Ngày này năm xưa: Án tử cho Saddam Hussein - 'Một trò chơi chính trị'?

Ngày 5/11/2006, Tòa án tối cao của chính phủ lâm thời Iraq tuyên án tử hình cựu Tổng thống Saddam Hussein vì vụ thảm sát 148 người Hồi giáo Shi’ite tại Dujail năm 1982. Bản án cũng như vụ xét xử đã gây tranh cãi lớn trong cộng đồng quốc tế lúc bấy giờ.

3 năm sau khi liên quân do Mỹ dẫn đầu tiến đánh Iraq với cái cớ Bagdad sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, rồi lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein, chính phủ lâm thời Iraq đã thành lập một tòa án đặc biệt để xét xử ông vì các cáo buộc tội phạm chiến tranh, tội ác chống lại loài người và diệt chủng.

Cựu Tổng thống Iraq Hussein bịt một mắt trong khi lắng nghe các công tố viên luận tội mình trước tòa năm 2006. Ảnh: Reuters

Phiên tòa đầu tiên diễn ra vào ngày 19/10/2005. Tại phiên xử này, Hussein cùng 7 phụ tá phải ra trước vành móng ngựa vì chỉ đạo vụ thảm sát ở Dujail nhằm trả đũa một âm mưu ám sát bất thành của các thành viên thuộc đảng Hồi giáo Dawa tại đây vào tháng 7/1982. Bất chấp sự phản đối của dư luận trong và ngoài Iraq cũng như chính các bị cáo, ông Hussein rốt cuộc vẫn bị tuyên có tội và bị kết án tử bằng hình thức treo cổ.

Ngoài cựu tổng thống, hai đồng bị cáo khác cũng phải nhận án tử là các quan chức trong chính quyền của ông, gồm Barzan Ibrahim al-Tikriti, em cùng cha khác mẹ với ông, từng giữ chức giám đốc cơ quan tình báo và cựu Chánh án Tòa án cách mạng Iraq Awad Hamed al-Bandar.

Ngày 26/12/2006, tòa án tối cao Iraq đã bác đơn xin kháng cáo của ông Hussein và giữ nguyên án tử hình đối với ông. Không có thêm bất kỳ nỗ lực xin kháng cáo nào nữa và nhà chức trách ra lệnh xử tử cựu tổng thống trong vòng 30 ngày kể từ tời điểm đó. Địa điểm và thời gian hành quyết Hussein đã được giữ bí mật cho tới sau khi bản án được thi hành.

Ông Hussein rốt cuộc bị treo cổ tại một căn cứ quân sự của Mỹ ở phía bắc Baghdad vào ngày 30/12/2006, ngày đầu tiên của lễ Eid Al-Adha của người Hồi giáo. Sau khi ông chết, chính phủ lâm thời Iraq đã xóa bỏ mọi cáo buộc khác đối với ông. Trước đó, vào ngày 21/8/2006, cựu Tổng thống Iraq và 6 đồng bị cáo đã phải hầu tòa trong một vụ xét xử riêng rẽ vì cáo buộc phạm tội diệt chủng, liên quan đến chiến dịch quân sự Anfal chống lại người Kurd ở miền bắc Iraq thời còn tại vị.

Sự cố đã thu hút sự quan tâm, theo dõi sát sao của cộng đồng quốc tế lúc bấy giờ. Ngay trong quá trình xét xử Hussein, các tổ chức nhân quyền trên thế giới đã chỉ trích phiên toà diễn ra không đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế.

Theo tờ New York Times của Mỹ, phiên tòa xử cựu tổng thống Iraq đã được chuẩn bị một cách vội vã, dù hồ sơ của các cơ quan chính phủ Iraq dưới thời ông cầm quyền, liên quan đến các quyết định của ông và được sử dụng làm bằng chứng đã lên đến 40 tấn. Ngoài ra, Mỹ đã can thiệp quá sâu vào tiến trình xét xử.

Cụ thể, không giống như các phiên xử cựu Tổng thống Nam Tư Milosevic tại tòa án quốc tế La Haye, tòa án Iraq phải trông cậy quá nhiều vào Mỹ. Mỹ đã tổ chức, tài trợ và hướng dẫn tòa án Iraq, bao gồm cả việc chi 138 triệu USD để sửa trụ sở cũ của đảng Ba’ath tại Baghdad thành phòng xử án, đưa một nhóm 50 luật sư, nhà điều tra, chuyên gia pháp y,… từ Mỹ, Anh và Australia tới Iraq.

Bị cáo Hussein công khai phản đối các cáo buộc của tòa. Ảnh: NYT

Một số chuyên gia luật quốc tế tỏ ra hoài nghi về tính hợp pháp và công bằng của phiên tòa xử Hussein. Một số người thậm chí cáo buộc đây là “trò chơi chính trị” hay “hành động trả thù”.

Trong một cuộc trao đổi độc quyền với báo RT năm 2016, Rizgar Amin, người từng giữ chức chánh án phiên tòa xử Hussein cách đó 10 năm, đã tiết lộ những khuất tất liên quan đến vụ án. Ông Amin là thẩm phán duy nhất được công bố tên tuổi tại phiên xử khai mạc vào tháng 10/2005. Song, ông đã từ chức vào tháng 1/2006 sau khi đối mặt với các áp lực từ chính phủ lâm thời Iraq nhằm đẩy nhanh quá trình tố tụng.

Ông Amin thừa nhận, phiên tòa chịu sự tác động của giới cầm quyền cũng như nhiều “thế lực chính trị khác”. Theo cựu chánh án này, Liên minh cầm quyền lâm thời Iraq (CPA), cơ quan thành lập tòa án đặc biệt Iraq chuyên trách vụ xử cựu Tổng thống Hussein, thực tế hoạt động tại Iraq như một đơn vị của Lầu Năm Góc.

CPA có cả quyền hành pháp, lập pháp cũng như tư pháp, và nằm dưới sự lãnh đạo của nhà ngoại giao Mỹ Lewis Paul Bremer cho tới tận giữa năm 2004. Sắc lệnh đầu tiên của ông Bremer là giải tán quân đội Iraq cũng như đảng cầm quyền Ba’ath và tạo ra một Hội đồng điều hành Iraq. Các thành viên của hội đồng do ông Bremer lựa chọn từ các nhóm và những cá nhân ủng hộ Mỹ tiến đánh Iraq năm 2003.

Ông Amin mô tả các phiên xử cựu lãnh đạo chính phủ Iraq như “công lý của kẻ thắng chứ không phải phụng sự lẽ phải như chức trách của chúng”. Theo ông, “khát khao trả thù thống trị các phiên xử”.

Ông Hussein bị treo cổ tại một căn cứ quân sự của Mỹ ở phía bắc Baghdad vào ngày 30/12/2006. Ảnh: Word Press

Ông Amin cũng chỉ ra rằng, Khamis al-Obeidi, một luật sư bào chữa cho ông Hussein đã bị bắt cóc và bị giết hại sau phiên xử đầu tiên, vào ngày 21/6/2006. Một số luật sư khác tham gia biện hộ cũng bị đe dọa hoặc thậm chí bị sát hại. Việc không đảm bảo an toàn cho các luật sư do đó được coi là một trong những lí do khiến họ không đủ can đảm để theo đuổi bản án công bằng và chỉ ra những sai trái trong phán quyết của tòa.

Ngoài ra, theo cựu Chánh án Amin, việc hành quyết ông Hussein đã vi phạm Điều 290 của Bộ luật Tố tụng hình sự Iraq, vốn quy định án tử hình không được phép thực thi vào ngày lễ lớn của quốc gia hoặc ngày lễ tôn giáo của người chịu án. Nó cũng vi phạm Điều 27 của cùng bộ luật về quy định khoảng thời gian bắt buộc từ thời điểm tuyên án đến khi thành án là 30 ngày.

Tuấn Anh/VietNamNet

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN