Đầu tháng 5-2019, cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung “sục sôi” trở lại, đặc biệt là trên lĩnh vực công nghệ. Tổng thống Donald Trump được cho là đang sử dụng Huawei như một “con bài mặc cả” trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Từ đó, Mỹ có thể yêu cầu nhượng bộ chính trị từ Trung Quốc để đổi lấy việc hạn chế kinh doanh của các công ty.
Thời điểm ra tay
Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian gần đây trở nên bế tắc sau các đợt tăng thuế quan mới “ăn miếng, trả miếng”. Sự kiện mới đây nhất tạo ra “bóng đen” thương mại toàn cầu là việc Tổng thống D. Trump tuyên bố áp mức thuế 25% đối với lượng hàng hóa trị giá hơn 200 tỷ USD của Trung Quốc, đồng thời cân nhắc sẽ tăng mức thuế đối với lượng hàng hóa còn lại có trị giá trên 325 tỷ USD.
Ngày 15-5, Tổng thống D. Trump quyết ra tay chống lại Huawei – nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và cũng là một trong những niềm tự hào của Trung Quốc. Động thái này của Nhà Trắng được đánh giá là có thể xóa bỏ hoàn toàn mọi nỗ lực đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc từ trước đến nay.
Ngày 16-5, Tổng thống Mỹ D. Trump ký sắc lệnh đưa Tập đoàn Huawei và 68 chi nhánh tại hơn 20 quốc gia trên thế giới vào “danh sách đen” thương mại Entity List, và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 17-5, qua đó làm dấy lên lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc sẽ tiếp tục leo thang căng thẳng trong thời gian tới.
Ngày 19-5, một loạt công ty công nghệ Mỹ đã tuyên bố ngừng hợp tác với Huawei, sau khi sắc lệnh của chính phủ Mỹ cấm Huawei tham gia xây dựng mạng viễn thông được ký. Theo hãng Bloomberg, Google, Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom đều sẽ tuân lệnh của chính phủ Mỹ và ngừng cung cấp linh kiện, công nghệ cho Huawei. Điều đó có nghĩa là Huawei sẽ không được sử dụng hệ điều hành Android cùng những thiết bị phần cứng, bản quyền công nghệ do các công ty Mỹ sở hữu.
Vậy nguyên nhân nào khiến Mỹ “đánh” Huawei “tơi tả” như vậy?
“Cánh tay nối dài” của Bắc Kinh
Được biết, Tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei (Trung Quốc) đã trải qua mối quan hệ lạnh nhạt với Mỹ trong suốt 10 năm qua. Mặc dù, lâu nay Mỹ nghi ngờ Huawei dính líu vào các hoạt động bất chính, song không rõ tập đoàn này đã làm gì gần đây để đến nỗi Mỹ “ra tay” nặng như vậy.
Năm 2012, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ công bố báo cáo sau cuộc điều tra kéo dài 1 năm, cho thấy, Huawei gây ra mối đe dọa an ninh đối với Mỹ. Báo cáo kết luận Huawei và tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc đã hoạt động “thay mặt” Chính quyền Bắc Kinh, do đó, 2 công ty này không được phép điều hành cơ sở hạ tầng thiết yếu của Mỹ, vốn kiểm soát các mạng không dây của đất nước.
Huawei khẳng định, tập đoàn này hoạt động độc lập với chính quyền trung ương, song Mỹ lâu nay nghi ngờ tập đoàn này hoạt động “gián điệp” thông qua các mạng lưới có sử dụng công nghệ của Huawei. Mặc dù, Huawei không ngừng bác bỏ các cáo buộc của Mỹ, nhưng Mỹ đã gạt Huawei ra khỏi các hợp đồng băng thông rộng và không dây. Chính quyền Tổng thống D. Trump cũng đã nỗ lực “gây sức ép” đối với các nước trên thế giới để ngừng những nước này ngừng mua thiết bị viễn thông của Huawei.
“Phớt lờ” Mỹ, dang tay “chơi” với Iran
Đầu năm 2019, Chính quyền Mỹ đã đưa ra các cáo buộc phạm tội đối với Huawei, cho rằng, công ty này mưu đồ lách các đòn trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Trong vụ này, Canada đã bắt giữ Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu và bà đối mặt với khả năng bị “dẫn độ” sang Mỹ trong thời gian tới.
Huawei bị cáo buộc lừa dối các thể chế tài chính và Chính phủ Mỹ về hoạt động kinh doanh ở Iran. Trong số các cáo buộc nhằm vào Huawei, Mỹ còn cho rằng nhà sáng lập tập đoàn này, ông Nhậm Chính Phi, đã “khai man” với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) hồi năm 2007 rằng, công ty này không vi phạm bất kỳ luật xuất khẩu nào của Mỹ và rằng họ không giao dịch trực tiếp với bất kỳ công ty nào của Iran.
Huawei bác bỏ mọi cáo buộc, khẳng định họ “vô tội”. Bà Mạnh Vãn Châu cũng bác mọi cáo buộc. Trung Quốc gọi các cáo buộc này là “chiến dịch bôi nhọ” của Chính quyền Mỹ. Còn ông Nhậm Chính Phi tuyên bố sẽ không có kế hoạch đến Mỹ, nơi ông có thể phải đối mặt với lệnh “khởi tố”.
Cáo buộc đánh cắp tài sản trí tuệ
Chính quyền Mỹ cũng kiện Huawei đã “ăn cắp” các bí mật thương mại từ nhà khai thác mạng không dây T-Mobile của Mỹ. Theo hồ sơ vụ kiện Liên bang, Huawei đã hoạt động nhiều năm và ăn cắp công nghệ thử nghiệm điện thoại có đăng ký độc quyền của T-Mobile, được biết đến với tên gọi “Tappy”. Cụ thể, Huawei cung cấp điện thoại cho T-Mobile và có quyền tiếp cận một số thông tin về Tappy nhờ mối quan hệ làm ăn này. Nhân viên của T-Mobile được yêu cầu cung cấp thông tin như hình ảnh, số đo và số chuỗi thứ tự của nhiều bộ phận. Mỹ cáo buộc ban quản lý Huawei “treo thưởng” cho nhân viên nào của T-Mobile thu thập thông tin mật về các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, Huawei đã bác bỏ mọi cáo buộc nói trên.
Những smartphone tương lai của tập đoàn Huawei sản xuất có thể sẽ phải sử dụng phiên bản Android nội địa, không có dịch vụ Google (Nguồn: TASS)
Công nghệ của Huawei đóng vai trò đáng kể đối với tương lai của mạng không dây thế hệ thứ 5 (5G), một công nghệ mà Mỹ khát khao chiếm lĩnh vị trí số một thế giới.
Huawei đi đầu về 5G, cung cấp công nghệ giúp hỗ trợ công tác triển khai 5G cho các mạng không dây, Các đối thủ cạnh tranh đáng mặt duy nhất của họ là Nokia và Ericsson, song Huawei là một tập đoàn có quy mô lớn hơn nhiều, có khả năng cung cấp công nghệ giá rẻ hơn và nhanh chóng hơn.
Mặc dù Mỹ đa phần không sử dụng công nghệ mạng của Huawei, song thiết bị của hãng này vẫn nổi trội trong các vùng nông thôn Mỹ. Công nghệ của Huawei cũng thâm nhập sâu rộng vào thị trường châu Âu, châu Á và các khu vực khác trên thế giới.
Giới chuyên gia cho rằng, Mỹ muốn đảm bảo các tập đoàn viễn thông của họ là những “con chim đầu đàn” trong lĩnh vực công nghệ mới. 5G có thể giúp mở ra làn sóng tiếp theo về những thế hệ công nghệ mới làm thay đổi sức mạnh kinh tế, trong đó có cả thế hệ xe hơi không người lái.
Phản ứng của Huawei trước “sóng gió”
Về phía tập đoàn Huawei, ngày 21-5, Giám đốc điều hành Nhậm Chính Phi tuyên bố tập đoàn này đã chuẩn bị trước mọi phương án để “đương đầu” với lệnh cấm của Nhà Trắng, đồng thời, cho rằng: “Mỹ đã đánh giá quá thấp tập đoàn chúng tôi”, đồng thời nhấn mạnh: “Thời hạn 90 ngày là vô nghĩa. Không cần phải có thêm 3 tháng, chúng tôi đã sẵn sàng đối diện với mọi thứ”.
Theo tiết lộ của Viện Nghiên cứu công nghệ cao thuộc tập đoàn WeChat, “đòn” bí mật của Huawei nhằm đối phó với lệnh cấm của Mỹ có thể sẽ là hệ điều hành thay thế Android, có tên là “Hongmeng” (Hồng Mông). Tập đoàn Huawei quả quyết đã chuẩn bị hệ điều hành riêng.
Trước các đòn tấn công như vũ bão của Mỹ, tập đoàn Huawei vẫn phải tỏ ra “tự tin”, sẵn sàng chấp nhận thách thức, bảo đảm tập đoàn này đã chuẩn bị được giải pháp thay thế. Tuy nhiên, điều này khó thuyết phục được các chuyên gia của Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group. Công ty này nhấn mạnh: “Huawei không thể tích trữ phần mềm và họ không có cơ hội sống sót lâu dài nếu không tiếp cận dây chuyền cung ứng của thế giới”.
Để đối phó với cuộc tấn công của Mỹ, Huawei chỉ có thể hướng tới sự ủng hộ của các nước châu Âu. Guntram Wolff – Giám đốc Văn phòng tư vấn Grueguel của Bỉ, cảnh báo rằng, trong trường hợp Mỹ gây áp lực mạnh thì “sẽ rất khó để Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục hợp tác với Huawei”. Có thể nói số phận của tập đoàn Huawei hiện phụ thuộc chủ yếu vào ý đồ thực sự của Tổng thống Donald Trump, người đang dùng Huawei như “quân tốt” trong “ván cờ” thương mại với Trung Quốc.
Nhất Tuệ (Theo CNN, Reuters, TASS)