Mỹ công bố sáng kiến hạ tầng cho châu Á

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 30/7 công bố một sáng kiến trị giá 113 triệu USD dành cho các dự án công nghệ, năng lượng và hạ tầng cho các nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Sáng kiến này được đưa ra vào thời điểm Trung Quốc rót hàng tỷ USD vốn đầu tư hạ tầng vào hàng loạt quốc gia trong khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo – Ảnh: Reuters.

Ngoài ra, đây cũng là thời điểm mà Mỹ xung đột thương mại gay gắt với Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác.

Bài phát biểu của ông Pompeo nhằm định hình khía cạnh kinh tế trong chiến lược “Ấn Độ-Thái Bình Dương” (Indo-Pacific) của Tổng thống Donald Trump – một chiến lược nhằm khẳng định vai trò của Mỹ là một đối tác đáng tin cậy trong khu vực.

Nhà ngoại giao cấp cao nhất của Mỹ nói Washington muốn một châu Á “tự do và cởi mở” không bị thống trị bởi bất kỳ một quốc gia nào. Phát biểu này được xem là ngầm ám chỉ ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực.

“Cũng giống như nhiều đồng minh và bè bạn của chúng tôi ở châu Á, Mỹ chiến đấu để giành lấy nền độc lập của mình từ một đế chế muốn có sự phục tùng”, ông Pompeo phát biểu trước Hội đồng Thương mại Mỹ ở Washington. “Bởi vậy, chúng tôi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ tìm kiếm sự thống trị ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, và chúng tôi sẽ chống lại bất kỳ quốc gia nào tìm kiếm điều đó”.

“Quỹ mới này là một sự ‘đặt cọc’ cho kỷ nguyên mới về sự cam kết kinh tế của Mỹ đối với hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương”, ông Pompeo phát biểu.

Giới chức Mỹ nói rằng chiến lược của Mỹ không nhằm cạnh tranh trực tiếp với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc – kế hoạch có trị giá khoảng 1 nghìn tỷ USD nhằm kết nối hạ tầng từ châu Á, qua châu Phi và tới châu Âu. Thay vào đó, giới chức Mỹ nói rằng sáng kiến của Mỹ là một lựa chọn bền vững hơn thông qua khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân.

Giáo sư Eswar Prasad thuộc Đại học Cornell, nguyên trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Trung Quốc, cho rằng sáng kiến của Mỹ là nhỏ bé nếu so với sáng kiến của Trung Quốc. “Xét về quy mô và phạm vi, sáng kiến này nhỏ bé so với sáng kiến của Trung Quốc”, ông Prasad nói. “Điều đó cho thấy sự khác biệt giữa cách làm táo bạo và do Chính phủ dẫn đầu của Trung Quốc, với vai trò hạn chế hơn của Chính phủ Mỹ”.

Giới phân tích nói rằng rất khó để xác định nỗ lực của Mỹ có thể gây được hứng thú ra sao trong khu vực, nhất là với một nhà lãnh đạo có tính khí thất thường như ông Trump. Sau khi lên cầm quyền, ông Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và theo đuổi xung đột thương mại với Mỹ, đặt ra nguy cơ gián đoạn các chuỗi cung ứng trong khu vực.

Mỹ lần đầu vạch chiến lược phát triển kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương vào năm 2017. Thuật ngữ này dùng để chỉ khu vực trải rộng từ Bờ Tây của nước Mỹ đến bờ biển phía Tây của Ấn Độ, nhằm nhấn mạnh một khu vực rộng lớn hơn so với “châu Á-Thái Bình Dương”.

Trong số những dự án đầu tư mới mà ông Pompeo đưa ra, Mỹ sẽ rót 25 triệu USD nhằm thúc đẩy xuất khẩu công nghệ của Mỹ sang khu vực, 50 triệu USD giúp các quốc gia phát triển năng lượng và xây dựng một mạng lưới hỗ trợ để đẩy mạnh cải thiện cơ sở hạ tầng.

Về phần mình, Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc bị nhiều nhà phê bình cho là nhằm giúp Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng và có thể khiến nhiều quốc gia rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Trong khi đó, Trung Quốc nói đây chỉ là một dự án phát triển đơn thuần mà bất kỳ quốc gia nào cũng có thể tham gia.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN