Brazil gia nhập NATO?

Chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người vốn được được mệnh danh “Donald Trump nhiệt đới”, vào ngày 19-3 thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế bởi nhiều yếu tố trong đó có đề xuất cho phép Brazil trở thành thành viên của NATO. Pháp và Nga là những nước đầu tiên lên tiếng phản đối đề xuất này.

Đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông Jair Bolsonaro kể từ khi bất ngờ được bầu làm Tổng thống Brazil cách nay 3 tháng. Khác với thông lệ của các đời Tổng thống Brazil trước, ông Jair Bolsonaro không chọn thăm nước láng giềng Argentina mà lại chọn Mỹ bởi một điều dễ hiểu: hai người có nhiều điểm chung được hình thành từ chính sách bảo thủ và dân túy của họ.

Hai ông đều là người rất thích khiêu khích, gửi tin nhắn Twitter liên tục, rất dè dặt đối với chính sách đa phương, chống đối nhập cư. Hai người cùng quan điểm về Venezuela, cả hai đều đòi Tổng thống Maduro ra đi.

Ông Bolsonaro, một cựu chỉ huy quân đội, người đã lên nắm quyền tổng thống với một chiến dịch được mô phỏng theo cuộc tranh cử năm 2016 của Tổng thống Donald Trump, cho rằng ông luôn ngưỡng mộ Hoa Kỳ và càng ngưỡng mộ hơn từ khi ông Trump được bầu lên. Ông Bolsonaro còn dự đoán là ông Trump sẽ được bầu, lại đồng thời nhấn mạnh về việc tìm kiếm một kỷ nguyên mới cho mối quan hệ thân thiết với Hoa Kỳ.

Theo AFP, chưa có một nguyên thủ nước ngoài công khai ủng hộ toàn bộ chính sách của ông Trump như ông Bolsonaro và Tổng thống Mỹ đã không che giấu sự hài lòng. Tổng thống Brazil đã ca ngợi sự kiên định của ông Trump về vấn đề bức tường và chỉ trích Pháp mở cửa toang hoang biên giới cho người tị nạn.

Chủ đề Trung Quốc cũng chiếm một lượng lớn thời gian của cuộc thảo luận giữa hai “ông Trump” vì Trung Quốc, hiện đang bị lôi kéo vào cuộc chiến thương mại với Mỹ, mà vấn đề giao thương và đầu tư với Brazil của Mỹ bị lu mờ. Trong các cuộc đàm phán, phía Hoa Kỳ cũng đưa ra khuyến cáo với Brazil về những lo lắng trong vấn đề an ninh, liên quan đến công ty kỹ thuật viễn thông Huawei của Trung Quốc.

Dù vậy, vài giờ sau khi gặp gỡ Tổng thống Donald Trump, ông Bolsonaro tuyên bố rằng ông sẽ đến thăm đất nước này vào nửa cuối của năm nay. Theo Reuters, Trung Quốc được xem là đối tác thương mại hàng đầu của Brazil.

Ông Trump khen ngợi ông Bolsonaro là đã làm một công việc tuyệt vời và tuyên bố với người đồng cấp Brazil rằng ông sẽ chỉ định Brazil là một đồng minh lớn không thuộc NATO và có thể tiến xa hơn bằng cách hỗ trợ cho một chiến dịch biến Brazil trở thành đồng minh của NATO. “Chúng tôi rất, rất nghiêm túc xem xét điều này, có thể là thành viên NATO hoặc một cái gì đó khác có liên quan đến Liên minh”, ông Trump nói với các phóng viên.


Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 19-3.

Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump cho biết ông ủng hộ tư cách thành viên của Brazil trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Nếu được Mỹ bật đèn xanh, chắc chắn Brazil sẽ sớm gia nhập OECD, khi đó vị thế và uy tín của nước này trên trường quốc tế là rất lớn.

Trước cuộc gặp một ngày, Tổng thống Brazil Bolsonaro đã ký một thỏa thuận để cho phép phóng vệ tinh thương mại Mỹ từ căn cứ Alcantara, gần biên giới với Ecuador. Căn cứ Alcantara có vị trí lý tưởng vì gần Xích đạo, cho phép tiết kiệm khoảng 30% nhiên liệu khi phóng vệ tinh.

Theo Văn phòng Tổng thống Brazil, trong chuyến thăm này, ông Bolsonaro cũng đến gặp Giám đốc CIA Gina Haspel để đề cập đến tầm quan trọng của việc chống lại hành vi phạm tội và buôn bán ma túy có tổ chức, cũng như sự cần thiết của việc tăng cường hoạt động tình báo.

Việc ông Trump đề xuất cho Brazil tham gia NATO đã bị Pháp phản ứng. Pháp nhắc lại rằng Điều 10 của Hiệp ước thành lập Liên minh Bắc Đại Tây Dương chỉ cho phép kết nạp các thành viên mới từ châu Âu. “NATO là một liên minh của các quốc gia liên kết với nhau bằng một điều khoản phòng thủ tập thể trong Hiệp ước Washington ngày 4-4-1949. Điều khoản này xác định rõ phạm vi địa lý của các thành viên”, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Pháp, Agnès von der Mühll nói với AFP.

Đồng thời, bà von der Mühll nhấn mạnh rằng Brazil, quốc gia Mỹ Latinh, có thể hối thúc quan hệ đối tác với NATO theo kiểu của hàng chục quốc gia khác, bao gồm Colombia, Úc, New Zealand hoặc Hàn Quốc, để đóng góp cho các nhiệm vụ của NATO.

Hiện tại, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương có 29 quốc gia, bao gồm 12 thành viên sáng lập (Hoa Kỳ, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Vương quốc Anh, Iceland, Ý, Luxembourg, Na Uy, Hà Lan, Bồ Đào Nha). Quốc gia mới nhất gia nhập NATO là Montenegro năm 2017.

Bình luận trên Twitter ngày 20-3 về tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Brazil có thể trở thành thành viên của NATO, Thượng nghị sĩ Nga Alexei Pushkov viết: “Tôi có thể hình dung cảm xúc sốc và kinh ngạc mà các đồng minh châu Âu của Hoa Kỳ trải nghiệm trước ý tưởng của ông Trump về việc chấp nhận Brazil vào NATO. Tổng thống Trump không hề mệt mỏi trong việc làm mất tinh thần của họ. Và khi đó sẽ không phải là NATO mà là NSATO (North & South Atlantic Treaty Organisation). Nhưng liệu có đủ sức không?”.

Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, ông Sergei Ryabkov đã bình luận về tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ. Nhà ngoại giao nhớ lại rằng từ viết tắt NATO đề cập đến định hướng Bắc Đại Tây Dương của tổ chức này. “Có vẻ như là ông Trump chỉ muốn thu hút sự chú ý hơn là có chủ đích với những gì ông nói với vị khách đến từ Brazil”, ông Ryabkov lưu ý. Theo giới quan sát, do hai ông Trump và Bolsonaro đều có tính cách bốc đồng khó lường nên rất có thể sẽ có nhiều điều bất ngờ trong thời gian tới.

Đối với Tổng thống Trump, chuyến thăm của ông Bolsonaro là cơ hội để ông xóa nhòa một chuỗi khó khăn, do thất bại của Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và dự án xây tường biên giới với Mexico bị Quốc hội lưỡng viện Mỹ bác bỏ.

Mộc Thạch (tổng hợp)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN