã bị các đảng cánh hữu có Mỹ tài trợ kích động và bị bọn lưu manh xâm nhập. Ông Ortega từng là du kích quân chống Mỹ, làm Tổng thống Nicaragua kể từ năm 1979 sau khi lật đổ chế độ độc tài Somoza.
Ông có công tạo ra một giai đoạn tăng trưởng kinh tế nhờ kết hợp các chính sách của chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa tư bản. Nhưng phe đối lập chỉ trích vợ chồng ông Ortega muốn lập chế độ độc tài gia đình trị, vì ông siết chặt quyền kiểm soát các cơ quan công quyền.
Công An nhân dân