
Nhân dịp kỉ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu với bạn đọc một số trích đoạn từ cuốn sách mới xuất bản “30-4-1975, sau 50 năm nhìn lại” của tác giả Nguyễn Hữu Thái, nguyên Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn, một trong những người cắm cờ Giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập, đồng thời là người giới thiệu lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tại Đài phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975.
Giờ phút căng thẳng tại sảnh Dinh Độc Lập
Cơ sở tình báo giải phóng thuộc Cụm A24 là kỹ sư Tô Văn Cang (Việt kiều Pháp về công tác ở Bưu điện Sài Gòn, quen thân với nhiều người trong nội các Dương Văn Minh) đã ghi lại khoảnh khắc căng thẳng đó ở Dinh Độc Lập:
Khi ông vội vã vào Dinh Độc Lập thì nhìn thấy một số bộ đội ta đang vây nhóm Dương Văn Minh – Vũ Văn Mẫu. Một anh bộ đội đội nón cối có huy hiệu sao vàng (sau này mới biết đó là Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn bộ binh 66) súng lên đạn cầm tay lăm lăm, cùng 2 trợ lý từ phía cầu thang giữa chạy lại: “Minh – Huyền – Mẫu đâu, Minh đây hả, lôi cổ nó ra đây!” vừa la vừa định nắm cổ áo ông Minh. Ông Cang đứng cạnh, lấy tay gạt phắt, đẩy anh bộ đội ra, và nói với họ: “Yêu cầu đồng chí giữ kỷ luật, giữ trật tự. Xin mời vào phòng và đóng cửa lại”. Tướng Nguyễn Hữu Hạnh nói ông Minh đã tuyên bố bàn giao chính quyền. Người bộ đội đẩy ra và la lớn: “Không có bàn giao gì hết. Hãy xếp hàng hai lại, nhanh lên!” Cang giơ tay xin nói thì cũng bị ngăn lại và la: “Xếp hàng lại!”
Cang vẫn mạnh dạn: “Không, tôi là người của Mặt trận, thuộc đoàn 22, của Tướng Ba Trần, bộ đội tiền phương”. Người bộ đội trợn mắt: “Anh muốn gì nào?”, thì Cang lập tức tuôn ra: “Tôi chỉ muốn bộ đội áp dụng đúng chính sách đối với tù binh hàng binh”. Anh ta hỏi gặng lại: “Chính sách thế nào? Chúng tôi được lệnh tấn công Dinh Độc Lập và bắt làm tù binh tất cả. Xếp hàng lại ngay!”
Cang tranh thủ nói: “Tôi biết các đồng chí bận hành quân không nghe lời tuyên bố đầu hàng của Tướng Minh lúc 9 giờ rưỡi sáng, tôi xin bảo đảm là có tuyên bố rồi, mà từ lúc vào đây cũng không có ai chống cự, tất cả đều sẵn sàng đón bộ đội vào, nên tôi yêu cầu áp dụng đối với hàng binh, chớ không phải tù binh”. Được trớn Cang nói luôn: “Đối với tù binh đang cầm súng, chỉ bắt nhốt và đối xử nhân đạo, tức là cho ăn uống. Còn với hàng binh thì thì phải đối xử tử tế”.
Sự việc này sau thấy báo Quân đội Nhân dân đăng ảnh lúc 11 giờ trưa tại Dinh Độc Lập và phản ảnh là đồng chí Lê Đức Thọ có khen việc giải quyết đối với ngụy quân ngụy quyền rất tốt.
Hai bên còn đôi co qua lại, ngay lúc đó ban chỉ huy lữ đoàn xe tăng cũng kịp đến. Chỉ huy Nguyễn Tất Tài lệnh cho các chiếc tăng còn lại vây quanh Dinh đề phòng địch phản kích. Chính ủy Bùi Văn Tùng và Chủ nhiệm chính trị Lê Minh xuống xe thiết giáp bước vội vào sảnh Dinh. Đại đội trưởng đơn vị đặc công Phạm Duy Đô chạy đến: “Báo cáo, anh em đang giữ Dương Văn Minh và cả nội các ngụy ngồi trong đó. Mời thủ trưởng đến giải quyết”.
Chính uỷ Tùng nhớ lại: Suốt một đời trận mạc tưởng đã quen với mọi đổi thay, những biến cố to tát, vậy mà lúc đó ông đã sững sờ. Chân đi dép cao su đang bước lên nền Dinh lát đá cẩm thạch bóng loáng, ông bỗng sững lại giây lát, hơi choáng váng. Rồi những lời dặn dò của Tư lệnh quân đoàn Nguyễn Hữu An khi còn ở Rừng Lá giúp ông bình tâm lại. Tướng An giao mọi việc trong Dinh Độc Lập phải do ông trách nhiệm giải quyết. Ông bèn đường hoàng bước vào phòng lớn, nhìn thấy một nhóm người có vẻ buồn bã, cam chịu đang ngồi im lặng ở giữa căn phòng bài trí cực kỳ sang trọng.
Sự hoang mang chỉ chấm dứt khi người chỉ huy của quân giải phóng, Chính uỷ Bùi Văn Tùng xuất hiện. Thấy các cấp chỉ huy bộ đội vào, người cao lớn, mang kính trắng là Tướng Minh đứng lên:
– Thưa ông, chúng tôi đang chờ các ông vào để bàn giao.
Chính ủy Tùng cố gắng nén sự khó chịu trước hai tiếng “bàn giao”, cố không to tiếng:
– Các ông chẳng còn gì để mà giao.
– Thưa ông…
– Các ông chỉ có đầu hàng vô điều kiện !
Chính ủy Tùng nghĩ ngay đến việc phải buộc họ tuyên bố đầu hàng sớm để đỡ đổ máu. Sài Gòn vẫn còn vang tiếng súng, miền Tây Nam Bộ và các hải đảo vẫn chưa được giải phóng. Ông bèn quay sang Tướng Hạnh hỏi: “Đường dây đến đài phát thanh còn hoạt động không?” Hạnh trả lời là không sử dụng được nữa. Chính ủy Tùng nói: “Ngay bây giờ, yêu cầu ông Minh đến đài phát thanh công bố điều đó trước nhân dân, trước thế giới”.
Ông Cang nói mình cũng đề nghị Tướng Minh nên tuyên bố lại. Lúc đầu ông Minh không chịu, nói là đã có tuyên bố xong rồi. Cang cố gắng khuyên: “Lúc nãy là tuyên bố đầu hàng mà chưa tiếp xúc với bộ đội giải phóng, còn bây giờ thì đã gặp nhau rồi, nên tuyên bố rõ như vậy”.
Dương Văn Minh nhẫn nhục im lặng. Sau đó, ông quay sang trao đổi nho nhỏ với người đứng cạnh là Tướng Hạnh. Người này hướng về Chính ủy Tùng: “Thưa ông, Đại tướng ra ngoài lúc này sợ phe đối lập ám hại, vì họ biết ông Minh đi tuyên bố đầu hàng”.
Chính ủy Tùng nói ngay: “Đi với tôi, ông Minh khỏi lo. Quân giải phóng đã hoàn toàn chiếm lĩnh thành phố, chúng tôi bảo đảm an toàn”. Ông Minh đồng ý.
Tiếng nói Cách mạng trên Đài phát thanh Sài Gòn
Nhóm sinh viên tranh đấu Sài Gòn từng trấn giữ Đài phát thanh viết lại trên báo Thanh Niên:
“Sáng sớm 30-4, các sinh viên Hà Thúc Huy và Nguyễn Tân, Huỳnh Ngọc Chênh cùng một nhóm anh em tập trung ở Đại học Vạn Hạnh. Họ đã gặp Giáo sư Huỳnh Văn Tòng và Nguyễn Hữu Thái, một lãnh tụ sinh viên tranh đấu và được phân công xuống trường Đại học Nông lâm súc đối diện đài truyền hình Sài Gòn để tiếp thu đài. Thấy nhiều người hôi của lục lọi phá phách, họ phân công một nửa số sinh viên ở lại canh giữ. Huy dẫn nhóm còn lại ra cổng Hồng Thập tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) để chuẩn bị sang tiếp thu đài phát thanh. Đang lúc đó thì xe tăng giải phóng ầm ầm kéo vào, theo đường Hồng Thập Tự tiến vào Dinh Độc Lập. Họ mừng rỡ chạy theo xe tăng để hoan hô. Đến ngã tư Đinh Tiên Hoàng – Hồng Thập Tự (Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay) thì gặp một xe tải quân sự chở đầy bộ đội dừng lại hỏi đường đến đài phát thanh. Họ nhảy lên xe quân sự này để dẫn đường. Khi đến nơi, đài bỏ trống. Đơn vị bộ đội triển khai canh giữ chung quanh. Họ ùa vào đài để tìm cách mở máy nhưng thất bại vì không ai rành kỹ thuật. Và không ai biết mình sẽ phát đi lời gì…”.
Tại Dinh Độc Lập, các ông Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu và ông Bùi Văn Tùng rời khỏi phòng để sang đài phát thanh. Họ bước xuống cầu thang ra bãi cỏ, đến ngang chỗ vòi phun nước, ông Dương Văn Minh và ông Vũ Văn Mẫu leo lên một chiếc xe jeep được bảo vệ bởi hai chiến sĩ giải phóng. Đại úy Phạm Xuân Thệ hướng dẫn xe này. Chính ủy Bùi Văn Tùng và một người lính khác lên chiếc xe thứ hai. Nhà báo Tây Đức Von Borries Gallasch với nào các máy ảnh, ghi hình, ghi âm đeo lỉnh kỉnh quanh người có mặt ở đó, xin chính ủy Tùng cho đi theo và hứa sẽ viết bài có lợi cho cách mạng. Ông gật đầu đồng ý. Nhà báo Hà Huy Đỉnh làm thông dịch cho Gallasch với bộ râu dài cũng leo lên chiếc xe jeep này và họ lái đi. Nhà báo Đức hỏi xin nói tiếng Pháp có được không vì chắc rằng những người ở lớp tuổi Chính ủy Tùng (năm đó ông Tùng 45 tuổi) còn nói được tiếng Pháp. Chính Tùng trả lời: “Peut-être (có thể)”.
Như vậy là cả Nguyễn Hữu Thái, Huỳnh Văn Tòng từ nóc Dinh cắm cờ xuống đã cùng các nhà báo Gallasch và Hà Huy Đỉnh theo xe Chính ủy Tùng ra đài phát thanh.
Chỉ có hai chiếc xe này chạy giữa thành phố lúc ấy – một thành phố đã từng sôi sục mà nay sự sợ hãi bỗng nhiên được làm dịu đi – qua Tòa Đại sứ Mỹ trống hoác, đến đài phát thanh nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Một sinh viên ghi tiếp diễn tiến ở đài phát thanh Sài Gòn: “Anh em sinh viên đã cùng bộ đội chiếm giữ đài phát thanh rồi nhưng không vận hành được cũng như không biết phát đi nội dung gì. Sinh viên và bộ đội đang loay hoay chưa biết làm gì thì bỗng dưng có hai chiếc xe jeep chở đầy người chạy vào khuôn viên đài phát thanh. Rất nhiều bộ đội cùng dân sự bước xuống và họ nhận ra ngay hai ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu, Tổng thống và Thủ tướng mới nhậm chức của chính quyền Sài Gòn. Một trong hai người chỉ huy yêu cầu sinh viên tìm cách cho ông Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng trên đài phát thanh. Ông nói xong, kéo cả đoàn người mới đến lên lầu một, vào phòng khách theo hướng dẫn của sinh viên. Trong lúc đó, một sinh viên chạy đi tìm nhân viên đài. Tại phòng khách, ngoài hai ông Minh – Mẫu, hai chỉ huy bộ đội (sau này họ mới biết là Chính ủy Bùi Văn Tùng và Đại úy Phạm Xuân Thệ) và vài anh bộ đội còn có hai người dân sự nữa là anh Nguyễn Hữu Thái và một nhà báo nước ngoài”.
Nhà báo Đức Gallasch thuật lại quang cảnh đó:
“Họ đi vào phòng thu nhỏ trên lầu một. Nhân viên cũ trong đài đã lấy chân dung của Thiệu từ trên tường xuống và ném qua cửa sổ ra sân. Mọi người ngồi bất động một lát. Ông Mẫu quạt mặt mình bằng một quyển sách. Tổng thống Dương Văn Minh và chính ủy xe tăng Bùi Văn Tùng ngồi trên hai chiếc ghế và nhà báo Đức ngồi giữa họ tại một chiếc bàn nhỏ.
Ông Mẫu trông có vẻ hài lòng. Ông tỏ ra như thể chiến thắng này là chiến thắng của ông. Người thành lập và phát ngôn cho lực lượng thứ ba, mà mới tuần trước đã giải thích cho nhà báo Gallasch tại sao nhóm trung lập của ông ấy sẽ là một nhân tố cần thiết cho bất cứ một tương lai chính trị nào ở Nam Việt Nam, nay tuyên bố rằng: “Không còn lực lượng thứ nhất nữa nên chúng ta không còn cần đến lực lượng thứ ba, hòa giải dân tộc diễn ra sớm hơn dự định. Bây giờ dù muốn hay không chúng ta cùng làm việc cho nhân dân ta”. “Không phân biệt chính kiến?”. “Đúng, chúng ta có khác nhau về quan điểm nhưng những điểm khác nhau đó chỉ hướng chúng ta đi đến một mục đích chung”.
Họ mượn máy thu băng của nhà báo Đức. Pin máy cát-xét quá yếu, anh em sinh viên chạy đi tìm pin thay thế. Họ cũng đi tìm ngay kỹ thuật viên cho đài phát sóng lại. Tất cả đều nhờ anh em sinh viên lo liệu. Chính ủy Tùng xác nhận: “Không có các cậu sinh viên giúp phát đi lời đầu hàng của tướng Dương Văn Minh thì thật là gay go”. Họ tìm được anh Trần Văn Bảng kỹ thuật viên phát sóng trú ngụ ngay gần đấy. Bảng còn lên tiếng gọi thêm mấy người khác đến giúp vận hành đài.
Chính ủy Tùng đã rất khó viết. Ông ngồi bất động trong khi thảo ra được một vài từ rồi đến từ nữa, rồi lại thay thế bằng những từ khác. Sau 30 năm chiến đấu cho một mục đích, thật là khó để biết phải viết như thế nào.
Về sau, Chính ủy Tùng kể rằng ông rất lúng túng không biết làm sao thảo một văn kiện đầu hàng. Từ bé đi học, lớn lên là anh bộ đội Cụ Hồ đã mấy chục năm, chưa có ai chỉ vẽ cho ông cách soạn thảo văn bản đầu hàng cho đối phương cả. Mặt khác ông cũng chưa kịp xin ý kiến cấp trên. Viết sao đây?… A phải rồi, với cách mạng chỉ có hai vấn đề cơ bản nhất: chính quyền và quân đội. Khi mất chính quyền thì quân đội không còn. Và ngược lại, không có quân đội thì thì chính quyền không thể tồn tại. Vậy thì…
Sẵn tập giấy pơ-luya trên bàn, suy nghĩ mấy phút, ông viết lời đầu hàng của Tướng Minh. Ông Minh đề nghị thay vì “Tổng thống” xin dùng chữ “Đại tướng”, dân chúng có cảm tình hơn. Chính uỷ Tùng nghĩ rằng Tướng Minh phải đầu hàng ở cương vị Tổng thống, vì dẫu sao ông cũng ở cương vị này 3 ngày rồi, mới ra lệnh được cho cả dân sự lẫn quân sự.
Nghe lời phân tích có lý lẽ, Tướng Minh gật đầu: “Dạ, tôi xin nghe các ông”.
Chính ủy Tùng suy nghĩ tiếp: có người đầu hàng thì cũng phải có người chấp nhận đầu hàng, nếu không, có thể nhiều người lầm tưởng ông Minh có thiện chí. Và ông thảo luôn lời chấp nhận đầu hàng.
Như vậy là loay hoay khá lâu, đài phát thanh Sài Gòn mới vận hành được và phát đi tiếng nói Cách mạng đầu tiên, vào lúc trên 2 giờ chiều (giờ Sài Gòn). Đài phát thanh Sài Gòn phát đi lời đầu hàng của Tướng Dương Văn Minh. Chính ủy Bùi Văn Tùng nhìn đồng hồ, lúc này là 1 giờ 20 phút chiều (giờ Hà Nội, sớm hơn giờ Sài Gòn vào thời đó một giờ).
Tôi (Nguyễn Hữu Thái) nói lời mở đầu :
“Chúng tôi là những người đại diện cho Ủy ban nhân dân cách mạng Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định. Chúng tôi là những người đầu tiên tới Dinh Độc Lập trước 12 giờ và đã cùng anh em quân đội giải phóng cắm cờ trên Dinh Độc Lập. Chúng tôi là giáo sư Huỳnh Văn Tòng và cựu Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn Nguyễn Hữu Thái. Đời sống bình thường đã trở lại Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố mà Bác Hồ đã mong đợi, nay đã được giải phóng. Xin giới thiệu lời kêu gọi của ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu của chính quyền Sài Gòn về vấn đề đầu hàng ở thành phố này”.
Lời của Tổng thống Dương Văn Minh: “Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến địa phương trao lại cho chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam”.
Lời chấp nhận đầu hàng của chính ủy Bùi Văn Tùng: “Chúng tôi đại diện lực lượng quân giải phóng miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của Tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn”.
Giáo sư Vũ Văn Mẫu phát biểu: “Trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôi – Giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng, kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc và trở lại sinh hoạt bình thường. Các nhân viên của các cơ quan hành chánh quay trở về vị trí cũ theo sự hướng dẫn của chính quyền cách mạng”.
Và tôi tiếp tục nói: “…Quân Giải phóng đã tiến vào Dinh Độc Lập và đã làm chủ hoàn toàn các điểm chốt quân sự cũng như dân sự của vùng Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định”.
Phải chăng những khoảnh khắc, những tuyên bố đó đã chấn động lòng người, làm nước mắt trào ra từ nhiều đường rừng, mặt trận và cả ở miền Bắc nước ta. Người ta mừng rỡ, hồi hộp và lắng nghe từ xa.
Xong việc, hai chỉ huy bộ đội đưa đoàn Tướng Minh về lại Dinh Độc Lập. Chính ủy Bùi Văn Tùng đã nói những gì với Gallasch, anh không hiểu. Hà Huy Đỉnh dịch lại. Anh đã được ông cảm ơn về sự giúp đỡ và cho phép anh cùng ông về lại Dinh Độc Lập trên chiếc xe jeep.
Chính ủy Bùi Văn Tùng tuy đã thực hiện được một công tác cấp bách và cần thiết phát đi được lời đầu hàng của Tướng Minh, nhưng ông nói rằng mình vẫn bị cấp trên rầy la cho đó là một việc làm mạo hiểm. Nếu có mệnh hệ nào cho tướng Minh thì rất khó ăn nói cho phía cách mạng đối với dư luận trong và ngoài nước.
Nguyễn Hữu Thái đích thân đứng ra điều hành buổi phát thanh ấy, đọc thêm bảng công bố chính sách của Cách mạng đối với vùng mới giải phóng, mượn của một chính trị viên. Thái và Tòng cố tình xưng tên tuổi mình là nhằm tạo tâm lý trấn an nhân dân Sài Gòn. Gần đây, nhân dân phía Nam từng bị guồng máy tâm lý chiến của Mỹ và Sài Gòn ra rả tung tin thất thiệt, mô tả nào cảnh tắm máu khi bộ đội đến miền Trung làm dân Sài Gòn sợ điếng hồn. Mọi người thực sự đang kinh hoàng, chỉ mong tìm đường tháo chạy thoát thân với bất cứ giá nào! Hy vọng khi nghe được tên tuổi Thái, Tòng, họ sẽ nghĩ: “À, nếu mấy tên tư sản kiểu như Tòng, Thái mà còn đó thì chắc cũng không đến nỗi nào!”. Về sau nghe nói có nhiều người lấy tàu chạy ra biển xa đã quay lại và bị bắt đi học tập hoặc bị giam giữ đã trách cứ Thái, Tòng lừa gạt họ!
“Nối vòng tay lớn”
Nhóm sinh viên chủ động tự biên tự diễn chương trình phát thanh, chủ yếu làm sao đưa ra được lời tuyên bố đầu hàng của Tướng Minh, thông báo chính sách của chính quyền cách mạng lâm thời về vùng mới giải phóng và trấn an dư luận dân chúng Sài Gòn, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các hải đảo. Xen kẽ vào các lời ghi âm sẵn phát đi phát lại nêu trên, họ tranh thủ kêu gọi đại diện đồng bào các giới đến lên tiếng trên làn sóng phát thanh. Các anh giáo sư Huỳnh Văn Tòng, nhà báo Kỳ Nhân, nghệ sĩ Nguyễn Đức… lần lượt lên tiếng kêu gọi giới mình tích cực tiếp tay với các tổ chức cách mạng tham gia vào việc ổn định tình hình Sài Gòn.
Thấy trong đám đông ùa đến đài có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, sinh viên đưa anh vào và tất cả cùng anh hát vang bài “Nối vòng tay lớn”. Băng ghi âm mới phát hiện gần đây ở Mỹ ghi rõ: Sau lời giới thiệu của Thái, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phát biểu chào mừng ngày độc lập và thống nhất:
“Tôi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất vui mừng và cảm động gặp và nói chuyện với tất cả các anh em văn nghệ sĩ ở miền nam Việt Nam này. Hôm nay là cái ngày mơ ước của tất cả chúng ta, đó là ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn tất cả đất nước Việt Nam này. Cũng như những điều mơ ước của các bạn bấy lâu là độc lập, tự do và thống nhất thì hôm nay chúng ta đã đạt được tất cả những kết quả đó.
Tôi yêu cầu các văn nghệ sĩ miền nam Việt Nam (không rõ) hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam. Những kẻ đã ra đi chúng ta xem như là đã phản bội đất nước.
Chúng ta là người Việt Nam. Đất nước này đất nước Việt Nam. Chúng ta ở trên đất nước chúng ta.
Chính phủ Cách mạng Lâm thời sẽ đến đây với thái độ hoà giải tốt đẹp. Các bạn không có lí do gì sợ hãi để phải ra đi cả.
Đây là cơ hội đẹp đẽ và duy nhất để đất nước Việt Nam thống nhất và độc lập. Thống nhất và độc lập là những điều chúng ta mơ ước từ mấy chục năm nay.
Tôi xin tất cả các bạn, thân hữu cũng như những người chưa quen với tôi, xin ở lại và chúng ta kết hợp chặt chẽ với Ủy ban Cách mạng Lâm thời để góp tiếng nói xây dựng đất miền Nam Việt Nam này.
(Không rõ) Gặp tất cả anh em ở trong Ủy ban Cách mạng Lâm thời. Hiện tại chúng tôi đang ở tại đài phát thanh Sài Gòn và tôi mong các bạn chuẩn bị sẵn sàng để đến đây góp tiếng nói, lên tiếng để tất cả mọi người đều yên tâm. Và tôi xin tất cả các anh em sinh viên học sinh của miền Nam Việt Nam này hãy yên ổn kết hợp lại với nhau, khóm phường đều kết hợp chặt chẽ chuẩn bị để đón chờ Ủy ban Cách mạng Lâm thời đến.
Xin chấm dứt. Và tôi xin hát một bài. Hiện tại ở trên đài thì không có đàn ghi ta. Tôi xin hát lại cái bài “Nối vòng tay lớn”. Hôm nay thật sự cái vòng tay lớn đã được nối kết…
Rừng núi dang tay nối lại biển xa
Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà…”.
Tất cả chúng tôi cùng anh hát vang bài “Nối vòng tay lớn”. Không có đàn trống, anh em vỗ tay, khỏ nhịp lên bàn cùng nhau hát vang.
“Bài hát đã có tác động làm chùng tay súng. Một ngày, một giờ mà sinh mệnh của hàng triệu con người nằm trên đường tơ kẽ tóc, một sự kiện như thế thật quá trọng đại!” Đó là cảm giác ghi lại của anh bộ đội Giải phóng Nguyễn Văn Thọ khi tiến vào Sài Gòn.
Anh viết tiếp: “Mặt đất bao la…anh em ta về… gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng…”. Lời ca không phải là tiếng thách thức tử thủ. Lời ca không phải là tiếng bể máu như kết cục thường của chiến cuộc, lời ca khi ấy làm chùng xuống không khí thù hận và hằn học. Chúng tôi tiến vào Sài Gòn… Chiến tranh nào bao giờ chẳng có mặt trái, nhưng tiếng hát kia, bản nhạc ấy, mở ra cho cả hai bên nghe như một liều thuốc vô hình đã làm chùng xuống một thời khắc dễ nổi cáu và nổi đóa.”
Thông cáo số 1 của Bộ tư lệnh Quân Giải phóng
Nguyễn Hữu Thái không ở lại đài đến cuối phần phát thanh vì anh Lê Công Giàu, cán bộ Thành đoàn của Mặt trận Giải phóng xuống mời tôi lên gặp Ban chỉ huy tiếp quản Sài Gòn đang đóng quân ở trường Pétrus Ký (Lê Hồng Phong ngày nay). Họ muốn gặp tôi bàn bạc kế hoạch tập hợp thanh niên sinh viên học sinh Sài Gòn vào sáng ngày mai 1/5. Tôi quen mặt hầu hết các cán bộ Đoàn đang có mặt ở đó nguyên là học sinh sinh viên Sài Gòn, nay rắn rỏi trong quân phục quân giải phóng. Những người đã cùng tôi xuống đường đấu tranh từ 10 năm qua.
Tôi được giới thiệu gặp một người lớn tuổi, cao to, nét mặt rắn rỏi, giọng nói còn sang sảng là ông Mai Chí Thọ, một nhân vật huyền thoại lãnh đạo cuộc chiến đấu quanh vùng Sài Gòn – Gia Định từ thời kháng Pháp đến chống Mỹ. Ông khen ngợi việc sử dụng đài phát thanh phát đi tiếng nói Cách mạng, chỉ tiếc không có được nhiều tiếng nói tiêu biểu hơn của bên lao động như ông Chủ tịch Nghiệp đoàn tiến bộ Lê Văn Thốt chẳng hạn. Ngày mai phải làm sao quy tụ thật đông đảo thanh niên học sinh sinh viên đến trụ sở 4 Duy Tân. Cả đêm 30/4 đó chúng tôi đâu có ngủ yên. Không phải vì những thao thức về thân phận, toan tính đối phó với kẻ thù mà suy nghĩ về một ngày mai từ đây phải tươi sáng vì rõ ràng là từ nay ta đã thực sự làm chủ vận mệnh mình.
Đến chiều tối sinh viên mới giao được đài lại cho bộ phận phát thanh Giải phóng vừa về đến Sài Gòn.
Cánh quân cách mạng phía Tây tiến chiếm Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu VNCH. Họ chựng lại vì gặp sự kháng cự quyết liệt từ căn cứ quân dù ở Ngã tư Bảy Hiền. Bộ đội mất 5 xe tăng T-54 và có gần 200 chiến sĩ thương vong. Một xe tăng tiến vào mở toang cửa nhà tù Chí Hòa, trả tự do cho cả 7.000 tù nhân, không phân biệt là thường phạm hay chính trị. Cánh quân phía Nam từ Chợ Lớn kéo vào, ưu tiên trực chỉ tiến chiếm Tổng nha Cảnh sát Quốc gia.
Chiều 30/4/1975, nhiều cánh quân lần lượt kéo đến. Chuẩn tướng VNCH Nguyễn Hữu Hạnh cảm thấy thanh thản và nhẹ lòng khi đã làm xong nhiệm vụ mà Ban binh vận Trung ương Cục đã giao. Ông đã góp phần nhỏ bé của mình cho một Sài Gòn còn nguyên vẹn, cho một nước Việt Nam thống nhất, hòa bình. Ông bỗng nhớ đến những ngày hôm qua của đời mình: từ một sĩ quan chống Cộng trở thành cơ sở của cách mạng.
Tại Dinh Độc Lập, nhóm Tướng Minh nghe Đại tá Sáu Trí (Nguyễn Văn Khiêm, Đoàn 22 tình báo của cách mạng) cùng nhóm hoạt động cách mạng nội thành Tô Văn Cang vào nói chuyện, anh em đã an tâm hơn. Nhóm Sáu Trí xuống dưới hầm họp chung với nhiều vị tướng tá cách mạng như Nguyễn Hữu An, Nam Long… Khi nhận định tình hình còn rất phức tạp, lộn xộn, các anh cùng bàn là nên thảo một thông báo để trấn an quân đội và dân chúng. Ý kiến góp chung, nhưng các anh giao cho ông Cang chấp bút ghi lại, rồi các anh giao cho họ chạy ra đài phát thanh. Tại đài, quần chúng tranh nhau lên tiếng thật đông, phải khó nhọc lắm xe các ông mới lọt vô được. Rồi họ lên lầu để cho ông Cang đọc chậm và rõ bảng “Thông báo số 1”, ông Giàu đi theo đọc lại lần nữa, sau đó dặn cứ 5 phút thì lặp lại một lần.
Nội dung Thông cáo số 1 của Bộ tư lệnh Quân Giải phóng Sài Gòn – Chợ Lớn-Gia Định như sau:
Quân Giải phóng đã chiếm Dinh Độc Lập và làm chủ tình hình tất cả Sài Gòn lúc 12 giờ hôm nay, ngày 30/4/1975.
Bắt đầu từ giờ phút này, yêu cầu tất cả nhân dân thi hành mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng: – Lệnh giới nghiêm bắt đầu từ 18 giờ đến 6 giờ sáng. – Tất cả quân đội Sài Gòn, nhân dân tự vệ, cảnh sát của ngụy quyền Sài Gòn phải đến trình diện nộp vũ khí tại các Ủy ban Quân quản các Quận. – Anh chị em công nhân phải giữ gìn bảo vệ các xí nghiệp nhà máy. – Công chức các cấp trong lãnh vực điện, nước, viễn thông, vệ sinh công cộng… phải tiếp tục điều hành và tuyệt đối không được hủy hoại tài sản Nhà nước. – Bộ Tư lệnh Giải phóng sẽ nghiêm trị hành động trộm cướp, gây xáo trộn, làm mất trật tự, nghiêm cấm gây tiếng nổ, bắn súng bừa bãi gây hoang mang trong dân chúng. Sài Gòn, ngày 30/4/1975, Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định.■ |
(Hết)
Nguyễn Hữu Thái