Quân Cờ Đen (Kỳ 1)

Henry McAleavy

Ngô Bắc dịch

Nguồn: Henry McAleavy, “Black Flags In Vietnam: The Story of A Chinese Intervention, The Tonkin War of 1884-85”, Chapter 6, các trang 98 – 112, The MacMillan Company: New York, 1968

Lưu Vĩnh Phúc (Ảnh: takaoclub.com)

Các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Hoa đã sẵn được đề cập nhiều lần trong câu chuyện này, như là những tỉnh, cùng với Vân Nam, giáp ranh phía bắc của Việt Nam, và trong một vài thế kỷ đầu tiên sau Công nguyên, đã gộp cùng với Việt Nam thành một đơn vị hành chính thống nhất nằm trong Đế Quốc Trung Hoa. Chúng ta cũng đã ghi nhận rằng các cư dân ở đây, dưới nhãn quan của người miền bắc Trung Hoa, gần như tạo thành một sắc dân khác biệt, không đơn giản là người phương nam (từ “phương Nam” đối với một người dân bình thường ở Bắc Kinh vẫn được dùng để chỉ vùng Thung Lũng sông Hoàng Hà), mà như một sắc dân có văn hóa lai với dân Việt Nam sống bên kia biên giới. Thái độ này được duy trì mặc dù cư dân ở các tỉnh biên giới là những người thuộc chủng tộc Hoa một cách bất khả tranh luận, nhưng một phần lớn dân số, đặc biệt tại Quảng Tây, bao gồm các bộ lạc bản xứ, gần giống với sắc dân được gọi là “người Thượng” của Việt Nam. Cũng giống như người Thượng, họ bị xua đuổi khỏi các vùng đất phì nhiêu và phải chạy lên vùng đồi núi trước sự tiến bước không ngăn cản được của chính sách thực dân văn hóa của Trung Hoa từ phương bắc đổ xuống. Ngày nay, dưới Chính quyền Nhân dân [Trung Quốc], một phần lớn của tỉnh Quảng Tây đã được chỉ định như một đặc khu, tại đó người dân bộ lạc, được gọi là “dân tộc ít người”, được tự trị ở một mức độ nào đó, nhưng từ 1949 trở về trước, các thổ dân, như một nguyên tắc, thường có một sự giao hảo tồi tệ nhất với những người gốc Hoa đến chiếm đất, và thường chất chứa đủ ác cảm để làm nảy sinh cuộc chiến tranh công khai với họ.

Mặc dù thế, ngay chính tên Quảng Tây đã khơi dậy trong tâm trí của những người Hoa có học ý tưởng về một nơi không giống nơi nào khác, nơi những phong cảnh thần tiên — các ngọn núi phủ đầy thông với hình dạng kỳ lạ đột nhiên mọc lên từ một đồng bằng có nhiều hồ nước rải rác, và lách qua khỏi màn sương khói sẽ thấy thấp thoáng các khe suối và những dòng thác đổ — trong nhiều thế kỷ đã thực sự ám ảnh óc tưởng tượng của các thi sĩ và họa sĩ. Trên hết, nó là một tỉnh có nhiều ma lực, một miền tại Trung Hoa có nhiều ác cảm nhất với chủ nghĩa hoài nghi của Khổng học. Các thày phù thủy và các thuật sĩ luyện đan nhan nhản trong các ngọn núi hư ảo đó, tìm cách phơi bày các bí mật của thiên nhiên và để cất nấu thuốc trường sinh bất tử. Khổng tử sẽ vô cùng ghê tởm điều đó, chưa kể đến tình trạng vô chính phủ kinh niên của phần lớn miền nam Trung Hoa vào khoảng đầu thế kỷ 19. Về tình trạng này, một loạt các nguyên nhân đã được chỉ ra. Một chương trước trong cuốn sách này đã nhấn mạnh sự gia tăng dân số mau chóng từ thế kỷ 17 trở đi đã dẫn đến một áp lực về đất đai. Thêm vào đó là ác cảm trường kỳ giữa người Trung Hoa chính gốc và dân bộ lạc bản địa, và rõ ràng là chính quyền của một miền như thế cần có khả năng quản trị xuất sắc, một loại tài năng thường hoàn toàn vắng bóng ở các nhân viên được Bắc Kinh phái đến làm đại diện. Khi tình hình trở nên tồi tệ, sự thù hận lâu đời đối với người Mãn Châu, luôn luôn sáng rực bên dưới bề mặt của các quận huyện cực nam này, đã bùng cháy công khai thành ngọn lửa. Không phải là ngẫu nhiên mà Quảng Tây trở thành nơi khai sinh của cuộc Nổi Dậy Thái Bình; cũng như không có những tình huống hiện diện ở nơi nào khác lại tạo ra một hiện tượng giống như quân Cờ Đen được.

Lãnh tụ của đoàn quân, Lưu Vĩnh Phúc, sinh năm 1837 tại vùng xa nhất phía tây nam của tỉnh Quảng Đông, gần biên giới Việt Nam và cách biển khoảng vài dặm. Giống như người thành lập phong trào Thái Bình Thiên Quốc, ông thuộc chủng tộc Hẹ (Hakka) [còn gọi là Khách, chú của người dịch]. Người Khách (từ này có nghĩa là “người xa lạ”), nguyên gốc là dân định cư đến từ phía bắc và trung của Trung Hoa bị đuổi sâu xuống phía nam bởi các cuộc xâm lăng của Mông Cổ và Thát Đát (Tartar) dưới triều đại nhà Tống, một sự kiện có thể được suy luận từ tiếng nói của họ, bởi họ nói một thổ ngữ gần với tiếng Trung Hoa tiêu chuẩn hơn là tiếng Phúc Kiến hay tiếng Quảng Đông mà họ nghe thấy chung quanh mình. Do đó, họ có một cảm thức rất mạnh về tinh thần chủng tộc, và một người trong số họ khi du hành bất kỳ nơi nào khắp miền nam Trung Hoa hay Đông Nam Á sẽ có cảm tưởng như ở nhà tại các cộng đồng người Hẹ mà người đó gặp gỡ. Tuy nhiên, đây chỉ là điều tương đồng duy nhất giữa nhà tiên tri của phong trào Thái Bình và Lưu Vĩnh Phúc. Người trước có một số vốn học thức, một hiệu trưởng đã đi thi các kỳ khảo thí của nhà nước, mặc dù không đỗ đạt, và sinh trưởng từ một gia đình tạm đầy đủ. Cha mẹ của Lưu, trái lại, là những kẻ nghèo nhất trong số những người nghèo, không có nhà cửa hay nghề nghiệp cố định, và ông ta suốt đời vẫn hoàn toàn mù chữ.

Vào lúc ông ra đời, cha của ông sinh sống vất vưởng bằng việc bán rong rượu do chính mình nấu, trong khi một người chú sống cùng gia đình ông làm nghề mổ lợn. Mẹ của Lưu — một biểu hiệu khác của sự nghèo đói của gia đình — là một góa phụ kết hôn với cha ông khi cha ông đã gần bốn mươi tuổi, và bà đã sớm trở thành một cột trụ của gia đình bằng việc hành nghề đỡ đẻ, và thỉnh thoảng bằng việc làm một người phụ nữ thông thái cầu khấn và đọc bùa chú nhân danh các thân chủ của bà. Ban đầu họ ở trong một ngôi nhà tranh xây bằng gạch đất bùn — một cố gắng tội nghiệp để giữ vẻ khả kính mà đến năm đứa bé được bẩy tuổi, đã phải rời đi vì nghèo túng. Gia đình, gồm cả người chú, vì nghiện cờ bạc mà lâm vào cảnh này, đã di chuyển một khoảng cách ngắn sang tỉnh Quảng Tây để lưu trú với một vài người thân có viễn cảnh tương lai xán lạn hơn; nhưng vào chính lúc đó, một trong những người định cưu mang họ lại bị bắt vì bị tình nghi là thổ phỉ, gia đình bị suy sụp bởi chi phí tốn kém để hối lộ viên án sát địa phương nhằm xin thả người đó, và gia đình họ Lưu một lần nữa bị thảy ra ngoài để tự lo liệu xoay sở lấy. Người cha vật lộn để có được phần công chết đói trên một dải đất, người mẹ làm lại nghề cũ, và đứa trẻ, vốn sẵn lòng tự hào về việc cố gắng cải thiện phần dinh dưỡng của gia đình bằng một con cá thỉnh thoảng bắt được từ một dòng sông gần cận, nhanh chóng quen thuộc các chỗ nước cạn và các bãi cát dọc theo dòng nước đến nỗi cậu ta có thể kiếm được một tiền đồng lẻ với việc làm như một kẻ canh phòng các tàu thuyền chạy trên thủy lộ.

Mối dây liên hệ giữa người mẹ và cậu con trai đặc biệt rất chặt chẽ, và sáu mươi năm sau đó ông Lưu vẫn hồi tưởng đến những đêm hồi còn là một cậu bé, ông ngồi trên một tảng đá ngoài căn lều của họ chờ mẹ trở về nhà sau những lần bà được mời đi đỡ đẻ, và sự mừng vui của cậu khi nhìn thấy ánh sáng mờ nhạt đầu tiên từ chiếc đèn lồng của mẹ từ xa xa, xuyên qua hàng cây. Mẹ cậu phải đi làm dưới mọi thời tiết, và thường phải đi xa. Một tối mùa thu năm 1853, mẹ cậu trở về ướt sũng vì mưa và với một cơn ho và sốt. Chỉ một, hai ngày sau, người mẹ đã từ trần.

Người Trung Hoa, ngay cả những người đã bác bỏ khái niệm về sự bất tử của linh hồn, đã gán một tầm quan trọng lớn lao cho việc chôn cất thích đáng các thi thể. Việc bỏ mặc thân thể mà không chôn cất là một tội lỗi, và đã có cả một khoa học về coi đất giúp cho việc lựa chọn một thửa đất thích hợp để đặt mồ. Trong nhiều thế kỷ, những nấm mồ này nằm rải rác khắp các đồng bằng miền bắc và trung Trung Hoa. Ngày nay, sự hiện diện của chúng biểu chứng cho một trở ngại gây khó khăn nhiều nhất cho công cuộc tập thể hóa và cơ giới hóa nông nghiệp, bởi không thể nào vận hành được một chiếc máy cày khi mà cứ vài trăm thước bạn lại phải bẻ tay lái để tránh không làm xúc phạm đến nơi an nghỉ cuối cùng của tổ tiên một người nào đó. Các nhân vật quan trọng của Cộng sản khi chết đi nhất quyết được hỏa thiêu: trong khi chờ đợi sự chấp nhận phổ quát tập tục này, người dân quê đã được thuyết phục để đồng ý cải táng hài cốt tiền nhân của họ trong khu đất tương đối kém phì nhiêu hơn được dùng làm các nghĩa trang công cộng. Tại miền Nam Trung Hoa vấn đề không đến nỗi khẩn cấp như thế, bởi các ngôi mộ, như một định lệ, đã sẵn tọa lạc tại các dải đất đá sỏi và không màu mỡ trên sườn đồi.

Không chỉ việc lựa chọn nơi chôn cất là vấn đề quan trọng, mà còn cả vấn đề sơ khởi là chiếc quan tài. Những gia đình giàu có thường sửa soạn bằng cách đặt đóng các hòm này trước, bằng thứ gỗ tốt nhất. Không có gì là rùng rợn về chuyện một trong những quang cảnh thông thường nhất tại bất kỳ thị trấn Trung Hoa nào là cửa hàng của thợ đóng quan tài, mở toang cửa trông ra đường và phô bày các dãy quan tài sơn bóng loáng cho khách qua lại nhìn thấy. Trong thực tế, vào năm 1950, một ô trưng bày của một nhà mai táng tân thời, tại đường Joffre Avenue, thành phố Thượng Hải, có bày một ma-nơ-canh – hẳn được sản xuất ở nước ngoài, bởi nó có mái tóc vàng và các đường nét Âu Châu – được phủ bằng một tấm vải liệm Trung Hoa, mặc áo choàng màu đỏ thắm vui tươi với một chiếc mũ chùm lên đầu đem lại cho ma-nơ-canh dáng vẻ của ông già Noel.

Gia đình họ Lưu nghèo khó dĩ nhiên không thể cung cấp cho người chết các tiện nghi như thế. Nhưng cô mụ đỡ đẻ nghèo nàn rất được các thân chủ yêu mến, và mặc dù nhiều người trong số họ cũng túng thiếu không khác gì tang gia, song đã tự nguyện đóng góp với nhau đủ tiền để mua một chiếc hòm đơn sơ để chôn cất bà. Chồng của bà, một người đàn ông đau khổ tóc bạc trắng ở tuổi năm mươi sáu, chỉ sống sót qua hai tháng sau và sự bần cùng của đứa trẻ mồ côi Lưu Vĩnh Phúc có thể được đo bằng tình cảnh rằng, việc tìm kiếm ngay cả một chiếc hòm đơn sơ nhất hoàn toàn nằm ngoài khả năng, cậu bé đã tháo gỡ chiếc giường thô sơ trên đó cha cậu nằm chết, và bó thi thể giữa các miếng ván để bảo vệ thân xác khỏi phải chạm với mặt đất trần trụi. Một vài tuần sau đó, ngay trước ngày Tết Trung Hoa năm 1854, người chú đi theo ông anh và bà chị dâu, và lần này điều tối đa [mà cậu bé] có thể làm được là đem chôn xác chú quấn trong một chiếc chiếu.

Bị phó mặc với năng lực riêng của mình, cậu bé đã tích cực đủ để kiếm được miếng ăn đây đó trong vùng lân cận, đôi khi trên các con thuyền chạy trên sông, đôi khi như kẻ chất than đun bếp. Chính trong lúc làm nghề đốt than mà cậu đã có một kinh nghiệm không bao giờ quên được. Một ngày kia, nơi núi sâu, vì mệt mỏi quá nên cậu lăn ra ngủ. Trong giấc mơ, một cụ già đáng kính với chùm râu bạc phất phơ hiện ra trước cậu bé và nói: “Hắc Hổ Tướng Quân, tại sao người lại chui rúc ở xó xỉnh này? Hãy ra khỏi núi này và bước vào thế giới!” Cậu bé tỉnh giấc trở dậy, thấy mặt trời đã lặn và một cơn gió lạnh đang rên rỉ bên sườn đồi.

Đối với một người như cậu bé, vốn đã tiêm nhiễm thói mê tín dị đoan của người nông dân, không còn nghi ngờ gì nữa, cảnh quan đó có một nguồn gốc thần bí, và tiên báo một tương lai oai hùng. Cậu trở nên gan dạ hơn: người ta tường thuật, mặc dù không nên quá tin tưởng, rằng chính lúc đó cậu đã làm một cuộc du hành đầu tiên sang Việt Nam. Cho dù nếu câu chuyện này là đúng thực, nó không có nghĩa là cậu đã mạo hiểm đi quá xa khỏi vùng biên giới, và làm việc, như cậu được nói là đã làm, cùng với các đồng bào Trung Hoa, cậu không thể bị xem là một kẻ lưu vong có chủ ý. Cậu chắc chắn không đi xa trong một thời gian dài, nhưng bất luận là ở Việt Nam hay ở một nơi nào khác, có vẻ như là cậu đã có được một số tiền đáng kể. Theo lời kể của chính Lưu Vĩnh Phúc, hồi ấy ông đã bắt được một gói thuốc phiện mà những kẻ buôn lậu từ Vân Nam, nơi mà cây nha phiến được trồng, bỏ lại khi chạy trốn một toán các viên chức quan thuế của tỉnh Quảng Tây. Bất kể đã thụ đắc bằng cách nào, tiền bạc đã giúp cậu tháo bỏ được một mối ân hận dằn vặt đã hành hạ cậu kể từ khi cha mẹ cậu mất đi. Vì túng quẫn, cậu bé đã phải chôn cha và mẹ trên mảnh đất nhỏ mà họ đã cày cấy, mặc dù cậu biết rõ về sự không phù hợp của nó, bởi nó không xa mạch nước mấy phân và vào mùa ướt thì thường bị ngập lụt. Sự tưởng tượng của cậu bé thường bị biến thành những cơn ác mộng kỳ quái liên can đến các loại sâu bọ và vật hư thối. Giờ đây cậu bé nhớ lại làm thế nào mà nhiều năm trước, khi còn là một đứa bé chăn trâu cho người hàng xóm giàu có, cậu có nghe loáng thoáng một thầy địa lý, đang khảo sát đất huyện để tìm đất đặt mồ, ca ngợi một chỏm núi nào đó trông giống như xương sống của một con hổ. Lạ lùng thay là ông lão trong giấc mơ cũng đã đề cập đến cùng con vật đó! Món tiền trong tay chỉ vừa đủ để cậu bé làm theo lời khuyên răn. Cậu đã làm mọi điều theo đúng cách, thuê mướn một thầy địa lý để giúp chọn thế đất và một thầy chiêm tinh để tính toán giờ khắc tốt lành nhất cho cuộc lễ. Đôi khi chúng ta có đọc trong kinh sách Trung Hoa về những đứa con hiếu thảo đã mang theo trên lưng di cốt của cha mẹ khi di táng, và khi cậu bé Lưu thực hiện hai cuộc di táng – bởi thi thể được chôn tại hai ngôi mộ riêng biệt – có thể cậu ta cũng đã áp dụng cùng phương pháp cổ điển, mặc dù các thi thể có lẽ vẫn chưa phân hủy hết bởi mới chỉ có ba năm trôi qua kể từ lần chôn cất đầu tiên, và các di thể này đã được đặt trong các quan tài chạm trổ cần đến mấy người phu khiêng đi ngay sau khi khai quật lên. Lần cải táng cuối cùng này hẳn phải ở trong tình trạng cực kỳ kinh hoàng bởi mặc dù nhà soạn thảo hồi ức của họ Lưu vào lúc lớn tuổi có che giấu chúng ta nhiều chi tiết rùng rợn, ông có hé mở cho chúng ta thấy một sự kiện bộc lộ điều bí ẩn. Thầy chiêm tinh đã ấn định giờ cải táng người cha vào lúc nửa đêm, và một cơn bão dữ dội đã nổi lên khi đoàn tang lễ đang tiến đến ngôi mộ mới. Cậu Lưu đã than khóc rằng cơn mưa hẳn sẽ gây ngập lụt huyệt chôn, và rất buồn lòng cho tới khi sờ đến các mặt bao quanh và đáy huyệt bằng bàn tay của mình, cậu phát hiện ra rằng mặt đất chỉ hơi ẩm. Và như thế, bổn phận làm con đối với cha mẹ đã được chu toàn, cậu được tự do bước vào thế giớI, như ông lão đã thúc giục, và tìm kiếm phúc phận của mình.

Trong giấc mơ, cậu đã được chào đón như một vị “Tướng Quân”, vì vậy bước đầu tiên là cậu ta trở thành một thổ phỉ ăn cướp. Công bằng mà nói, cậu ta không hề nhìn vấn đề dưới khía cạnh đó. Khi ấy và sau này trong mắt nhìn của chính ông, ông luôn luôn là một người lính – đôi khi, đúng nghĩa hơn, một người lính đánh thuê, nhưng cũng không kém vẻ vang trong khía cạnh đó. Trong thực tế, giờ đây ngay ở lúc khởi đầu chức nghiệp của ông, định mệnh đã đóng một dấu ấn khả kính trên các hành động của ông, gần như chắc chắn không xứng đáng, nhưng là điều mà đồng bào ông ta đã dùng để bào chữa cho các thành tích cướp bóc của ông ta. Như chúng ta đã thấy, cuộc nổi dậy lớn lao của Thái Bình Thiên Quốc đã bộc phát từ Quảng Tây trong năm 1851, và từ 1853 trở đi đã tự thiết lập tại Nam Kinh như một triều đình thường trực, điều mà đối với nhiều nhà quan sát có vẻ gần như muốn thu gọn toàn thể lãnh thổ về sự tuân phục nó. Chúng ta cũng đã mô tả, họ đã vội vã như thế nào để tiến đến vùng giàu có nhất của Trung Hoa, vùng Thung lũng Hạ lưu Sông Dương Tử, đoàn quân Thái Bình đã xuyên qua nhiều khu vực rộng lớn của xứ sở mà không buồn thiết lập các căn cứ ở hậu phương. Do sự khinh xuất này, họ đã có mọi ý định và mục đích để bỏ rơi ngay chính nơi phát sinh ra phong trào, đến nỗi tới năm 1857 – năm mà Lưu Phúc, ở tuổi hai mươi, khởi động sự nghiệp mới của mình – có vẻ như không có lực lượng nào của Thái Bình Thiên Quốc, đúng ra là như thế, tại tỉnh Quảng Tây. Mặt khác, hào quang của danh hiệu Thái Bình Thiên Quốc, và uy thế của việc phục vụ một triều đình chiến đấu trong một cuộc chiến tranh yêu nước chống lại nhà Mãn Châu ngoại lai, khuyến khích quân cướp sinh sôi nẩy nở bởi tình trạng vô chính phủ trong vùng — bởi sự vắng mặt của Thái Bình Thiên Quốc không có nghĩa rằng chính quyền trung ương đã tái lập sự kiểm soát hữu hiệu – khoa trương lòng trung thành của họ đối với chính nghĩa dân tộc. Một trong những người này, Ngô Lăng Vân, lãnh tụ của một nhóm quấy phá vùng phụ cận thành phố Nam Ninh kế cạnh biên giới Việt Nam, thực sự tuyên bố rằng đã được phong Vương bởi nhà lãnh đạo Thái Bình Thiên Quốc tại Nam Kinh và đã tổ chức một buổi lễ đăng quang trọng thể, tạo ấn tượng mạnh mẽ vào chàng thanh niên họ Lưu đến nỗi anh ta nhiệt thành tự gắn mình với số phận của ông Vương họ Ngô.

Trong ít năm kế tiếp cuộc sống của Lưu Vĩnh Phúc, đối với một độc giả tây phương ở mọi trình độ, là một hồ sơ tẻ nhạt của các cuộc cướp bóc và giao chiến nhỏ tại nhiều nơi phần lớn không có gì quan trọng để được vạch vẽ trên bản đồ, giữa những người, mà nếu không có sự hiện diện tình cờ của Lưu Vĩnh Phúc tại chiến trường thì tên tuổi đã biến mất từ lâu vào sự lãng quên đáng tội nghiệp. Song lúc về già tâm trí ông vẫn còn hồi tưởng đến chính những cuộc giao chiến này. Người ta có thể kỳ vọng rằng với ông ta biến cố vĩ đại trong sự nghiệp của ông sẽ phải là sự đối đầu với kẻ thù Âu châu, làm ông trở thành một anh hùng dân tộc, nhưng thực sự không phải như thế chút nào cả. Như chúng ta sẽ thấy, các thành tích của ông chống lại quân Pháp, không chỉ làm tên họ ông vang dội ở Việt Nam và Trung Hoa không thôi, mà còn cả ở Âu Châu và Mỹ Châu, chỉ được bản thân ông đề cập đến khi thực sự cần thiết. Và ngay cả khi ấy, ông sẽ quay lưng lại với chúng một cách mau chóng nhất có thể, với sự nhẹ nhõm hiển nhiên, để theo đuổi những ân oán thuần túy Trung Hoa mà ông cảm thấy quen thuộc. Theo một cách nhìn, đây là một sự nhắc nhở hữu ích rằng người ngoại quốc chúng ta có thói quen phóng đại vai trò của chúng ta trong lịch sử Trung Hoa. Khi xét đến số lượng lớn những người tây phương sống ở Trung Hoa trong suốt thế kỷ trước khi có sự chiến thắng của Cộng sản hồi năm 1949, điều đáng ngạc nhiên là chỉ có quá ít người trong số họ được nhớ đến bởi người Trung Hoa nói chung. Có lẽ chỉ có hai người được xem là bất tử, Thống Chế người Phổ tên Waldersee là người đã chỉ huy quân đội đồng minh chống lại Nghĩa Hòa Đoàn năm 1900 – nhưng tiếng tăm nổi bật của ông không phải là nhờ các chiến tích, mà vì mối tình của ông với một cô gái điếm Trung Hoa đã trở thành đề tài của vô số các tác phẩm văn chương – và Bác Sĩ Bethune, một bác sĩ người Canada đã dâng hiến cuộc đời mình để phục vụ Hồng Quân và là người mà lời ca ngợi của Mao Trạch Đông dành cho ông đã được ghi vào trong kinh sách Cộng Sản. Trong khi đó, sự thờ ơ của Lưu Vĩnh Phúc khiến cho hồi ức của ông, được kể lại vào lúc tuổi già cho một kẻ ngưỡng mộ ông, trở thành một trong những tác phẩm tẻ nhạt nhất từng đuợc biên soạn.

Những người lính của Ngô “Vương” (Prince Wu) tự phong chịu một cuộc sống khốn khổ nhất, cảm thấy may mắn khi họ được cấp phát phần gạo trợ cấp nhỏ nhoi mà họ được hứa hẹn. Chúng ta đã được nghe kể có lần khi họ được ăn một bữa cơm với thịt heo, cả một đại đội bị ngã gục vì tiêu chảy. Sau một hay hai năm, Lưu có vẻ ngày càng chán nản hơn và đã tách rời để đi tìm một lãnh tụ năng hoạt hơn. Cơ nghiệp cụ thể của ông chưa được cải thiện bao nhiêu nhưng sự cứng rắn và quyết tâm mà ông bày tỏ tại nhiều xó xỉnh kín đáo đã thu hút được sự chú ý. Trong hai hay ba năm ông đã được nhìn nhận là thủ lĩnh của gần hai trăm người mà ông yêu cầu tuyên thệ kết tình anh em và trung thành trước một lá cờ màu đen mà, vì luôn nhớ đến giấc mơ của mình, ông đã chỉ định làm quân kỳ và linh vật của nhóm. Với đoàn quân này đứng sau lưng, ông quyết định quay về vớI chủ cũ, nơi mà khi đó Ngô Á Chung đã kế vị cha mình trong vương quốc giả danh. Giờ này, dĩ nhiên, Lưu đã có thể có sức mạnh để trở thành một nhân vật có tên tuổi, rõ rệt đến mức Ngô “Vương” nghĩ rằng tốt hơn hết là nên thắt chặt sự liên hệ của họ bằng cách gả em gái cho Lưu. Có vẻ người thiếu nữ này không được hấp dẫn mấy, bởi mặc dù chàng Lưu đã đồng ý hứa hôn nhưng anh đã viện dẫn nhiều lý do khác nhau để trì hoãn hôn lễ và đến năm 1865 anh ta hai mươi tám tuổi nhưng vẫn còn độc thân.

Thái Bình Thiên Quốc đã bị quét ra ngoài Nam Kinh một năm trước đó, và mặc dù còn bận rộn với nhiều cuộc nổi dậy ở những nơi khác, Bắc Kinh đã dần dà tái xác định thẩm quyền của nó tại tỉnh Quảng Tây. Triển vọng của những kẻ sống ngoài vòng pháp luật thì thê lương, và khi đồ tiếp liệu trở nên khan hiếm hơn, Lưu đã xin phép dẫn đoàn quân của mình cho một cuộc viễn chinh cướp bóc tách xa khỏi bộ phận chính. Lời yêu cầu của ông được chấp thuận với một sự miễn cưỡng, và với điều kiện ông phải quay trở về mà không được phép thất bại vào cuối một tháng; nhưng khi hạn kỳ này đã hết, Quân Cờ Đen, thay vì giữ lời hứa, lại nhất trí tán đồng việc khởi sự một cuộc phiêu lưu hẳn đã được Lưu ấp ủ từ trước đó. Chúng ta được nghe nói rằng anh ta đã đưa ra đề nghị vào lúc này một phần là để tránh cuộc hôn phối gượng ép mà anh ta nhìn thấy là anh không thể lần lữa vô hạn. Kế hoạch của anh, nói một cách ngắn gọn, là nhằm cắt xén một vùng đất bên kia biên giới tại Việt Nam, nhưng làm như thế với sự phù trợ của chính phủ Việt Nam bằng cách tự giới thiệu mình như là một đồng minh của chính phủ Việt Nam để chống lại các bộ lạc “miền núi” vốn là những kẻ từ lâu vẫn làm chủ vùng núi đồi nằm giữa biên giới Trung Hoa với thượng nguồn của sông Hồng.

Xét bề ngoài của nó, không còn gì liều lĩnh hơn ý đồ này. Không hề có một nỗ lực nhỏ nhoi nào được thực hiện để thiết lập sự tiếp xúc với các giới chức thẩm quyền Việt Nam. Cuộc tiến quân diễn ra từ tốn và ung dung, lảng vảng nơi này nơi kia để thu thập các tân binh từ các nhóm thổ phỉ Trung Hoa khác. Mãi rồi, khi chạm mặt với các lính tuần cảnh Việt Nam, một cuộc đụng độ đã được tránh khỏi chỉ trong gang tấc. Lỗ tai của Lưu và lính của ông vẫn chưa quen thuộc với tiếng nói địa phương, nhưng một hay hai người trong số họ xem ra có học hơn vị thủ lĩnh và đã có thể thông đạt với người Việt Nam bằng chữ viết rằng họ là những thương gia ôn hòa đang trên đường sang Vân Nam. Có thể vài điều gì đó trong cung cách của Lưu mang lại cảm tưởng rằng ông không phải là loại người mà ai đó được an toàn một khi đã châm chọc vào ông. Dựa trên những nhận định ông nói lúc tuổi già, vào thời điểm đó và cả sau này, ông không có vẻ gì là đánh giá cao các binh sĩ Việt Nam. Trong mọi trường hợp, bất luận câu chuyện của ông có đáng tin hay không, ông đã được phép để tiếp tục cuộc hành trình cho đến khi gặp Sông Hồng, khu đối diện với Sơn Tây, và ông đã cho dựng một doanh trại có hàng rào bao quanh.

Cuộc du hành của ông xuyên qua xứ sở đã được theo dõi bởi những người dân miền núi, tuy thế họ đã không mưu toan chặn đường (có lẽ bởi họ nghĩ rằng ông ta thực sự chỉ di hành xuyên qua. Thế nhưng, giờ đây sự việc trở nên rõ ràng rằng một gian thương đang cắm cọc dành quyền tại vùng mà họ đã xem như là lãnh địa của họ, và họ không có ý định chịu đựng sự hỗn xược đó. Các lãnh tụ của họ coi vị thế của chính họ cao quý đến nỗi họ cảm thấy một sự tiếp xúc theo nghi lễ không phải là điều gì bất hợp lý, và đã gửi đến ông Lưu một thẻ bằng tre có khắc Hán tự như sau:

“Chúng tôi, những người chỉ huy quân sự của người dân miền núi, sẽ đến Sơn Tây vào một ngày do chúng tôi quyết định, với tuyệt đỉnh sức mạnh của một đoàn quân vĩ đại, có quân số hàng ngàn, hàng ngàn, và vô số người. Đây là sự chào mừng đầy kính trọng của chúng tôi đối với ông.”

Trong thực tế, quân đội người thượng miền núi bao gồm vài ngàn binh sĩ, và khi mà quân Cờ Đen cùng với các đồng minh mới của họ cộng chung chỉ được hơn năm trăm người, tình hình không có gì khích lệ lòng tin tưởng. Nhưng ông Lưu không bao giờ nghi ngờ chuyện người dân bộ lạc sẽ đến tấn công ông với sức mạnh tối đa, và ông ta đã thực hiện các biện pháp phòng vệ. Chính địa thế cho thấy quân địch sẽ tràn xuống qua một con đèo trong vùng đồi núi, và thay vì cố gắng cầm chân địch ở vị trí này, ông Lưu cho một đơn vị biệt phái phục kích và khai pháo vào quân miền núi khi họ đã qua hẳn đèo, với mục đích lùa họ vào một dải đất dày đặc hố chông và được che giấu bằng cây cỏ. Mưu chước này đã thành công một cách đáng kinh ngạc; quân miền núi hoảng hốt và chỉ trong vài phút đã hoàn toàn rút lui, những người ở phía sau (chúng tôi được hay biết) đã dẫm lên cả thân xác đồng đội bị cọc đâm xuyên qua người.

Các giới chức thẩm quyền Việt Nam đã theo dõi những diễn biến này với niềm thích thú, đặc biệt khi ông Lưu theo đuổi chiến thắng của mình bằng cách tổ chức cuộc ám sát một thổ tù do một người dân bộ lạc bất mãn thực hiện; thủ cấp của người này được treo giá bởi chính phủ. Triều đình tại Huế, theo đề nghị của đại diện địa phương của họ, đã bị dẫn dụ để phong tặng cho ông Lưu một cấp bậc danh dự trong quân đội Việt Nam, và ông cùng quân lính của ông được khuyến khích hãy tiếp tục công cuộc bình định của họ. Tuy nhiên, vào năm 1868, ông đã quyết định để người miền núi tạm thời được yên, và tập trung nỗ lực vào một trong những phần thưởng đáng giá nhất có được là cảng sông ở Lào Cai giáp ranh với Vân Nam, lúc đó đã nằm trong tay của một nhóm thương gia Quảng Đông có vũ trang trong nhiều năm.

Khi những kẻ này lọt vào sự chủ định của ông Lưu, họ do những biến cố tình cờ đã có thể cầu cứu đến một lãnh chúa quyền lưc. Bởi trong khi quân Cờ Đen đang dành được ưu thế tại Việt Nam, tình trạng của các đồng chí cũ của họ tại tỉnh Quảng tây, Ngô “Vương” và quân đội của ông ta, rõ ràng ngày càng trở nên suy yếu hơn cho đến khi, bị truy lùng ráo riết bởi đội quân tỉnh, họ cũng bị xua đuổi qua biên giới phía nam. Một người cháu của “Vương”, có tên là Hoàng Sùng Anh (Huang Ch’ung-ying), năng động hơn người chú, đã tụ họp các đệ tử thân cận quanh ông ta để thành lập một nhóm được phân biệt bằng lá cờ vàng, đúng theo mô thức đã được ấn định bởi Lưu Vĩnh Phúc nhưng có quân số đông gấp hai, ba lần, và đã dựng một doanh trại tại một địa điểm có tên là Hà Giang bên bờ sông Lô (Clear River). Đây là một phụ lưu của sông Hồng, phát nguyên giống như sông chính từ Vân Nam nhưng xa hơn về phía bắc, và chảy theo hướng đông nam cho đến khi nhập vào dòng nước chính, ở nơi cách bờ biển khoảng một trăm dặm. Tuy nhiên, con sông Lô hiển nhiên không thể trở thành một nguồn lợi lộc như con sông Hồng, và một lời mời từ những thương nhân đang chiếm giữ ở Lào Cai thì hấp dẫn hơn nhiều.

Hoàng đã bắt kịp Lưu khi họ Lưu đang tiến quân chỉ còn cách Lào Cai vài dặm và đã chào đón ông như một người bạn và đồng chí cũ. Ở đó bảo đảm có câu chuyện mà tình tiết tương đồng gần nhất tại phương tây có lẽ sẽ được tìm thấy nơi lịch sử của các thị tộc vùng cao nguyên Scotland. Họ Lưu đã chiêu đãi vị khách một cách long trọng nhất mà ông có thể cung ứng được và giúp đỡ Hoàng thiết lập doanh trại bên bờ sông đối diện với doanh trạị của mình. Song ông ta không dám liều mạng một mình giữa đám quân Cờ Vàng, cho đến khi có điều tiếng đến tai ông rằng ông Hoàng cảm thấy bị tổn thương bởi ông ta đã nhiều lần đích thân sang thăm viếng họ Lưu nhưng chưa hề được đáp lễ. Sự nghi ngờ đã hiện diện giữa các đồng chí cũ với nhau như thế chăng? Vì thế, cuối cùng, vào một ngày được lựa chọn vì có nhiều điềm được đoán giải là tốt, ông Lưu đã vượt qua sông, không vũ trang và chỉ có hai tùy tùng đi theo, tự mình tìm đến túp lều nơi họ Hoàng đang nằm trên một chiếc phản hút thuốc phiện. Khi vào trong, ông nhìn thấy một vài tên côn đồ trông dữ tợn đứng gác ở cửa, và lòng ông chùng xuống, nhưng giờ đã quá trễ để quay lui, và ông đã cố khởi sự một cuộc đối thoại sao cho tự nhiên nhất. Có một dọc tẩu khác để trên bàn và mặc dù họ Lưu là người cả đời không hút thuốc, ông vẫn cầm chiếc ống điếu lên và giữ nó trong tay trong suốt buổi nói chuyện, sẵn sàng, theo lời chính ông kể lại, đánh vỡ óc họ Hoàng một khi họ Hoàng này có một cử chỉ đáng nghi ngờ nào khác.

Sự thận trọng này không cần thiết, bởi rõ ràng tất cả những gì mà họ Hoàng muốn thảo luận chỉ là vấn đề Lào Cai. Ông ta nói đã quyết định chuyển quân Cờ Vàng đến đó trong vòng hai hay ba ngày tới, và ông sẽ rất phấn khởi có người bạn của ông cùng đi. Khó khăn duy nhất là về nơi đóng quân: các thương nhân Quảng Châu tại đó đã đề nghị cung cấp nơi đóng quân cho Hoàng trong trung tâm thành phố, nhưng họ có đề cập rằng các tòa nhà để trống vùng ngoại ô sẽ rất thích hợp cho họ Lưu và cho bất kỳ quân số nào mà họ Lưu muốn mang theo. Điều duy nhất mà họ giao ước là các nhà kho của họ phải được để nguyên.

Thoát ra ngoài hang hổ một cách an toàn, họ Lưu lấy lại sự tự tin và đã tự mình trình diện đúng theo giao ước cùng với một đoàn quân Cờ Đen tại các tòa nhà được chỉ định. Ông đã sửa soạn đầy đủ tinh thần để nương náu qua ngày, thế nhưng vừa nhìn thấy những gì được sắp đặt cho mình, ông ta đã nổi cơn thịnh nộ. Đó là một dãy lán tồi tàn, toát ra mùi hôi thối gớm ghiếc, bởi nền nhà và tường bị trát đầy đủ loại phân, người và súc vật. Điều này không thể chịu đựng được: đoàn quân Cờ Đen tiến vào thị trấn và không nói không rằng trưng dụng ngay một trong những kho hàng lớn nhất của nhóm thương gia Quảng Châu. Náo động dữ dội xảy ra, và chỉ một lúc sau họ Hoàng xuất hiện, giận dữ y như họ Lưu, đòi biết tại sao họ Lưu lại không giữ lời hứa. Một cuộc đụng độ xem ra khó có thể tránh khỏi, nhưng, một cách kỳ diệu, khi nghe trình bày về những gì đã xảy ra, cơn thịnh nộ của họ Hoàng đã tức thời tan biến thành sự dịu ngọt và lời xin lỗi về sự khinh xuất không thể tha thứ được do lỗi lầm của một số người nào đó.

Dù sự việc đã được bỏ qua, nhưng sau đó họ không cần phải tỏ vẻ thân hữu nữa. Trong vài tuần, hai đội quân giữ khoảng cách và trông chừng nhau. Đã có một nỗ lực bởi một số thủ hạ có thiện chí, những kẻ bị tiêu hao vì cuộc huynh đệ tương tàn, để mang hai nhà lãnh tụ ngồi lại với nhau vào một thời điểm cùng nơi chốn đã được chỉ định cho một cuộc họp, trong đó những người tham dự sẽ không được vũ trang. Trong sự sẵn sàng đối phó với mọi tình huống, họ Lưu đã cho chúng ta hay rằng ông đã nhất quyết mài vót các móng tay thành móc nhọn, để móc mắt kẻ đối thoại khi tình thế phát sinh, nhưng cuộc hội họp không bao giờ diễn ra.

Các tình huống của trận đánh ở Lào Cai, khi mà sự bùng nổ không thể tránh khỏi đã xảy ra, được che đậy dưới một màn sương dày đặc của những chi tiết mâu thuẫn nhau. Quân Cờ Vàng khai pháo mở trận đánh đầu tiên, không chỉ cậy vào ưu thế về quân số, mà còn vào việc họ đã chôn mìn ở dưới khu mà họ nghĩ là chỗ ngủ của đối phương. Trong mưu kế này họ đã bị lừa, bởi họ Lưu đã hay biết được âm mưu của họ và đã phân tán quân của mình ra khỏi vùng nguy hại, sao cho khi mìn được kích nổ, nó tạo ra tiếng nổ rất lớn nhưng không có ai bị thương tích. Thay vào đó, bên tấn công sớm phải gánh hậu quả của chính mưu kế của họ: trong khi họ xua quân tiến đánh, kho đạn dược của họ bị đốt cháy khiến nhiều quân lính của họ mất mạng trong vụ nổ. Cuộc giao tranh diễn ra từng đợt trong vài ngày và kết thúc khi quân Cờ Vàng, bị bao vây từ ba mặt, đã bỏ chạy theo đường sông trong sự hỗn loạn đến nỗi nhiều người trong số họ bị chết đuối.

Chiến thắng này đã mang lại một bước ngoặt có tính cách quyết định trong sự nghiệp của Lưu Vĩnh Phúc. Vốn đã liên minh với chính quyền Việt Nam, giờ đây ông nhận thấy sự trợ lực của ông lại được cầu đến bởi chính quyền Trung Hoa, mặc dù từ trước đến giờ, họ chỉ biết đến ông, nếu quả thực họ có hay biết, như là một tên thổ phỉ tầm thường. Chúng ta đã thấy vị chỉ huy cũ của ông, Ngô “Vương” đã chạy trốn xuống phương nam vào đất Việt Nam vì bị truy kích bởi nhà chức trách tỉnh Quảng Tây. Với sự chấp thuận của chính quyền Việt Nam, họ đã quyết định thực hiện các cuộc truy kích xuyên biên giới, và một đôi quân Trung Hoa dưới quyền của một Tướng quân họ Phùng nào đó đang hoạt động trên đất Bắc Việt. Viên tướng này, đóng một vai trò quan trọng trong câu chuyện của chúng ta, sẽ cần được giới thiệu một cách chính thức hơn sau này: tạm thời ta chỉ cần ghi nhận rằng ông đã biết về chiến thắng của họ Lưu tại Lào Cai, và tin tức này còn gây ấn tượng sâu xa hơn nữa với ông ta bởi Ngô “Vương”, thủ lãnh chính thức của các nhóm thổ phỉ, đã thoát khỏi sự truy kích vì đã từ trần — một cách tự nhiên hay vì bạo lực thì không rõ — khiến cho người phụ tá tên Hoàng Sùng Anh trở thành người kế nhiệm ông ta. Nói cách khác, họ Phùng, đại diện của Bắc Kinh, họ Lưu, một tên khấu tặc, và các quan văn võ tượng trưng cho sự xác nhận chủ quyền trên phần đất Bắc Việt của chính quyền tại Huế, nhận thấy họ có cùng một kẻ thù chung, bởi quân Cờ Vàng, vẫn còn là một lực lượng cần phải canh chừng trong vùng núi rừng rậm rạp nằm giữa thượng nguồn của sông Hồng và biên giới Quảng Tây, vốn có sự liên kết chặt chẽ với các bộ lạc miền núi. Nhận thức được thực trạng này, họ Phùng đã phái các sứ giả đến Lào Cai đề nghị ban cấp cho họ Lưu một quân hàm danh dự trong quân đội Trung Hoa với các điều kiện gần như tương đồng với các điều kiện mà ông ta đã chấp nhận đối với chính quyền Việt Nam. Bất kỳ ác cảm nào còn lại trong họ Lưu đối với Triều Đình Mãn Châu (ác cảm này có lẽ ngay từ đầu đã không dựa trên các nguyên tắc nghiêm chỉnh) đã tức thời tan giá bởi sự ân cần trong lời nhắn nhủ. Sự thực là càng nhìn thấy phía Việt Nam bao nhiêu, quân Cờ Đen càng cảm thấy hãnh diện hơn về chủng tộc của chính họ. Ngô “Vương”, khi tuyên thệ trung thành với Thái Bình Thiên Quốc, hẳn đã phải ra lệnh cho quân sĩ của mình để tóc dài theo kiểu Trung Hoa cổ truyền, và chúng ta có thể tưởng tượng rằng đến giờ này, nếu chỉ vì các lý do thuận tiện, quân Cờ Đen vẫn còn để tóc như thế. Từ nay trở đi, họ thay đổi quay trở lại việc tết bím tóc kiểu Mãn Châu, và cảm thấy rắc rối hơn bởi ngoài việc buộc và tết tóc, phần trán trên đầu lúc nào cũng cần đến dao cạo. Tuy nhiên, sự bực bội được đền bù nhiều hơn bằng lòng kiêu hãnh của việc khoa trương huy hiệu của nước chủ tể đối với đám dân chư hầu.

Chiến dịch sau đó bao gồm một số ví dụ tiêu biểu nhất về khả năng lãnh đạo quân sự của họ Lưu, đặc biệt chiến tích được mệnh danh là “cuộc xung kích mười ba đèo”, trong đó họ Lưu đã lãnh đạo một lực lượng quân Cờ Đen xuyên qua vùng đồi núi tấn công vào tổng hành dinh của Hoàng Sùng Anh tại Hà Giang. Bị thất trận một cách tuyệt vọng, họ Hoàng đã phải ẩn trốn cùng các đồng minh người miền núi của ông ta, và trong một thời gian ngắn, với cuộc tổng tấn công to lớn như vậy, có vẻ như họ Hoàng và cánh quân Cờ Vàng của ông ta sắp đến hồi kết cuôc. Nhưng thời tiết của Việt Nam, như đã từng xảy ra trong quá khứ, một lần nữa cho thấy khó kham được đối với một đội quân Trung Hoa chính quy, và Tướng quân họ Phùng, quân sĩ của ông đã bị tàn phá bởi sốt rét và các chứng bệnh khác của vùng nhiệt đới, đã rút khỏi chiến trường. Một lần nữa, quân Cờ Vàng lại khởi dậy từ vùng hoang dại và thiết lập một căn cứ dọc sông Hồng nằm giữa Lào Cai và Sơn Tây.

Niên biểu của các sự vụ này cực kỳ lộn xộn, nhưng khả năng cao là chúng đã diễn ra trong thời khoảng từ 1869 đến 1870. Khi [Jean] Dupuis lần đầu tiên đi thuyền trên sông này vào năm 1871, họ Lưu đã nắm quyền kiểm soát vững chắc thị trấn Lào Cai trong khi quân Cờ Vàng hoạt động xa hơn phía hạ nguồn. Ít nhất tình tiết đó là rõ ràng, nhưng trong nhiều chi tiết, Dupuis cũng mâu thuẫn với chính mình. Chính vì thế, có chỗ ông ta khiến chúng ta tin rằng ông đã nói chuyện với Lưu Vĩnh Phúc ở Lào Cai, trong khi ở chỗ khác, ông ta lại quả quyết rằng Lưu đã cố tình vắng mặt vì muốn tránh gặp gỡ với một người Âu Châu. Hồi ký của chính họ Lưu cũng không đề cập đến bất kỳ cuộc nói chuyện nào thuộc loại này. Chúng ta cũng cần lưu ý rằng Dupuis đã có hiểu biết chính xác về tình thân hữu giữa nhóm quân Cờ Vàng với dân vùng núi, nhưng có vẻ chưa được biết rằng họ Lưu, trái với nhóm đối địch với ông ta, đúng ra không còn là một tay thổ phỉ mà đã trở thành một bầy tôi được thừa nhận bởi các chính phủ Việt Nam và Trung Hoa.(1)

———–

CHÚ THÍCH:

(1) Hồi ký của Lưu Vĩnh Phúc (nhan đề Liu Yung-fu li-shih ts’ao) được gồm trong quyển thứ nhất bộ Chung-Fa chan-cheng. Một ấn bản riêng biệt với các chú thích bổ ích củA Lo Hsiang-lin đã được ấn hành tại Đài Bắc năm 1957. Tôi cũng có tham khảo tập tiểu sử viết bởi Li Wei, nhan đề Liu Yung-fu chuan, Changsha, 1940

 

BÌNH LUẬN