Nhật Bản - Hàn Quốc: Khi cơm không lành, canh chẳng ngọt…

Khi các nhà lãnh đạo Seoul và Tokyo mất kiên nhẫn trong việc tìm được tiếng nói chung trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến chính trị, từ quá khứ đến hiện tại thì có lẽ xung đột thương mại chỉ là bước khởi đầu cho một quá trình đầy gian nan trong quan hệ hai nước.

Đàm phán là giải pháp

Nhật Bản và Hàn Quốc đang tiến gần chiến tranh thương mại sau khi Tokyo đầu tháng 7 vừa qua chính thức hạn chế xuất khẩu sang Seoul một số vật liệu công nghệ cao được sử dụng để sản xuất màn hình điện thoại và chip. Động thái của Nhật Bản có thể khiến quá trình xuất khẩu chậm lại vài tháng, từ đó tác động tiêu cực đến một số đại gia công nghệ hàng đầu Hàn Quốc như Samsung Electronics Co., SK Hynix Inc., LG Display…

Seoul tỏ ra muốn làm căng, tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả cần thiết, thậm chí còn nộp đơn kiện lên WTO. Tuy nhiên, bước đầu, Seoul vẫn sử dụng cách tiếp cận mềm dẻo, liên tục kêu gọi Tokyo rút quyết định của mình và đàm phán.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có nhiều quan điểm trái ngược nhau.

Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI) – một nhóm vận động doanh nghiệp của Hàn Quốc cũng kêu gọi Nhật Bản rút lại quyết định siết chặt xuất khẩu hàng công nghệ cao sang Hàn Quốc để tránh các rủi ro tiềm tàng với chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bức thư gửi tới Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, FKI cho rằng, việc Nhật Bản hạn chế thương mại sẽ gây cản trở hoạt động sản xuất tại các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Thông báo của FKI nêu rõ, với những quy định nghiêm ngặt hiện tại, các nhà sản xuất vi mạch như Tập đoàn Samsung Electronics của Hàn Quốc đang lo ngại phải đối mặt với nguy cơ gián đoạn sản xuất, thay vào đó những vi mạch cũng như màn hình được Hàn Quốc chế tạo sẽ xuất khẩu sang Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc để chế tạo các sản phẩm cao cấp.

Thêm vào đó, do các công ty Nhật Bản, trong đó có Sony, Panasonic và Toshiba cũng nhập khẩu các nguyên liệu này của Hàn Quốc nên nền kinh tế Nhật Bản sẽ khó tránh nguy cơ bị tổn hại từ tranh chấp thương mại kéo dài giữa Seoul và Tokyo.

Ai sẽ thiệt?

FKI dự đoán thương mại song phương Hàn-Nhật đạt 85 tỉ USD trong năm 2019 và lượng khách du lịch Hàn Quốc đến Nhật Bản đã tăng từ 1,66 triệu người năm 2011 lên tới 7,54 triệu trong năm 2018, song con số này sẽ sụt giảm nếu Hàn Quốc mở rộng chiến dịch trả đũa nhằm vào hàng hóa và du lịch tới Nhật Bản.

Do đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in “tự tin” cảnh báo nếu Nhật Bản có ý định ngăn cản sự tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc thì Tokyo sẽ tuyệt đối không thể thành công, thậm chí còn hứng chịu thiệt hại lớn hơn về mặt kinh tế. Tổng thống Moon Jae-in nêu rõ, việc Tokyo siết chặt quy định xuất khẩu với Seoul có cách thức và mục đích tương tự như một biện pháp bảo hộ mậu dịch, nhằm ngăn ngừa thiệt hại cho nền công nghiệp của Nhật Bản. Ông tin tưởng Hàn Quốc có thể vượt qua khó khăn lần này bằng sự đoàn kết của người dân, tương tự như trong quá khứ.

Động thái nêu trên của Tokyo đang phá vỡ niềm tin về hệ thống ngành chế tạo của Nhật Bản và các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ nhân cơ hội này thoát khỏi sự phụ thuộc vào vật liệu, linh kiện, trang thiết bị của Nhật Bản, đa dạng hóa nguồn nhập khẩu, đẩy mạnh sản xuất trong nước.

Ngày 2-7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tuyên bố rằng “biện pháp mà Chính phủ Nhật Bản áp dụng không vi phạm các quy định của WTO”, ngoài ra Chính phủ Nhật Bản còn tuyên bố rằng đó “không phải là biện pháp đối phó”. Có thể thấy chính sách đối với Hàn Quốc của Nhật Bản hiện tại đang tránh tách rời cục diện “nhấn mạnh hợp tác kinh tế, bảo vệ hệ thống thương mại tự do” của nước này.

Không chỉ là mâu thuẫn kinh tế

Rõ ràng, mối quan hệ Nhật – Hàn, hai đồng minh thân cận của Mỹ tại châu Á đang ở trạng thái “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vừa qua, Nhật Bản tỏ ra rất “lạnh nhạt” với Hàn Quốc.

Nhắc đến mối “ác cảm” giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, người ta thường đổ lỗi cho lịch sử. Nhưng lịch sử không phải là “thủ phạm” duy nhất. Thất vọng trước hành động liên tục khơi lại những thỏa thuận đạt được với Seoul trong quá khứ, nội các của Thủ tướng Shinzo Abe đã mất kiên nhẫn với chính quyền ông Moon Jae-in khi họ bác bỏ thỏa thuận về “phụ nữ mua vui” mà Nhật Bản phải khó khăn lắm mới đạt được với cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye trong năm 2015.

Không dừng lại ở đó, trong lĩnh vực quân đội của cả hai nước cũng có những mâu thuẫn nhất định. Tháng 12-2018, Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản cáo buộc một tàu của hải quân Hàn Quốc đã dùng radar hỏa lực khóa mục tiêu một máy bay giám sát của Nhật Bản khi máy bay này tiếp cận một cuộc diễn tập tìm kiếm cứu nạn.

Tiếp theo là những khác biệt giữa Seoul và Tokyo về vấn đề CHDCND Triều Tiên ngày càng sâu sắc. Lợi ích của Nhật Bản và Hàn Quốc hiếm khi trùng lặp khi nhắc đến việc đàm phán về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Chỉ trong những năm 1990, khi Ngoại trưởng Mỹ William Perry dẫn đầu liên minh 3 bên để đàm phán với Bình Nhưỡng thì Seoul và Tokyo dường như mới tìm thấy điểm chung. Cuộc đàm phán 6 bên sau đó một thập kỷ đã cho thấy cảm giác lo sợ gia tăng đối với Tokyo về những lợi ích của họ trong một giải pháp khu vực.

Mong muốn của Tổng thống Moon Jae-in về việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán đã vấp phải sự kiên quyết của Thủ tướng Shinzo Abe trong việc duy trì một liên minh quốc tế buộc Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un phải kết thúc chương trình hạt nhân của mình. Nhắc đến đàm phán với CHDCND Triều Tiên, Seoul và Tokyo muốn những thứ khác nhau từ Washington, do đó, cách Mỹ can dự với CHDCND Triều Tiên chắc chắn không tránh khỏi bị coi là ưu tiên an ninh của đồng minh này hơn so với đồng minh khác.

Hà Phương (CAND)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN