EU trước thách thức di cư

Vụ việc 39 nạn nhân di cư vừa bị phát hiện đã tử vong trong một chiếc container tại cảng Zeebrugge (Bỉ) trước khi nó được vận chuyển tới Anh đã một lần nữa báo động về nạn di cư bất hợp pháp vào châu Âu.

Trước đó, tấn thảm kịch 58 người nhập cư bất hợp pháp cũng tử nạn trong một chiếc container chứa 60 người tại cảng Dover thuộc hạt Kent (Anh) vẫn luôn là nỗi ám ảnh với các nhà chức trách của Lục địa già trước nạn di cư và tội phạm buôn người.

Năm 2015, Liên minh châu Âu (EU) đã tiếp nhận dòng người di cư khổng lồ nhưng các biện pháp ngắn hạn lại gây ra sự chia rẽ giữa các nước thành viên. Giờ đây, EU vẫn bị chia rẽ trước vấn đề di cư và không thiết lập được những quy chế cho phép ứng phó với những cuộc khủng hoảng di cư mới.

Cuộc xung đột Syria đã khiến 4 triệu người phải rời bỏ đất nước vào tháng 5-2015, trong đó 1,8 triệu người đã trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ và 1,2 triệu người tới Lebanon. Thêm vào đó là số phận của những người tị nạn Afghanistan, tình hình bạo lực leo thang ở Iraq làm con số người di cư cứ tăng dần.

Chiếc container chở 39 người nhập cư trái phép được phát hiện tại cảng Zeebrugge, Bỉ.

Trước đó, các nhà nước châu Âu đã không nhận thức được đầy đủ về mức độ bùng nổ số người tị nạn trên phạm vi toàn cầu. Các hệ thống tiếp nhận di cư và tị nạn của EU đã không được thiết kế để ứng phó với những luồng di cư lớn và bất ngờ. Cho dù đã trải qua 15 năm xây dựng, hệ thống tị nạn chung châu Âu dường như vẫn thiếu tính nhất quán và không tuân thủ các tiêu chuẩn châu Âu về các điều kiện thực thi quyền tị nạn.

Đặc biệt, phải kể đến trường hợp Hy Lạp, một quốc gia thành viên ở cửa ngõ. Năm 2011, Tòa án Nhân quyền châu Âu đã ra quyết định nhằm ngăn câm việc chuyển người xin tị nạn tới Hy Lạp do hệ thống tị nạn của nước này có nhiều khiếm khuyết.

Hội nghị thượng đỉnh Valetta là một cơ hội để khẳng định lại các nguyên tắc đoàn kết, hợp tác và cùng chia sẻ trách nhiệm để quản lý các luồng di cư. Đó cũng là dịp để nhắc nhở các nước châu Phi về trách nhiệm của họ trước việc di dân của công dân nước họ. Tại hội nghị thượng đỉnh này, có 2 công cụ được thông qua: Đó là kế hoạch hành động chi tiết và đầy tham vọng cùng với việc thành lập Quỹ Ủy thác khẩn cấp EU.

Với ngân sách ban đầu là 3,6 tỷ euro – phần lớn lấy từ nguồn dự trữ của Quỹ Phát triển châu Âu. Quỹ Ủy thác khẩn cấp EU nhằm mục đích góp phần cải thiện việc quản lý di cư và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của các luồng di cư bất thường và tình trạng di cư cưỡng bức.

Theo dữ liệu của Liên Hiệp Quốc, 34 triệu người châu Phi thuộc diện “di cư quốc tế”, ít hơn nhiều so với người châu Á (104 triệu); châu Âu (62 triệu) và Mỹ Latin (37 triệu). Điểm đến của hơn một nửa những người di cư châu Phi là một nước khác trong châu lục và chỉ ¼ trong số họ di cư tới châu Âu.

Thảm họa nhân đạo năm 2015 có thể đã gây bất ngờ cho cả công dân châu Âu lẫn cộng đồng quốc tế. Tại sao 500 triệu công dân châu Âu chiếm ¼ tài sản thế giới, lại bị lung lay trước sự xuất hiện bất hợp pháp của 1 triệu người di cư? Sự hoài nghi về khả năng của EU trong việc quản lý loại hình khủng hoảng này càng lớn khi trọng tâm của chính sách quản lý di cư đã vượt ra khỏi các biên giới châu Âu do cách thành viên trong khối này thiếu sự đồng thuận về chế độ tị nạn chung.

Lời hứa hẹn mở các tuyến nhập cư hợp pháp vào EU, cho phép người di cư đến châu Âu một cách an toàn và hợp pháp, đã được đưa vào các kế hoạch hợp tác với tất cả các nước thứ ba kể từ giữa năm 2000. Tuy nhiên, cho đến nay, cam kết này của EU chưa có những bước tiến cụ thể. Quan điểm đối lập giữa các nhà nước thành viên về việc đối xử với người di cư và người tị nạn đã cản trở việc triển khai ra bên ngoài các chính sách tị nạn và nhập cư châu Âu.

Cảnh sát Anh nghi ngờ vụ việc 39 người thiệt mạng trong container có liên quan đến tội phạm buôn người.

Những mâu thuẫn của EU cũng thể hiện qua lập trường không rõ ràng của các nước trong vấn đề quản lý di cư toàn cầu. Hiệp ước Marrakech (Hiệp ước Toàn cầu về di cư an toàn, trật tự và có kiểm soát thông qua tại tại Marrakech) đã được đàm phán theo một quy trình công khai và minh bạch kể từ tháng 9-2016 tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, khi các chính phủ đã đạt được sự đồng thuận về nội dung vào mùa hè năm 2018 và chỉ vài tháng trước khi nó dự định được thông qua tại Morocco, nhiều nước đã rút khỏi hiệp ước này.

EU đã giao cho Cơ quan Biên phòng và bờ biển châu Âu (EBCG), thường được gọi là Frontex và Văn phòng Hỗ trợ tị nạn châu Âu (EASO) các nhiệm vụ đánh giá rủi ro và cảnh báo sớm. Các nước thành viên EU đã nhất trí về việc cần củng cố các đường biên giới, song họ không chấp nhận việc Frontex can thiệp khi chưa nhận được yêu cầu của nước thành viên gặp khó khăn.

Việc đóng băng các cuộc đàm phán về tương lai của chế độ tị nạn chung EU kể từ tháng 6-2018 đã làm nảy sinh những căng thẳng và những tranh luận không có hồi kết về vấn đề phân bổ người di cư trên lãnh thổ Lục địa già.

Đằng sau các cuộc bút chiến giữa Pháp và Italy về vấn đề người nhập cư, những cuộc dàn xếp không chính thức đã giúp một số nước thành viên tìm ra giải pháp chung ở mưc cục bộ. Tuy nhiên, những dàn xếp này không có tính bền vững bởi chúng chỉ dựa vào thiện chí của một số nước, không tuân thủ những quy tắc cơ bản của châu Âu, đồng thời loại bỏ sự tham gia của các thể chế châu Âu, đặc biệt là Nghị viện và Ủy ban châu Âu, giảm đáng kể tính tác dụng của nó.

Huy Thông/CAND

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN