Nguồn gốc cổ xưa của đất nước Việt Nam (Kỳ 1)

Ngô Bắc dịch

NguồnCharles Holcombe, Before Vietnam, The Genesis of East Asia, 221 B.C. – A.D. 907, Association for Asian Studies and University of Hawaii Press, Honolulu, 2001, các trang 145-164.

Lời người dịch:

Dưới đây là bản dịch lời Đề Tựa và chương viết về thời kỳ trước khi hình thành một nước Việt Nam độc lập trong một tác phẩm đáng chú ý có nhan đề The Genesis of East Asia, 221 BC. – AD. 907 (Khởi nguyên của Đông Á, từ năm 221 trước Công nguyên đến năm 907 sau Công nguyên) của tác giả Charles Holcombe, một giáo sư sử học tại Đai học Bắc Iowa. Tác phẩm này có một số đặc điểm như sau:

1/ Có thể xem đây là tác phẩm đầu tiên áp dụng khảo hướng đối chiếu (comparative approach) để nghiên cứu về lịch sử Đông Á, lấy Trung Hoa làm trung tâm, theo nghĩa “đế quốc Trung Hoa vĩ đại tạo thành một hạt nhân [văn minh] mà chung quanh nó, các giới tinh hoa của Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam đã tôi rèn nên căn tính của mình”, như lời đề tựa của chủ biên loạt sách.

2/ Có thể xem đây là một sách giáo khoa mới đang cần thiết để thay thế cho quyển sách tiêu chuẩn nay đã lỗi thời về Đông Á, tức quyển East Asia: Tradition and Transformation của các tác giả John Fairbank, Edwin O. Reischauer và Albert M. Craig, một quyển sách giáo khoa mà mọi người theo ngành Đông Á học tại các đại học Tây phương đều coi là kinh điển trong vài thập niên vừa qua.

3/ Khảo hướng đối chiếu lịch sử của tác giả đặt Việt Nam vào khối Đông Á, cùng với các nước Trung Hoa, Nhật Bản và Hàn Quốc, để khảo sát lịch sử hình thành của quốc gia Việt Nam so với Trung Hoa. Chúng ta thấy có sự nghiên cứu tương tự qua loạt bài về sự bành trướng của Trung Hoa xuống phía nam, trong đó Việt Nam là một trường hợp điển hình, của tác giả C. P. Fitzgerald, mà người dịch đã giới thiệu trước đây.

Phần viết về Việt Nam cũng chứa đựng ít nhiều ý kiến mới, như sự thừa nhận địa bàn tranh đấu của Hai Bà Trưng không thể chỉ bị giới hạn ở bắc phần Việt Nam, “mà thay vào đó nằm ở cả hai phía của biên giới Trung Hoa – Việt Nam ngày nay – điều này hoàn toàn tự nhiên bởi “những người dân bản địa” thời tiền Trung Hoa đã sinh sống ở cả hai bên của một biên giới quốc gia hiện đại vốn đơn thuần không hề hiện hữu vào thời điểm đó”, như tác giả đã viết trong tác phẩm./-

***

Đề tựa của chủ biên loạt sách cùng chủ đề

Chúng tôi rất hân hạnh giới thiệu tác phẩm của Charles Holcombe, The Genesis of East Asia, 221 BC. – AD. 907 (Khởi nguyên của Đông Á, 221 trước Công nguyên – 907 sau Công nguyên), quyển thứ ba trong loạt sách của chúng ta với chủ đề Asian Interactions and Comparisons (Các sự tương tác và đối chiếu tại Châu Á). Tác phẩm của Holcombe không phải là một tập chuyên khảo hay một quyển sách giáo khoa theo ý nghĩa truyền thống, mà đúng hơn là một lịch sử khái quát của thiên niên kỷ đầu tiên trong lịch sử Đông Á, tương ứng với thiên niên kỷ đầu tiên của lịch sử đế triều Trung Hoa. Đông Á ở đây bao gồm phần đất ngày nay chúng ta gán cho Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam – mọi địa danh đều được đặt ra khá lâu sau này. Đây là một lịch sử lấy Trung Hoa làm trung tâm (Sinocentric), nhưng chỉ theo nghĩa đế quốc Trung Hoa vĩ đại đã tạo thành hạt nhân mà chung quanh nó, các giới tinh hoa của Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam đã rèn luyện nên căn cước của mình.

Loại tác phẩm này đã được mong đợi từ lâu – và chúng ta vẫn còn cần một loạt sách nữa cho thiên niên kỷ thứ nhì – bởi giờ đây, quyển sách tiêu chuẩn cũ, East Asia: Tradition and Transformation (Đông Á: Truyền thống và sự biến thể) của các tác giả John Fairbank, Edwin O. Reischauer, và Albert M. Craig, đã trở nên lỗi thời trước các bộ sách đồ sộ của giới học thuật được xuất bản khắp nơi trên thế giới kể từ khi nó được ấn hành. Tuy không phải là một quyển sách giáo khoa theo khuôn mẫu của quyển East Asia: Tradition and Transformation, tác phẩm của Holcombe có thể được dùng theo cách đó.

Tuy thế, quan trọng hơn, tác giả Holcombe cho thấy rằng chúng ta có thể học được nhiều điều ở tất cả các trình độ bằng cách áp dụng một khảo hướng đối chiếu đối với lịch sử vùng Đông Á. Việc chúng ta có đồng ý hay không, thí dụ, rằng lịch sử ban đầu của Nhật Bản tương đồng với lịch sử Trung Hoa, là điều không quan trọng; điều không thể chối cãi được là chúng ta học hỏi được nhiều về cả hai lịch sử thông qua một sự so sánh như thế.

Mặc dù nhạy cảm với các khiếu nại và nguyên do nền tảng của chủ nghĩa dân tộc hiện đại, tác giả Holcombe không cho phép điều này tác động tới những giải thích của ông về lịch sử thời tiền hiện đại. Chính vì thế, nhiều độc giả có thể bất ngờ, thí dụ, trước sự trình bày của ông về sự xuất hiện của quốc gia Việt Nam đầu tiên vào năm 939. Trong khi cái nhìn của ông phù hợp với các công trình học thuật gần đây về đề tài này, nó đi ngược với sự tường thuật của người Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc về 1000 năm đàn áp của Trung Hoa. Chúng tôi xin dành lại để độc giả tự đưa ra phán đoán đối với đề tài gây tranh cãi đặc biệt này cũng như các đề tài khác được trình bày trong quyển sách này.

Joshua A. Fogel, Chủ biên loạt sách cùng chủ đề

***

Đông Á thời Hán sơ

Nam Việt

Hình dáng hiện tại của xứ sở chúng ta gọi là Việt Nam sẽ là điều không thể tưởng tượng nổi với bất kỳ ai sống trong thời kỳ được nói đến trong quyển sách này. Không chỉ toàn thể phân nửa phía nam của đất nước giờ đây là Việt Nam chỉ mới được sáp nhập vào xứ sở sau này, mà ngay cả tên gọi Việt Nam hay bất kỳ danh tính Việt Nam có thể được nhận diện nào được đề cập bởi một số danh xưng khác cũng sẽ xa lạ đối với người dân của kỷ nguyên này. Thời ấy Việt Nam đơn thuần chưa hiện hữu. Thay vào đó, những gì ngày nay là miền bắc Việt Nam – khu vực bao quanh thung lũng sông Hồng – là một phần của đế quốc Trung Hoa. Nó là một phần ngoại vi, chắc hẳn là thế, nhưng không có biên cương văn hóa hay chủng tộc rõ rệt chia cắt những vùng ngày nay là Việt Nam với các phần khác của khu vực hành chánh cực đông nam của đế quốc, Lĩnh Nam (Lingnan) – một vùng bao gồm các tỉnh hiện đại của Trung Hoa gồm Quảng Đông (Quảng Châu) và Quảng Tây cũng như miền bắc Việt Nam.1

Mặt khác, Lĩnh Nam (có nghĩa “phía nam của đỉnh núi”) lại cách biệt về mặt địa hình với phần còn lại của đế quốc Trung Hoa bởi một vòng cung các ngọn núi thấp. Từ lâu trước khi Lĩnh Nam bị sáp nhập vĩnh viễn vào Trung Hoa, nó đã là quê hương của các cộng đồng thời tiền sử với trình độ tinh vi, đã nắm vững việc canh tác lúa gạo không muộn hơn năm 2000 trước Công nguyên, và sản xuất đồ đồng ngay từ năm 1500 trước Công nguyên. Tới giai đoạn khảo cổ được gọi là Đông Sơn, vốn phát triển rực rỡ từ khoảng năm 500 đến năm 300 trước Công nguyên, dân chúng tại vùng phụ cận của Bắc Việt hiện đại đã thành thạo kỹ thuật đồ sắt và sản xuất ra một loại trống đồng có đặc tính nổi bật. Nền văn hóa Đông Sơn huy hoàng này có tính chất độc đáo, nhưng nó có sự tương quan văn hóa hiển nhiên với một dải đất rộng lớn của phần mà giờ đây chúng ta gọi là Đông Nam Á. Nhiều kỹ thuật đột phá mới, kể cả việc trồng lúa gạo, được xem là đã du nhập vào vùng này từ người Việt hay, trong một vài trường hợp, có thể từ những người vùng Trung Nguyên Trung Hoa sinh sống xa hơn về phía bắc.2

Những sử ký Việt Nam bản xứ cổ xưa nhất, có niên đại từ thế kỷ 14, nói về một vương quốc Văn Lang độc lập được thành lập tại khu vực chung của Việt Nam trong khoảng thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên và đã tồn tại qua mười tám đời vua. Hơn nữa, thần thoại này có thể nói gần như trùng hợp với nền văn hóa Đông Sơn mà đã được khám phá về mặt khảo cổ học. Các học giả Việt Nam hiện đại đã mau chóng gắn nước Văn Lang này với các nguồn gốc của một “dân tộc” Việt Nam.3

Như tài liệu khảo cổ đã chứng thực một cách rõ ràng, chắc hẳn đã có một nền văn hóa địa phương độc lập và sinh động tại đây xuyên suốt thời kỳ này, nhưng những truyền thuyết Việt Nam cổ xưa sơ sài này được thu thập từ các nguồn tài liệu Trung Hoa mơ hồ và cổ xưa hơn nữa, vốn được biên soạn phần lớn vào các thế kỷ thứ 6 và thứ 7, và có thể không đáng tin cậy lắm. Có lẽ công bằng nhất để nói rằng nền văn hóa Đông Sơn được xác định về mặt khảo cổ học này không hẳn là của Trung Hoa hay Việt Nam theo nghĩa dân tộc chủ nghĩa hiện đại, mà đúng hơn là của một xã hội Việt tộc (Yue: Việt) địa phương thời tiền sử. Xã hội này đã ngày càng trở nên tinh tế hơn thông qua sự tương tác với quốc gia Việt phát triển sớm hơn và với các quốc gia Trung Nguyên xa hơn về phía bắc.4

Các truyền thuyết xa xưa nhất cũng tiếp tục nhấn mạnh rằng, trong bất kỳ trường hợp nào, vương quốc Văn Lang đã “bị đánh đuổi” và thay thế bởi một ông hoàng xâm lược từ (một địa danh thường đi liền với) phần đất mà giờ đây thuộc tỉnh Tứ Xuyên vào năm 257 trước Công nguyên, là người đã sáng lập một vương quốc mới ở đó gọi là Âu Lạc. “Thành phố xoáy hình trôn ốc” vĩ đại gắn với ông hoàng này tại Cổ Loa được cho là thành phố vĩ đại đầu tiiên trong toàn vùng Lĩnh Nam cũng như trên toàn cõi Đông Dương. Mặc dù diễn biến truyền thuyết này không nên được nghĩ như bất kỳ một sự tiêu diệt toàn diện và thay thế cho dân số đã hiện hữu trước đây, cả truyền thuyết lẫn bằng cớ khảo cổ từ các di tích của thành phố làm liên tưởng đến một vài sự gián đoạn trong văn hóa địa phương, với một tầm ảnh hướng mới của phương bắc đối với khu vực thuộc miền bắc Việt Nam ngày nay.5 Điều này phù hợp với bức tranh tổng quát của chúng ta về nhiều nền văn hóa tiền sử địa phương khác nhau dần dần bị biến thể thông qua sự tương tác với văn minh hạt nhân vùng Trung Nguyên.

Chúng ta có thể bổ sung rằng trong khi thành phần di truyền hay “chủng tộc” của các xã hội này có thể đã thường xuyên phô bày sự liên tục địa phương (local continuity) ở một mức độ khá cao trong các thời kỳ kéo dài, sự đóng góp về mặt di truyền hay chủng tộc cho văn hóa hay văn minh được đánh giá là rất nhỏ. Các thuộc tính vật lý chẳng hạn như màu da không được xem là có nhiều ý nghĩa về mặt văn hóa, ngoại trừ khi chính thành kiến chủng tộc trở thành một yếu tố, nhưng đây không phải là trường hợp thường xảy ra tại vùng Đông Á cổ đại (mặc dù các thí dụ biệt lập về định kiến chắc chắn có thể được viện dẫn).

Trong thời thượng cổ, toàn thể vùng Lĩnh Nam, Quảng Đông, và Quảng Tây cũng như Việt Nam, hoàn toàn nằm bên ngoài phạm vi của văn minh Trung Hoa Thời Đồ Đồng. Tuy nhiên, Hoàng đế đầu tiên của nhà Tần, vốn bị thúc đẩy bởi một khát vọng về các sản vật kỳ lạ có giá trị của vùng đất này, đã ra lệnh xâm lăng ồ ạt vào Lĩnh Nam vào năm 214 trước Công nguyên. Ông ta được cho là đã trưng tập đến nửa triệu thương nhân và các phần tử “vô dụng” khác sang đồn trú lãnh thổ mới chinh phục được và cho đào các con kênh để tiếp tế cho các di dân này. Đặc biệt, trong phạm vi Việt Nam ngày nay, một vài mức độ tự trị địa phương dường như vẫn tiếp tục được duy trì như một thể chế thông thường. Tuy nhiên, Lĩnh Nam giờ đây đã trở thành một phần của đế quốc Trung Hoa, một cách khá đột ngột.6

Nhà Tần đã sớm đạt được đỉnh cao về mặt bành trướng địa dư đế quốc. Tuy nhiên, triều đại này thịnh rồi suy như một ngôi sao băng. Chính quyền đế quốc tập trung hóa của nhà Tần tại phần giờ đây là tỉnh Vân Nam, tại phía tây nam, chỉ tồn tại mỗi một thập kỷ. Tại vùng đông nam, ba vương quốc khác biệt của Việt tộc được phục hưng giữa các phế tích của đế quốc nhà Tần đã tan rã: Đông Âu (Eastern Ou) tại vùng nay là phía nam của tỉnh Triết Giang, Mân Việt (Min-Yue) tại tỉnh Phúc Kiến, và Nam Việt (Southern Yue) tại Quảng Đông, Quảng Tây, và miền bắc Việt Nam.7

Các vị vua của Mân Việt tự nhận là hậu duệ của hoàng triều Việt bản xứ cổ xưa. Dưới sự cai trị của nhà Tần, những thủ lĩnh toàn quyền bản xứ này bị giáng xuống vị thế những nhà quản trị một bộ chỉ huy [chỉ huy sứ?], nhưng nhờ vào sự hậu thuẫn của họ cho người sáng lập thành công triều đại nhà Hán trong các cuộc nội chiến liên tiếp, họ đã được nhà Hán tái tấn phong như những ông hoàng tự trị vào năm 201 trước Công nguyên. Vào năm 138 trước Công nguyên, Mân Việt đã tấn công nước láng giềng phương bắc của mình là Đông Âu, khiến Đông Âu khẩn thiết cầu cứu vị Thiên Tử nhà Hán. Vị tư lệnh phòng vệ nhà Hán cố vấn rằng các vương quốc này chưa bao giờ thuần phục đế quốc kể từ khi chúng bị từ bỏ sau thời nhà Tần, và rằng, bởi việc Việt tộc tham gia vào chiến tranh tương tàn thường xuyên là rất đỗi bình thường, việc này phải được xem là không liên can gì đến Vương Quốc Trung Tâm Nhà Hán. Tuy nhiên, một lập luận phản biện thắng thế cho rằng nếu vị Thiên Tử không đến trợ giúp các nước chư hầu trong lúc nguy biến, “làm sao chúng ta lại có thể xem vô số vương quốc như con cháu chúng ta được?” Một đội quân nhà Hán được phái đi bằng đường biển, xuất phát từ vùng ngày nay là Shaoxing [Thiệu Hưng?] tại  miền bắc Triết Giang, và các binh sĩ của Mân Việt đã rút lui.8

Bất kể sự hoãn binh tạm thời này, vương quốc Đông Âu (Eastern Ou) độc lập sau rốt đã bị thanh toán vào năm 110 trước Công nguyên, và hoàng đế nhà Hán bị cáo giác là đã chuyển vận toàn thể dân Việt của Đông Âu về phương bắc đến những vùng đất nằm giữa các con sông Hoài (Huai) và sông Dương Tử (Yangzi), bỏ trống vùng đất của Đông Âu trước đây.9 Lãnh thổ cũ của họ tại tỉnh Triết Giang ngày nay sau này trở thành trung tâm dân cư và kinh tế của Trung Hoa hiện đại, mặc dù nó đã từng có thời là vùng đất rất xa lạ.

Trong khi đó, vào năm 135 trước Công nguyên, vương quốc Mân Việt với khuynh hướng bành trướng đã hướng sự chú ý của nó xuống phía nam và xâm lăng Nam Việt. Một ông hoàng gốc Hán bán tự trị tại vùng giờ đây là tỉnh An Huy đã viết thư cho hoàng đế nhà Hán (cũng là cháu trai của ông ta), ra sức can ngăn đế quốc khỏi sự can thiệp quân sự vào cuộc chiến tranh này bằng việc đưa ra lập luận rằng “Việt là vùng đất nằm ngoài thế giới này, với một sắc dân xén tóc và xăm mình. Nó không thể được điều hành bởi luật lệ của các nước văn minh.”10 Mặc dù tác giả của văn thư này có thâm ý – nhằm ngăn cản sự can thiệp quân sự của đế quốc Hán tại lãnh địa riêng của ông ta – rõ ràng là các lãnh thổ đế quốc nhà Tần xưa kia tại vùng giờ đây là miền đông nam Trung Hoa vẫn còn bị xem là những vùng đất hoàn toàn xa lạ trong thời kỳ Hán sơ. Song vùng cực nam của các vương quốc Việt độc lập này, Nam Việt, với kinh đô đặt tại Quảng Châu (Canton) ngày nay, thực sự không phải là một vương quốc “bản thổ” gì cả. Vương quốc Nam Việt, trước đó, đã được thành lập bởi một quan chức nhà Tần cũ xuất thân tại vùng Trung Nguyên.

Khi thế giới đế quốc nhà Tần bắt đầu tan rã vào cuối thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, viên chỉ huy quân sự nhà Tần bị bệnh vô phương cứu chữa tại Quảng Châu (Canton, khi đó gọi là Panyu (Phiên Ngung, có khi dịch là Phan Ngu [?]) ủy thác cho thuộc cấp của ông là Triệu Đà (Zhao Tuo) (mất năm 137 trước Công nguyên) rằng:

Trung Quốc đang trong cơn hỗn loạn và chúng ta không biết hòa bình sẽ đến từ nơi đâu. Các vị anh hùng nổi dậy chống lại nhà Tần giờ quay sang chống lại lẫn nhau. Nam Hải [miền có kinh đô là Panyu] thì xa xôi, nhưng tôi lo sợ rằng quân thổ phỉ sẽ đột kích đến tận nơi xa xôi này. Tôi muốn lập ra quân đội và chặn các con đường mới để chuẩn bị… Hơn nữa Phiên Ngung (Canton) chiếm giữ một vị trí đồi núi chiến lược. Dựa vào Nam Hải, cả phía đông và tây trải dài hàng ngàn dậm (li) chúng ta có sự ủng hộ của nhiều người từ Vương Quốc Trung Tâm. Địa điểm này cũng là chủ tể của một miền, và có thể được dùng để thiết lập một vương quốc [độc lập].11

Triệu Đà đã nghe theo lời cố vấn này và sau khi người đỡ đầu của ông ta từ trần, vào năm 208 trước Công nguyên, ông đã thiết lập vương quốc Nam Việt (Nan Yue, trong tiếng Hán, Nam Việt, trong tiếng Việt) độc lập, tồn tại trong gần một thế kỷ, mặc dù thường xuyên được coi như một chư hầu trên danh nghĩa của đế quốc nhà Hán. Triệu Đà là dân Trung Nguyên bản địa, và người ta giả định rằng ông đã khuyến dụ các thần dân của mình bằng sự hấp dẫn của nền văn hóa cao hơn của Trung Hoa. Cùng lúc, ông đã “bị biến đổi bởi các phong tục của dân mọi rợ phương nam” và ở chừng mực nào đó “trở thành dân bản xứ”, như người ta từng nói.

Sử ký ghi lại một cuộc chạm trán ngoạn mục giữa Triệu Đà và sứ giả đế quốc nhà Hán, Lu Jia [Lục Giả?] (bản thân là người đất Chu, nơi từng là một vương quốc Trung Hoa xa xôi ở miền nam) vào năm 196 trước Công nguyên. Trong đó, họ Triệu đã tiếp đón họ Lục theo cách một người Việt bản xứ, với tóc được búi tó và ngồi xổm trên mặt đất. Họ Lục đã phản đối rằng họ Triệu vốn được sinh ra tại Vương Quốc Trung Tâm, với nghĩa địa gia đình đặt tại vùng giờ đây thuộc tỉnh Hà Bắc (gần Bắc Kinh thời hiện đại), vậy mà tại nơi đây, ông ta đã gạt bỏ một cách trái tự nhiên trang phục văn minh của mình để ganh đua với Thiên Tử của đế quốc từ “xứ Việt tầm thường”. Tiếp theo câu chuyện, họ Triệu tức thời nhỏm dậy xin lỗi, giải thích rằng việc cư ngụ lâu dài với những người man rợ làm ông ta quên đi phép lịch sự. Không cần phải nói cũng hiểu rằng cuộc đối thoại được ghi lại trong các sử ký này khó mà chính xác một cách chi tiết được, nhưng hương vị của cuộc đối thoại trong thực tế có thể làm liên tưởng đến những thái độ của Trung Hoa gần thời đương đại.12

Các thần dân của vị vua mới được mô tả một cách dè bỉu rằng họ bao gồm “không hơn vài chục nghìn người, tất cả đều còn man rợ, sống bấp bênh giữa núi và biển, tương đương với một bộ chỉ huy duy nhất của Trung Hoa.” Các nhà hành chính cựu triều hiện diện tại chỗ vào thời điểm nhà Tần tan rã đã tạo thành hạt nhân của chính quyền Nam Việt mới này, nhưng rõ ràng là tầng lớp Hán hóa của xã hội địa phương vẫn chỉ cấu thành một tầng lớp rất mỏng. Khảo cổ học xác nhận rằng văn hóa vật thể Đông Sơn tồn tại ở Việt Nam trong một thời gian sau sự chinh phục của nhà Tần. Các nghĩa trang Nam Việt được khai quật bởi các nhà khảo cổ học tại Quảng Châu tiết lộ hoạt động mai táng lẫn lộn kiểu Trung Hoa và Việt Nam, đôi khi với các vật dụng hỗn hợp trong cùng một ngôi mộ, trong khi (cho đến nay) người ta chưa tìm thấy khu chôn cất nào hoàn toàn dành riêng cho người Việt bản xứ có niên đại từ thời kỳ Nam Việt độc lập. Bất kể tính đa nguyên về văn hóa của nó, xã hội Nam Việt chính vì thế rõ ràng khá liên hợp và cố kết.13

Nam Việt là một nước ven biển với  dân số bản địa phần lớn chưa bị Hán hóa, chỉ bị ảnh hưởng bởi những kẻ định cư rải rác và các cựu quan chức chính gốc từ Trung Nguyên; tuy thế, một cách tổng quát, nước này đã được tổ chức theo cùng  đường hướng với các quốc gia gốc Trung Hoa khác xa hơn về phía bắc. Nhà vua thứ ba của Nam Việt đích thân đến chầu tại triều đình nhà Hán và đã lấy một phụ nữ miền bắc (từ khu vực Hà Bắc) làm thiếp. Sau này đứa con trai của họ lên ngôi làm vị vua thứ tư, trong khi ngày càng mất nhân tâm, người phụ nữ này đã thúc đẩy nhằm có một mối quan hệ gần gũi hơn với đế quốc nhà Hán, bao gồm  việc triều kiến ba năm một lần với hoàng đế nhà Hán và loại bỏ yêu cầu cần có giấy thông hành tại biên giới.

Một quan chức gốc Việt từng phục vụ ba đời vua Nam Việt kế tiếp nhau, và được cho là người được lòng dân hơn cả vị vua đương thời, đã kinh sợ trước viễn cảnh Nam Việt ngày càng lệ thuộc vào đế quốc Hán. Năm 113 trước Công nguyên, ông ta đã nổi dậy, hạ sát nhà vua, mẹ của nhà vua, và các sứ giả nhà Hán. Trong năm kế tiếp, đế quốc nhà Hán đã đáp trả bằng việc phái 100.000 binh sĩ sang đập tan cuộc nổi đậy, và trong hai năm 111-110 trước Công nguyên, họ đã tái sáp nhập vùng Lĩnh Nam trực tiếp vào đế quốc lần đầu tiên kể từ khi triều đình nhà Tần tan rã trước đó khoảng gần một thế kỷ. Từ đó trở đi, những phần đất đã từng cấu thành Nam Việt sẽ mãi mãi là một bộ phận của đế quốc Trung Hoa, ngoại trừ vùng cực nam xa xôi, nơi đã đạt được nền độc lập vĩnh cửu vào năm 939; và vào năm 1802, sau rốt, được biết tới với tên gọi Việt Nam (tiếng Hán: Yuenam, “phía nam của nước Việt” / south of Yue [đúng ra là nước của dân Việt ở phương nam, chú của người dịch]”.14

Nằm trong vùng Lĩnh Nam bao la bị đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của chính quyền đế triều nhà Hán vào năm 110 trước Công nguyên có một hòn đảo, nép mình tại Biển Nam Trung Hoa (South China Sea), khoảng giữa Quảng Châu và Việt Nam hiện đại, ngày nay được biết đến là đảo Hải Nam. Trong thời thượng cổ, đảo Hải Nam có dân cư thưa thớt gồm những người bản xứ hỗn tạp, vốn bị cho rằng “đã không tuân theo những giáo huấn đức hạnh”, đã khắc các họa tiết trang trí lên má, và xỏ ngọc trai xuyên qua tai cho đến khi lỗ tai của họ thòng xuống tận vai. Mặc dù đảo Hải Nam lúc này đã là một phần của đế quốc Trung Hoa, nó vẫn còn phải gánh chịu sự va chạm liên miên giữa những quan chức triều đình nhà Hán và người dân bản xứ.

Một viên tổng đốc phần phía nam của đảo Hải Nam thời Hán sơ đã chê bai một mảnh vải khổ rộng mà người bản xứ cống nạp, điều này làm khơi dậy một cuộc nổi loạn trong đó ông ta bị hạ sát. Người con trai của ông đã quay lại với đội quân 10.000 người và trấn áp những người dân bản xứ này, nhưng các sản phẩm quý hiếm mà ông ta tiếp tục bòn rút bắt họ phải triều cống khiến cho cuộc nổi dậy vẫn sôi sục, và vào năm 46 trước Công nguyên, phía nam hòn đảo đã hoàn toàn bị bỏ phế – mặc dù một chỗ đứng của đế triều có thể đã được duy trì tại bờ biển phía tây bắc.

Từ đó trở đi, vị thế của đảo Hải Nam trong khuôn khổ đế quốc trở nên bấp bênh. Thí dụ, vào khoảng năm 460, một tù trưởng một bộ tộc lớn tại khu vực Quảng Tây và Quảng Đông đầu hàng trước Nam Triều (Southern Dynasty) thời bấy giờ và bị yêu cầu chỉ huy một đội quân đế quốc đi thu phục các bộ tộc lân cận hiện ngoan cố chưa chịu đầu hàng. Tuy nhiên, các quan binh mà ông ta phái đi để chinh phục miền nam đảo Hải Nam đã thất bại, rồi họ phản kháng và hạ sát chính viên tù trưởng này.

Ngay trong thời thịnh Đường, khi quyền lực quân sự của Trung Hoa có lẽ đã lên đến cực điểm, sự kiềm tỏa của đế triều trên đảo Hải Nam vẫn tiếp tục khá mong manh. Huyện Yai thời nhà Đường, ở phía đông bắc của hòn đảo, có số dân kiểm kê chỉ gồm 819 gia đình nhưng phải chứa chấp một đội quân đồn trú của đế triều và phải sản xuất vàng, bạc, ngọc trai, vỏ xà cừ, và các vật quý hiếm khác để triều cống. Huyện Qiong ở kế bên, được tách ra từ huyện Yai vào năm 631, có số dân kiểm kê chỉ gồm 649 gia đình và đã chịu sự kiểm soát của người dân bộ tộc nổi dậy từ năm 667 đến 789. Ngay như hiện nay, đảo Hải Nam vẫn còn là một vùng đất biên cương nhọc nhằn, mà Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1983 đã miêu tả như “miền kém phát triển nhất trên thế giới.”15

Trên lục địa, ở phía tây của đảo Hải Nam, tại miền ngày nay là Việt Nam, bằng chứng rải rác cho thấy rằng như một phần thưởng dành cho sự sốt sắng hàng phục trước các lực lượng nhà Hán, các tù trưởng địa phương phần lớn được đế quốc nhà Hán tái bổ nhiệm vào chức vụ của họ, và một mức độ tự trị của dân Việt địa phương vẫn tiếp tục được duy trì, y như trước, tại miền đất đó. Tuy nhiên, vùng Lĩnh Nam, chứ không phải Việt Nam, là khu vực địa dư then chốt. Thí dụ, cuộc nổi dậy của “người Việt Nam bản xứ” do Hai Bà Trưng lãnh đạo vào các năm 40 – 42 sau Công nguyên đã không bị giới hạn vào phần đất giờ đây là Việt Nam, mà thay vào đó, diễn ra ở cả hai phía của biên giới Trung Hoa – Việt Nam ngày nay – điều này hoàn toàn tự nhiên bởi “những người dân bản địa” thời tiền Trung Hoa đã sinh sống ở cả hai bên của một biên giới quốc gia hiện đại vốn đơn thuần không hề hiện hữu vào thời điểm đó.16

(xem tiếp Kỳ 2)

Chú thích

  1. Các mối quan hệ giữa Việt Nam, Lĩnh Nam, và Trung Hoa thời đế quốc ban sơ được khảo sát trong bài viết của Holcombe, “China’s Deep South”.
  2. Bellwood, trang 269; Higham, các trang 37-38, 90, 94, 96, 108-109, 324; Lu Shipeng, trang 2.
  3. Việt Sử Lược, 1.12.  Tính chuyên hữu (appropriation) có tính chất dân tộc chủ nghĩa của Văn Lang được thảo luận trong sách của tác giả Taylor, Birth of Vietnam, các trang 3-4.
  4. Về các tài liệu ban sơ sơ sài, xem Maspero, “Văn Lang”, các trang 2-4, 7-8; Rao Zongyi, trang 628.  Muốn có một khảo hướng khảo cổ, xem Higham, các trang 133-134.
  5. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư,ngoại kỷ, 1.100; Shui jing zhu, 37.694; Việt Sử Lược, 1.1a.  Muốn có một cuộc thảo luận hiện đại xem Lu Shipeng, trang 14; Higham, trang 122; Taylor, Birth of Vietnam, các trang 16-17, 21, 23.
  6. Shui jing zhu, 37.693-694; Tong dian, 188.1005.  Về sự chinh phục cvủa nhà Tần, xem An Nam Chí Lược,4-93; Huainan zi, 18.16a; Shi ji, 6.253.  Không có gì chắc chắn về tầm mức sâu xa vào lãnh thổ Việt Nam mà cuộc chinh phục của nhà Tần đã vươn tới.  Xem Lu Shipeng, các trang 25-26.
  7. Về Vân Nam, xem Han shu,95.3858.  Về các nước Việt, xem Li Donghua, Haiyang fazhan, trang 31.
  8. Han ji, 10.97-98; Han shu, 95.3859-3860; Tong dian, 186.995.
  9. Han shu, 95.3860, 3863. Gần như chắc chắn ước lượng này chỉ áp dụng với dân số của các trung tâm đô thị lớn ở Đông Âu. Xem Lü
    Simian,
    Du shi zhaji, trang 582.
  10. An Nam Chí Lược, 5.113.  Về các động lực của tác giả này, xem Le Blanc, trang 23.
  11. Shi ji, 113.2967.  Cũng xem, Shui jing zhu, 37.708.
  12. An Nam Chí Lược, 3.78, 14.324; Han ji, 4.34; Han shu, 95.3848; Lun heng, 2.15a.
  13. Han ji,4.34.  Bằng chứng khảo cổ được thẩm định trong sách của Bellwood, trang 271; Huang and Sun, trang 51.
  14. An Nam Chí Lược, 1.17, 11.271-272, 15.341-342; Han ji, 14.137-138; Han shu, 95.3854-3855, 3857, 3859; Việt Sử Lược, 1.3a.  Câu chuyện làm sao “Việt Nam” có danh xưng của nó được thuật lại trong sách của Anderson, các trang 157-158; Woodside, trang 120.
  15. Về Hải Nam, xem Han shu, 28b.1670; Nan shi, 78.1951; Shui jing zhu,36.688; Taiping yulan, 172.972; Tong dian, 188.1006; Xin Tangshu, 3.66, 43ạ1100.  Tham chiếu đứng đầu được trưng dẫn trong sách của Kemenade, trang 186.  Về Hải Nam ngày nay cũng xem Feng Chongyi.
  16. An Nam Chí Lược, 4.93-94.  Tong dian,188.1006.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN