Lời người dịch: Bài dịch này là phần tiếp nối bài dịch nhan đề Quân Cờ Đen của cùng tác giả Henry McAleavy đã đăng tải kỳ trước, và sẽ được theo sau bởi bài dịch về Hậu Quả của giai đoạn này.
Ngô Bắc dịch
Nguồn: Henry McAleavy, “Black Flags In Vietnam: The Story of A Chinese Intervention, The Tonkin War of 1884-85”, Chapter 14, các trang 219 – 232, The MacMillan Company: New York, 1968
***
Trong khi các biến cố này đang diễn ra tại Bắc Việt, quan hệ giữa Trung Hoa và Pháp không đứng yên một chỗ. Ngày 10 tháng Tám, năm 1883, Pháp tuyên bố hải quân của họ đang thực hiện một cuộc phong tỏa các hải cảng của Việt Nam nhằm ngăn chặn sự chuyển giao đạn dược quân sự. Họ biện minh cho hành động này bằng việc tham chiếu Hiệp Ước 1874, và trong thực tế, điều đó chỉ gây ra một âm vang quốc tế nhẹ nhàng nhất. Đối với Trung Hoa, sự phong tỏa, dù nhằm đích xác vào sự vận hành đường biển của nước này, hoàn toàn bị che khuất bởi sự đầu hàng của triều đình Huế và hiệp ước mới giữa Pháp và Việt Nam ít ngày sau đó. Ít có quan sát viên nào, bất luận là ở Bắc Kinh hay nơi nào khác, lại tin rằng sau một cuộc biểu dương như thế mà một quốc gia Việt Nam độc lập có thể tồn tại lâu hơn nữa. Vấn đề duy nhất là liệu Trung Hoa có thể thu hồi cho chính họ được bao nhiêu từ sự thất trận này. Vì thế điều đáng lưu tâm đặc biệt là nghe nói chính phủ Pháp đã đề nghị tạo lập một vùng đệm tại Đông Kinh (Bắc Việt) để bảo đảm an toàn cho biên giới Trung Hoa. Các điều khoản cụ thể của đề nghị, nêu trong một thông tư đề ngày 15 tháng Chín năm 1883, được Bộ Trưởng Ngoại Giao Pháp trao cho Hầu Tước họ Tăng [tức Tăng Kỷ Trạch, đại sứ của Trung Hoa tại Pháp khi đó, chú của người dịch], không phải là một loại [đề nghị] gây khích động sự hào hứng, với một phạm vi hạn chế hơn nhiều so với sự dàn xếp chết yểu vốn đã đạt được giữa ông Bourée [tức Đại Sứ của Pháp tại Trung Hoa khi đó, chú của người dịch] và Lý Hồng Chương [quan chức then chốt của Trung Hoa phụ trách ngoại giao khi đó, chú của người dịch] một năm trước đó. Khi đó, như có thể nhớ lại được, đã có thỏa thuận rằng quân đội Trung Hoa sẽ chiếm đóng phần đất phía bắc của một đường được vạch ở giữa biên giới Trung Hoa và sông Hồng. Giờ đây điều được đề nghị chỉ là một dải đất của phía bắc Đông Kinh (Bắc Việt) từ biên giới Trung Hoa đến vĩ tuyến 22 sẽ được để ngỏ làm một vùng đệm trung lập dưới quyền quản trị hành chính của Việt Nam, trong khi mặc nhiên là vùng đất xuôi xuống phía nam sẽ được chuyển sang tay người Pháp mà không có sự ngăn trở nào. Cùng lúc, thị trấn Mạn Hảo (Manghao) của tỉnh Vân Nam sẽ được mở ngỏ cho sự mua bán với nước ngoài, để người Pháp có thể khai thác trọn vẹn dòng sông Hồng.
Trong vài tuần lễ, trong tháng Chín và tháng Mười năm 1883, vấn đề được tranh luận từ quan điểm của Trung Hoa bởi Hầu Tước họ Tăng trong một số cuộc đối thoại tại Paris, cũng như bởi Lý Hồng Chương trong các cuộc đàm thoại tại Thiên Tân với ông Tricou [tân đại sứ Pháp tại Trung Hoa, thay cho Đại Sứ Bourée, chú của người dịch]. Ngay chính họ Lý cũng nhận định rằng các điều khoản mà Pháp đề nghị không có cơ may được chấp nhận. Tuy nhiên, chính Hầu Tước họ Tăng đã là người đầu tiên phát biểu một phản đề nghị sẽ làm Trung Hoa thỏa mãn. Ngay lúc đó, để giữ thể diện, Hầu Tước họ Tăng tuyên bố rằng giải pháp lý tưởng cho nước Pháp là tái lập Việt Nam trở về tình trạng mà Pháp đã nắm giữ trước năm 1873. Nếu không làm được điều này, vì mục đích hòa bình, Trung Hoa có thể chấp nhận việc tạo lập một khu vực trung lập, miễn là vùng này sẽ trải dài từ ranh giới cực nam của Bắc Việt đến vĩ tuyến 20. Đối với sông Hồng, chính phủ Trung Hoa sẵn sàng thúc đẩy thương mại bằng cách cho mở thủy lộ chạy từ biển đến mãi tận Sơn Tây, và thiết lập một trạm mậu dịch đối diện với thành phố đó trên bờ sông phía bắc. Nói cách khác, toàn bộ Bắc Kỳ sẽ được đặt dưới quyền quản trị của Trung Hoa: khu vực trung lập hoàn toàn nằm quá đường phân ranh, tại nơi là trung phần của Việt Nam. Trong phạm vi Bắc Kỳ, chỉ có vùng đồng bằng của sông Hồng là sẽ được mở cửa cho hải vận quốc tế. Trên thực tế, Trung Hoa đã đề nghị phân chia Việt Nam theo một cung cách sẽ vô hiệu hóa mọi sự giành đạt và tuyên nhận của Pháp tại miền bắc Việt Nam.
Trong những bức điện văn gửi về nước, họ Tăng đã nhiều lần cho thấy một nhãn quan điềm đạm sâu sắc về tình hình chính trị của nước Pháp, được chấm phá bằng những nhận xét về cá tính người Pháp mà ông ta hẳn đã tiếp thu được từ Macartney [tức Samuel Halliday Macartney, người Anh Quốc, làm cố vấn cho các nhân vật lãnh đạo hoạt động ngoại giao Trung Hoa thời bấy giờ, chú của người dịch].
“Người Pháp [ông đã viết] về bản chất có khuynh hướng bắt nạt kẻ yếu và sợ hãi trước kẻ mạnh. Mặc dù họ hay khoe khoang và tự cao tự đại, nhưng ngay khi một công việc trở nên khó khăn họ sẽ bỏ rơi nó; họ khởi động công việc thì tốt hơn là theo đuổi cho đến khi hoàn tất. Trung Hoa càng chuẩn bị chiến tranh một cách rõ ràng, thì sẽ càng dễ đạt được một giải pháp. Ngược lại, nếu chúng ta chuẩn bị quá chậm trễ, nước Pháp sẽ sẵn sàng bắt lấy con mồi và sẽ càng khó khăn hơn để bắt họ nhả ra. Cũng cần nhớ rằng mục tiêu của Pháp sẽ không chỉ giới hạn ở việc thôn tính Việt Nam, một nơi không gì khác hơn một bàn đạp để tiến về phía trước. Thứ mà nước Pháp nhắm tới là các mỏ than ở vùng biên giới Quảng Đông và các hầm mỏ của tỉnh Vân Nam. Nếu chúng ta để mất đi vương quốc chư hầu của chúng ta, chúng ta sẽ tự gỡ bỏ đi một tấm phên dậu phòng thủ. Người Anh đang thèm khát xứ Tây Tạng, và người Nga dòm ngó Cao Ly, và cả hai nước này đang chờ xem chúng ta sẽ ứng xử ra sao về vấn đề Việt Nam trước khi họ quyết định những bước tiến sắp tới. Thực ra, chúng ta phải lo sợ người Pháp nhiều nhất về vấn đề biển, và các địa điểm sẽ phải gánh chịu nhiều trong trường hợp có chiến tranh sẽ không phải là Vân Nam hay Quảng Tây, mà là các hải cảng nằm dọc vùng duyên hải của chúng ta. Song nếu chúng ta đi đến một cuộc chiến tranh với nước Pháp, dù các nước Anh, Đức, Nga và Hoa Kỳ sẽ không làm gì để giúp chúng ta, họ sẽ không cho phép nước Pháp phong tỏa bờ biển Trung Hoa hay tấn công các hải cảng của chúng ta. Nhìn thấy điều này, nước Pháp sẽ thoái lui và thậm chí còn thoái lui ngay nếu chúng ta tỏ thái độ cương quyết vào lúc này. Nước Pháp đang bị xé nát bởi sự đấu đá giữa các đảng phái: họ không đạt được sự nhất trí về bất kỳ điều gì, đừng nói đến các cuộc phiêu lưu ở đầu cực xa xôi bên kia thế giới. Và ngoài các điểm trên, Pháp còn không hề có một nước thân hữu nào tại Âu Châu.” (1)
Lý Hồng Chương, biết rằng các lập luận này và những luận cứ khác thể hiện cùng quan điểm đang ngày càng trở nên thịnh hành, trong khi đó đã phát biểu ý kiến riêng của ông với một sự thẳng thắn rõ rệt. Ông đã được chỉ thị bởi Cung Thân Vương (Prince Kung) tại Bộ Ngoại Giao [tức Tổng Lý Nha Môn của chính phủ Trung Hoa, chú của người dịch] rằng trong các cuộc tiếp xúc sau này với ông Tricou [Đại sứ Pháp tại Trung Hoa, thay thế Đại Sứ Bourée, chú của người dịch], ông phải cẩn thận để không đưa ra cảm tưởng về việc nhượng bộ các điểm chẳng hạn như việc rút lui quân Cờ Đen. Ông cũng nhận được chỉ thị rằng điều thích đáng duy nhất, do sự liên hệ lâu dài của ông với công tác quốc phòng, giờ đây ông phải đảm nhận trách nhiệm chuẩn bị quân sự để đối phó với mọi tình huống. Sự phúc đáp của ông không được phấn khởi mấy.
“Xứ sở này còn lâu mới phục hồi [ông ta nói] từ các trận lụt và hạn hán đã hoành hành tại quá nhiều tỉnh trong mấy năm gần đây. Đặc biệt, do đường bờ biển dài, hệ thống quốc phòng của chúng ta có rất nhiều điểm yếu. Nếu chúng ta phải giao chiến vì một mảnh đất hoàn toàn vô dụng tại một vương quốc chư hầu, chúng ta sẽ phải chiến đấu nhân danh Việt Nam trong khi nước này đã đầu hàng Pháp. Chúng ta sẽ gây xáo trộn nền mậu dịch quốc tế của chúng ta chẳng vì mục đích nào cả, và tệ hại hơn nữa chúng ta sẽ khởi phát một cuộc chiến tranh mà không có bất kỳ triển vọng nào để kết thúc nó theo những điều kiện thỏa đáng. [Ông đặc biệt nhấn mạnh đến tính bất khả xâm phạm của các hiệp ước]. Mặc dù hiệp định mới này đạt được hồi tháng Tám tại Huế do sự cưỡng bức bằng vũ lực, song bởi Việt Nam là một xứ sở, và nhà vua cùng các thượng thư của ông ta đã thừa nhận hiệp định này, làm sao mà Trung Hoa lại có thể tự mình gạt bỏ nó sang một bên? Liệu có người nào thực sự nghĩ rằng chúng ta có thể trục xuất được người Pháp ra khỏi Hà Nội hay Sài Gòn hay không?”
Ông ta đã nói ít nhiều với cùng một giọng điệu với ông Tricou, đến nỗi viên đại sứ không thể kiềm chế việc vạch ra rằng các quan điểm này khó có thể được chia sẻ bởi Bộ Ngoại Giao Trung Hoa hay bởi Hầu Tước họ Tăng. “Ồ, Bộ Ngoại Giao đó hả,” ông Lý cằn nhằn, “Bộ Ngoại Giao đang sống trên mây mà thôi! Và đừng nói đến ông Tăng [Kỷ Trạch, chú của người dịch] với tôi nữa! Tôi không có liên hệ đến những gì mà ông ấy phát biểu!” Đại Sứ Tricou tức thời đánh điện các ghi nhận này về Paris, với kết quả là Jules Ferry, là kẻ dù có nhiều tham vọng về phương đông nhưng chỉ có ý niệm mờ nhạt nhất về các nhân vật trong chính giới Trung Hoa, đã tuyên bố trong một bài diễn văn là Hầu Tước họ Tăng đã chính thức bị phủ nhận bởi chính chính phủ của ông ta, một sự hớ hênh đưa đến một loạt điện tín làm bối rối quan hệ giữa Paris và Bắc Kinh (2).
Người ta không thể không cảm thấy một sự đồng tình nào đó với Lý Hồng Chương, khi xét đến nhiều ý kiến được đưa ra vào lúc này bởi các nhân vật đang giữ địa vị đáng tín nhiệm và có thẩm quyền. Một vị quan lại cao cấp, được bổ nhiệm để giám sát các cơ sở quân sự tại tỉnh Quảng Đông, đã đưa ra lời cố vấn sau đây với tất cả sự nhiệt thành lên Triều Đình:
“Theo một trong các nhân viên của tôi có tên Wang, một nhân vật có danh tính là Cheng Kuan-ying [Trịnh Quan Anh?] đã đi biển từ hồi trẻ tuổi và đã hiểu biết rất nhiều về Việt Nam và Xiêm La. Vua nước Xiêm La là một người gốc Quảng Đông, và cũng có họ Cheng [Trịnh?, chú của người dịch]. Không chỉ vậy: tất cả các sĩ quan trong quân đội của ông ta đều là dân Quảng Đông, và khi nói với Cheng Kuan-ying về chiến tranh giữa Việt Nam và Pháp, họ đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc nhất. Xiêm La kề cận với Sài Gòn, và họ muốn thực hiện một cuộc đột kích vào thành phố này, nhờ đó bắt giữ những kẻ cầm đầu người Pháp tại chính hang ổ của họ. Cùng lúc có một thuộc địa của Anh Quốc tên gọi là Singapore, một nơi rất giàu có, với hơn một trăm ngàn cư dân gốc Quảng Đông. Tôi đề nghị chúng ta nên đưa ra các phần thưởng giá trị để thu hút những người có khả năng tại Sài Gòn và Singapore bí mật hợp tác với chúng ta, sao cho ngay khi một đội quân từ Xiêm La đến được chiến trường, họ có thể nổi dậy để hỗ trợ, chiếm giữ các chiến thuyền và thiêu hủy đạn dược. Chúng ta nên bí mật phái Cheng Kuan-ying đi thực hiện các sự liên hệ cần thiết, và có lẽ nhân viên họ Wang của tôi có thể được ngụy trang để cùng đi ông ấy. Một khi bị mất Sài Gòn, người Pháp sẽ không thể giữ được Hà Nội và Hải Phòng, và do đó sẽ hoàn toàn bị trục xuất khỏi Việt Nam.”
Đề nghị này đã đi quá xa ngay cả đối với Triều Đình tại Bắc Kinh:
“Xiêm La đã sẵn bị sức ép nặng nề [theo một sắc dụ của hoàng triều], hiện bị Anh Quốc bao vây từ vịnh Bengal và Singapore. Nước này không còn triều cống chúng ta nữa: làm sao mà họ có thể xây dựng được một quân đội, bởi làm như thế nghĩa là mời gọi một kẻ thù hùng mạnh đến đánh mình. Dù ông Cheng Kuan-ying này có thể có tình thân hữu với nhà vua nhờ cùng có gốc Quảng Đông, nhưng ông ta sẽ không bao giờ có thể thuyết phục được nhà vua thực hiện một bước tiến như thế. Sài Gòn và Singapore là những hải cảng thương mại, và các thương gia thì tuyệt đối không đáng tin cậy. Ngoài ra, phải xét đến việc cần một món tiền rất lớn để tuyển mộ những người như thế làm việc với chúng ta!” (3)
Vào khoảng giữa tháng Mười Một năm 1883, Paris cuối cùng tin rằng không có triển vọng về một khu trung lập sẽ được chấp nhận bởi cả hai bên. Cùng lúc, sự bế tắc thực sự tại Bắc Kỳ sau sự thất bại của cuộc tấn công của Tướng Bouet đã gây ra nhiều lo ngại trong công chúng Pháp, họ bắt đầu thấy rõ rằng chiến tranh có thể sẽ mang lại nhiều khó khăn hơn là sự mong đợi. Để đánh tan mọi sự nghi ngờ như thế, và để vãn hồi sự tin tưởng nơi chính phủ, cần phải đánh tan quân Cờ Đen dứt khoát một lần cho xong. Tuy nhiên, nếu có thể, điều đáng mong muốn là việc này cần phải được thực hiện mà không dẫn đến một cuộc xung đột trực tiếp với quân đội chính quy Trung Hoa. Vào ngày 17 tháng Mười Một năm 1883, Jules Ferry, giờ đây đang đảm nhận công việc ngoại giao, đã viết thư để thông báo với Hầu Tước họ Tăng rằng các mệnh lệnh đã được ban ra cho quân Pháp đến chiếm đóng các tỉnh Sơn Tây, Bắc Ninh và Hưng Hóa, nơi có ba căn cứ nổi bật nhất của Trung Hoa tại Bắc Việt. Ông viết thêm rằng có vẻ như một biện pháp phòng ngừa hợp lý là để các chỉ huy quân sự của Pháp và Trung Hoa tại địa phương tiến tới một số thỏa thuận về sự phân định các vị trí đóng quân của mỗi bên. Nhưng ý kiến này bị bóp chết ngay trong trứng: bức thư ghi đề nghị đó bị chặn lại bằng một văn thư của họ Tăng thông báo cho chính phủ Pháp rằng (theo lời ông, với mục đích công khai là để tránh một sự đụng độ) các địa điểm nêu trên đã thực sự được chiếm đóng bởi các lực lượng Trung Hoa, họ đã nhận được lệnh phải phòng thủ ở đó. Việc trao đổi các lời nhắn tin đã gây một tiếng vang tại Viện Dân Biểu. Nhiều ngân khoản hơn phải được biểu quyết, lần này là chín triệu francs; và đã có một cuộc tranh luận sôi nổi, trong đó chính phủ, mặc dù đạt được điều mình muốn, đã bị tố cáo bởi phe đối lập – một cách hùng hồn nhất bởi Dân Biểu cánh tả Clémenceau – vì đã dẫn dắt đất nước bước vào một cuộc chiến tranh với Trung Hoa.
Tại Hà Nội, Đô Đốc Courbet đã chờ đợi cho đến phút chót trước khi đích thân tham gia, bởi ông đã nhìn thấy qua trường hợp của tướng Bouet mối nguy hiểm của việc hành động quá sớm. Song sự trì hoãn, mặc dù cần thiết, đã mang lại cho ông đầy sự thất vọng. Vào đầu tháng Mười Một, sáu tuần trước khi ông có thể tiến ra bãi chiến, ông có viết thư cho một người bạn cho hay rằng ông đã chậm trễ mất vài tháng: “Sơn Tây và Bắc Ninh đã có thì giờ để tiếp nhận từ Trung Hoa tất cả những tiếp tế mà các tỉnh này cần có về nhân lực, súng ống và đạn dược.” Nếu ông ta hay biết được [thực tế], nỗi âu lo của ông quả thực là thái quá. Thực ra, chính phủ Trung Hoa, bất kể đến lời tiên đoán của Lý Hồng Chương về tai họa, đã ra lệnh cho các đội quân của các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam hãy hợp tác toàn diện với quân Cờ Đen, và ngân khố tỉnh Quảng Tây nhận được chỉ thị ứng trước một số tiền là một trăm ngàn đồng bạc cho Lưu Vĩnh Phúc làm phần thưởng cho ông ta và đội quân của ông. Chưa có một đồng bạc nào đã được trao, và bất kỳ đoàn quân nào của tỉnh Quảng Tây tiến từ biên giới đến gặp ông Lưu tại tỉnh Sơn Tây, đều dừng lại tại Bắc Ninh; bởi ý kiến của đa số trong bộ chỉ huy đội quân Quảng Tây cho rằng chính tỉnh phía bắc này là mối quan tâm đặc biệt đối với tỉnh của họ vì các lý do địa dư, trong khi Sơn Tây, như khi nhìn trên bản đồ cho thấy, lại là một điểm then chốt để phòng vệ cho tỉnh Vân Nam khỏi một cuộc tấn công bằng đường sông. Nếu có đủ quân số từ Vân Nam, sự việc không đến nỗi quá tệ; nhưng bất kể ý muốn của Ts’en Yu-ying [Sầm Dục Anh, chỉ huy quân sự của Vân Nam khi đó, chú của người dịch] sẵn sàng tham gia cuộc chiến đấu, chính ông ta vẫn đang ở hơi xa, và chỉ một bộ phận nhỏ của lực lượng của ông ta là đã tiến tới vùng phụ cận. Kết quả là, ngoài quân số ba ngàn quân Cờ Đen, đội quân Trung Hoa duy nhất ở Sơn Tây vào khoảng một ngàn binh sĩ từ Vân Nam, và chưa đầy năm trăm quân tỉnh Quảng Tây mà T’ang Ching-sung [Đường Cảnh Tùng?, chú của người dịch], nhờ sự can thiệp hùng hổ, đã sắp xếp để đến phụ lực cho thành phố đang bị đe dọa dưới quyền chỉ huy cá nhân của ông. Nói cách khác, đoàn quân của Trung Hoa không hơn số bốn ngàn năm trăm quân, được bổ sung bởi khoảng năm ngàn binh sĩ Việt Nam có khả năng chiến đấu rất đáng nghi ngờ.
Ông Lưu biết rất rõ rằng Courbet đang củng cố lực lượng của mình để sửa soạn cho cuộc đối đầu. Các báo cáo được chuyển tới Sơn Tây kể về những đội quân tăng cường ngoại quốc đang đến Hà Nội – lính Thổ Nhĩ Kỳ mặc trang phục Ả Rập, lính đánh thuê mặc quần màu đỏ thẫm. Không chút nao núng, Lưu đã đọc cho viết một bức thư thách thức, mà các sử gia Trung Hoa trân trọng gìn giữ như một biểu tượng của tinh thần dân tộc; với chúng ta, điều đáng lưu ý là nó bộc lộ một số thông tin liên quan đến ông Lưu.
“Lính Pháp các ngươi, [bản văn viết], nay đã đến Bắc Kỳ được mười chín tháng. Sự thất trận của các ngươi làm quốc gia các ngươi xấu hổ, trong khi dân chúng các ngươi đã bị bóc lột đến tận xương tủy để hỗ trợ cho những phí tổn của các ngươi. Và tuy thế các ngươi vẫn chưa tỏ vẻ hối lỗi. Các ngươi chui rúc trong hang ổ, không dám ló mặt ra ngoài và chiến đấu mặc dù đồng bào của các ngươi khoác lác rằng các ngươi sắp sửa tấn công tỉnh Quảng Đông. Các ngươi đã tung bày ma quỷ hắc ám để cướp bóc và tàn phá một dân tộc vô phương tự vệ, tàn ác hơn cả tên hèn hạ nhất trong đám thổ phỉ. Nhưng ngày hôm nay Hoàng Đế Trung Hoa đã nổi cơn tức giận và tuyên cáo ngày tận thế của các ngươi. Ta, Lưu Vĩnh Phúc, đã nhận được chỉ thị từ Tổng Đốc Quảng Tây rằng một sắc dụ của triều đình đã ra lệnh cho chúng ta chiếm lại thành phố Hà Nội. Dân chúng Việt Nam sẽ lại được hồi sinh. Sài Gòn sẽ tiếp nối Hà Nội, và không một kẻ nào trong bọn ngươi còn được ở lại trên dất nước Việt Nam. Số phận nhục nhã của Napoléon III sẽ được tái diễn.”
Đầu tháng Mười Hai năm 1883, bốn ngàn quân Pháp nữa đến Bắc Kỳ, và Đô Đốc Courbet quyết định đã đến lúc ông ta mở cuộc tấn công, bởi việc trì hoãn hơn nữa sẽ chịu sự bất trắc nếu mực nước sông hạ quá thấp làm trở ngại lưu thông loại chiến thuyền hải quân mà ông đề nghị sử dụng. Trước tiên ông đánh một cú phủ đầu vào tinh thần của địch quân bằng cách bắt giữ một vài quan án sát có nhiệm sở nằm trên đường tiến tới Sơn Tây và dẫn giải họ về Hà Nội, nơi họ bị xử bắn bằng một toán hành quyết, với lý do họ vẫn còn tiếp tục sự chống đối người Pháp bất chấp hiệp ước mới có. Khi xem xét hành động này cùng các hành vi táo bạo tương tự, điều nên ghi nhớ là trong năm 1848, khi còn đang đi học, ông ta đã chiến đấu trên các chiến lũy của Paris. Năm 1964 tại Bắc Kinh, Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Hoa Cộng Sản, Trần Nghị, trong một bài diễn văn đọc trước sinh viên học tiếng Pháp, đã thúc giục họ, trong khi tiếp thu ngôn ngữ Pháp, hãy tránh xa các tư tưởng của Pháp. “Chúng ta không muốn Tự Do, Bình Đẳng và Bác Ái [khẩu hiệu của Cách mạng Pháp, chú của người dịch] tại Trung Hoa,” ông ta đã phát biểu như thế, và khi chúng ta nhớ lại những điều mà các nguyên tắc của nền cộng hòa Pháp, được thể hiện bởi những con người như Courbet, đã làm tại Á Châu, chúng ta có thể hiểu được điều mà họ Trần muốn nói đến.
Cuộc hành quân rời Hà Nội vào ngày 11 tháng Mười Hai năm 1883. Quân số tham dự gồm năm ngàn năm trăm binh lính, khoảng một nửa đi theo đường bộ, phần còn lại trên một tiểu hạm đội gồm các chiếc thuyền đi ngược dòng sông đến một địa điểm đã được lựa chọn để đổ bộ, khoảng 6 dặm trên phía gần Sơn Tây hơn. Tại đây hai toán quân đã tập hợp lại. Họ gặp nhau trong một phong cảnh đẹp đẽ. Xung quanh họ là một cánh đồng bao la phì nhiêu với lúa, mía và ngô, được chấm phá bằng những ngôi làng xinh xắn bao quanh bởi các lùm cây. Đây đó mọc lên một ngôi chùa thanh nhã làm thay đổi cảnh sắc.
Từ đàng xa, họ có thể nhận thấy mục tiêu của chiến dịch của họ, và đó là một quang cảnh đáng kinh sợ. Trung tâm của nó là một tòa thành xây theo kiểu Vauban khiến nhiều người trong họ nghĩ đến Antibes. Tụ tập quanh các bức tường của tòa thành này chính là một thị trấn mà quân Cờ Đen đã bao quanh bằng một vòng đai bằng đất, cao gần hai mươi bộ [feet của Anh, chú của người dịch] và dày khoảng mười lăm bộ, cắm cọc tre dầy đặc. Bên ngoài vòng đai dắp bằng đất này là hào sâu ngập nước. Dọc bờ sông, nơi mà quân phòng thủ chờ đợi cuộc tấn công sẽ xảy ra, một con đê được xây dựng kiên cố tạo thành một bờ lũy bổ túc. Nhưng sự nghi ngờ đã phát sinh trong đầu óc của Lưu Vĩnh Phúc đối với quân đồng minh Việt Nam của ông ta, chắc chắn là vì thái độ mâu thuẫn đối với cuộc chiến giờ đây được biểu lộ bởi Kinh Lược Sứ họ Hoàng [chỉ Hoàng Kế Viêm, chú của người dịch] sau khi [triều đình] Huế đầu hàng, và ông đã từ chối không cho phép bất cứ lực lượng nào không phải người Trung Hoa được tiến vào các khu phố của thị trấn. Trên thực tế, trong suốt cuộc giao chiến, quân Việt Nam bên phía ông Lưu chỉ đóng một vai trò không đáng kể, và cũng có thể coi như không có mặt. Ngược lại, công tác hữu ích được thực hiện cho phía Pháp bởi các dân quân từ Nam Kỳ, và thậm chí bởi cả các đội quân trợ lực Bắc Kỳ mới được thành lập, phần lớn là các tín đồ Công Giáo. Điều sẽ được nhìn thấy là nếu chúng ta coi quân Trung Hoa là đội quân hữu hiệu độc nhất – và thực sự là như thế – quân số bên tấn công nhiều hơn bên phòng thủ khoảng một nghìn quân, chưa kể đến việc được trang bị mạnh mẽ vượt bực hơn, có trong tay nhiều pháo binh dã chiến để sử dụng.
Trận đánh được khởi sự hôm 14 tháng Mười Hai với một cuộc tấn công vào phía bờ đê ven sông bởi quân đánh thuê lê dương và một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến. Cuộc giao tranh cực kỳ dữ dội, nhưng đến chiều, con đê đã đổi chủ. Sau đó trong buổi tối quân Cờ Đen đã mở một cuộc phản công rất có thể đã thành công nếu không có trăng quá sáng tỏ đêm hôm đó – các quan sát viên Trung Hoa nhận xét rằng đây là một hiện tượng hiếm có tại Việt Nam – khiến cho mọi ngóc ngách của địa hình đều bị lộ rõ. Cầm cự được trận tấn công này, quân Pháp đã dùng cả ngày hôm sau để củng cố vị trí của họ, mang lại cho họ lợi thế, từ bờ chắn trên đê, của cao điểm ngang bằng với đỉnh của tường lũy bao quanh chính thị trấn. Hiển nhiên ngay từ đầu là bất kỳ mưu toan nào nhằm xâm nhập khu vực cắm đầy cọc tre sẽ là tự sát: phương cách khả thi duy nhất để xâm nhập là xuyên qua một cổng thành, và cổng thành bên phía tây là nơi được lựa chọn. Pháo binh được mang đến và trận pháo kích đã khởi sự vào sáng ngày 16 tháng Mười Hai. Mặc dù bị áp đảo bởi hỏa lực ưu thắng của Pháp, ông Lưu và đoàn quân của ông vẫn giữ vững được vị trí, những ngọn Cờ Đen vẫn tung bay ngạo nghễ, mãi cho tới trước khi bóng đêm đổ xuống, “một biển người”, như một sĩ quan Pháp đã mô tả, tràn qua cửa chắn, mới khám phá ra rằng quân phòng thủ đã rút lui vào ngay trong tòa thành. Buổi tối hôm đó, quân bao vây gác súng nằm ngủ, nhưng khi bình minh ló rạng vào ngày 17 tháng Mười Hai, người ta nhìn thấy một cổng thành hé mở. Quân Trung Hoa đã rút đi trong bóng đêm và giờ đây đang trên đường đến một căn cứ địa cũ của quân Cờ Đen tại Hưng Hóa, ngược phía thượng lưu dòng sông.
Quân Pháp tổn thất lên tới tám mươi ba người bị chết và ba trăm hai mươi người bị thương. Phía Trung Hoa, theo tính toán đáng tin cậy nhất, có đến cả ngàn người bị tử trận. Khi tin tức lọt về tới Bắc Kinh, trước tiên gây sự kinh hoàng, bởi người ta tưởng rằng Lưu Vĩnh Phúc đã bị giết hay bị bắt làm tù binh, nhưng rồi thở phào nhẹ nhõm khi biết rằng ông ta và phần lớn đội quân được an toàn. Trong làn sóng cảm tính yêu nước, ngay cả Lý Hồng Chương được nghĩ là thận trọng cũng đã phát biểu quan điểm rằng thật là sai lầm nếu để kết quả của một trận đánh ảnh hưởng đến chính sách, và rằng sự phòng vệ biên cương phía nam phải được biểu dương. Trong thực tế, vào ngay sau hôm Sơn Tây thất thủ, Tổng Đốc tỉnh Quảng Tây đã cầm đầu một đoàn quân đông đảo băng qua biên giới Việt Nam ở Lạng Sơn, từ đó ông ta đi thanh sát Bắc Ninh, được nhìn nhận như mục tiêu kế tiếp của cuộc tiến quân của Pháp. Khoảng năm trăm binh sĩ gốc Quảng Tây đào tẩu từ Sơn Tây đã quyết định sẽ không nấn ná ở Hưng Hóa, trên dòng sông Hồng nữa, nơi mà họ chắc chắn phải chịu đựng lời mắng mỏ nặng nề của họ Lưu, mà chạy quay về môi trường quen thuộc hơn của họ tại Bắc Ninh, nơi đã trở thành một quê hương trên đất khách đối với họ và những người cùng tỉnh, đến nỗi đã sẵn khiến người dân địa phương xì xào. Bởi không chỉ họ Lưu và quân Cờ Đen là những người duy nhất bị dối gạt bởi ngân khố Quảng Tây. Khoản trợ cấp của binh sĩ Quảng Tây được trả quá chậm trễ, và họ được thả để sống buông tuồng ở mọi nơi, cướp đoạt mọi đồ vật phù hợp với sự ngông cuồng của họ và dùng phần lớn thời giờ bên làn khói thuốc phiện liên miên. Viên Tổng Đốc là một trong những quan lại Trung Hoa khiến Lý Hồng Chương thất vọng – bởi không có khả năng học hỏi bằng kinh nghiệm và lại chất chứa một sự khinh thường người Âu Châu ngang bằng với sự ngu đốt và đần độn của ông ta. Tệ hơn nữa, các chỉ huy quân sự của ông ta còn xích mích với nhau; trong khi đó, viên sĩ quan cao cấp nhất trong số họ, sau khi để lại các nàng hầu của ông ta tại hậu phương an toàn ở Quảng Tây, hung hăng phàn nàn với các giới chức thẩm quyền Việt Nam về thái độ không hiếu khách của họ khi đã không cung cấp cho ông ta người nào làm bầu bạn đến nỗi một nội cung gồm khoảng ba mươi đến bốn mươi thiếu nữ đã được khẩn trương tập hợp cho sự giải trí của ông ta. Tấm gương của ông ta được toàn thể đội quân noi theo, trên một quy mô khiêm tốn hơn. Người ta bắt đầu hiểu tại sao những lời kêu gọi xin trợ giúp của Lưu Vĩnh Phúc đã rơi vào lặng thinh.
Tuy nhiên, một đồng minh đang trên đường tiến tới. Sầm Dục Anh (Ts’en Yu-ying) tiến tới Lào Cai từ Vân Nam vào khoảng đầu tháng Giêng năm 1884, cầm đầu mười hai ngàn quân, và đến khoảng giữa tháng đã đến Hưng Hóa để gặp quân Cờ Đen và vị chỉ huy của họ. Ngay trong cuộc gặp mặt đầu tiên, họ đã cảm thấy tâm đắc về nhau. Trong thực tế, họ có nhiều nét tương đồng: nghèo khổ thời thơ ấu, một năng lực bẩm sinh thích phiêu lưu mạo hiểm, và lòng cả tin vô giới hạn đối với sự mê tín dị đoan của giới nông dân trong thời niên thiếu của họ, nhất là khi các điềm này tiên đoán về phúc phận cá nhân. Ngoài ra còn một điểm quan trọng khác, đội quân Vân Nam có một số kỹ thuật quân sự mà ông Lưu và các sĩ quan của ông lấy làm thú vị — trên hết là kỹ năng đào hầm theo từng nấc và với rất nhiều chi tiết tỉ mỉ làm kinh ngạc quân Cờ Đen. Họ được cho hay là kỹ thuật này được học từ các thợ mỏ tham gia vào cả hai bên trong cuộc nổi dậy hồi gần đây của dân Hồi Giáo.
Một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất đối với Sầm Dục Anh (Ts’en Yu-ying) là thuyết phục người bạn mới của ông đừng đoạn tuyệt với đội quân Quảng Tây; bởi, như chúng ta có thể hiểu được, ông Lưu không thể tha thứ cho Quảng Tây khi đã không trợ giúp ông ở Sơn Tây khi mà ông cần đến họ nhất, và ông viện cớ, trong cơn tức giận, rằng ngay đoàn lính thiểu não mà Đường Cảnh Tùng (T’ang Ching-sung) đã bổ sung cho quân số đồn trú cũng đã bỏ chạy trong hoảng sợ, để mặc ông và binh sĩ của ông chiến đấu một mình. Khi Sầm Dục Anh lần đầu nêu ý kiến rằng quân Cờ Đen nên trở lên hướng bắc và tăng cường phòng thủ Bắc Ninh, ông Lưu đã từ chối thẳng thừng. Ông nói, không phải Bắc Ninh đang mong muốn được giúp đỡ, mà chính Sơn Tây có thể giật lại được từ tay người Pháp với một nỗ lực thích hợp. Phản đề nghị này khó có thể được xem là nghiêm chỉnh, hay đúng hơn chỉ nhằm để bày tỏ sự bất mãn, và sau hết, vào khoảng đầu tháng ba năm 1884, ông Lưu đã thi hành điều mà ông được yêu cầu và đã dẫn đoàn quân của ông, đoàn quân có vẻ như đã phục hồi lại quân số trước đây khoảng ba ngàn người (có lẽ qua sự tuyển mộ mới — mặc dù chúng ta không có thông tin về điều này), trong một cuộc di hành năm ngày lên hướng bắc để tới Bắc Ninh.
Điều có vẻ kỳ lạ là người Pháp đã dành cho kẻ thù một thời gian nghỉ ngơi lâu dài đến thế, thay vì tức thời tiếp nối cuộc chiến thắng của họ tại Sơn Tây. Nhưng về phía họ, sự tranh chấp và tị hiềm về nghề nghiệp cũng đã đến mức sôi sục. Không bao lâu sau khi Sơn Tây thất thủ, Courbet bị bãi nhiệm chức vụ tư lệnh tối cao và được điều động về các nhiệm vụ ban đầu là lãnh đạo hạm đội hải quân, nơi mà xem ra ít có cơ hội cho một con người nhiều tham vọng để tạo được bất kỳ chiến công xuất sắc nào. Đương nhiên ông ta tức giận và không hề muốn che giấu cảm nghĩ của mình. Sự thay đổi chức vụ đã là một cú đánh mạnh mẽ vào giới giáo sĩ truyền đạo, bởi Courbet, bất kể đến những sự bỡn cợt phóng túng thời còn là sinh viên, nay là một kiểu mẫu của con chiên Công Giáo ngoan đạo; trước khi lên đường tiến tới Sơn Tây, thí dụ, ông ta đã viết thư xin Giám Mục Puginier hãy cầu nguyện cho ông. Đã có sự ám chỉ rằng sự bãi chức xảy ra vì có âm mưu chống lại các giáo sĩ. Tuy nhiên, lý do thực sự gần như chắc chắn ít mang tính chất ý thức hệ hơn. Nước Pháp mang ấn tượng sâu sắc bởi khả năng của quân Cờ Đen, một cách tổng quát và kể cả sự phòng thủ mãnh liệt của họ tại Sơn Tây. Với mức độ này, có vẻ sự khuất phục toàn thể vùng Bắc Kỳ sẽ đòi hỏi một chiến dịch với quy mô đáng kể. Các lực lượng tăng cường được chuyên chở từ Pháp sang mang quân số lên đến mười bảy ngàn người. Điều được xem là bất hợp lý là khi uy danh của việc lãnh đạo một đội quân lớn như vậy lại được giao cho một sĩ quan hải quân: chính vì thế Đô Đốc Courbet đã bị trục xuất để nhường chỗ cho Tướng Millot, kẻ đã đảm nhiệm vai trò chỉ huy vào tháng Hai năm 1884.
Cái gọi là “Con Đường Cái Quan” (Madarin Road), được xây dựng tám mươi năm trước đó dưới thời vua Gia Long và chạy dọc theo chiều dài xứ sở từ Sài Gòn tới biên giới Trung Hoa, nối liền Hà Nội với Bắc Ninh, và chạy xa hơn lên phía bắc, mãi tới Lạng Sơn. Khá ngây thơ, các lực lượng Quảng Tây dự liệu rằng cuộc tấn công của Pháp sẽ diễn ra trên đường lộ này, dọc theo đó nhiều cứ điểm đã được chuẩn bị cho một tình huống như thế. Khi Millot ra lệnh di chuyển, vào khoảng một tháng sau khi tới nhiệm sở, cuộc tấn công được phóng ra theo hai mũi nhằm né tránh các cứ điểm ngăn chặn này bằng cách đi vòng qua hai bên, và gặp nhau tại một địa điểm ngay bên ngoài Bắc Ninh. Ngày kế tiếp, 12 tháng Ba năm 1884, cuộc tấn công bắt đầu.
Quân Cờ Đen đã đến Bắc Ninh một tuần trước đó, thấy tình hình còn tệ hơn nỗi lo ngại của họ rất nhiều. Quân Quảng Tây được trang bị rất đầy đủ, với một bãi bắn súng đại bác hiệu Krupp, một tình huống không được tính toán để khiến Lưu Vĩnh Phúc vui vẻ khi ông ta nhớ lại cuộc đào thoát khỏi Sơn Tây. Tuy nhiên, khi xét cặn kẽ hơn, ông tin rằng các xạ thủ đã không có khả năng sử dụng vũ khí đúng cách. Nhiều năm sau, ông nhớ lại rằng loại huấn luyện hiện đại duy nhất mà ông nhận thấy nơi quân đồn trú tại Bắc Ninh là sự ám ảnh về kèn lệnh, mà đã được thực tập không ngừng dưới chỉ thị của cấp trên. Sự bố trí binh lính vi phạm các quy tắc đơn giản nhất: ví dụ, việc cắt người đứng gác tại các vị trí thuận lợi để quan sát thành phố từ trên cao được coi là không cần thiết. Sự cướp bóc và dâm loạn của lính Trung Hoa ở mọi cấp làm dấy động từ người Việt Nam sự thù hận mà ông Lưu, hòa điệu theo thái độ chung của cả nước, có thể đánh hơi thấy từ xa; nhưng bất kể đến lời cảnh cáo của ông, khi quân Pháp tiến tới, các vũ khí đã được phân phát bừa bãi cho dân chúng địa phương để dùng chống lại kẻ thù chung.
Dự liệu tình huống xấu nhất, ông Lưu cho lực lượng của ông đóng quân tại các ngọn đồi bên ngoài thành phố và chờ đợi diễn tiến. Như ông đã tiên đoán, quân Pháp, đi tìm kiếm các cao điểm chỉ huy không được phòng giữ, bảo đảm phải chiếm đóng chúng trước khi tập trung sự chú ý vào thành phố Bắc Ninh. Nhìn thấy ngọn cờ tam tài tung bay bên sườn đồi trên đầu họ, quân Quảng Tây kinh hoảng bỏ chạy tán loạn dọc theo con đường cái quan dẫn đến Lạng Sơn, mang theo phụ nữ và của cải cướp được cùng với họ, trong khi các đồng minh Việt Nam của họ nổ súng bắn họ từ phía sau lưng. Mười khẩu đại bác hiệu Krupp mới tinh, chẳng làm hại được ai cả, rơi vào tay quân Pháp, cũng như một số lượng quân trang quân dụng lớn lao khác. Các nguồn tin Trung Hoa nhấn mạnh rằng trong sự hỗn loạn, hơn hai trăm ngàn đồng tiền bạc đã bị bỏ lại: những kẻ chiến thắng, mặt khác, là những kẻ theo lẽ thông thường rất thính mũi về các chiến lợi phẩm như thế, lại phàn nàn rằng thành phố bị cướp đi không còn đồng bạc nào cả. Để giải thích cho điều huyền bí này, người ta hy vọng rằng một số người chồng hay người cha Việt Nam đã tìm cách tự bồi thường cho họ vì người phụ nữ của họ bị cưỡng hiếp, nhưng điều này khó mà tin được.
“Sự kháng cự tại Bắc Ninh”, như một sĩ quan người Pháp đã viết, “đã không mang nét tương đồng mờ nhạt nhất nào với những gì đã xảy ra ở Sơn Tây. Quân Trung Hoa không phải là những chiến sĩ thực sự như quân Cờ Đen.” Ngôn từ thì khá nhầm lẫn, nhưng có lý để giả định rằng người viết không bao giờ hay biết rằng quân Cờ Đen chỉ ở cách đó khoảng một hai dặm khi thành phố thất thủ, ông Lưu đã hoàn toàn phủi tay trước sự việc xảy ra. Theo lời kể của chính ông Lưu, ông ta có nói với chúng ta rằng sự sụp đổ làm ông hoàn toàn bất ngờ, đến nỗi khi nghe thấy tiếng quân Pháp tấn công, trước tiên ông lại nghĩ rằng quân Quảng Tây đã xông ra để giao chiến với ngoại nhân. Sẽ thật là điên rồ nếu ông, khi bị áp đảo rõ rệt về quân số, có hành động nào khác hơn là bí mật lui quân về cứ điểm an toàn tại Hưng Hóa.
Không mấy nghi ngờ rằng một vài điều gì đó trong cơn hoảng loạn của đội quân Quảng Tây đã gây ảnh hưởng đến quân Cờ Đen, bởi sử sách Trung Hoa đã đề cập đến các cuộc cướp bóc tràn lan trên đường triệt thoái của họ, và sẽ là điều lạ lùng nếu người dân Việt Nam lại không dành cho họ cùng một sự oán ghét đối với đồng hương của họ trong các lực lượng chính quy. Trở về Hưng Hóa, họ đối diện với một vùng đồng bằng có vẻ đã bị thất thủ không thể nào thu hồi được, trong khi các mối giao thông về phía bắc với Lạng Sơn và Quảng Tây đã bị cắt đứt. Chỉ ở hướng tây bắc là còn nơi an toàn, trên những núi đồi dọc theo thượng nguồn của sông Hồng, và cuối cùng, nếu tình trạng tồi tệ nhất xảy ra, là chính địa phận Vân Nam. Họ chỉ có một khoảnh khắc gấp rút trước khi quân Pháp truy kích họ, bố trí một cuộc hành quân bao vây đe dọa việc cắt đứt tuyến tiếp tế của họ. Đối với các binh sĩ tỉnh Vân Nam, Hưng Hóa không mấy ý nghĩa với họ, và họ đã tự động di chuyển một cách nhanh nhẹn lên các vị trí mà họ đã chuẩn bị tại địa hình hiểm trở phía trên thượng nguồn xa hơn. Nhưng quân Cờ Đen đã cư ngụ ở đây cả một thập kỷ và thực sự miễn cưỡng đau đớn để giã từ nơi đây. Ít nhất họ có thể tước đoạt của người Pháp thú vui biến các lều trại và nhà ăn cũ kỹ quen thuộc thành nơi thưởng thức các màn thoát y. Trên đường rút lui, họ đã phóng hỏa thiêu đốt các tòa nhà, và chính là trên đống đổ nát bao la mà ngọn cờ tam tài đã được kéo lên vào ngày 12 tháng Tư, năm 1884. Bản thân họ Lưu, sau khi để toán quân của ông ở địa điểm an toàn tạm thời cách xa vài dặm trên vùng thượng nguồn, đã quay trở về căn cứ ưa thích của mình tại Lào Cai để theo dõi tình hình.
Tại Trung Hoa phản ứng đầu tiên khi nghe tin là một sự giận dữ. Tổng Đốc các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam bị quy lỗi và cách chức; tuy thế, một cách khá bất công, Sầm Dục Anh (Ts’en Yu-ying), Kinh Lược Sứ Vân Nam và Quí Châu, vẫn được giữ nguyên chức vụ. Viên Tư lệnh đội quân Quảng Tây với gu hưởng lạc tình dục không hợp thời đã nghĩ rằng cách tốt nhất để né tránh sự quở trách cuồng nộ sắp tới là uống một liều độc dược để tự tử; hai thuộc hạ của ông ta, không đủ sự quả cảm, đã bị xử chém trước binh lính của họ. Những câu chuyện như thế, khi được truyền qua biên giới, như chất dầu thơm xoa dịu sự bất mãn của họ Lưu. Nhưng cùng đến với các câu chuyện này là những báo cáo khác không mấy phấn khởi. Lý Hồng Chương và phe nhút nhát có vẻ sắp lên nắm quyền tại Bắc Kinh.
(1) Chung-Fa chan-cheng, tập 4, các trang 268-9.
(2) H. Cordier, Histoire des relations de la Chine avec les puissances occidentales, trang 409.
(3) Li Shou-k’ung, Chung-kuo chin-tai shih, Taipei, 1961, trang 378.