Quan hệ Đại Việt – Trung Hoa nhìn từ vấn đề ‘sắc phong, triều cống’

Thông qua vấn đề “sắc phong, triều cống” trong lịch sử, chúng ta có thể thấy rõ văn hóa ứng xử của Việt Nam đối với người láng giềng khổng lồ Trung Hoa.

Bài viết của TS Trần Nam Tiến, Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, ngoại giao được xem là một lĩnh vực quan trọng. Qua các thời kỳ lịch sử, chúng ta có thể nhận thấy hoạt động ngoại giao Việt Nam đã phản ánh nhiều nét đặc trưng của bản sắc văn hóa dân tộc; trong quan hệ với các nước, ngoại giao Việt Nam cũng đã góp phần quan trọng không chỉ đối với việc bảo tồn mà còn góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa của dân tộc trong việc ứng xử và tiếp biến các giá trị văn hóa của các dân tộc khác. Trong đó, quan hệ với Trung Hoa được xem là mối quan hệ lâu đời và quan trọng nhất của Việt Nam xuyên suốt chiều dài lịch sử. Với tư cách là một nước nhỏ nằm kế cận một nước lớn, văn hóa ứng xử của Việt Nam trong quan hệ với Trung Hoa luôn thể hiện một cách chủ động tích cực, mang đậm bản sắc dân tộc, cũng như sự hiểu biết và tôn trọng “thiên triều” Trung Hoa với mong muốn xây dựng một mối quan hệ hòa bình và ổn định. Tiêu chuẩn cao nhất của văn hóa ứng xử của Việt Nam đối với Trung Hoa vẫn là độc lập dân tộc nên tuy chủ trương mềm dẻo, chịu “thần phục” trên danh nghĩa thông qua “sắc phong, triều cống”, nhưng các vương triều Việt Nam luôn tỏ ra cứng rắn, không nhân nhượng khi Trung Hoa núp dưới danh nghĩa “điếu phạt” đưa quân xâm lược hoặc can thiệp vào nội bộ nước ta. Bài tham luận tập trung trình bày văn hóa ứng xử của Việt Nam trong quan hệ với Trung Hoa thời kỳ trung đại thông qua vấn đề “sắc phong, triều cống” trong quan hệ bang giao giữa hai nước.

Trích đoạn họa phẩm Cừu Anh chức cống đồ (仇英职贡图) do họa gia Cừu Anh của Trung Quốc vẽ khoảng đầu thế kỷ XVI, mô tả sứ đoàn Đại Việt (triều Lý) đem theo một con voi đen và hai con voi trắng sang triều cống hoàng đế Tống.

1. Như đã biết, Trung Hoa là một quốc gia phong kiến lớn với thể chế tập trung chuyên chế cao độ, luôn thể hiện tư tưởng bá quyền, thôn tính nước khác hoặc tạo nên một hệ thống chư hầu, lấy mình làm trung tâm, tự cho mình có quyền cất binh “điếu phạt”, buộc các quốc gia xung quanh phải lệ thuộc vào mình. Ngay từ khi nước Trung Hoa ra đời, người Trung Hoa đã coi họ là trung tâm thiên hạ, vua Trung Hoa là chúa tể thiên hạ, là con trời (thiên tử). Người Trung Hoa có văn hóa, lễ nghĩa, còn người Di Địch thì kém cỏi, lạc hậu.

Qua đó, Trung Hoa từ lâu luôn coi mình là trung tâm và luôn có tư tưởng coi thường các dân tộc xung quanh theo quan niệm: “khắp dưới gầm trời không đâu không là đất của vua, tất cả trên mặt đất không ai không là tôi của vua”. Chính tư tưởng này là cơ sở hình thành nên đường lối đối ngoại của các triều đại phong kiến phương Bắc. Không triều đại nào của Trung Hoa là không có những cuộc chiến tranh nhằm thôn tính các nước khác, nhằm mở rộng lãnh thổ làm sao cho tương xứng với tầm vóc của mình. Vua Đường Thái Tông đã từng nói: “Chinh phục man di ngày trước chỉ có Tần Thủy Hoàng và Hán Vũ Đế. Ta nay với thanh kiếm ba thước đã khuất phục hai trăm vương quốc, dẹp yên bốn bể, bọn man di ở cõi xa cũng lần lượt quy phục”[1].

Trên cơ sở sức mạnh vượt trội cả thực lực lẫn bề dày lịch sử, văn hóa, Trung Hoa thường “áp đặt” các điều lệ buộc các nước nhỏ xung quanh phụ thuộc vào “Thiên triều”. Quan hệ bang giao giữa Trung Hoa và các nước vốn gồm những lễ nghi như triều cống, xin phong vương, báo tang, chúc mừng Thiên tử lên ngôi hay chia buồn, và công việc quan trọng nhất của các sứ thần là giải quyết những tranh chấp về đất đai, đấu tranh giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ không để cho các biên thần của Thiên triều lấn chiếm vùng biên giới, xin hoãn binh hoặc giải quyết những hậu quả chiến tranh giữa hai nước, duy trì hoà bình… Trong đó, sắc phong và triều cống vốn là công cụ của thiên triều để khuất phục, ràng buộc các nước chư hầu và cũng là cớ để tiêu diệt hàng chục, hàng trăm nước trong khu vực ảnh hưởng của Trung Hoa.

Cống, theo điển lệ là hình thức biểu trưng cho sự lệ thuộc, phục tùng thiên triều của các nước chư hầu. Trong bang giao, duy trì chế độ sắc phong, triều cống nhằm tạo ra sự bình ổn về chính trị và cũng chứng tỏ một triết lý kiểu phương Đông: tất cả các sao đều phải chầu về ngôi tử vi để tọa – bậc chí tôn.

Việc một nước nhỏ chịu sắc phong tức là chịu nhận làm chư hầu, làm phên dậu cho Trung Hoa, công nhận uy đức và quyền tông chủ của Thiên triều và chịu nộp cống cho Thiên triều. Chính vì lẽ đó, các nước nhỏ thường phải chọn con đường ứng xử theo lối hòa bình, thần phục, chịu nhiều thiệt thòi, nhún nhường để ít nhiều có thể có được sự bình yên cho đất nước. Nhưng thực tế cho thấy, việc “sắc phong, triều cống” giữa Trung Hoa và các nước chư hầu còn tùy thuộc vào nhiều nhân tố, chẳng hạn tình hình nội bộ của thiên triều, vị trí và tiềm lực của nước chư hầu, và tương quan so sánh lực lượng giữa thiên triều và nước chư hầu.

Trong lịch sử Trung Hoa đã có nhiều trường hợp như: Nhà Hán có lúc phải thi hành chính sách “hòa thân” với Hung Nô phía Bắc; Bắc Tống tiêu diệt sáu nước để thống nhất Trung Hoa mà phải chịu nộp cống cho Liêu và Hạ. “Thiên triều” Nam Tống vào thời kỳ suy yếu cũng phải nộp cống cho nước Kim và còn cắt nhiều đất cho họ…

Đặc điểm nổi bật về địa chính trị của quan hệ Việt Nam – Trung Hoa là quan hệ giữa một nước nhỏ Việt Nam có chung biên giới với một cường quốc là Trung Hoa. Với Việt Nam, phong kiến Trung Hoa luôn muốn “biến Việt Nam thành khu đệm trên con đường tràn xuống Đông Nam Á”[2] nên Việt Nam luôn phải ứng phó thường trực với nguy cơ bị xâm lược và càng phải có đường lối, chiến lược, sách lược ngoại giao hợp lý.

Trong suốt mấy ngàn năm lịch sử, không triều đại phong kiến Trung Hoa nào không coi Việt Nam là phiên thuộc và luôn không ngừng tìm cách xâm chiếm, đồng hóa. Về đặc trưng văn hóa, Việt Nam vốn thuộc loại hình văn hóa gốc nông nghiệp với đặc trưng cơ bản là lối sống cộng đồng và trọng tình, nên truyền thống ứng phó với môi trường xã hội thường hướng đến tinh thần hiếu hòa, tránh đối đầu, tránh chiến tranh[3]. Chính xuất phát từ những đặc trưng gốc này, trong quan hệ với Trung Hoa luôn có thế ứng xử ngoại giao trên tinh thần hiếu hòa, hiểu biết, tôn trọng và cứng rắn qua các thời kỳ lịch sử.

Là một nước láng giềng của Trung Hoa ở phía Nam, Việt Nam cũng phải chịu quan hệ “sắc phong, triều cống”, tuy vậy quan hệ giữa Việt Nam và Trung Hoa không phải lúc nào cũng là quan hệ giữa chư hầu và tông chủ[4]. Tuy Việt Nam luôn chấp nhận hình thức “sắc phong, triều cống” theo văn hóa ứng xử “biết người biết ta”, nhưng không phải vua nào của Việt Nam cũng phải chờ thiên triều phong mới lên ngôi hoặc phải đợi ý kiến thiên triều giải quyết các vấn đề đối ngoại của mình.

2. Lịch sử bang giao giữa Việt Nam và Trung Hoa vốn hình thành từ rất sớm. Sách Trung Hoa Cương mục tiền biên chép rằng vua Hùng đã cử một sứ bộ ngoại giao đầu tiên đến chầu vua Nghiêu năm 2353 trước Công nguyên để dâng rùa và phải qua hai lần phiên dịch mới tới được Trung Hoa[5]. Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép năm 1110 trước Công nguyên, năm thứ 6 đời vua Thành Vương nhà Chu, vua Hùng từng cử sứ giả sang giao hảo với Trung Quốc và cống chim trĩ trắng; vua nhà Chu cho sứ giả năm cỗ xe có kim chỉ nam để trở về[6]. Tuy nhiên, chỉ đến khi Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, giành được độc lập (938), mở ra thời kỳ độc lập tự chủ cho dân tộc ta, Trung Hoa mới chú trọng đến vấn đề bang giao với ta với tư cách và vị thế của một nước.

Có nghĩa là, phải thực sự đến lúc này bang giao mới có tính chất hai chiều và ngoại giao với Việt Nam, Trung Hoa mới phải đầu tư thích đáng. Tuy nhiên, quá trình bang giao giữa các vương triều phong kiến Việt Nam và Trung Hoa không phải là một mối quan hệ bình đẳng, mà là mối quan hệ bất đối xứng, giữa nước lớn Trung Hoa và nước nhỏ Việt Nam. Do đó, ở kế một nước lớn như Trung Hoa, Việt Nam luôn phải có những ứng xử khôn khéo, phù hợp để tồn tại và phát triển. Một trong những con đường hiệu quả nhất là phát huy tối đa bản lĩnh và bản sắc văn hóa dân tộc trong ứng xử ngoại giao với Trung Hoa, trước hết là quan hệ mềm dẻo, linh hoạt, chịu làm nước nhỏ, nhận “sắc phong” và chịu “triều cống”.

Có thể nói, trong thời đại phong kiến, vấn đề “sắc phong” và “triều cống” là một cơ sở chủ yếu để xây dựng nên quan hệ ngoại giao giữa các vương triều phong kiến Việt Nam và Trung Hoa. Đây là một dạng quan hệ đặc biệt giữa các nhỏ với các nước lớn thời kỳ phong kiến ở phương Đông. Chúng ta có thể xem đây là “một kiểu quan hệ đặc biệt, kinh nghiệm trên thế giới chỉ thấy có trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng mà Việt Nam thường được xem là một thí dụ điển hình, với tất cả tính chất phức tạp, nhiều mặt của nó”[7].

Dưới ảnh hưởng của tư tưởng triết học Trung Hoa mà chủ yếu là Nho giáo, các vị vua thời phong kiến Việt Nam đều đã tự đặt quyền lực “trời” ban cho mình dưới quyền lực của “Thiên triều” Trung Hoa và xem đó như là một điều hợp lẽ trời trong quan hệ giữa nước lớn với nước nhỏ. Các vua nước ta lúc này dù xưng là hoàng đế với thần dân trong nước, song với họ nếu chưa được Thiên triều công nhận qua “sắc phong” thì cũng vẫn chưa có sự đảm bảo giá trị hợp pháp trong mắt người dân và các nước lân cận. Điểm lại lịch sử dân tộc, có thể thấy các vương triều Việt Nam đều phải chấp nhận và cần có sự “sắc phong” của phong kiến Trung Hoa, vừa như một sự thừa nhận vai trò của Trung Hoa, vừa như một đối sách ngoại giao để có được sự yên ổn của đất nước.

Nói đến vấn đề “sắc phong” giữa các triều đại phong kiến Việt Nam với Trung Hoa nhưng thực tế hoạt động cầu phong ấy chỉ thực sự bắt đầu thực hiện từ thế kỷ X, sau chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền (938), khi Việt Nam đã thoát ra khỏi ách đô hộ của phong kiến Trung Hoa, giành lại được nền độc lập hoàn toàn. Và phải đến thời nhà Đinh, với sự chủ động thiết lập quan hệ ngoại giao của Đinh Tiên Hoàng với nhà Tống ở Trung Hoa, thì quan hệ “sắc phong, triều cống” giữa hai nước mới đi vào thực chất. Điều này cũng đồng nghĩa với việc là, chỉ khi nào bị thất bại về mặt quân sự, phải trao trả chủ quyền đất nước cho Việt Nam; hoặc tình hình trong nước đang rối ren thì Trung Hoa mới chịu phong vương cho nước ta.

Chính Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí cũng đã chỉ rõ đặc điểm này: “Nước ta từ thời Hùng Vương mới bắt đầu thông hiếu với Trung Quốc, nhưng danh hiệu còn nhỏ, không được dự vào hàng chư hầu triều hội của nhà Minh đường. Rồi bị Triệu Đà kiêm tính, nhà Hán phong Đà làm Nam Việt Vương, chỉ được sánh với chư hầu của Trung Quốc, chứ chưa từng được nêu là một nước. Đến sau nội thuộc vào nhà Hán nhà Đường, bèn thành quận huyện. Đến khi Đinh Tiên Hoàng bình định các sứ quân, khôi phục mở mang bờ cõi, bấy giờ điển lễ sắc phong của Trung Quốc mới nhận cho đứng riêng là một nước”[8]. Bên cạnh “sắc phong” là “triều cống” – lệ định của Trung Hoa có từ lâu đời đối với các chư hầu (có từ khoảng năm 19 TCN đến gần hết thế kỷ XIX).

Rõ ràng, chưa bàn đến thực chất của quan hệ ngoại giao theo con đường “thần phục” vẫn có thể khẳng định rằng “sắc phong” và “triều cống” là hai hình thức hoạt động ngoại giao có tính bắt buộc do những điều kiện lịch sử – chính trị cụ thể quy định. Có thể nói, dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, các vị vua sau khi giành được chính quyền đều có mong muốn xin phong vương của các nhà nước phong kiến Trung Hoa. Lịch sử cho thấy, cho dù Việt Nam có độc lập tự chủ, nhưng Việt Nam là một nước nhỏ, sát cạnh ngay một quốc gia phong kiến Trung Hoa lớn gấp nhiều lần, lại thường xuyên có mưu đồ thôn tính Việt Nam. Vì thế, để đảm bảo an ninh, để có thể duy trì quan hệ hòa hiếu với nước láng giềng khổng lồ ấy, các vua nước ta phải có đường lối đối ngoại “mềm dẻo”, “lấy nhu, thắng cương”, giả danh “thần phục”, cầu phong Trung Hoa.

Hơn nữa, khi tiến hành cầu phong Trung Quốc, bên cạnh lợi ích dân tộc, các vị vua ở nước ta còn tính đến lợi ích giai cấp dòng họ mình, bởi ngay từ đầu họ đã nhận thấy sự cần thiết phải khẳng định chính thống, hợp pháp hoá sự tồn tại của triều đại mình, để ổn định “nhân tâm” và cũng là để làm chỗ dựa hậu thuẫn bảo vệ quyền lợi lâu dài của dòng họ. Điều này đồng nghĩa với việc họ phải sớm được “thiên triều” Trung Hoa phong hiệu. Xét thực tế, việc nhận phong vương của Thiên triều Trung Hoa ban cho vua Việt Nam có ý nghĩa khẳng định sự hợp pháp của triều đại đó với Thiên triều, Thiên triều có nghĩa vụ bảo đảm an ninh, toàn vẹn lãnh thổ cho quốc gia được phong vương, không thể vô cớ tự đem quân sang xâm chiếm trừ trường hợp đặc biệt nếu nước đó trái đạo trời. Tuy nhiên, việc xin phong vương của các triều đại phong kiến Việt Nam cũng trải qua nhiều khó khăn không phải ngay từ đầu đã được phong vương ngay. Tính từ sau khi Ngô Quyền giành lại được độc lập (938), trải qua mấy triều đại, mãi đến năm 1175 vua Tống Cao Tông mới phong cho vua Lý Anh Tông làm An Nam quốc vương[9].

Trong khi đó, bản thân Trung Hoa cũng sẵn lòng chấp nhận việc cầu phong của phía Việt Nam vì một mặt đó là phương tiện giao hảo, duy trì không để quan hệ giữa Trung Hoa – Việt Nam bị cắt đứt, mặt khác để cốt giữ lấy cái quan hệ giữa “thiên triều” Trung Hoa với “phiên thần” Việt Nam như là một nhu cầu thiết thân về cả lợi ích chính trị lẫn kinh tế của mình. Thực chất, Trung Hoa phong vương cho Việt Nam khi và chỉ khi không khống chế được về quân sự, điều ấy cũng đồng nghĩa với sự mạnh lên của nước ta về mọi mặt. Việc Trung Hoa phong vương cho nước Việt ngõ hầu để công nhận vị trí độc lập của ta theo điện lệ đã được xác định của Trung Hoa với các nước có quan hệ triều cống và thụ phong. Có được vị thế mới trong quan hệ bang giao với Trung Hoa, nước Việt phải dồn trí lực để bảo vệ và dựng xây nhằm kiến tạo một nước Việt của riêng mình, thoát dần khỏi những phong bế của thượng quốc.

3. Song dù được quy định nghiêm ngặt, nhưng qua theo dõi diễn biến việc sắc phong, cầu phong của các vua Đại Việt chúng ta thấy, việc thực hiện ra sao là tuỳ thuộc vào tương quan so sánh lực lượng giữa Trung Hoa và nước ta cũng như vào tiềm lực và vị thế của bản thân hai nước. Từ Đinh Tiên Hoàng đến Quang Trung, sau khi lên ngôi hầu hết đều sai sứ sang Trung Hoa xin cầu phong, nhưng trong rất nhiều trường hợp, chính “Thiên triều” Trung Hoa chủ động sai sứ sang sắc phong chứ các vua nước Nam không sang cầu phong. Điển hình như các vua triều Trần nhường ngôi nhau, chưa sang cầu phong: Trần Thái Tông (1225 – 1258), Trần Thánh Tông (1258 – 1278), Trần Nhân Tông (1279 – 1293).

Hay khi mới dựng nước, nhà Đinh, Lê chỉ được phong làm Kiểm hiệu thái sư, Giao chỉ quận vương rồi tiến dần lên Nam Bình Vương. Đến thời Lý, vua Lý Anh Tông mới là vị vua đầu tiên được nhà Tống phong làm An Nam Quốc vương và cũng lần đầu tiên nước ta được gọi bằng quốc hiệu An Nam…[10] So sánh trường hợp, Nhà Thanh phải phong vương cho Quang Trung nhưng nhà Minh trước đó lại không chịu phương vương cho Lê Lợi mặc dù cả hai người đều có điểm giống nhau là đã từng giáng cho Trung Hoa vào ý chí xâm lược của họ những đòn chí tử. Tất cả đều tùy thuộc vào thái độ của vua Trung Hoa đang trị vì và tình hình nội bộ của Trung Hoa lúc đó. Qua đó để chúng ta thấy tương quan lực lượng giữa hai nước có tác động như thế nào tới quan hệ bang giao. Hay nói cách khác quan hệ bang giao cũng là tấm gương phản ánh thế và lực của mỗi quốc gia.

Tuy nhiên khi đánh giá tính chất quan hệ này, chúng ta phải đặt trên một trục hệ giá trị được biểu hiện rất nhất quán trong lịch sử Việt Nam: Đó là sức mạnh của lòng yêu nước, của ý thức dân tộc sớm được trui rèn do lối sống cộng đồng vốn có của cư dân nông nghiệp và do yêu cầu phải đối phó thường trực với ngoại xâm. Nhìn từ góc độ này, có thể thấy thần phục, cụ thể là nhận “sắc phong” và thực thi “triều cống” của các vương triều phong kiến Việt Nam thời trung đại còn là biểu hiện của một đường lối ngoại giao mềm dẻo, chủ động trên tinh thần hiếu hòa. Điều này có thể thấy, từ việc đón tiếp sứ bộ Trung Hoa, việc thực hiện những nghi lễ phong vương long trọng đến việc ban thưởng và chiêu đãi sứ thần Trung Hoa sau lễ thụ phong là cả một sự “nhún nhường” của các vua nước ta với mục đích nhận được sắc phong của hoàng đế Trung Hoa.

Một mặt của chủ trương này là nhằm giữ quan hệ hòa hiếu giữ hai nước, mặt khác đảm bảo tính chính thống, hợp thức hoá sự lên nắm quyền của mình, phục vụ cho quyền lợi giai cấp dòng họ về lâu dài. Đó là phương cách giả danh “thần phục”, nhún nhường với Trung Hoa mà triều đại nào ở Việt Nam cũng áp dụng trong ứng xử với Trung Hoa. Tuy bề ngoài xin cầu phong vương, đón sứ thần Thiên triều sang ban sắc phong và trao ấn vàng, tượng trưng cho quyền lực của Thiên triều nhưng thứ này chỉ được các vua Việt cất kỹ. Ấn do Thiên triền ban chỉ dùng trong các công văn, thư, biểu dâng lên cho các quan lại Trung Hoa và Thiên tử. Còn đối với công việc trong nước, các vua Việt Nam vẫn xưng là hoàng đế và dùng ấn riêng theo tên hiệu của vua, lấy niên hiệu riêng như hiệu của Thiên tử Trung Hoa.

Mặc dù bề ngoài tỏ ra thần phục Thiên triều Trung Hoa nhưng các vương triều Việt Nam đã thi hành đường lối ngoại giao “trong xưng đế, ngoài xương vương”. Các vua Việt Nam ý thức được rằng mình là hoàng đế, coi mình ngang hàng với vua Trung Hoa trong việc trị nước, đó cũng chính là để khẳng định Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, không khác gì Trung Hoa. Và tất nhiên, các vua Việt Nam cũng không cho Thiên tử Trung Hoa can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia mình. Tất cả những cách ứng xử này đều được thể hiện rõ trong Bài thơ thần “Nam Quốc Sơn Hà” trong cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ hai như một bản tuyên bố về chủ quyền và độc lập dân tộc của đất nước.

Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi một lần nữa khẳng định điều này. Thông qua tác phẩm này, Nguyễn Trãi cũng khẳng định rõ Việt Nam từ lâu đời đã là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, lãnh thổ, có văn hiến, trong đó các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần đã đứng ngang hàng với các triều đại phong kiến phương Bắc. Văn hóa ứng xử của Việt Nam trong quan hệ với Trung Hoa còn thể hiện quyết liệt trong việc không cho đối phương khinh miệt nước ta và các vua nước ta, buộc Trung Hoa phải công nhận Việt Nam là một quốc gia ngang hàng với Thiêu triều. Trong các văn bản ngoại giao của Trung Hoa gửi cho Việt Nam, các triều đình phong kiến phương Bắc thường gọi nước Nam là Man di. Các sứ bộ đời Lê, Tây Sơn, Nguyễn đều kiên quyết đấu tranh buộc chúng phải sửa đổi, không được gọi nước Nam là “Man” và phải gọi sứ bộ là “An Nam cống sứ”.

Đấu tranh ngoại giao để giữ gìn quốc thể được thể hiện rõ qua việc vua Lê Đại Hành coi mình là vua một nước nên không chịu lạy khi nhận chiếu chỉ của Thiên triều. Các vua Việt Nam cũng kiên quyết đấu tranh chống lại những áp đặt, đòi hỏi vô lý, đấu tranh giữ vững chủ quyền, không cho các thế lực phong kiến phương Bắc can thiệp vào công việc nội bộ Việt Nam. Khi triều đình Trung Hoa đưa những tên tay sai bù nhìn về nước như Trần Di Ái đời Trần, Lê Chiêu Thống cuối đời Lê Trung Hưng thì các triều Trần và Tây Sơn đều không chấp nhận. Nhà Nguyên đòi nước ta phải nộp lương thực và quân lính cho chúng đi đánh các nước Đại Lý, Vân Nam và Chiêm Thành nhưng các vua Trần đều từ chối. Cách ứng xử khéo léo nhưng quyết liệt của phía Việt Nam làm cho các vua Trung Hoa rất tức giận nhưng phần lớn cũng đành phải bỏ qua.

4. Tuy nhiên, tiêu chuẩn cao nhất trong văn hóa ứng xử của Việt Nam vẫn là “độc lập dân tộc”, “chủ quyền và toàn vẹn” nên tuy chủ trương mềm dẻo, chịu “thần phục” trên danh nghĩa, các vương triều phong kiến Việt Nam luôn tỏ ra cứng rắn, không nhân nhượng khi Trung Hoa núp dưới danh nghĩa “điếu phạt” đưa quân xâm lược hoặc can thiệp vào nội bộ nước ta. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí đã nhận xét rất đúng khi nói rằng: “Trong việc trị nước, hoà hiếu với nước láng giềng là việc lớn… Nước Việt ta có cả cõi đất phía Nam mà thông hiếu với Trung Hoa, tuy nhân dân dựng nước có quy mô riêng, nhưng ở trong thì xưng đế, mà đối ngoại thì xưng vương, vẫn chịu phong hiếu, xét lý thế lực phải như thế”[11].

Phân tích nhận xét của Phan Huy Chú đề cập ở trên, chúng ta thấy Việt Nam là nước nhỏ nên luôn tỏ ra kính trọng nước lớn Trung Hoa, tuy nhiên nếu nước lớn định thôn tính Việt Nam thì chúng ta sẵn sàng đứng lên để chống lại. Khi nó ra đi rồi thì chúng ta lại cư xử mềm mỏng, mềm mỏng nhưng ngoan cường, không yếu hèn để buộc các triều đại phong kiến Trung Hoa phải tôn trọng mình. Đây như đã thành một nguyên tắc chi phối quan hệ ngoại giao của Việt Nam với Trung Hoa suốt các triều đại phong kiến. Nguyên tắc ấy là xuất phát điểm cho mọi hoạt động ngoại giao của nước ta thời bấy giờ, trong đó có hoạt động cầu phong của các triều đại phong kiến Việt Nam với Trung Hoa. Lịch sử quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Hoa cho thấy hầu hết các vương triều phong kiến Việt Nam đã kết hợp được một cách linh hoạt tính cách cứng rắn với mềm dẻo, hiếu hòa trong những ứng xử ngoại giao của mình, trong đó hiếu hòa là nền tảng, là bản sắc và cũng là kế sách lâu dài.

Điều này thể hiện rất rõ trong ứng xử của Lý Thường Kiệt khi đánh bại quân Tống nhưng lại chủ động đặt vấn đề điều đình để mở cho địch lối rút trong danh dự; thể hiện rất rõ trong ứng xử của vua quan nhà Trần trong ba lần đánh thắng quân Nguyên – Mông hay của Lê Lợi và Nguyễn Trãi sau khi đánh tan 10 vạn quân Minh tại Chi Lăng năm 1427… Những cách ứng xử này đều thể hiện được truyền thống hiếu hòa, độ lượng của dân tộc Việt, đồng thời thể hiện rõ chiến lược ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt của Việt Nam đối với phong kiến phương Bắc vì yêu cầu hòa bình, độc lập dân tộc.

Dưới sự lãnh đạo của Quang Trung, quân Tây Sơn đã đánh bại được cuộc can thiệp mang tính xâm lược của nhà Thanh. Tuy là người chiến thắng, vua Quang Trung vẫn chủ trương hòa đàm để sớm chấm dứt chiến tranh và cũng đã lên kế hoạch bình thường hóa quan hệ Việt – Trung sau chiến tranh. Ngay sau khi đại phá quân Thanh (1789), vua Quang Trung đã chủ động cử sứ sang Yên Kinh đưa thư cầu hòa. Trong thư cầu hòa này, vua Quang Trung khéo léo viết: “Kể ra lấy đường thiên triều so được thua với nước mọi rợ nhỏ mọn, tất phải đánh đến cùng… chắc lòng thánh đế không nỡ thế. Lỡ ra quân đánh triền miên mãi không thôi… thật không phải lòng thần mong muốn”[12]. Vua Quang Trung đã ứng xử linh hoạt, mềm dẻo trên cơ sở một bản lĩnh vững vàng, cứng cỏi. Chính vua Quang Trung bằng đấu tranh kiên quyết không khoan nhượng đã buộc Trung Hoa bỏ lệ bắt ta dâng người bằng vàng cho Trung Hoa, vốn là vấn đề tranh cãi trong quan hệ hai nước trước đó[13].

Sau khi triều Nguyễn thành lập (1802), trong quan hệ với Trung Hoa, Gia Long rồi Minh Mạng đã cố gắng phát huy truyền thống ngoại giao của dân tộc, tái lập quan hệ ngoại giao và bình thường hóa quan hệ với Trung Hoa để ổn định và phát triển đất nước. Gia Long tiếp tục đường lối “trong xưng đế, ngoài xưng vương” trong quan hệ với nhà Thanh. Tiếp tục thực hiện lối ứng xử truyền thống, Gia Long nhận “sắc phong” và thực thi “triều cống” nhưng hai nội dung này ở thời Gia Long nói riêng, triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX nói chung, vẫn dựa trên cơ sở của tinh thần hòa hiếu. Từ đời Gia Long đến đời Tự Đức, các vua triều Nguyễn đều chỉ xin nhận “sắc phong” khi đã lên ngôi xưng đế. Tuy khéo nhún nhường, mềm dẽo, nhưng các vua đầu triều Nguyễn vẫn thể hiện vai trò của hoàng đế của một quốc gia độc lập đối với nhà Thanh Trung Hoa.

Bên cạnh đó, các vua đầu triều Nguyễn còn tỏ rõ sự cứng rắn và nguyên tắc khi bị động chạm đến độc lập của nước và bản sắc văn hóa của dân tộc trong sự đối sánh với Trung Hoa. Khi bàn về trang phục trong lễ Dụ tế, Minh Mạng khẳng định “Ta tự theo lễ nước ta”[14]. Cũng dưới thời Minh Mạng, năm 1831, Trung Hoa đem 600 ngàn quân vượt qua biên giới đòi Việt Nam giao vùng Phong Thu – Hưng Hóa (nay thuộc tỉnh Lai Châu), Minh Mạng đã kiên quyết đấu tranh trên cả hai mặt trận ngoại giao và quân sự, vừa mềm dẻo, vừa kiên quyết khẳng định “đồn Phong Thu nguyên lệ thuộc bản triều”, buộc Trung Quốc phải rút quân và xin lỗi[15]. Dưới thời Thiệu Trị và Tự Đức, mềm dẻo và cứng rắn trong quan hệ với Trung Hoa cũng được thực hiện nhất quán.

5. Những điều trình bày trên cho thấy truyền thống ngoại giao của Việt Nam thể hiện khá rõ và khá tập trung bản sắc văn hóa của dân tộc, ở đây là văn hóa ứng xử, vừa tận dụng, vừa đối phó với môi trường xã hội vì sự tồn vong của đất nước. Trong tư tưởng của các triều đại phong kiến nước ta – đại diện cho cả dân tộc Việt Nam lúc này cũng giống như tư tưởng của người Việt Nam hàng nghìn năm qua luôn hiểu khái niệm “độc lập” có nghĩa là đất nước hòa bình, không có ngoại xâm, phương Nam và phương Bắc cương giới phân định rõ ràng, còn “lệ thuộc” được hiểu là bị mất độc lập, bị ngoại bang xâm chiếm đất đai, lãnh thổ và bị đè nén, áp bức trên mọi lĩnh vực.

Việc xin phong vương và triều cống của Việt Nam đối với Trung Hoa nhằm xác nhận ảnh hưởng của Thiên triều với nước nhỏ và cũng là cơ sở để duy trì mối quan hệ hữu nghị trên cơ sở học thuyết Khổng Mạnh mà giai cấp phong kiến Trung Hoa lần Việt Nam đều hiểu và tuân theo. Nếu chúng ta đối chiếu cách hiểu trên với việc sắc phong, triều cống thời bấy giờ thì rõ ràng là việc thực hiện sắc phong, triều công của các triều đại phong kiến Việt Nam với Trung Hoa lúc này xét về cơ bản là không xâm phạm vào nguyên tắc “độc lập”, tức là sẽ không bị “lệ thuộc” theo cách hiểu như trên. Như vậy, việc phong vương cũng như triều cống theo quy định là đặc điểm nổi bật trong bang giao Việt và Trung Hoa thời phong kiến.

Thông qua vấn đề “sắc phong, triều cống”, chúng ta có thể thấy rõ văn hóa ứng xử của Việt Nam đối với người láng giềng khổng lồ Trung Hoa. Thực tế cho thấy, các danh hiệu mà các triều đình Trung Hoa phong cho các vua Việt Nam chỉ mang tính chất tượng trưng, không được phía Việt Nam “thừa nhận”. Xét về thực chất, việc Trung Hoa phong vương cho Việt Nam trước hết là công nhận vị trí độc lập của Việt Nam theo điển lễ đã được xác định của Trung Hoa với các nước có quan hệ triều cống và thụ phong. Và đối với Việt Nam, nước có biên giới ngay sát đại đế quốc phong kiến Trung Hoa, lại đã từng bị Trung Hoa xâm chiếm hàng ngàn năm, thì việc cầu phong luôn được sử dụng như một phương sách ngoại giao để giữ mối quan hệ hoà hiếu với nước láng giềng Trung Hoa.

Các vị vua Việt Nam thời kỳ phong kiến ngoài thì xưng vương nhưng trong nước lại xưng đế, với ý khẳng định chủ quyền độc lập của quốc gia, cho thấy vai trò của vua nước Nam vẫn ngang hàng với các vua Trung Hoa – Thiên triều. Các vua Việt Nam qua các triều đại luôn có ý thức này, trong quan hệ với Trung Hoa, họ luôn coi đây là quan hệ giữa hai nước cùng cấp, đã dùng thuật ngữ “bang giao”, “Nam triều, Bắc triều”, mọi công việc vẫn giải quyết độc lập, tự chủ, không phụ thuộc vào ý kiến của Thiên triều. Hơn nữa, tuy danh nghĩa là “Thiên tử” đứng đầu “Thiên hạ” song thực tế thì Trung Hoa không được biết gì nhiều về những công việc nội trị của Việt Nam, ngoài những thông báo mang tính nghi lễ ngoại giao việc vua này lên ngôi, vua khác băng hà…

Mặc dù luôn tỏ ra “thần phục” Thiên triều thông qua “sắc phong” và “triều cống”, nhưng khi các thế lực phong kiến Trung Hoa có ý đồ xâm lấn đất đai biên giới, lãnh thổ hay khi an ninh biên giới bị đe doạ thì các triều đại phong kiến Việt Nam đều kiên quyết đánh trả bằng mọi phương tiện quân chính trị, ngoại giao, quân sự… quyết không để một tấc đất của dân tộc rơi vào tay ngoại bang. Có thể nói, không phải ngẫu nhiên mà tác giả Tsuboi trong Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa đã nhấn mạnh rằng: “Lịch sử của đất nước Việt Nam cũng là lịch sử của sự khẳng định độc lập với Trung Hoa”[16].

Có thể nói, lịch sử Việt Nam đã hằn sâu dấu ấn của cuộc đối kháng chống đế quốc Trung Hoa, bảo vệ độc lập, tự chủ của dân tộc trong đó Việt Nam đã giành những chiến thắng vang dội khiến các triều đại phong kiến phương Bắc phải nể phục. Tuy nhiên, sau chiến tranh, mặc dù là người chiến thắng, nhưng cách ứng xử của các triều đại Việt Nam vẫn luôn thể hiện sự khôn khéo, “biết người biết ta”, vẫn duy trì “sắc phong, triều cống” để không làm mất mặt Thiên triều, thực hiện mục tiêu “Độc lập thật sự, thần thuộc danh nghĩa”, qua đó giữ vững độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và hoạt động cầu phong, triều cống của các triều đại phong kiến Việt Nam cũng không nằm ngoài mục đích tối cao ấy.

Trong bối cảnh hiện nay, xu thế toàn cầu hóa trở thành xu thế chủ đạo, xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển đã thành xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới thì ngoại giao lại càng trở nên quan trọng đối với mỗi quốc gia trong việc giữ vững nền độc lập, tự chủ. Trong đó, quan hệ với các nước lớn luôn được các quốc gia tính tới trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của mình. Có thể nói, quan hệ với các nước lớn ngày xưa và ngày nay tuy mỗi thời kỳ có khác nhau song những nét cơ bản trong văn hóa ứng xử đối với các nước lớn mà ông cha ta để lại có những giá trị tham khảo rất cần thiết, mà chúng ta cần học tập và phát huy trong việc tìm kiếm những đối sách thích hợp để ứng xử với các nước lớn trong thời đại ngày nay.

——————————–

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đinh Thị Dung, Quan hệ ngoại giao của triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ 19,Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Đại học Sư phạm TP.HCM, 2001.
2. Lưu Văn Lợi, Ngoại giao Đại Việt, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2000.
3. Lưu Văn Lợi, Ngoại giao Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2004.
4. Ngô Sỹ Liên và nhóm tác giả triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tập 1, 2, 3, 4, 1967-1972.
5. Nguyễn Anh Dũng, Về chủ nghĩa bành trước Đại Hán trong lịch sử, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1982.
6. Nguyễn Lương Bích, Lược sử ngoại giao Việt Nam các thời trước, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000.
7. Nguyễn Thế Long, Bang giao Đại Việt triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2005.
8. Nguyễn Thế Long, Bang giao Đại Việt triều Trần – Hồ, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2005.
9. Nguyễn Thế Long, Bang giao Đại Việt, triều Lê, Mạc, Lê Trung Hưng, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2005.
10. Nguyễn Thế Long, Bang giao Đại Việt triều Nguyễn, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2005.
11. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí – Bang giao chí, bản dịch Viện Sử học, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1961.
12. Tạ Ngọc Liễn, Quan hệ giữa Việt Nam & Trung Quốc thế kỷ XV – đầu thế kỷ XVI, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995.
13. Thư tịch cổ Việt Nam nói về chủ nghĩa bành trướng Đại Hán, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1985.
14. Trần Văn Cường, Ngoại giao Việt Nam từ thuở dựng nước đến trước Cách mạng tháng Tám 1945, Học viện Quan hệ quốc tế, Hà Nội, 2001.

Theo KHOAVANHOC-NGONNGU.EDU.VN

BÌNH LUẬN