NHÌN NHẬN LẠI THỰC TRẠNG VĂN HÓA TÂY NGUYÊN

 (Bài tham luận tại cuộc tọa đàm “Về Văn hóa Tây nguyên” lần 2)

——————

TS. Buôn Krông Tuyết Nhung

(Trường ĐH Tây Nguyên)

          Kính thưa toàn thể hội nghị, cho phép tôi được trình bày những cảm nhận của mình về thực trạng văn hóa Tây Nguyên để góp them tiếng nói đối với công tác bảo tồn và phát triển văn hóa Tây Nguyên trong quá trình phát triển bền vững hiện  nay.

Văn hóa truyền thống Tây Nguyên có một vai trò tác động, chi phối quan trọng đối với kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng tại Tây Nguyên. Tạo nên đặc trưng văn hóa Việt Nam “thống nhất trong đa dạng”. Hiện nay, văn hóa Tây Nguyên đang bị biến đổi không ngừng và đứng trước nguy cơ thách thức. Nhận diện thực trạng văn hóa Tây Nguyên sẽ góp phần bổ sung, lý giải những quan điểm bảo tồn, phát huy văn hóa Tây nguyên không chỉ có ý nghĩa về mặt lý thuyết mà cón có giá trị về thực tiễn.

Trước hết, chúng ta phải nhận diện yếu tố tạo nên không gian văn hóa Tây Nguyên. Yếu tố thứ nhất là văn hóa Tây Nguyên được cấu thành với không gian văn hóa làng trong đó có con người, nhà ở, nhà cộng đồng, vật dụng sinh hoạt, văn hoá vật thể và văn hóa phi vật thể. Yếu tố thứ hai là đất sản xuất (đất rừng canh tác) và đất phi nông nghiệp (khu săn bắn, đánh bắt thủy sản, bãi chăn thả gia sức…). Yếu tố thứ ba là khu rừng thiêng (gồm có khu mộ địa, bến nước, rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ). Yếu tố thứ tư là hệ thống các nguyên tắc điều hành xã hội, quản trị cộng đồng (luật tục).

Về cấu trúc văn hóa Tây Nguyên: Theo UNESCO, “văn hóa là một phức hệ – tổng hợp các đặc trưng diện mạo về tinh thần, vật chất, tri thức và tình cảm.., khắc họa nên bản sắc của một cộng đồng. Văn hóa không chỉ bao gồm nghệ thuật, văn chương mà còn cả lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống giá trị, những truyền thống, tín ngưỡng”. Như vậy ta có thể thấy rằng, văn hóa Tây Nguyên là toàn bộ sản phẩm do cộng đồng sáng tạo, thể hiện dưới dạng những đối tượng vật thể (hữu hình) và phi vật thể (vô hình) mang tính biểu tượng, được lan tỏa và trao truyền từ đời này sang đời khác.

Sơ đồ văn hóa Tây Nguyên gồm có:

–         Thứ nhất là văn hóa tổ chức xã hội (trong đó có cộng đồng, có văn hóa vật thể và phi vật thể);

–         Thứ hai là văn hóa nhận thức (trong đó nhận thức liên quan đến các cá nhân, liên quan đến giá trị của một con người) và hệ giá trị này được hình thành, được liên kết tạo thành văn hóa nhận thức liên quan đến cộng đồng;

–         Thứ ba là văn hóa ứng xử (với tự nhiên, xã hội). Ở đây có bài viết của một nhà giáo là ThS. Lý Vân Linh đã đề cập đến tri thức bản địa. Tri thức bản địa không chỉ thể hiện thông qua hai hệ thống về văn hóa mà còn thể hiện việc ứng xử của con người với tài nguyên thiên nhiên, với cộng đồng hay còn gọi là mối quan hệ xã hội.

Và hiện tại, văn hóa Tây Nguyên đang có một thực trạng rất đáng lo ngại:

–         Cơ tầng xã hội thay đổi: Văn hóa tổ chức Tây Nguyên biến đổi theo hướng mới, có sự xuất hiện của tổ chức chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương, và đặc biệt ở Tây Nguyên ta thấy có sự kết hợp với yếu tố truyền thống của các dân tộc bản địa;

–         Thiết chế tổ chức truyền thống chưa được xem là yếu tố văn hóa cơ bản, quan trọng tạo nên các yếu tố cấu thành mực xã hội bền vững tại Tây Nguyên: Trưởng làng (thường gọi là già làng hay khua buôn, khoa plei, kranh bon), hội đồng làng rất mờ nhạt; sự gắn kết cộng đồng dường như bị tách rời; tổ chức cá nhân bị xáo trộn; nguyên tắc quản trị cộng đồng (luật tục) chưa được phát huy… nên tính hiệu quả không cao;

–         Về hình thức, cấu trúc nội hàm của làng đa số biến đổi: khó có thể nhận diện được bản sắc dân tộc qua hình thức làng, trang phục hay ứng xử… nếu chúng ta không có chuyên môn;

–         Sự đan xen văn hóa giữa các tộc người làm thay đổi mang tính toàn diện cả vùng Tây Nguyên: tạo nên một cơ tầng xã hội mới. Từ sự thay đổi về hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc kéo theo sự khủng hoảng về hệ giá trị và chuẩn mực sống;

–         Sự đan xen giữa hệ giá trị truyền thống và hiện đại: đã làm thay đổi nhận thức, quan điểm và ý thức xã hội;

–         Nhận thức hiện tại về Tây Nguyên đối với các cộng đồng thiểu số xuất hiện theo những xu hướng sau:

Gắn kết giữa cá nhân với cộng đồng, xã hội (mang tư tưởng cầu tiến);

Một số tự tách ra khỏi tập thể, cộng đồng (ý thức cá nhân hẹp hòi, ích kỷ);

Lệch lạc trong nhận thức: nhận thức sai, thờ ơ, bất mãn hoặc nổi loạn… Theo quan sát của các nhà xã hội học thì các em người dân tộc ở Tây Nguyên khi đụng chạm đến Pháp luật của Nhà Nước thì các em không hiểu biết về giá trị văn hóa truyền thống, cũng không hiểu gì về Luật pháp của Nhà nước nên các em đã có những hành xử không đúng với quy tắc của cộng đồng cũng như nguyên tắc chung của Nhà nước;

Một số đi theo tín ngưỡng, tôn giáo mới và quay lưng lại với văn hóa truyền thống.

–         Văn hóa vật thể ngày càng mai một:

Di sản nhà dài, nhà rông, nhà mồ ngày càng bị xâm phạm nghiêm trọng. Thậm chí nạn chảy máu cồng chiêng, mua bán nhà dài xảy ra thường xuyên ở Tây Nguyên;

Mô hình mới xuất hiện không phù hợp làm mất đi tính tâm linh. Ví dụ nhà văn hóa cộng đồng (vị trí, kiến trúc, công năng, tổ chức quản lý… chưa phù hợp với thực tiễn). Chính vì thế chúng ta chưa phát triển được vai trò của nhà rông và nhà văn hóa cộng đồng;

+   Văn hóa trang phục, ẩm thực… bị lai căng, biến đổi.

–         Văn hóa phi vật thể:

+  Lễ hội ăn cơm mới, lễ hội cúng bến nước, lễ hội cầu mùa và cúng đất làng… cũng thưa dần, có nơi bị mai một hẳn;

+  Thế hệ trẻ không biết hoặc biết rất mờ nhạt về luật tục, về văn học, sử thi, dân ca dân vũ. Một bộ phận mù chữ viết hoặc không biết tiếng mẹ đẻ thậm chí quay lưng với chữ viết, tiếng nói của chính mình;

Ở một số địa phương, thế hệ trẻ không có cơ hội tham gia sinh hoạt văn hóa truyền thống, đôi khi nếu được tổ chức thì văn hóa này lại trở thành thứ văn hóa xa xỉ, lạ lẫm với thế hệ trẻ, xa lạ với chính cộng đồng, chủ thể đã sang tạo ra văn hóa.

–         Văn hóa tinh thần không thỏa mãn, một số người theo công giáo và xuất hiện ngày càng tăng ở Tây Nguyên: chính vì thế họ không tham gia văn hóa truyền thống, sản xuất, một bộ phận còn bỏ hẳn sinh hoạt văn hóa truyền thống như cồng chiêng, rượu cần, luật tục.

Đứng trước thực trạng trên, trong 10 năm trở lại đây, thực hiện công ước quốc tế về bảo tồn di sản văn hóa, chính quyền sở tại ở 5 tỉnh Tây Nguyên đã có sự nỗ lực rất lớn và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận sau đây:

–         Nhóm thứ nhất:

+   Nhiều nhà rông văn hóa tại các tỉnh Kon Tum, Gia Lai và nhà văn hóa cộng đồng tại tỉnh Đăk Lăk đã được bảo tồn, xây dựng;

+   Mô hình buôn làng văn hóa kiểu mẫu tại Lâm Đồng, như buôn Mliêng tại Đăk Lăk, buôn Akô Dhông ở Buôn Mê Thuột…

+   Lễ hội cồng chiêng được tổ chức theo định kỳ, liên quan đến sự kiện của chính quyền: Festival cồng chiêng ở Buôn Ma Thuột năm 2007, ở Gia Lai năm 2009, ở Kon Tum năm 2012;

+   Ngoài việc tự thân cộng đồng tổ chức nhỏ lẻ các truyền thống đã bị mai một: lễ đâm trâu, mùng lúa mới, cúng bến nước, lễ hội cầu mưa, lễ hội bỏ mả, lễ hội cúng sức khỏe, lễ hội đua voi,,, được phục dựng thông qua các sự kiện của chính quyền. Tuy nhiên, chúng bị tác động quá sâu bởi các kịch bản nên khó thu hút, khó hấp dẫn cộng đồng tham gia.

–         Nhóm thứ hai:

+   Công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn;

+   Công tác bảo tồn, sưu tầm, lưu giữ trong các trung tâm, bảo tàng của Nhà nước;

+   Di sản văn hóa vật thể được các tổ chức, cá nhân sưu tầm, trưng bày, bảo tồn tại một số nơi như: Bảo tàng Dân tộc học ở Hà Nội, làng văn hóa Đồng Mô, Nhà thờ Gỗ tại Kon Tum, Trung tâm tư nhân (làng café Trung Nguyên ở Buôn Ma Thuột, café Chuông Đá ở Buôn Ma Thuột, café Eva v à Adam ở Kon Tum…)

–         Nhóm thứ ba:

+   Đề tài nghiên cứu về văn hóa, tiêu biểu có Dự án sử thi, Dự án cồng chiên với kinh phí tương đối lớn;

+   Các đề tài nghiên cứu kho tàng truyện cổ, lời nói vần, sử thi, dân ca, dân vũ, lễ hội truyền thống… đã được thực hiện;

+   Các đề tài nghiên cứu liên quan đến ngôn ngữ, chữ viết như Fontaynguyen (TNKey), từ điển điện tử Việt – Ê-đê, Việt-Jrai, Việt-Mnông, Mnông-Việt, Việt-Stiêng, Stiêng-Việt… đã được các tỉnh chú ý;

+   Các tài liệu liên quan đến việc dạy tiếng nói và chữ viết của các dân tộc Tây Nguyên (Ê-đê, Mnông, Jray) cho học sinh tiểu học và cho công chức được triển khai từ những năm 2000 cho đến nay;

+   Ngoài dự án bảo tồn về sử thi và cồng chiêng, chưa có một dự án mang tầm chiến lược tổng thể để nhận diện tổng thể thực trạng di sản văn hóa truyền thống;

+   Các đề tài dự án nghiên cứu riêng lẻ, tản mạn, chưa thật sự tạo được sức bật, chủ yếu nghiên cứu cơ bản và chưa thật sự phát huy giá trị ứng dụng trong thực tiễn;

+   Gần đây, vì sự can thiệp quá sâu của chính quyền nên hoạt động lễ hội nghiên về quan phương hóa, đơn điệu hóa và trần tục hóa;

+   Một số lễ hội bị tách ra khỏi không gian văn hóa bị đơn điệu hóa, quan phương hóa, mất đi tính thiêng, nên chủ thể di sản chưa có nhiều cơ hội phát huy cũng như chưa thấy được vai trò vị trí của chúng đối với cá nhân họ và đối với phát triển cộng đồng.

Ý nghĩa: dẫu sao, qua những hoạt động vừa rồi, chúng ta thấy rằng:

–         Bước đầu nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của văn hóa đối với phát triển quản lý và phát triển xã hội tại Tây Nguyên;

–         Tăng cường hiểu biết giữa cộng đồng, tri diện rõ hơn vai trò, giá trị và sự đa dạng di sản văn hóa của chính dân tộc họ ở Tây Nguyên;

–         Qua những hoạt động này, tạo cơ hội cho cộng đồng thiểu số hội nhập, phát huy bản sắc văn hóa trong từng cộng đồng và cả khối dân tộc;

–         Mở rộng giao lưu, đối thoại văn hóa giữa các cộng đồng bản địa và khu vực theo xu hướng toàn cầu hóa.

 

 

Phân tích thực trạng trên:

–         Vai trò, gía trị của văn hóa chưa được nhận thức đúng đắn đối với quá trình phát triển bền vững kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng ở Tây Nguyên;

–         Thiết chế bảo tồn văn hóa truyền thống còn mang tính bề nổi, thiếu những dự án văn hóa trọng điểm, chưa có khả năng đột phá;

–         Các hoạt động văn hóa chưa mang tính lâu dài, đồng bộ và nhất quán; chưa có hoạt động nào liên quan đến việc nâng cao nhận thức các cấp về vai trò giá trị của văn hóa đối với sự phát triển bền vững;

–         Ngoài Dự án bảo tồn sử thi và cồng chiêng, chưa có một dự án mang tầm chiến lược tổng thể về văn hóa và một số quan điểm bảo tồn, phát huy thông qua nhận diện tổng thể thực trạng di sản văn hóa truyền thống.

–         Nhận thức lại giá trị của văn hóa Tây Nguyên đối với phát triển xã hội. Muốn bảo tồn văn hóa Tây Nguyên, cần phải bảo tồn phát triển không gian văn hóa Tây Nguyên giống như công nhận của UNESCO đối với không gian văn hóa cồng chiêng.

–         Lâu nay, tiến trình nhận diện, nhận thức cũng như thực tiễn tồn tại những vấn đề sau:

+   Giữa bảo tồn và phát triển thường nảy sinh một số xung đột như bảo tồn thì dẫn đến hạn chế phát triển và ngược lại, phát triển thì khó bảo tồn.

+   Nội hàm hai phạm trù này hoàn toàn trái ngược nhau. Vậy, vấn đề đặt ra của chúng ta là: Thứ nhất, quan niệm bảo tồn và phát triển như thế nào để hai phạm trù này đi cùng hướng, bổ trợ cho nhau và thúc đẩy sự phát triển của xã hội? Thứ hai, bảo tồn văn hóa truyền thống hay các giá trị văn hóa truyển thống phải trên nguyên tắc phát triển, vì mục tiêu phát triển chiến lược, cho nên cần phải lựa chọn cái nào để phát triển và phát triển như thế nào. Thứ ba, nguyên tắc phát triển phải là nguyên tắc mang ý nghĩa chỉ đạo cho việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống.

–         Tiếp theo, chúng ta cần đánh giá toàn diện về thực trạng, công tác bảo tồn di sản văn hóa Tây Nguyên trong những năm qua để rút ra những bài học kinh nghiệm và có giải pháp tốt hơn.

–         Cần có chính sách đặc thù về văn hóa truyền thống ở Tây Nguyên phù hợp với đặc điểm văn hóa xã hội Tây Nguyên.

–         Bảo tồn phát triển văn hóa Tây Nguyên theo quan điểm phát huy vai trò của chủ thể. Tôi đồng tình với quan điểm của một số các nhà khoa học cũng như các trí thức, cán bộ đã phát biểu sáng nay. Phát triển vai trò của chủ thể văn hóa Tây Nguyên cần gắn sinh kế của chủ thể cộng đồng với phát triển văn hóa.

–         Lộ trình bảo tồn và phát triển như sau:

+   Bảo tồn phát triển văn hóa gắn với ngành kinh tế du lịch. Hiện tại, xu hướng mới trên thế giới là lấy ngành kinh tế mũi nhọn phát triển về du lịch để kết nối, phổ biến và phát triển văn hóa.

+   Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển kinh tế. Theo quan sát cũng như điều tra của ngân hàng thế giới, chúng ta thấy Tây Nguyên là một vùng cùng cực nghèo. Số liệu này rất đậm nét ở Tây Nguyên. Vì vậy, muốn phát triển văn hóa thì chúng ta phải đầu tư phát triển về kinh tế.

+   Bảo tồn văn hóa gắn với đào tạo, nghiên cứu, giáo dục nguồn nhân lực tại Tây Nguyên. Cần xác định lại cấu trúc văn hóa Tây Nguyên và yếu tố tạo nên văn hóa Tây Nguyên một cách thỏa đáng với giá trị của văn hóa, phù hợp với thực tiễn và đời sống, đặc điểm về phong tục, tập quán của các cư dân tại Tây Nguyên cũng như dân tộc Kinh đang có mặt ở Tây Nguyên và các dân tộc phía Bắc. Từ đó, ta có thể phát huy giá trị đích thực tổng thể văn hóa Tây Nguyên đối với quản lý và phát triển xã hội theo hướng phát triển bền vững.

Vì thời gian chuẩn bị ngắn, bài viết của tôi chắc chắc còn có vấn đề bất cập cần phải trao đổi với các nhà khoa học và chính quyền.

Tôi xin trân trọng cảm ơn.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN