50 năm sau khi Sài Gòn thất thủ: Hồi tưởng của Nayan Chanda

Là phóng viên tờ Tạp chí Kinh tế Viễn Đông (Far Eastern Economic Review) có mặt tại Sài Gòn ngày 30/4/1975, ông Nayan Chanda đã chứng kiến thời khắc lịch sử này của Việt Nam. Tháng 4 vừa qua, ông đã có bài viết với tựa đề “50 năm sau khi Sài Gòn thất thủ” đăng trên Tạp chí châu Á Toàn cầu (Global Asia), mô tả lại thời khắc trọng đại đó. Tạp chí Phương Đông xin trích dịch giới thiệu tới bạn đọc bài báo phần nói về Sài Gòn ngày giải phóng.

Global Asia: Sài Gòn thất thủ ngày 30/4/1075 là cột mốc quan trọng trong quá trình lâu dài và đau đớn tiến đến hoà bình và thịnh vượng của Việt Nam. Đến nay, chúng ta vẫn cảm nhận được tiếng vang nhắc chúng ta rằng những thế lực muốn khuất phục một dân tộc đầy quyết tâm cũng có những điểm yếu.

Nayan Chanda, một trong những sáng lập viên của Tạp chí châu Á toàn cầu, phóng viên tờ Tạp chí Kinh tế Viễn Đông đã có mặt và chứng kiến những gì đã xẩy ra khi đó – và những gì đã xảy ra những năm tiếp theo.

Trang bìa tạp chí “Far Eastern Economic Review” số tháng 6/1975

Khi tôi ngủ dậy trong căn hộ của mình trên đường Tự Do ở Sài Gòn sáng hôm đó, bầu không khí im lặng lạ thường. Có vẻ như ai đó đã tắt đi tiếng động nền quen thuộc – không còn tiếng ù ù của máy bay trực thăng xen lẫn với tiếng súng và tiếng nổ bùm bùm vào phòng ngủ của tôi. Đó là sáng ngày 01/5/1975. Nằm trên giường với chiếc quạt điện kêu o o trên trần ngắt quãng vẻ im lặng nặng nề, tôi tự hỏi có phải hoà bình là như thế này không.

Ngày hôm trước, ngày 30/4, Sài Gòn tưởng chừng như bị cơn co giật. Máy bay trực thăng Mỹ ầm ầm như sấm trên trời, mang theo những người Mỹ cuối cùng và cả những người Việt Nam có liên quan với họ. Cảng Sài Gòn, bên dưới căn hộ của tôi, có đám đông những người tuyệt vọng: hàng ngàn người Việt Nam lưng đeo ba lô, tay bế con chen lấn nhau, tìm cách lên bất cứ vật gì có thể nổi trên sông Sài Gòn. Họ hy vọng rằng có thể có cách nào đó đi đến tầu của Hạm đội 7, Hải quân Mỹ đang ở ngoài bờ biển. Chỉ cách đó hơn một ki-lo-mét, Đại sứ quán Mỹ trông giống như một pháo đài bị những người Việt Nam điên loạn tìm cách vào được bên trong. Trong khi đó, một loạt máy bay trực thăng cứ đều đặn chở đi những người Việt Nam may mắn từ mái nhà của Đại sứ quán. Khi chiếc trực thăng cuối cùng, chiếc CH-46 (Kỵ binh trên biển) cất cánh sau khi đã thả lựu đạn cay vào thường dân tuyệt vọng ở cầu thang gác, cánh cổng bằng thép đúc của Đại sứ quán dùng để ngăn đám đông tràn vào đã bị mở toang. Một đám đông điên loạn ùa vào Đại sứ quán bị bỏ đi, phá và cướp đi tất cả những gì còn lại. Trong số những đồ vật của Đại sứ quán có một khung tranh trích lời của “Lawrence xứ Ả Rập”[1]. Lời trích này chứa đựng sự mỉa mai cay đắng của thời điểm đó: “Cứ để họ làm dù không hoàn hảo còn hơn là mình tự làm mà hoàn hảo. Bởi lẽ, đó là đất nước họ. Cuộc chiến của họ. Và bạn cũng đâu có thời gian”.

Sau khi chứng kiến Đại sứ quán bị cướp đồ, tôi chạy vội về văn phòng của hãng Reuters nằm ở góc đường gần Phủ Tổng thống để dùng máy telex. Nhưng chưa kịp kết thúc bài viết về tình hình cho hãng Reuters (tôi cũng là phóng viên tự do của hãng), thì tôi giật mình nghe thấy tiếng ầm ầm rất to bên ngoài. Qua cửa chính vẫn mở, tôi thấy một chiếc xe tăng cắm cờ nền xanh đỏ có sao vàng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng đang tiến đến cổng Dinh Tổng thống. Chạy nhanh theo hướng xe tăng, tôi vẫy tay chào những người lính ngồi trên xe, cố giành được lòng tin của họ. Họ vẫy tay chào lại. Tôi lại vội vã quay trở lại văn phòng để đánh tin nhanh cho Reuters: “Chiến tranh Việt Nam kết thúc lúc 11h25 hôm nay”.

Tác giả Nayan Chanda (ngoài cùng bên phải) cùng các nhà báo khác tại sân bay Tân Sơn Nhất cuối tháng 5/1975. Ảnh thuộc BST của Barry May

Những gì xảy ra sau đó vài tiếng đồng hồ là điều không một ai, kể cả những người thắng cuộc mặc áo lính, có thể đoán trước được. Suốt buổi sáng hôm đó, từng đoàn xe tăng, xe bọc thép, xe vận tải hạng nặng của Liên Xô, nhiều xe kéo theo pháo tầm xa đổ vào trung tâm thành phố Sài Gòn. Hàng ngàn người dân thành phố đứng ở vỉa hè và ban công quan sát cuộc diễu hành của người chiến thắng.

Kết quả

Tôi thấy một số lính Nam Việt Nam vứt bỏ đồng phục và quân dụng xuống vỉa hè, nhập vào đám đông để an toàn hơn. Đến cuối chiều, phố xá đầy những người tò mò. Đêm hôm đó, phương tiện truyền thông của thế giới ở Sài Gòn bị cắt liên lạc, Sài Gòn đầy rẫy suy đoán về số phận hẩm hiu của thủ đô thất thủ, và khu vực quanh Dinh Tổng thống đã trở thành một doanh trại lớn. Người Sài Gòn ngồi cùng với những người lính cách mạng mà họ gọi là “bộ đội”. Bộ đội mặc đồng phục mầu xanh ô liu quần rộng ống, chân đi dép săng-đan cao su – “dép cao su Hồ Chí Minh”. Người Sài Gòn học hỏi về quân đội Bắc Việt Nam và vũ khí đáng gờm của họ. Đúng vào thời điểm này, tôi tình cờ gặp ông Phạm Xuân Ẩn, Trưởng phân xã Tạp chí Thời báo (Time) được nhiều người săn lùng để kiếm thêm tin tức. Ngạc nhiên khi thấy ông đứng ngoài Dinh Tổng thống với nụ cười khó hiểu, tôi hỏi ông tại sao ông lại không lên máy bay lên thẳng. Ông nói ông bị nhỡ chuyến bay, mặc dù gia đình ông đã rời Việt Nam. Vài năm sau tôi hiểu được tại sao ông không rời Việt Nam. Ông là điệp viên cộng sản có quân hàm cao nhất ở Nam Việt Nam. Trong nhiều thập kỷ, ông đã cung cấp thông tin tình báo chiến lược cho Hà Nôi. Trong những buổi gặp gỡ trong tiếng chim hót kéo dài nhiều tiếng đồng hồ sau này, tổi hiểu được rằng ông đã gia nhập Đảng Cộng sản từ thời sinh viên để tham gia chiến đấu chống Pháp và theo lệnh của Đảng, ông đã học ở trường đại học ở California. Theo chỗ tôi hiểu, với ông, kết thúc chiến tranh có nghĩa là một cuộc sống mới. Ông không còn phải tiếp tục sống mà luôn sợ hãi vì bị lộ, bị tra tấn và bị giết.

Những người cộng sản khác như Bùi Hữu Nhân, một cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc sau năm 1954 lại có cảm nhận đơn giản hơn. Ông nói với tôi “Tôi sẽ có thể gặp mẹ tôi, anh tôi và cháu tôi”. “Ngồi ở Hà Nội, tôi luôn nghĩ là khi nào thì tôi có thể ăn măng cụt và sầu riêng quê tôi. Với tôi, chiến thắng là như vậy”. Cho dù có lo ngại về tương lai, nhiều người lính Nam Việt Nam cũng bầy tỏ ý nghĩ như vậy về hoà bình. Thăm Hà Nội vài tháng sau khi Sài Gòn thất thủ, tôi gặp ông Ngô Điền, một quan chức cao cấp tại Bộ Ngoại giao. Tiếp đón tôi trong căn phòng rộng rãi ở một toà nhà màu vàng thực dân, khuôn mặt ông bừng sáng khi ông đọc một bài thơ do một nhà thơ Việt Nam từ thế kỷ thứ XV viết sau khi đuổi quân Minh ra khỏi Việt Nam:

Một cỗ nhung y chiến thắng,

Nên công oanh liệt ngàn năm

Bốn phương biển cả thanh bình,

Ban chiếu duy tân khắp chốn…

Nayan Chanda

Trần Hà (dịch)

Chú thích:

[1] T. E. Lawrence, một sĩ quan Quân đội Anh nổi tiếng vì vai trò của ông trong Cuộc nổi dậy của Ả Rập chống sự thống trị của Đế quốc Ottoman – Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm 1916 – 1918, ND

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN