Đến lượt công ty sản xuất chip của Đức Infineon ngừng hợp tác với Huawei

Sau khi các ông lớn công nghệ Mỹ cắt đứt quan hệ với Huawei, một đối tác Đức cũng tạm dừng giao hàng cho tập đoàn Trung Quốc.

Theo Nikkei Asian Review, công ty sản xuất chip Infineon Technologies của Đức ngưng giao các lô hàng đến Huawei, dấu hiệu cho thấy chính sách cấm vận của chính quyền Donald Trump đã vượt ra khỏi phạm vi nước Mỹ.

Giá cổ phiếu của hãng sản xuất con chip Đức Infineon Technologies giảm mạnh ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng ngày thứ Hai tại thị trường châu Âu, sau khi tờ báo Nhật Nikkei nói rằng hãng này đã dừng cung cấp hàng cho Huawei do lệnh cấm của Mỹ.

Quyết định đưa ra sau khi Bộ Thương mại Mỹ liệt Huawei vào danh sách “xuất khẩu có kiểm soát”, đồng nghĩa với việc bất kỳ công ty nào của Mỹ muốn buôn bán cho Huawei đều phải có giấy phép từ chính phủ. Các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ theo một tỷ lệ nhất định cũng nằm trong phạm vi điều chỉnh của quy định mới.

Infineon quyết định dừng cung cấp chip cho Huawei. Ảnh: AP.

“Infineon quyết định áp dụng biện pháp thận trọng hơn và dừng lô hàng. Nhưng họ sẽ họp lại trong tuần này để thảo luận về tình hình và đưa ra đánh giá”, một nguồn tin của Nikkei Asian Review cho biết.

Infineon cung cấp một số linh kiện quan trọng cho Huawei, bao gồm vi điều khiển và mạch tích hợp quản lý năng lượng. Vì vậy, dù lượng hàng Infineon cung cấp mỗi năm chỉ khoảng 100 triệu USD nhưng lại có khả năng ảnh hưởng lớn tới đối tác Trung Quốc.

Ngoài ra, các công ty khác ở châu Âu và châu Á cũng có thể đưa ra động thái tương tự nhằm tránh bị Mỹ liệt vào “danh sách đen”.

Hãng sản xuất con chip Đức Infineon Technologies

ST Microelectronics – nhà sản xuất chip có trụ sở tại châu Âu – dự kiến sẽ họp lại trong tuần này để xem xét các đơn đặt hàng của Huawei, theo nguồn tin của Nikkei Asian Review.

Đối tác quan trọng của Huawei tại châu Á là TSMC vẫn tiếp tục các hợp đồng cung ứng chip nhưng “đang đánh giá các tác động có thể xảy ra” sau quyết định của chính quyền Mỹ. Một số nhà cung cấp lớn như Toshiba Memory, công ty cung ứng bộ nhớ flash NAND lớn thứ 2 thế giới, liên doanh sản xuất màn hình Japan Display Inc cũng tỏ thái độ thận trọng trước tình hình này.

Phát biểu với giới truyền thông Nhật Bản hôm 18/5, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi khẳng định tập đoàn vẫn “ổn” ngay cả khi Qualcomm và các nhà cung cấp khác không bán chip cho Huawei. “Chúng tôi đã chuẩn bị cho việc này”, ông Nhậm cho biết.

Theo Nikkei Asian Review

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN