Một tuần kể từ khi Chính phủ Ấn Độ hủy bỏ Điều 370 trong Hiến pháp, tước quyền tự trị của vùng Kashmir thuộc Ấn Độ kiểm soát, căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan không những không giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng.
Trong một loạt bài đăng trên trang twitter cá nhân, Thủ tướng Pakistan bày tỏ bất bình và phản đối trước hành động đơn phương của Ấn Độ tại khu vực tranh chấp, cho rằng đây là một “nỗ lực nhằm thay đổi nhân khẩu của Kashmir thông qua thanh lọc sắc tộc”, theo CNN.
Ông Khan mô tả việc hủy bỏ Điều 370 Hiến pháp Ấn Độ để đảm bảo quyền tự trị của Kashmir là một “cuộc diệt chủng sắp xảy ra”, thậm chí còn nặng lời khi liên hệ hành động này đến Chủ nghĩa Phát xít trước đây. Văn phòng của Thủ tướng Khan cho biết ông đang trao đổi với các nhà lãnh đạo thế giới về tình hình ở Kashmir vì ông tin rằng động thái của Ấn Độ nhằm thay đổi vị thế của khu vực là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trong một tuyên bố được đưa ra ngày 11-8 (giờ địa phương), Thủ tướng Pakistan Imran Khan thông báo sẽ đệ trình kiến nghị lên án Ấn Độ lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với sự ủng hộ của thành viên thường trực Trung Quốc.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi cho biết, Pakistan sẽ tìm kiếm sự ủng hộ từ hai thành viên không thường trực là Indonesia và Ba Lan để lên án quyết định tước quyền tự trị khu vực Kashmir của phía Ấn Độ.
“Tôi đang liên hệ với một số Ngoại trưởng trong đó có Ngoại trưởng Indonesia. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Indonesia hiện không ở trong nước mà đang ở Singapore. Tôi sẽ liên hệ với Ngoại trưởng Indonesia khi bà ấy về nước. Indonesia là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an. Tôi cũng sẽ liên hệ với Ngoại trưởng Ba Lan vào ngày 12-8”.
Ông Qureshi cũng khẳng định, Pakistan chưa có kế hoạch dùng vũ lực để giải quyết tình trạng căng thẳng tại Kashmir nhưng quân đội đã nhận lệnh từ Thủ tướng Imran Khan, sẵn sàng đẩy lui “bất kỳ hành vi khiêu khích nào”. Bộ Ngoại giao Ấn Độ chưa có nhận định gì.
Bên cạnh đó, Cơ quan Phát triển du lịch Pakistan thông báo tuyến xe buýt hữu nghị nối liền thành phố Lahore của nước này và New Delhi, ra đời năm 1999, đã ngưng hoạt động. Trước đây, bất chấp những lần xung đột leo thang ở biên giới hai nước, dịch vụ xe buýt vẫn chưa từng gián đoạn. Như vậy, tuyến giao thông cuối cùng giữa hai nước đã bị cắt đứt sau khi đường sắt và hàng không bị phong tỏa.
Bộ trưởng đường sắt Pakistan Sheikh Rasheed tuyên bố: “Chúng tôi đã quyết định đóng cửa tuyến tàu nhanh Samjhauta Express. Tàu của họ đã đến biên giới Wagah vào ngày 11-8. Chúng tôi đã thông báo cho phía Ấn Độ để họ đưa hành khách và hành lý của khách về nước”.
Căng thẳng leo thang sau khi chính phủ Ấn Độ quyết định tước quyền tự trị của khu vực kiểm soát thuộc vùng tranh chấp Kashmir.
Theo đó, bang Jammu và Kashmir sẽ bị chia đôi thành hai lãnh thổ liên bang do trung ương trực tiếp quản lý. Quyết định này khiến phần lớn dân số theo Hồi giáo ở Kashmir liên tục biểu tình phản đối và đụng độ với lực lượng an ninh khiến chính phủ Ấn Độ triển khai thêm hàng chục ngàn binh sĩ đến khu vực, đồng thời ban bố lệnh giới nghiêm.
Cụ thể, Ấn Độ ngày 11-8 đã tái áp đặt một số hạn chế tại nhiều nơi ở khu vực Kashmir phần do nước này kiểm soát, trước thềm lễ hội Eid-al-Adha của người Hồi giáo, do lo ngại các cuộc tụ tập lớn có thể dẫn tới biểu tình. Cảnh sát cũng dựng bốt kiểm soát ở một số ngả đường dẫn tới khu phố cổ, và một số phố ở trung tâm Srinagar.
Chính phủ của ông Modi đã nhiều lần khẳng định rằng các điều khoản đặc biệt ở Jammu và Kashmir đã hạn chế đầu tư và tăng trưởng kinh tế ở khu vực này. Trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm 8-8, ông Modi cho biết quyết định tước bỏ quyền tự trị của Kashmir sẽ giải phóng khu vực này khỏi “khủng bố” và tuyên bố rằng Điều 370 đã gây ra “ly khai, khủng bố, chính trị triều đại và tham nhũng”.
Ông cũng tuyên bố quyết định sẽ mang lại sự ổn định cho vùng lãnh thổ này. “Là một quốc gia, chúng tôi đã đưa ra một quyết định lịch sử. Do những quy định trong quá khứ, người dân Jammu và Kashmir và Ladakh đã bị tước bỏ nhiều quyền, đó là một trở ngại lớn trong sự phát triển của họ. Điều đó đã kết thúc”, ông Modi tuyên bố.
Không chỉ có thế, Thủ tướng Modi còn cáo buộc Pakistan “lợi dụng quy chế tự trị của Kashmir để xúi giục người dân” chống lại Ấn Độ. Pakistan đã phản đối quyết liệt hành động của Ấn Độ, cảnh báo rằng động thái này sẽ gây ra cuộc “khủng hoảng khu vực”, thậm chí khiến hai nước đi đến chiến tranh.
Thư ký quốc gia của đảng BJP cầm quyền của Ấn Độ, Ram Madhay, cũng phản ứng lại với các bài đăng của Thủ tướng Pakistan, cho rằng “mối đe dọa đối với nền dân chủ thế giới là từ khủng bố Jihad do Pakistan tài trợ, chứ không phải từ Ấn Độ”.
Kashmir là một trong những điểm nóng nguy hiểm nhất thế giới, cả Ấn Độ và Pakistan tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ khu vực này. Đây là trung tâm xung đột tranh giành lãnh thổ giữa hai nước láng giềng có vũ khí hạt nhân trong suốt hơn 70 năm qua.
Việc Quốc hội Ấn Độ bỏ điều 370 Hiến pháp vào hôm 6-8 đã gây ra phản ứng dữ dội từ phía Pakistan cũng như thêm dầu vào chảo lửa căng thẳng giữa hai nước.
Tuần trước, Islamabad đã hạ cấp quan hệ ngoại giao và đình chỉ thương mại song phương với New Delhi, thúc giục quân đội ở trạng thái sẵn sàng, cảnh báo sẽ “đi đến cùng” để chống lại những thay đổi này. Với việc khẩu khí lãnh đạo hai nước sau một tuần vẫn rất mãnh liệt, nguy cơ về một cuộc chiến tranh giành lãnh thổ giữa hai nước này một lần nữa hiện hữu hơn bao giờ hết.
Duy Tiến (Nguồn CAND)