Tác giả: Phạm Thủy Tiên
Người được xem là “cha đẻ” của khái niệm “quyền lực mềm” là Joseph Nye Jr., giáo sư Đại học Havard. Định nghĩa ban đầu của Joseph Nye về quyền lực mềm “là khả năng khiến người khác muốn cái mà bạn muốn, do đó họ sẽ tự nguyện làm điều đó mà không phải ép buộc hoặc mua chuộc.” Đến năm 1999, ông đưa ra một khái niệm cụ thể hơn “Quyền lực mềm là kết quả lý tưởng có được thông qua sức hấp dẫn của văn hoá và ý thức hệ chứ không phải sức mạnh cưỡng chế của một quốc gia, có thể làm cho một người khác tin phục đi theo mình, hoặc tuân theo các tiêu chuẩn hành vi hay chế độ do mình định ra để hành xử theo ý tưởng của mình. Quyền lực mềm dựa vào sức thuyết phục của thông tin ở mức độ rất lớn.”
Gần đây hơn Joseph Nye định nghĩa quyền lực mềm như sau: “Quyền lực mềm là một loại năng lực, có thể giúp đạt được mục đích thông qua sức hấp dẫn chứ không phải ép bức hoặc dụ dỗ. Sức hấp dẫn này đến từ quan điểm giá trị về văn hoá, chính trị và chính sách ngoại giao của một nước.”
Có thể thấy quyền lực mềm chỉ là một phần của sức ảnh hưởng (ngoài quyền lực mềm, sức ảnh hưởng còn có thể được tạo ra bằng quyền lực cứng), không chỉ là sự thuyết phục, mà quyền lực mềm là khả năng lôi cuốn và hấp dẫn khiến người khác tự nguyện quy thuận và đi theo.
Nguồn của quyền lực mềm
Tính chất cốt lõi của quyền lực mềm là tính hấp dẫn. Nguồn quyền lực mềm của một quốc gia là tất cả những gì có thể tạo nên sức hấp dẫn, thu hút được sự ngưỡng mộ kính phục của cộng đồng thế giới dành cho quốc gia đó bao gồm giá trị căn bản của xã hội, văn hoá, mô hình nhà nước, các chính sách hợp pháp, đầy đủ thẩm quyền và hợp đạo đức, vị thế quốc tế thể hiện qua khả năng tham gia vào các thể chế đa phương hoặc thiết lập nên các luật lệ hành xử trong quan hệ giữa các chủ thể chính trị…
Quan điểm và giá trị
Tính thuyết phục, một đặc điểm quan trọng của quyền lực mềm có thể được gia tăng bằng sự tương đồng, đặc biệt tương đồng về nền tảng giá trị. Trong một khía cạnh nào đó, quyền lực mềm là sự hấp dẫn đối với những giá trị cùng được chia sẻ giữa hai bên cũng như sự công bằng đúng đắn và nghĩa vụ chia sẻ để cùng đạt được những giá trị chung này. Quyền lực mềm của một quốc gia phát triển phần lớn từ các giá trị thể hiện trong văn hoá, chính sách đối nội và chính sách đối ngoại, cách xử lý các vấn đề quốc tế của quốc gia đó. Nếu một quốc gia có thể thực hiện những giá trị mà đa số các quốc gia khác đều chấp nhận, hoặc ngược lại có thể thuyết phục các quốc gia khác chấp nhận giá trị của mình thì quốc gia đó sẽ ít phải bỏ nhiều công sức để giành được vị trí lãnh đạo.
Văn hóa
Văn hoá giúp phân biệt dân tộc này với dân tộc khác, bao gồm từ những sản phẩm tinh vi hiện đại cho đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống và lao động. Khác biệt văn hóa là một trong những nguyên nhân chính khiến các quốc gia có cách tiếp cận vấn đề và mong muốn những lợi ích khác nhau. Do đó mức độ phổ biến và được chấp nhận của văn hoá một quốc gia là một nguồn then chốt của quyền lực mềm.
Khi những nét văn hoá của một quốc gia được phổ biến và chấp nhận rộng rãi thì quốc gia đó sẽ tăng cường khả năng đạt được mục đích mong muốn vì đã xoá nhoà được phần nào sự khác biệt kể trên và các chủ thể khác sẽ tự nguyên làm theo để đạt được lợi ích chung.
Văn hoá được chia thành hai nhóm: văn hoá hàn lâm và văn hoá đại chúng, đều có thể trở thành nguồn quyền lực mềm có tác động khác nhau đối với từng đối tượng và tùy thuộc vào bối cảnh tiếp nhận.Văn hóa hàn lâm gồm giáo dục, nhạc thính phòng, kịch cổ điển…tác động tới một nhóm đối tượng không nhiều nhưng có sức ảnh hưởng mạnh đến các cấp nhà nước và việc quản lý xã hội như hoạch định chính sách. Do phạm vị nhỏ nên tác động của nhóm văn hoá này dễ xác định. Trong khi đó, văn hoá đại chúng bao gồm phim ảnh, chương trình truyền hình, nhạc phổ thông, thể thao,…tác động đến nhóm đối tượng rất lớn bao gồm nhiều tầng lớp trong xã hội. Những ngôi sao điện ảnh, ca nhạc, thể thao trong trường hợp này chính là những đại sứ quảng bá quyền lực mềm cho quốc gia mình.
Chính sách nhà nước hợp pháp, hợp đạo đức, đầy đủ thẩm quyền
Để mở rộng hoặc thu hẹp khả năng một thực thể đạt được quyền lực cần hai yếu tố. Thứ nhất, có tính hợp pháp trong con mắt người xung quanh; và thứ hai, đạt được sự tin cậy của những chủ thể quyền lực khác. Đây là những thành tố sức mạnh không định lượng được nhưng có lẽ là quan trọng nhất. Chính sách của một nhà nước bao gồm chính sách đối nội áp dụng để quản lý quốc gia và chính sách đối ngoại áp dụng trong quan hệ với các chủ thể khác trong quan hệ quốc tế. Một chính sách có tính hợp pháp, hợp đạo đức và đầy đủ thẩm quyền là một nguồn quyền lực mềm rất quan trọng để thuyết phục và xây dựng sự tin cậy của người khác đối với chính phủ nói riêng và quốc gia đó nói chung, giúp quốc gia được cộng đồng nhìn nhận là đáng tin cậy, trung thực, và tôn trọng các mối quan tâm của nước khác. Trong trường hợp cụ thể. cộng đồng sẽ dễ dàng chấp nhận và ủng hộ những hành động của quốc gia xuất phát từ một chính sách đã được công nhận hợp pháp, hợp đạo đức và có thẩm quyền.
Khả năng lập ra hoặc tham gia các thể chế và thảo ra những luật lệ quy định hành vi cho các chủ thể trong quan hệ quốc tế
Nếu một quốc gia có khả năng và trên thực tế có thể đặt ra những luật lệ quy định các hoạt động quốc tế phù hợp với xã hội và luật pháp của nước mình, quốc gia đó sẽ càng ít phải thay đổi bản thân và hành động của nó sẽ dễ mang tính hợp pháp trong mắt các nước khác. Hơn nữa, các tổ chức và diễn đàn quốc tế là nơi thích hợp để một quốc gia lên tiếng và phát huy uy tín của mình. Vị trí trong một tổ chức đem lại cho quốc gia quyền lực chính thức ở một mức độ nào đó. Vị trí này thường đi kèm một chức danh, một tập hợp bao gồm trách nhiệm và mức độ quyền hạn nhất định để hành động và kiểm soát các nguồn lực cụ thể. Nói cách khác, những yếu tố này đem đến cho quốc gia một thẩm quyền hành động hợp pháp. Điều này rất quan trọng khi sức mạnh thực tế xuất phát từ thẩm quyền hành động và kiểm soát các nguồn lực mà người khác mong muốn hoặc cần. Bên cạnh khía cạnh tạo thẩm quyền, các thể chế quốc tế cũng là phương tiện để quốc gia thiết lập quan hệ với các chủ thể quan hệ quốc tế khác, từ đó tạo nên một sức mạnh không chính thức, bắt nguồn từ sự gắn bó lẫn nhau giữa các thành viên trong cùng một tổ chức.
Đây là những nguồn chính có thể tạo nên sức hấp dẫn, tức là quyền lực mềm của một quốc gia. Ngoài ra còn có thể kể đến một số nguồn khác như bề dày lịch sử, thiết chế nhà nước hiệu quả, chỉ số phát triển kinh tế cao … Trong các nguồn quyền lực mềm, văn hoá có tác động rộng rãi và lâu dài nhất, có khi kéo dài nhiều thế hệ như ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc ở Việt Nam, Hàn Quốc… Chính sách quốc gia cũng có tác động nhanh đến nhận thức của người dân nước khác vì họ gần như có phản ứng ngay lập tức và thể hiện thái độ “yêu – ghét” của mình tuỳ theo chính sách đó có “hợp pháp, hợp đạo đức” hay không. Thực tế cho thấy phản ứng đối với chính sách quốc gia dễ thay đổi hơn tình cảm đối với văn hoá hay giá trị. Do đó, cách đánh giá quyền lực mềm của một quốc gia trong một giai đoạn tức thời có thể thực hiện qua thăm dò thái độ của người dân nước khác về chính sách của quốc gia ngay thời điểm đó.
Công cụ kiến tạo quyền lực mềm
Quyền lực mềm xuất phát từ sự công nhận của nước khác về những phẩm chất, năng lực của một quốc gia. Để có được sự công nhận này, quốc gia phải có khả năng truyền đạt quan điểm và giá trị của mình bằng những phương tiện có sức thu hút, sức lôi cuốn tình cảm và lòng trung thành của người khác. Những công cụ kiến tạo quyền lực mềm bao gồm các kênh phát thanh truyền hình, chương trình giao lưu trao đổi văn hoá – học thuật, sản phẩm văn hoá – thương mại, chương trình hỗ trợ phát triển, cứu trợ thảm họa… Đây là những công cụ giúp giải thích, truyền bá với tốc độ nhanh và phạm vi rộng các nguồn quyền lực mềm như văn hoá, giá trị, chính sách đến các đối tượng tiếp nhận một cách hiệu quả.
So với quyền lực cứng truyền thống, quyền lực mềm ngày càng trở nên quan trọng khi mà các cuộc chiến tranh không còn đơn thuần chỉ dựa vào súng đạn và binh lực, mà còn liên quan đến các ý tưởng và giá trị. Quyền lực mềm đạt được mục tiêu khi đối tượng tự nguyện thực hiện hành vi xuất phát từ sức hấp dẫn của chính chủ thể quyền lực mềm hoặc bởi chính họ cũng mong muốn những mục tiêu mà chủ thể quyền lực mềm hướng tới. Do đó, có thể gọi quyền lực cứng là sức mạnh ra lệnh, khiến người khác làm cái mình muốn, và quyền lực mềm là sức mạnh dẫn dụ, khiến người khác làm vì họ cũng muốn đạt được kết quả tương tự.
Thành phần chủ thể quyền lực mềm cũng rất đa dạng do sự tiến bộ của công nghệ thông tin, truyền thông – liên lạc. Các quốc gia nhỏ, tổ chức phi chính phủ, các nhóm và cá nhân đều có thể bình đẳng trong việc truyền bá và củng cố quyền lực mềm của mình với tốc độ rất nhanh và chi phí rẻ. Hiệu quả của quyền lực mềm thường không đến ngay nhưng một khi đã thành công thì ảnh hưởng sẽ sâu sắc và kéo dài, ví dụ như ảnh hưởng của Khổng giáo Trung Quốc ở các nước Đông Á và các nét văn hoá Pháp vẫn tồn tại ở một số nước thuộc địa cũ.
Tuy nhiên, quyền lực mềm cũng không phải là chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề. Không cá nhân nào đủ mạnh mẽ để bắt ép người khác, cũng không ai thích cảm thấy bị lôi kéo, cho dù dưới ảnh hưởng của quyền lực mềm. Hạn chế của quyền lực mềm là nó không có tính chất mệnh lệnh, bắt buộc và việc có bị thuyết phục, bị hấp dẫn hay không cũng không hoàn toàn do chủ thể sử dụng quyền lực mềm quyết định mà tùy thuộc rất nhiều vào người tiếp nhận. Ngoài ra, chính ưu điểm về việc dễ dàng trở thành chủ thể quyền lực mềm khiến nó trở thành một công cụ nguy hiểm khi rơi vào tay chủ nghĩa khủng bố hoặc các quốc gia bất hảo.
Hiện nay, khái niệm “quyền lực mềm” đã được nghiên cứu rộng rãi và phát triển theo nhiều hướng khác nhau, khá đa dạng và phong phú. Đặc biệt, châu Âu đang được xem là một mô hình quyền lực mềm nổi bật, đối trọng với “quyền lực cứng” của Mỹ, khi ảnh hưởng của châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và phát triển, đang lớn mạnh trên trường quốc tế.
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).
(Theo Nghiencuuquocte)