Trong khi thế giới đổ dồn chú ý vào hành động của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO và tại cuộc gặp Thượng đỉnh Nga-Mỹ với người đồng cấp Putin vừa qua, thì căng thẳng Mỹ-Iran đã leo thang đến “mức nguy hiểm”.
Màn khẩu chiến nổ ra với những ngôn từ mạnh mẽ nhất giữa giới lãnh đạo Mỹ và Iran trong tuần qua. Tổng thống Iran Hassan Rouhani gửi lời cảnh báo tới người đồng cấp Mỹ Donald Trump “không nên vuốt râu hùm”, “Mỹ nên biết rằng hòa bình với Iran là “mẹ” của hòa bình và chiến tranh với Iran là “mẹ” của các cuộc chiến”. Đáp trả, Tổng thống Mỹ đăng trên Twitter cá nhân lời cảnh báo Iran: “Đừng bao giờ lặp lại lời đe dọa Mỹ”.
Căng thẳng Mỹ-Iran có thể sẽ còn vượt xa hơn màn khẩu chiến. Tổng thống Rouhani, những ngày gần đây tiếp tục cảnh báo Tehran sẽ phong tỏa tuyến đường vận chuyển dầu qua Vịnh Persia nếu xuất khẩu dầu của Iran bị phong tỏa. Nhà lãnh đạo tinh thần tối cao Iran Ayatollah Khamenei cũng tuyên bố chính sách của Tổng thống Trump nhằm vào Iran không khác gì một lời tuyên chiến. Trong khi, Chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran Mohammad Ali Jafari khẳng định, Tehran sẽ khiến thế lực thù địch phải hiểu rằng “Hoặc tất cả chúng ta có thể sử dụng Eo biển Hormuz hoặc không ai cả”.
Và phía Mỹ ngay lập tức có câu trả lời, với tuyên bố của người phát ngôn Bộ Chỉ huy Trung tâm Bill Urban rằng: “Hải quân Mỹ luôn sẵn sàng để đảm bảo tự do hàng hải và tự do thương mại ở bất cứ nơi nào theo sự cho phép của luật pháp quốc tế”.
Mỹ-Iran: Đối đầu không khoan nhượng
Căng thẳng Mỹ-Iran một lần nữa “giết chết” thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký kết giữa Tehran và P5+1 năm 2015, còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi văn kiện này, vốn là một di sản của người tiền nhiệm Barack Obama trong khi ông Trump gọi là “thỏa thuận tồi tệ nhất lịch sử”.
Với diễn biến không ngừng leo thang hiện nay, nếu phong tỏa xuất khẩu dầu của Iran, Mỹ sẽ vi phạm Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được thông qua sau khi các bên ký kết thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Tiếp đó, nếu Iran cũng đáp trả bằng việc phong tỏa tuyến đường vận chuyển dầu qua Eo biển Hormuz thì châu Âu, Nga và Trung Quốc (các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân) cũng có thể không còn tiếp tục ủng hộ văn kiện này và sẽ cùng Mỹ thông qua một Nghị quyết trừng phạt nhằm vào Tehran tại Hội đồng Bảo an.
Tuy nhiên, các bên vẫn có thể lựa chọn những giải pháp phù hợp để ngăn chặn cuộc xung đột thảm khốc này bùng phát.
Một khả năng chính là Washington và Tehran đối thoại trực tiếp. Phát biểu với báo chí khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Canada hồi đầu tháng này, Tổng thống Donald Trump nói rằng: “Có thể tôi sẽ nhận được lời kêu gọi và yêu cầu một thỏa thuận và chúng ta sẽ có một thỏa thuận”. Ông Trump cũng khẳng định, Mỹ sẽ không khoan nhượng nếu Iran muốn tìm kiếm một “thỏa thuận lớn hơn” với Washington.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump cần phải hiểu rằng chính sách của Mỹ hiện tại đã ngăn chặn mọi cơ hội thỏa hiệp ngoại giao với Iran. Tuyên bố “mẹ của các cuộc chiến” của Tổng thống Iran Rouhani cho thấy, các nhà lãnh đạo Iran không chấp nhận bị bẽ mặt hay hạ thấp lòng tự tôn dân tộc của mình trước những lời lẽ đe dọa và sức ép của chính quyền Tổng thống Trump.
Một khả năng khác là các bên tiếp tục Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) phiên bản không có Mỹ. Đây cũng là điều Iran cam kết với các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân gồm Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức, với điều kiện Washington không buộc các nước này phải từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với Tehran.
Có một thực tế là nếu không có chữ ký của Mỹ, các bên sẽ không thể đền bù tài chính toàn diện cho Iran khi Mỹ áp đặt trở lại các trừng phạt với nước Cộng hòa Hồi Giáo.
Về mặt quốc tế, Iran phải đương đầu với sức ép cứng rắn từ Mỹ, song chính điều này lại củng cố nội bộ Iran. Chính quyền của Tổng thống Rouhani gần đây nhận được ủng hộ quan trọng từ lực lượng Vệ binh Cách mạng, theo đó Đại tướng Qassem Soleimani ca ngợi thái độ và đáp trả cứng rắn của ông Rouhani với Washington. Điều này chứng tỏ cho cộng đồng quốc tế rằng, Iran đang bỏ qua những chia rẽ chính trị trong nước để xây dựng một mặt trận thống nhất, vững mạnh để chống lại sự thù địch từ bên ngoài.
“Chúng tôi đã trở nên đoàn kết hơn, những mối đe dọa đã đưa chúng tôi gắn kết với nhau”, Tổng thống Rouhani nói.
Tận dụng sự đoàn kết trong nước này, Tổng thống Rouhani cũng có những cam kết mạnh mẽ trong giải quyết các vấn đề kinh tế, chống tham nhũng, lạm phát, thất nghiệp hay buôn lậu… Iran cần những cải cách cơ cấu để loại bỏ sự mất cân bằng và sự phụ thuộc vào nguồn thu dầu mỏ, vốn đang bị đe dọa vì trừng phạt. Và nếu Iran thành công trong chiến lược cải thiện nền kinh tế, nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp tục ở lại JCPOA.
Thỏa thuận hạt nhân Iran- Hình mẫu giải quyết khủng hoảng
Các nhà lãnh đạo châu Âu sẵn sàng nhượng bộ Iran cả về chính trị và an ninh như một phần đền bù trong thỏa thuận đã ký kết. EU cũng đã đưa ra một gói kích thích kinh tế với Iran nhằm cứu lấy thỏa thuận hạt nhân lịch sử sau khi Mỹ rút đi. Hiện Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đang tiếp tục làm việc với những người đồng cấp của Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức trong nỗ lực duy trì những cam kết về tài chính, ngân hàng và năng lượng của các bên.
Với các nước còn lại trong thỏa thuận hạt nhân, việc duy trì JCPOA còn nhằm mục tiêu làm việc với Iran trong các vấn đề khu vực như khủng hoảng Syria hay Yemen. Trong đó, cuộc đàm phán mới đây giữa châu Âu và Iran về khủng hoảng Yemen đã được mô tả là tích cực và mang tính xây dựng. Nếu Nga và Trung Quốc tham gia tiến trình ngoại giao giải quyết khủng hoảng Yemen này, các nước có thể nêu một đề xuất hòa bình lên Hội đồng Bảo an. Kế hoạch sẽ bao gồm lệnh ngừng bắn, viện trợ nhân đạo, đối thoại dân tộc, bầu cử tự do và một chính phủ toàn diện, nhằm giải quyết cuộc xung đột Yemen với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới đi kèm theo đó.
Tại Syria cũng vậy, các nước đang có cơ hội để hành động, nhất là khi quân đội chính phủ Syria với hỗ trợ của Nga và Iran đã giành lại quyền kiểm soát phần lớn các khu vực khỏi tay các nhóm phiến quân và khủng bố. Theo giới quan sát, đây là thời điểm để Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất một kế hoạch hòa bình toàn diện lên Hội đồng Bảo an, và châu Âu với Trung Quốc có thể sẽ ủng hộ kế hoạch này.
JCPOA có thể coi là hình mẫu giải quyết khủng hoảng thông qua đối thoại. Việc thỏa thuận hạt nhân Iran bị hủy bỏ cũng đồng nghĩa với việc giết chết những cơ hội đàm phán để giải quyết các cuộc khủng hoảng khác trong khu vực. Đây là một phần lý do khiến châu Âu, bất chấp việc rút lui của đồng minh Mỹ, vẫn cùng Nga và Trung Quốc cứu vãn thỏa thuận với Iran.
Cứu được JCPOA mới chỉ là bước đầu. Thông qua hợp tác sau đó các nước có thể đóng vai trò quyết định để tìm giải pháp hòa bình cho các cuộc khủng hoảng tại khu vực Trung Đông, đánh bại chủ nghĩa khủng bố và xây dựng một giải pháp kiểu mẫu để giải quyết xung đột./.
Hoàng Lê/VOV.VN