Khải Hoàn Môn tan hoang sau biểu tình lớn nhất thập niên ở Paris

Khải Hoàn Môn, “chứng nhân” lịch sử của nước Pháp, không chỉ chứng kiến cuộc biểu tình lớn nhất thập kỷ ở Paris mà, tệ hơn, còn trở thành “nạn nhân” trong vụ việc.

Những nhóm người mặc đồ đen, đeo mặt nạ làm náo loạn trung tâm Paris, Pháp hôm 1/12, tạo ra tình trạng bất ổn nghiêm trọng nhất ở thủ đô kể từ năm 1968. Vụ việc cũng đặt ra thách thức lớn nhất với Tổng thống Emmanuel Macron trong vòng 18 tháng nhiệm kỳ. Ảnh: AP.

Cuộc bạo động chống lại quyết định tăng giá xăng và chi phí sống đắt đỏ bắt đầu nổ ra hôm 17/11 và nhanh chóng lan truyền qua mạng xã hội. Những người biểu tình nhắm vào Khải Hoàn Môn, một trong những công trình được tôn kính nhất của Pháp. Ảnh: AP.

Các dòng chữ graffiti nguệch ngoạc xuất hiện trên Khải Hoàn Môn, trong đó có khẩu hiệu yêu cầu Tổng thống Macron từ chức. Ảnh: Reuters.

Một khẩu hiệu khác của nhóm “áo khoác vàng” được sơn lên trên tường Khải Hoàn Môn với nội dung “Áo khoác vàng sẽ giành chiến thắng”. Phong trào “áo khoác vàng” là phong trào biểu tình tự lập, được cho là không liên quan tới các đảng phái chính trị và là phản ứng dữ dội của người Pháp chống lại chính sách của ông Macron. Ảnh: Reuters.

Khải Hoàn Môn chỉ là một trong hàng trăm công trình bị tấn công, phá hoại vào hôm 1/12, khi khu vực Đại lộ Champs-Elysees ngay tại thủ đô Paris biến thành chiến trường. Ảnh: Reuters.

Tượng Marianne, một biểu tượng khác của nước Pháp, bị người biểu tình đập vỡ. Bức tượng nằm trong Khải Hoàn Môn, công trình được xây dựng từ thế kỷ 19. Dưới mái vòm của Khải Hoàn Môn là mộ của các chiến sĩ vô danh. Một số nhóm biểu tình còn tháo dỡ hàng rào bao quanh để tiến vào khu vực bia liệt sĩ. Ảnh: AP.

Ngày 2/12, Tổng thống Macron tới Khải Hoàn Môn, sau khi trở về từ hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina. Lên án bạo lực, ông nói rằng: “Không một lý do nào có thể biện hộ cho việc các cửa hàng bị cướp bóc, người qua đường hay các nhà báo bị đe dọa, còn Khải Hoàn Môn thì bị phá hoại”. Ảnh: AP.

Tổng thống Macron cũng đã cân nhắc tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong buổi gặp với các quan chức an ninh ngày 2/12. Trong ảnh, tổng thống Pháp nói chuyện với cảnh sát và lực lượng cứu hỏa tại một đại lộ gần Champs Elysees. Trong lúc một số người hoan nghênh hành động của ông, nhiều người khác vẫn hô khẩu hiệu “Macron, từ chức!”. Ảnh: AFP/Getty.

Theo Reuters, chính quyền bất ngờ và bị động trước sự gia tăng bạo lực của phong trào biểu tình hôm 1/12. Người biểu tình lập ra các lô cốt, hàng rào thủ công bằng bàn ghế gỗ và phế liệu, đốt lửa thiêu rụi nhiều phương tiện giao thông, ném đá vào đội hình cảnh sát chống bạo động, cướp phá nhiều cửa hàng địa phương. Ảnh: AFP.

Những cuộc biểu tình liên tiếp không chỉ thể hiện phản ứng của người dân đối với quyết định tăng giá xăng của ông Macron mà còn phản ánh sự bất mãn sâu sắc của họ đối với các chính sách cải cách kinh tế nói chung. Nhiều người cho rằng cải cách thiên vị người giàu và những doanh nghiệp lớn. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, tổng thống khẳng định việc tăng giá xăng dầu là điều cần thiết để ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo người phát ngôn chính phủ Benjamin Griveaux, ông Macron sẵn sàng đối thoại, tuy nhiên sẽ không rút lại việc cải cách chính sách. Ảnh: Reuters.

Tại Paris, cảnh sát đã bắt hơn 400 người. 133 người bị thương, trong đó có 23 thành viên lực lượng an ninh. Người phát ngôn Griveaux thúc giục phong trào “áo khoác vàng” tách khỏi các nhóm cực đoan đã xúi giục bạo lực để có thể ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, “chúng tôi sẽ không thay đổi định hướng. Đây là hướng đi đúng đắn. Chúng tôi chắc chắn về điều này”, ông nói về các chính sách của tổng thống. Ảnh: Reuters.

Giới chức cho rằng các nhóm bạo lực cực hữu và cực tả, cùng “những tên côn đồ” ở vùng ngoại ô đã thâm nhập vào đám đông biểu tình, làm gia tăng hỗn loạn. Ảnh: Reuters.

Người biểu tình gọi đây là “sự khởi đầu của cách mạng”. Tuy nhiên, Tổng thống Macron phê phán họ đã “phản bội chính lý tưởng mà họ giả vờ phụng sự”. “Những người gây ra bạo lực không muốn thay đổi, không muốn tiến bộ. Họ muốn hỗn loạn”, ông nhấn mạnh. “Tôi sẽ luôn tôn trọng đàm phán và sẽ luôn lắng nghe phía đối lập, nhưng tôi không bao giờ chấp nhận bạo lực”. Ảnh: AFP/Getty.

Xe ôtô bị đốt cháy, phá hủy, nằm ngổn ngang trên phố. Thị trưởng Paris Anne Hidalgo, nói những hành động phá hoại và tấn công cảnh sát là “đáng hổ thẹn và đau lòng”. Ảnh: Reuters.

Phong trào biểu tình leo thang đặt ra thách thức lớn trong lúc ông Macron đang cố gắng cải thiện tỷ lệ ủng hộ vừa rớt xuống còn 30%. Phản ứng không khoan nhượng của tổng thống Pháp đã khiến ông bị buộc tội xa lánh người dân. Ảnh: Reuters.

“Khó để sống tới cuối tháng. Người dân làm việc và phải đóng nhiều loại thuế. Chúng tôi chán ngấy rồi”, Rabah Mendez, một người biểu tình, nói. Đây là cuộc bạo loạn nghiêm trọng nhất kể từ khi phong trào “áo khoác vàng” phát động biểu tình 3 tuần qua. Hình ảnh Khải Hoàn Môn, vốn là địa danh lịch sử thu hút khách du lịch, giờ liên tục xuất hiện trên báo và trở thành một trong những tâm điểm biểu tình và bạo lực. Ảnh: AFP.

Ngọc Hà/Zing

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN