Ông Abe nhấn mạnh: “Chúng tôi quyết tâm đóng góp nhiều hơn nữa vào nỗ lực thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trên thế giới, cũng như sự hiểu biết lẫn nhau, trong thời đại Lệnh Hòa (Reiwa) thông qua việc hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế”.
Trên thực tế, lãnh đạo nước này đã có những bước đi táo bạo để triển khai một sách lược ngoại giao mới mang tính chủ động hơn.
Trước đó, giới chức Nhật Bản cho biết, Ngoại trưởng nước này Toshimitsu Motegi ngày 22-10 đã thông báo cho người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo rằng Tokyo có kế hoạch triển khai Lực lượng Phòng vệ nhằm trợ giúp bảo vệ vùng biển tại Trung Đông mà không gia nhập liên minh an ninh hàng hải do Mỹ dẫn đầu.
Vươn xa về phía tây
Các nguồn thạo tin cho hay Tokyo đang xem xét cử 2 tàu khu trục để giám sát ngoài khơi Bán đảo Arab. Nhật Bản hiện không có ý định cho tàu của mình hoạt động tại eo biển Hormuz, một tuyến biển hẹp nằm giữa biên giới Iran và Oman.
Đây là một điểm nóng căng thẳng trong khu vực và Tokyo đã quyết định tự hành động, tìm cách cân bằng mối quan hệ an ninh thân cận với Mỹ cũng như quan hệ hữu nghị truyền thống với Iran, nhằm thể hiện mong muốn trợ giúp xoa dịu căng thẳng mà không phải gia nhập liên minh do Mỹ dẫn đầu.
Hồi cuối tháng 8, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã gặp Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif trong chuyến công du châu Á của ông này để thảo luận về cách thức giảm bớt căng thăng leo thang ở Trung Đông. Hồi tháng 6, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã có chuyến thăm Iran và hội đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại thủ đô Tehran.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng khẳng định Tokyo muốn đóng vai trò tích cực và làm mọi thứ có thể nhằm xoa dịu căng thẳng và đó là lý do ông đến Tehran. Đáng chú ý, Thủ tướng Abe là lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên đến Iran kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản. |
Về khía cạnh kinh tế, Thủ tướng Abe không đề cập đến việc tạm ngừng nhập khẩu dầu thô của Iran do biện pháp trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhấn mạnh Nhật Bản muốn tiếp tục mua dầu thô của nước này.
Ổn định không gian láng giềng
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn hôm 23-10 đã hội đàm để chuẩn bị cho chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới đất nước Mặt trời mọc vào mùa xuân tới. Ông Vương Kỳ Sơn là người đã đại diện cho lãnh đạo Trung Quốc tham dự lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito.
Trước đó, hồi tháng 6, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka (Nhật Bản), ông Tập đã nhất trí với ông Abe rằng sẽ thúc đẩy công tác chuẩn bị cho một chuyến thăm cấp nhà nước của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Nhật Bản.
Sớm hơn thế, từ trung tuần tháng 9 đến nay, quan hệ ngoại giao Nhật-Trung xuất hiện một loạt động thái mới. Trước dịp Quốc khánh Trung Quốc, ngày 1-10, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phê chuẩn một đoạn băng dùng tiếng Trung chúc mừng 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Đến ngày 4-10, ông Abe trình bày báo cáo chấp chính trước Quốc hội Nhật Bản, nhấn mạnh sự cần thiết phải mở ra thời đại mới trong quan hệ Nhật-Trung, rõ ràng là có ý tạo bầu không khí tốt đẹp cho chuyến thăm Nhật dự kiến vào năm 2020 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ngày 10-10, tàu khu trục 052D mang tên Thái Nguyên – được mệnh danh là tàu lớp “Aegis Trung Hoa” – của Hải quân Trung Quốc đã tới căn cứ Yokosuka tham dự nghi thức duyệt hạm được tổ chức 3 năm một lần của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF).
Đây là lần đầu tiên Hải quân Trung Quốc tham dự nghi thức quan trọng của lực lượng vũ trang biển của Nhật Bản, một hành động mang ý nghĩa tượng trưng lớn. Đến ngày 16-10, hải quân hai nước đã tiến hành diễn tập thiện chí, lần đầu tiên kể từ năm 2011.
Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, trải qua cuộc khủng hoảng tên lửa ở eo biển Đài Loan năm 1996 và tranh cãi Trung-Nhật xung quanh vấn đề Nhật Bản quốc hữu hóa nhóm đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) tại biển Hoa Đông, chiến lược của Nhật Bản đối với Trung Quốc luôn là cân bằng lực lượng, liên kết với Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ngăn chặn Trung Quốc bành trướng tại khu vực Tây Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, từ sau năm 2016, khi trở thành người đứng đầu nước Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã theo đuổi sách lược ngoại giao khiến Nhật Bản không hài lòng như rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bỏ qua lập trường của Nhật Bản trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên… khiến giới lãnh đạo Nhật Bản ngày càng nghi ngờ cam kết của Mỹ trong việc bảo đảm an ninh quốc gia của Nhật Bản trong tương lai. Những điều đó dường như lý giải cho chính sách của Tokyo chủ động ổn định quan hệ với nước láng giềng to lớn đang không ngừng vươn lên.
Mặt khác, Nhật Bản cũng ý thức được nguy cơ an ninh đi kèm việc Trung Quốc đang trỗi dậy về các mặt kinh tế, chính trị, quân sự và Tokyo đang triển khai việc xây dựng lực lượng nhằm tạo thế răn đe cần thiết đối với Trung Quốc. Ngày 26-9, Nhật Bản công bố Sách Trắng quốc phòng năm 2019 chỉ rõ, sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc khiến nước này trở thành mối đe dọa an ninh chính đối với Tokyo.
Theo giới quan sát, giới lãnh đạo Nhật Bản trên thực tế đã triển khai sách lược ngoại giao mới cho thời đại Lệnh Hòa. Suy cho cùng, vị trí địa lý và sự phụ thuộc của quốc đảo này vào nguồn tài nguyên bên ngoài khiến cho sự sinh tồn dân tộc trở thành vấn đề chiến lược được giới lãnh đạo Nhật Bản quan tâm nhất. Trong bối cảnh trật tự thế giới đa cực mới vẫn đang đinh hình ở giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh và sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc, nền chính trị quốc tế ngày càng quay trở lại logic chủ nghĩa hiện thực ưu tiên lợi ích quốc gia là trên hết.
Việc nhiều nước, trong đó có Nhật Bản ngày càng tự chủ và quyết đoán hơn so với trước đây, sẵn sàng độc lập đưa ra chiến lược ngoại giao để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình là một xu thế lớn.
Nam SơnCAND