Nhà báo Anh thuật lại cuộc gặp với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1965

Tháng 12/1965, một năm sau khi nộp đơn xin phép, James Cameron bất ngờ trở thành nhà báo phương Tây đầu tiên được chấp thuận vào Hà Nội và được phép tiếp cận những “khu vực nhạy cảm” khác của miền Bắc Việt Nam.Ông không rõ tại sao cánh cửa lại được mở – có lẽ vì ông không đi với tư cách đại diện cho bất kỳ ai, không là khách mời của bất kỳ bên nào. Vào thời điểm Cameron đến thăm, bom Mỹ đang rơi xuống các hệ thống giao thông và liên lạc tại miền Bắc Việt Nam, với những mối đe dọa nghiêm trọng hơn còn đang chờ phía trước.

Trong cuốn sách Here is your enemy (Đây là kẻ thù của anh), xuất bản lần đầu tại Mỹ năm 1966, ông kể về Hà Nội (vào thời điểm đó gần như khó tiếp cận như Lhasa), về những thay đổi kịch tính của miền Bắc Việt Nam (ông từng đến đây 12 năm trước), và về các cuộc trao đổi chưa từng có với các lãnh đạo miền Bắc.

Here is your enemy của James Cameron là bản tường thuật đầu tiên và đầy bất ngờ từ bên trong miền Bắc Việt Nam. Đây cũng là một ghi chép xúc động từ một cây bút vốn tự nhận mình là có tư tưởng độc lập về chính trị. Cameron viết: “… Tôi chưa từng tìm được chỗ đứng trong bất kỳ đảng phái chính trị nào. Tuy nhiên, tôi cần nói rõ rằng tôi thấy cuộc chiến Mỹ – Việt hiện tại vừa ngu xuẩn vừa tàn bạo, và như tôi hy vọng sẽ thể hiện rõ trong sách này, lời buộc tội lớn nhất là nó đang làm tha hóa cả hai bên – không ở mức ngang nhau, nhưng với một mức độ tàn nhẫn và không cần thiết… Tôi không viết một tờ truyền đơn chính trị; tất cả những gì tôi cố làm ở đây là thuật lại những gì tôi thấy và nghe”.

Here is your enemy không phải là một cuốn sách chính trị, sách phiêu lưu hay du ký – nhưng nó, thật hấp dẫn, là tất cả những điều đó. Khoảng một nửa nội dung cuốn sách từng được đăng thành 5 kỳ trên các tờ The New York TimesLondon Evening Standard mùa đông năm 1965. Những bài viết này – ghi chép đầu tiên từ nhân chứng về tác động của các đợt ném bom chiến thuật và chiến lược của Mỹ vào miền Bắc Việt Nam – đã làm dư luận quốc tế xôn xao. Khoảng 60 tờ báo trên khắp nước Mỹ sau đó đã đăng lại các bài viết của Cameron.

Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với bạn đọc bản dịch “Chương 8: Cuộc hẹn tại Phủ Chủ tịch”, trong đó James Cameron thuật lại cuộc gặp của ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Phủ Chủ tịch năm 1965. Ảnh: Romano Cagnoni. Romano Cagnoni là nhiếp ảnh gia người Ý đồng hành với James Cameron trong chuyến thăm miền Bắc Việt Nam năm 1965. Ông đã thuyết phục được Bác Hồ đồng ý cho chụp ảnh mặc dù ban đầu Bác dứt khoát từ chối. Những bức ảnh này sau đó đã xuất hiện trên trang nhất của nhiều tờ báo trên khắp thế giới.

“Tôi có cảm giác chúng ta đã gặp nhau ở đâu đó”, ông Phạm Văn Đồng nói, “mặc dù điều đó rõ ràng là không thể”.

Hoàn toàn không phải như vậy; tuy nhiên, thật khó tin rằng Thủ tướng Bắc Việt Nam có thể nhớ đến một cuộc gặp thoáng qua từ 11 năm trước, tại khách sạn Beau Rivage ở Geneva, trong một bối cảnh đầy bất ngờ với Chu Ân Lai và ngài Anthony Eden. Vào thời điểm quan trọng của Hội nghị Đông Dương đó, ông là nhân vật thú vị và gây nhiều suy đoán nhất – đại diện cho tổ chức cách mạng Việt Minh, lực lượng sau bảy năm rưỡi đã khiến Đế quốc Thực dân Pháp lâm vào thế suy sụp, và hiện tại đang điều hành đất nước dưới sự lãnh đạo của vị Chủ tịch đáng kính Hồ Chí Minh.

Tôi đã ở miền Bắc vài tuần trước khi thiết lập được liên lạc với ông Phạm Văn Đồng. Tất nhiên, ngay từ khi đặt chân đến, tôi đã đề nghị được gặp cả ông và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Câu trả lời từ phía Văn phòng Chủ tịch là một lời từ chối dứt khoát. Chủ tịch Hồ lấy làm tiếc rằng ông không thể thu xếp để gặp tôi trong thời gian tôi lưu lại Hà Nội. Ít nhất thì đây cũng là một câu trả lời rõ ràng; ở châu Á, người ta dần quen với những lời nói nước đôi, những sự né tránh và trì hoãn – rằng nhân vật quan trọng sẽ tiếp bạn vào một ngày nào đó, khi thuận tiện, khi thời cơ thích hợp; và rồi rốt cuộc chẳng bao giờ có cuộc gặp nào, cho đến khi bạn phải rời đi. Bác Hồ thì thẳng thắn hơn nhiều; ông không muốn bận tâm đến tôi.

Nhưng có thực sự là Bác Hồ đã đưa ra câu trả lời dứt khoát đó? Hay có lẽ nào ông chưa bao giờ biết đến lời đề nghị của tôi, chưa từng nghe nói về sự có mặt của tôi, chưa từng biết tôi là ai, và đây chỉ là một phần trong trò chơi chính trị đương thời ở Hà Nội, nơi người ta cố tình hạn chế vai trò của ông? Tôi lại nhớ đến những tin đồn về việc sức khỏe của ông suy giảm, rằng ông đã bắt đầu mệt mỏi, rằng trí óc sắc bén ngày nào giờ không còn minh mẫn như trước. Quả thực, suốt gần ba tháng qua, ông không hề xuất hiện trước công chúng hay đưa ra bất kỳ tuyên bố nào – một điều kỳ lạ trong bối cảnh tình hình ngày càng căng thẳng. Thậm chí, ông có thể đã qua đời.

Người dân khiêng một mảnh xác máy bay Mỹ bị bắn rơi, miền Bắc Việt Nam năm 1965. Ảnh: Romano Cagnoni
Hai cha con bên miệng hầm trú ẩn, miền Bắc Việt Nam năm 1965. Ảnh: Romano Cagnoni

Dù sao đi nữa, tôi cũng sẽ không được gặp Bác Hồ. Văn phòng Thủ tướng thì tỏ ra thiếu chắc chắn hơn; Thủ tướng hy vọng sẽ có dịp tiếp tôi, nhưng mong tôi thông cảm nếu điều đó là không thể. Dù sao thì đất nước vẫn đang có chiến tranh.

Điều này có vẻ hợp lý. Xét cho cùng, sự có mặt của tôi ở đây cũng là một điều khác thường. Hà Nội vào thời điểm này không dễ dàng tiếp nhận người phương Tây, và ngay cả những nhân vật có ý nghĩa lớn hơn tôi rất nhiều cũng đã bị từ chối một cách lạnh lùng. Tôi chẳng đại diện cho ai ngoài chính mình, và thật khó tin rằng Thủ tướng lại quan tâm đến một công dân vẩn vơ của một quốc gia, mà vốn dĩ, cũng chẳng thừa nhận ông ta.

Tuy nhiên, lời mời bất ngờ đã đến – như mọi chuyện dường như vẫn diễn ra ở Hà Nội: đột ngột, không báo trước và vào phút chót.

Chỉ được báo trước một giờ, tôi đã có mặt trong đại sảnh rộng lớn của Phủ Chủ tịch – lần trước khi tôi đến Hà Nội, nơi này vẫn còn là dinh thự của Toàn quyền Pháp tại Bắc Kỳ. Tôi chưa từng bước chân vào đó, nhưng nó trông chính xác như tôi đã hình dung: một sự kết hợp giữa khách sạn Ritz và nhà ga Gare du Nord.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng bước vào phòng với nụ cười trên môi, mở đầu bằng một nhận xét kỳ lạ: “Tôi nghĩ chúng ta đã gặp nhau ở đâu đó”.

Ông Phạm Văn Đồng khi ấy 58 tuổi, mang dáng dấp quen thuộc của một nhà cách mạng lịch thiệp – một viên quan Mác-xít bắt đầu sự nghiệp trong Hoàng cung rồi từng bước tiến lên. Cha ông từng là Chánh văn phòng của cựu hoàng Duy Tân.

Tại Đại học Hà Nội, ông trở thành một người theo chủ nghĩa dân tộc, tổ chức đình công và sau đó chạy sang Trung Quốc khi bị mật thám Pháp truy đuổi. Ở đó, ông gặp Hồ Chí Minh – người khi ấy là trí thức Mác-xít hàng đầu châu Á. Đó là chuyện của khoảng 40 năm trước, và từ đó đến nay, họ luôn sát cánh bên nhau.

Từ đó, ông liên tục ra vào Đông Dương và Trung Quốc, cuối cùng trở về vào năm 1941 để chứng kiến sự ra đời của phong trào Việt Minh và tham gia bốn năm chiến tranh du kích chống Nhật.

Giữa những lời chỉ trích điên cuồng ngày nay, cần nhớ rằng vào cuối Thế chiến, phong trào của ông là một lực lượng hợp pháp và được công nhận, mà chính người Pháp khi ấy đã đàm phán để thành lập một Chính phủ quốc gia. Khi đó, quân du kích là những người yêu nước – chúng ta từng thấy điều tương tự ở Miến Điện và Mã Lai. Trên thực tế, Phạm Văn Đồng đã đến Paris vào năm 1945 với tư cách là thành viên của phái đoàn quốc gia để đàm phán về nền độc lập của đất nước mình.

Tuy nhiên, mọi chuyện đổ vỡ, và Phạm Văn Đồng chọn con đường cách mạng. Kể từ đó, ông luôn sát cánh bên Hồ Chí Minh. Giờ đây, ông điều hành đất nước, và số phận của cuộc chiến tranh Việt Nam đầy ám ảnh phần lớn nằm trong tay ông. Có vẻ như ông đang ngày càng gánh vác nhiều trọng trách hơn từ Chủ tịch Hồ – người cũng đã 76 tuổi.

Khi tiếp xúc trực tiếp, ông có một sức hút sôi nổi, với đôi mắt u buồn cùng nụ cười thoáng qua nhưng gần như không thể cưỡng lại. Ông nhất quyết đọc cho tôi nghe một tuyên bố đã được chuẩn bị sẵn bằng tiếng Việt về những “tội ác” của Mỹ, nhưng hóa ra đó lại là một tập hợp những khẩu hiệu nhàm chán mà đến giờ tôi cũng có thể thuộc lòng. Tuy nhiên, sau đó, khi chuyển sang nói chuyện bằng tiếng Pháp, ông bỗng trở nên chân thực một cách bất ngờ.

“Khi chúng tôi nói rằng chúng tôi sẽ thắng cuộc chiến này, anh thực sự không tin đâu. Anh có thể nghĩ rằng chúng tôi nên thắng, thậm chí có thể muốn chúng tôi thắng, nhưng trong thâm tâm anh không thực sự nghĩ rằng chúng tôi có thể”.

“Và đúng là tuyên bố này nghe có vẻ vô lý, tôi đồng ý. Đôi khi tôi nhận được các báo cáo từ miền Nam về những gì quân Giải phóng đang làm ở đó, chính tôi cũng khó mà tin nổi, vì chúng nghe có vẻ bị phóng đại quá mức. Tôi chỉ có thể khẳng định với anh rằng đó là sự thật. Tôi chẳng có lý do gì để tự lừa dối mình cả”.

“Tất nhiên, chúng tôi không thể đánh bại Hoa Kỳ. Đó sẽ là một điều hoang tưởng, mà chúng tôi thì không nói chuyện bằng những ảo tưởng. Chúng tôi không cố đánh bại Hoa Kỳ. Ở Mỹ dường như có một niềm tin ngớ ngẩn rằng chúng tôi đang đe dọa họ – một đất nước nghèo khó như Việt Nam lại có thể đe dọa cường quốc mạnh nhất thế giới ư? Chúng tôi chỉ đang cố gắng đuổi họ đi. Họ đang ở trên đất của chúng tôi, và chúng tôi không muốn họ ở đây. Họ hãy rời đi, và chiến tranh sẽ kết thúc”.

Định nghĩa nghe có vẻ khá đơn giản, nhưng thực tế đây là lần đầu tiên Thủ tướng Bắc Việt Nam trực tiếp đưa ra một tuyên bố rõ ràng như vậy với một người phương Tây. Tôi đã từng trải qua nhiều tình huống kỳ lạ, thậm chí là quan trọng trong đời, nhưng vẫn có một cảm giác đặc biệt khi được bước vào căn phòng khách kiểu Rococo của thuộc địa Pháp – nơi đã trở thành trung tâm quyền lực của cách mạng Việt Nam, nơi mà biết bao người đã bị từ chối ngay từ cửa.

Phụ nữ Hà Nội bán hoa và rau trên phố, năm 1965. Ảnh: Romano Cagnoni

“Ông trình bày mục tiêu chiến tranh của mình đơn giản như vậy sao?”

“Chúng tôi đang chiến đấu vì một điều hoàn toàn dễ hiểu và có thể định nghĩa rõ ràng – đó là nền độc lập của chúng tôi, đúng như đã được quy định trong Hiệp định Geneva năm 1954. Anh cũng biết rõ như tôi rằng Hiệp định này yêu cầu rút toàn bộ quân đội nước ngoài khỏi cả miền Bắc lẫn miền Nam. Hôm nay, có 170.000 lính Mỹ đang ở miền Nam Việt Nam. Anh đã thấy bao nhiêu lính Nga ở đây? Không một ai. Anh đã đi khắp đất nước này rồi, anh đã thấy bao nhiêu lính Trung Quốc? Không một ai. Có thể có một vài chuyên gia kỹ thuật. Chúng tôi là một nước rất nghèo và sẵn sàng nhận hỗ trợ kỹ thuật. Nhưng tôi nói với anh, chúng tôi chắc chắn không cần nhân lực của họ; tự đất nước chúng tôi đã có đủ người rồi”.

“Tôi cũng muốn nói điều này: nếu vì bất kỳ lý do gì mà các đồng chí Liên Xô và Trung Quốc quyết định chấm dứt hỗ trợ vật chất, chúng tôi vẫn sẽ chiến thắng. Đây là cuộc chiến của người Việt Nam; tôi là người Việt Nam; tôi biết mình đang nói gì”.

“Tôi đồng ý rằng một số chiến dịch du kích thành công ở miền Nam có vẻ khó tin, nhất là khi xét đến sự chênh lệch khổng lồ về sức mạnh giữa họ và quân Mỹ. Nhưng thực tế có vẻ như thế này – và tôi không nói điều này để coi nhẹ lòng dũng cảm hay kỹ năng của nhân dân Việt Nam – là lính Mỹ hóa ra lại dễ đối phó hơn ta tưởng. Điều đó thật đáng ngạc nhiên. Họ có nhiều vũ khí và tài nguyên hơn rất nhiều so với những gì chúng tôi, Việt Minh từng phải đối mặt khi đánh Pháp. Nhưng tôi nói với anh, từ kinh nghiệm của mình, rằng nếu chỉ có một nửa số quân Pháp ở miền Nam thì họ còn gây khó khăn cho chúng tôi nhiều hơn cả 170.000 lính Mỹ hiện tại. Tôi có thể hiểu được điều đó. Nếu tôi là một thanh niên Mỹ, tôi cũng chẳng muốn chiến đấu ở đây. Toàn bộ tình huống này thật phi lý và khốn khổ”.

Phạm Văn Đồng có một khuôn mặt rất linh hoạt và căng thẳng; ông tạo cảm giác như lúc nào cũng ở trong trạng thái áp lực, với những biểu cảm thay đổi nhanh chóng trên gương mặt. Giờ đây, ông nhìn tôi chăm chú và nói:

“Tôi mong anh có thể hiểu được rằng yêu cầu của chúng tôi đơn giản đến mức nào. Kể từ khi Mỹ bắt đầu ném bom đất nước chúng tôi, nhân dân đã trở nên cay đắng và phẫn nộ, nhưng chính sách của Chính phủ tôi vẫn rất rõ ràng. Chúng tôi không muốn hàng ngàn xác lính Mỹ hay tù binh Mỹ. Chúng tôi chỉ muốn họ rời đi. Chúng tôi muốn việc thực thi thỏa thuận hợp pháp[2] – hãy nhớ rằng Chính phủ của anh không chỉ ký kết mà còn là bên khởi xướng. Chính một Thủ tướng Anh đã chủ trì nền độc lập của chúng tôi”.

“Nhưng cái giá mà chúng tôi phải trả thì vô cùng đắt. Tôi không giả vờ khi nói rằng tôi đã phải khóc – khóc thật sự – trước những đau khổ và mất mát này. Và tình hình sẽ còn tồi tệ hơn, không có gì phải nghi ngờ. Tình hình miền Bắc sẽ còn tồi tệ hơn nữa. Họ đang cố gắng hết sức để cô lập Hà Nội bằng các cuộc ném bom; anh cũng biết điều đó”.

“Họ sẽ ném bom thẳng vào Hà Nội chứ?”

“Rất có thể. Tôi nghĩ là họ sẽ làm vậy”.

Ông quay lại một trong những câu hỏi chuẩn bị sẵn của tôi, về việc liệu có quốc gia hoặc nhóm quốc gia nào mà ông cho là đủ trung thực để khởi xướng một hội nghị nhằm chấm dứt cuộc chiến này không.

“Nếu anh muốn nói đến đất nước của mình, thì tôi e là không. Tôi xin phép không đi xa hơn, nhưng rõ ràng lập trường của Chính phủ Anh hiện nay chỉ là một sự phản chiếu vĩnh viễn của Washington, và do đó Anh không thể có tư cách làm trung gian. Chúng tôi từng mong muốn điều khác, nhưng thực tế là vậy. Vấn đề này hoàn toàn đơn giản: bất kỳ quốc gia nào có thiện chí muốn đóng góp vào một giải pháp hòa bình ở đây thì trước tiên phải lên án hành động xâm lược của Mỹ và tôn trọng các quyền bất khả xâm phạm của nhân dân Việt Nam. Chúng tôi đã nói điều này hàng chục lần. Thực tế là vậy đấy. Không có chuyện thỏa hiệp nửa vời; tôi xin lỗi, nhưng sự thật là vậy”.

Người dân đạp xe qua một ngôi làng bị ném bom, miền Bắc Việt Nam năm 1965. Ảnh: Romano Cagnoni
Cửa hàng bách hóa tổng hợp ở Hà Nội năm 1965. Ảnh: Romano Cagnoni

Lúc này, một chuyện bất ngờ nhất đã xảy ra; tôi ngước lên và thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đang bước qua cửa và nhẹ nhàng tiến vào phòng với đôi dép cao su – đôi dép kỳ lạ, thô kệch nhưng vô cùng hữu dụng mà mọi người ở miền Bắc Việt Nam đều đi, được làm từ lốp xe cũ. Ông mặc bộ đồng phục cổ cao trang nhã, màu kaki. Ông cười khá to trước sự ngạc nhiên của tôi.

Trước đó, ông đã dứt khoát từ chối gặp tôi hay gửi bất kỳ thông điệp nào; còn tôi có cảm giác rằng có thể những lời đồn đoán là đúng, rằng ông không khỏe, đang suy yếu, hoặc vì lý do nào đó mà không thể xuất hiện trước công chúng. Vậy mà giờ đây, ông lại thân thiện bước vào, bắt tay tôi, châm một điếu thuốc và mỉm cười trước sự sửng sốt của tôi.

Tuy nhiên, ông tỏ rõ rằng sẽ không chụp ảnh hay quay phim, và ông kiên quyết lấy đi chiếc micro của tôi.

“Tôi chỉ không cảm thấy ăn ảnh, thế thôi”, ông nói. “Nhưng ngài là người ăn ảnh nhất châu Á, và ngài biết điều đó mà”.

“Không phải tối nay, anh bạn ạ. Và tôi cũng sẽ không bàn chính trị; điều đó làm tôi mệt mỏi. Anh đã có hàng giờ trò chuyện chính trị với Thủ tướng của chúng tôi rồi; chừng đó hẳn là đủ, ngay cả với anh”.

Ông nói bằng tiếng Anh, không trôi chảy lắm nhưng cũng không hề tệ.

“Anh có phiền không? Như anh có thể đoán, tôi có rất ít cơ hội luyện tập”.

Nhưng tất nhiên, Hồ Chí Minh cũng nói tiếng Pháp, tiếng Việt và tiếng Quan Thoại, và thích viết thơ tứ tuyệt bằng tất cả những ngôn ngữ đó. Tôi luôn cảm thấy một sự cuốn hút khó giải thích trước xu hướng này của những nhà cách mạng châu Á – dù đó là Hồ Chí Minh hay Mao Trạch Đông – khi họ bày tỏ bản thân trong những giờ rảnh rỗi (mà thật ra hầu hết đều là trong tù) bằng thơ ca. Thơ có thể hay hay dở – đối với một người phương Tây mù tịt về văn hóa phương Đông, rất khó để đánh giá. Nhưng ít nhất, nó thể hiện một tinh thần có thể lĩnh hội được những điều vượt ra ngoài những giới hạn hay khuôn mẫu. Chưa ai, theo tôi biết, từng phát hiện ra một bài thơ nào của Harold Wilson hay L. B. Johnson, và điều đó là tốt hay xấu thì vẫn còn phải bàn.

“Tất cả các nhà thơ đều nên trải qua một thời gian ở trong tù”, ông nói, “nó giúp tâm trí trở nên điềm tĩnh và sáng suốt hơn”.

Hồ Chí Minh rót cho mình một chai bia, châm điếu thuốc mới từ tàn của điếu cũ, rồi hỏi thăm tình hình khu Haymarket ở London dạo này ra sao (Ta nhớ rằng nhiều năm về trước, ông từng có thời gian làm việc tại khách sạn Carlton – nay đã không còn – ở Haymarket, với vai trò thợ làm bánh ngọt dưới trướng, không ai khác, chính Escoffier[3]). Với bộ râu lưa thưa kiểu Á Đông và đôi mắt lấp lánh, ông mang dáng vẻ như một bức tượng ngà nhỏ tinh nghịch của Trung Hoa. Nhưng ông từ chối bàn về những chuyện nghiêm túc. “Thôi, anh đã nghe hết từ Phạm Văn Đồng rồi còn gì!”

Phải nói rằng, được gặp ông là một trải nghiệm đặc biệt. Một người đã chiếm lấy ánh đèn sân khấu suốt bao năm mà không bao giờ xuất hiện trong đó. Không phải diễn viên nào cũng có thể chi phối vở diễn từ phía cánh gà, nhưng người này thì làm được. Tên của ông hiếm khi xuất hiện trên trang nhất các báo – điều này thật kỳ lạ, vì cái tên ấy vô cùng ngắn gọn: Hồ. Hồ Chí Minh, Chủ tịch miền Bắc Việt Nam, nhà cộng sản kỳ cựu nhất, hình mẫu cha già hiếm khi xuất hiện, nhưng sự hiện diện hiếm hoi của ông lại chi phối mọi bước đi trong tình thế bi kịch tàn khốc nhất của thời đại chúng ta.

Nếu có một vị trưởng khoa trong “hội đồng” các lãnh đạo Mác-xít, thì đó hẳn sẽ là học giả – nhà thơ – chiến sĩ du kích – nhà cách mạng 76 tuổi gầy gò này, một lão chiến binh hài hước, người đã trở thành cộng sản gần như do hoàn cảnh đưa đẩy. Ngay cả cái tên của ông cũng không phải là tên thật – ông đã từng có vô số tên gọi. Trong những ngày đầu, ông là Nguyễn Ái Quốc, triền miên sống trong cảnh chạy trốn khỏi thực dân Pháp, những kẻ cai trị mà ông quyết tâm chống lại. Ông từng bị giam cầm liên tục ở Trung Quốc – nơi ông tìm đến để lánh nạn, là một kẻ lưu vong gần như vĩnh viễn, nhưng lại là người đã khiến 90.000 binh sĩ Pháp phải bỏ mạng ở Đông Dương và giờ đây đang thách thức cường quốc Hoa Kỳ. Ông nhận vai trò giải phóng đất nước nhỏ bé của mình khỏi ách cai trị của ngoại bang. Và vào thời điểm đó, những người duy nhất xem điều đó là hợp lý lại chính là những người cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản có lẽ là một triết lý khá khô khan và cứng nhắc đối với một dân tộc tinh tế và nhẹ nhàng như người Việt, nhưng Hồ cho rằng đó là con đường duy nhất. Và khi đã chọn con đường đó, ông trở thành một trong những nhà Mác-xít lão luyện nhất. Giờ đây, ông giữ một vị thế độc nhất trong tất cả các phong trào cách mạng ở châu Á, được thể hiện qua danh xưng đặc biệt mà ông tự chọn cho mình – không phải “Chủ tịch Hồ”, “Cha già Hồ”, mà là “Bác Hồ”.

Vấn đề với Hồ Chí Minh là ông không phù hợp với hình ảnh lãnh đạo cộng sản mà người ta thường thấy, ông quá phong nhã. Ông có một sức hút mà ông có thể đóng mở như vặn vòi nước. Ông có một nét gì đó mà theo kinh nghiệm của tôi, thường khá hiếm có trong các chế độ cộng sản, đó là khả năng đem lại niềm vui, sự thoát ly, sự tưởng tượng, vượt lên trên cái hoang vắng xám xịt của chủ nghĩa giáo điều – tóm lại, là trở thành một người Bác bình dị, như ông tự nhận.

Tác động của điều này, đối với người dân Việt Nam ở cả miền Bắc lẫn miền Nam, quan trọng vô cùng, hơn hẳn những gì kẻ thù của ông có thể hiểu được. Các chính trị gia Hoa Kỳ, những người tin rằng họ đang chiến đấu với một đội quân cộng sản cầm thẻ đảng, thường xuyên bị bối rối khi phát hiện ra rằng ít nhất một nửa số kẻ địch của họ là những người nông dân hoang mang và bực bội, những người chỉ muốn trở lại với ruộng đồng, cả đời chưa bao giờ nghe nói về Karl Marx, nhưng lại có xu hướng tin rằng chủ nghĩa cộng sản chắc hẳn là một điều tốt vì Bác Hồ nói vậy. Đây là một thành tựu vượt trội hơn nhiều, trong phạm vi giới hạn của nó, so với thành tựu của Stalin.

Tôi hỏi Chủ tịch: “Ngài có thực sự nghĩ rằng ngài có thể chiến thắng không? Ngài có tin mình có thể đánh bại quốc gia hùng mạnh nhất thế giới không?”

Ông trả lời: “Tôi đã quen với việc là một người cách mạng già. Điều duy nhất mà những người cách mạng già phải có là sự lạc quan. Cứ chờ xem đi”.

Hầu hết mọi người nghĩ rằng thời gian của Hồ Chí Minh như một lãnh đạo quyền lực của Việt Nam đã đến lúc kết thúc, rằng ông đã chuẩn bị sẵn người kế nhiệm, rằng ông đang chuẩn bị rời khỏi sân khấu của các cuộc nổi dậy châu Á mà ông đã làm chủ suốt bấy lâu. Tôi thì không chắc.

Một lát sau, ông rời khỏi phòng – thật lạ là mặc dù sự xuất hiện của ông rất kịch tính và sự hiện diện của ông rất quan trọng, tôi lại không thể nhớ chính xác ông rời đi như thế nào; vào lúc đó, tôi lại đang chăm chú trò chuyện với Phạm Văn Đồng. Một lúc sau, chúng tôi đứng dậy, được dẫn ra vườn, dạo nhanh qua những luống hoa hồng, đi loăng quăng, vỗ vai nhau, cười tươi và trao đổi những lời xã giao thái quá. Nhiếp ảnh gia của Chính phủ được gọi đến từ đâu đó để ghi lại chính thức cảnh tượng thân thiện này. Chúng tôi kết thúc buổi tối trong một bầu không khí chỉ có thể được mô tả là đầy tình bạn. Trong tâm trí tôi, tôi tự nghĩ: “Chà, mọi chuyện khó khăn từ đầu đến giờ, nhưng đây là bước đột phá; từ giờ tôi chắc chắn có thể hỏi những gì mình muốn”.

“Thật tốt khi ông đã lặn lội đến tận đây”, Thủ tướng nói. “Cố gắng giữ lại ấn tượng tốt nhé. Điều đó không dễ đâu. Những gì chúng tôi nói đều là thật lòng. Nếu có thể, hãy cố gắng truyền đạt để mọi người biết”.

Tôi đã nói, và đến giờ vẫn giữ lời, rằng tôi sẽ truyền đạt điều đó, nếu có thể.

Tôi vui vẻ trở về khách sạn Métropole, Khách sạn Thống Nhất, lòng đầy hân hoan, thì nhận được một tin nhắn từ Bộ Ngoại giao bảo rằng tôi nhất định phải rời khỏi đất nước này ngay vào 6 giờ sáng hôm sau.

Đây thật sự không phải là một hệ thống dễ hiểu nhất trên thế giới.■

James Cameron[1]

Thanh Trà (dịch)

Chú thích:

[1] James Cameron (1911 – 1985) là nhà báo người Anh, nhà quan sát dày dạn kinh nghiệm về các vấn đề châu Á, tác giả của các cuốn sách Touch of the Sun, Mandarin Red, 1914, 1916The African Revolution

[2] Ý nói Hiệp định Geneva. (ND)

[3] Auguste Escoffier (1846 – 1935) là một đầu bếp và nhà ẩm thực người Pháp, được coi là “vua của các đầu bếp và đầu bếp của các vị vua”. Ông có công cải cách và hiện đại hóa ẩm thực Pháp, đưa nó trở thành một nền ẩm thực tinh tế mang tầm quốc tế. (ND)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN