Nam Trung Hoa thời tiền sử: Thuộc Trung Hoa hay thuộc Đông Nam Á?

Wilhelm G. Solheim II

Ngô Bắc dịch

Tôi đã xem miền Nam Trung Hoa là một phần của Đông Nam Á, cho sự nghiên cứu của riêng tôi, kể từ khoảng năm 1962. Tôi đã hỏi ông Kwang-chih Chang, một người bạn tốt, là liệu ông ta sẽ biên soạn một phần đặc biệt trong một số báo của Tạp Chí Asian Perspectives để trình bày về thời tiền lịch sử của Đài Loan (Taiwan) hay không. Vào giữa thập niên 1950, khi gắng sức để làm quen với thời tiền sử của Đài Loan, tôi khám phá rằng hầu như mọi điều viết về đề tài này đều nằm trong các tạp chí tiếng Nhật, hay các tạp chí phi-Anh ngữ khác, và hơn nữa các tạp chí tiếng Nhật này trong thực tế không thể được tìm thấy tại Hoa kỳ. Tôi cảm thấy rằng thật quý giá để có một sự tóm lược về thời tiền sử của Đài Loan bằng Anh ngữ làm cơ sở từ đó trù hoạch cho sự nghiên cứu tương lai. Ông Chang đã đồng ý (1963a) và theo đó đã hỏi rằng liệu tôi sẽ có đóng góp một bài viết về mối quan hệ thời tiền lịch sử của Đài Loan với Đông Nam Á hay không, và tôi đã đồng ý về điều này (1963). Một ít dữ liệu mà tôi có thể nêu ra được về Đài Loan gợi ý rằng “Đa số các mối quan hệ thời tiền lịch sử giữa Formosa và Đông Nam Á, đối với tôi, không có vẻ là trực tiếp, mà là kết quả của các sự di chuyển nhỏ bé từ một nguồn gốc tổng quát chung tại miền Nam Trung Hoa và miền bắc Đông Dương, và có thể, quan trọng hơn nữa, sự phát tán các thành tố văn hóa đặc biệt từ cuối thời tân thạch (đá mới) trờ về sau” (Silhelm 1963:258).

Cùng lúc, tôi đã tổ chức một cuộc hội thảo về “Sự Di Chuyển của giống dân Malayo-Polynesians (Mã Lai-Đa Đảo): từ 1500 Trước Công Nguyên (TCN) đến 500 Sau Công Nguyên (SCN)” được triệu tập tại phiên họp hàng năm của Hội Á Châu Học (Association for Asian Studies) hồi Tháng Ba 1963. Ông Chang đồng ý với lời yêu cầu của tôi và đã đưa ra một bài viết về “các chân trời và các truyền thống văn hóa thời tiền lịch sử và thời lịch sử ban sơ tại Nam Trung Hoa” (1964). Không lâu sau cuộc hội thảo này và trước khi các bài viết của chúng tôi được ấn hành, ấn bản đầu tiên quyển Khảo Cổ Học Trung Hoa Cổ Thời (The Archaeology of Ancient China) (1963b) của ông Chang xuất hiện. Trên căn bản kiến thức của tôi về thời tiền lịch sử của Đông Nam Á và Nam Trung Hoa – sự hiểu biết về miền đất kể sau của tôi đến chính yếu từ ông Chang – tôi cảm thấy rằng mình sẽ buộc không đồng ý với ông ta về sự giải thích của ông ấy trên mối quan hệ giữa miền Nam với Bắc Trung Hoa.

Trong khi sự hiểu biết của tôi về Nam Trung Hoa hoàn toàn dựa đúng ra trên các nguồn tài liệu thứ yếu, ông Chang đã có một kiến thức khá hơn về thời tiền lịch sử Đông Nam Á và đã từng công bố hai bài viết về các vấn đề quan trọng trong thời tiền lịch sử Đông Nam Á. Vào lúc chúng được in ra, tôi đã xem chúng là các bài viết quan trọng (1962, 1974a). Không may, không bài nào trong chúng đã được lưu hành một cách rộng rãi bên ngoài Đài Loan và Ấn Độ, do đó sự hiểu biết của ông Chang về thời tiền lịch sử Đông Nam Á đã không được nhìn nhận một cách tổng quát.

Tôi trình bày tin tức nêu trên để đưa ra vài ý nghĩ về mối quan hệ của tôi với ông Chang, và kiến thức của ông về Đông Nam Á, sao cho những gì kể sau sẽ không bị xem như một sự tấn công cá nhân đối với ông ta hay công trình của ông. Tôi vẫn xem ông Chang như một người bạn và hy vọng ông còn xem tôi theo cùng cung cách. Sự việc xảy ra rằng chúng tôi đã phát triển các sự giải thích khác biệt đối với các dữ liệu về Nam Trung Hoa thời tiền lịch sử kể từ khoảng 1963 và tôi cảm thấy rằng cách thức tốt nhất cho tôi để trình bày lập luận của mình là xuyên qua sự khảo sát sự tiến hóa của sự giải thích của ông Chang liên quan với sự giải thích của tôi. Câu hỏi mà tôi đang cứu xét là liệu Nam Trung Hoa thuộc về Trung Hoa hay thuộc về Đông Nam Á trong suốt bất kỳ phân đoạn quan trọng nào của thời tiền lịch sử.

Tôi đã trình bày định nghĩa sau đây về Đông Nam Á trong một bài viết hồi năm 1967 (a): Đông Nam Á bao gồm “Đông Nam Á Lục Địa, gồm khu vực từ bắc vĩ tuyến thứ 13 (ở khoảng sông Dương Tử) đến mỏm phía nam của Mã Lai và từ bờ biển của Biển Nam Trung Hoa đến sông Irrawaddy của Miến Điện; và Đông Nam Á Hải Đảo, bao gồm tất cả các hòn đảo ngoài khơi bờ biển Đông Nam Á Lục Địa, kể cả Formosa và Indonesia về phía đông cho mãi đến vùng West Irian”. Định nghĩa này được dựa trên một nghị quyết được thông qua bởi Hội Nghị Khoa Học Thái Bình Dương (Pacific Science Congrees) lần thứ 11 tại Tokyo hồi năm 1966 (Solheim 1967b:2) với các ranh giới dự liệu cho các khu vực được nêu tên trong nghị quyết theo sau (1967b). Kể từ định nghĩa đó, tôi đã mở rộng khu vực, cho việc nghiên cứu của tôi, để bao gồm bộ phận phía bắc của luồng thoát nước của sông Dương Tử, biến rặng núi Tsinling (Tần Lĩnh) thành ranh giới phía bắc mà không có nỗ lực nào để vươn xa hơn về phía tây tại Trung Hoa.

Các sự phát biểu đầu tiên của ông Chang liên quan đến Nam Trung Hoa thời tiền lịch sử dẫn đến sự giải thích của tôi khác biệt với sự giải thích của ông đã xuất hiện trong quyển sách tuyệt hảo của ông ta (1963b), Khảo Cổ Học Trung Hoa Cổ Thời. Bằng chứng liên hệ sớm nhất từ Nam Trung Hoa là từ thời Đồ Đá Trung Kỳ (Mesolithic), nơi ông nói đến các địa điểm có công nghiệp đồ đá như Hòa Bình của Việt Nam hay ở về phía tây, và chất liệu bộ xương sườn giống dân “Negroid” từ một số nơi thuộc các địa điểm này. “Khuôn mẫu Đông Nam Á tổng quát này tự nó biểu lộ địa phương tính tại Nam Trung Hoa …” (1963b:46). Ông nhấn mạnh sự khác biệt trong dân chúng miền nam này với dân chúng thuộc Bắc Trung Hoa qua việc đề cập rằng “… các thành tố Negroid đã được chứng thực một cách rộng rãi cho giai đoạn này tại phần còn lại của Đông Nam Á, và khác biệt với các cư dân giống Mông Cổ (Mongoloid) cùng thời ở phía bắc” (1963b:49).

Vào thời điểm đó một Sơ Kỳ Đá Mới (Early Neolithic) không được hay biết tại Trung Hoa, dù miền bắc hay nam, nhưng điều được đồng ý tổng quát rằng nó sẽ được nhìn nhận bởi đồ gốm màu xám in dấu dây thừng của nó, nằm ở địa tầng bên dưới, hay một cách nào khác được nhận thức thuộc kỷ nguyên sớm hơn Trung Kỳ Đá Mới (Middle Neolithic). Thời Trung Kỳ Đá Mới này, một cách tổng quát, là Văn Hóa Ngưỡng Thiều (Yangshao Culture) của Khu Vực Hạt Nhân của Bắc Trung Hoa. Thời Hậu Kỳ Đá Mới (Late Neolithic), theo tác giả Chang, đã phát triển tại Bắc Trung Hoa với một chuỗi các văn hóa tương quan với vùng Long Sơn (Lungshan). Các nông dân Long Sơn đã di chuyển về phía đông và phía nam, mang theo việc canh tác cùng với họ vào vài khu vực thuộc Nam Trung Hoa. “Nhưng tới mức độ liên quan đến các ý tưởng và kiến thức đầu tiên của việc trồng cây và chăn nuôi gia súc, các khu vực này thuộc Nam Trung Hoa không phải là các trung tâm độc lập của các sự phát minh đầu tiên của nông nghiệp. Đây là điều cũng đúng thực cho phần còn lại của Nam Trung Hoa …” (1963b: 109). “Giai đoạn sơ kỳ Long Sơn này tiêp tục cho đến khi có sự du nhập được cảm thấy của thuật luyện kim đến từ nền văn minh Bắc Trung Hoa” (1963b: 109).

Tóm lược thời Trung Kỳ Đồ Đá và Thời Đá Mới của Nam Trung Hoa, tác giả họ Chang đã viết:

Tại Nam Trung Hoa, các dân săn bắn-đánh cá thời Sơ Kỳ Cận Đại rõ ràng là một phần của dân số phổ quát có nền văn hóa, được khám phá khắp nơi của phần Đông Nam Á Lục Địa, vẫn còn mang các sự tương đồng rõ rệt từ vùng này sang vùng khác, và thuộc nền văn hóa được đặt tên là văn hóa Hòa Bình, gọi theo địa phương của chúng … Các nông dân Long Sơn đi xuống từ thung lũng sông Hoàng Hà đã không chỉ đồng hóa hay thay thế dân chúng săn bắn-đánh cá, thu nhặt của Tây Nam Trung Hoa, mà còn rất có thể chịu trách nhiệm về sự xuất hiện của nông nghiệp tại một phần lớn miền Đông Nam Trung Hoa. (Chang 1963b: 129).

Đối với Bắc Trung Hoa, Văn Hóa nhà Thương (Shang Culture) theo sau Hậu Kỳ Đá Mới. “Nhiều phần nền văn minh nhà Thương được phát sinh một cách trực tiếp từ giai đoạn Honan (Hà Nam) thuộc thế giới Long Sơn …” (1963b: 149).

Địa hình của Nam Trung Hoa theo giả định được phát triển trực tiếp từ văn hóa Long Sơn. Ông ta cảm thấy rằng sự phát triển này được liên kết với sự phát triển của đồ gốm nặng Yin-Shang (Yên-Thương) ở phía bắc và đã tiếp tục …” … dưới sự khuyến khích liên tục của các tác động văn hóa nhà Thương và nhà Chu” (1963b: 257). “Người dân và văn hóa Bắc Trung Hoa liên tục đổ vào Nam Trung Hoa sau khi có sự bắt đầu của nông nghiệp tại Bắc Trung Hoa … Các văn hóa thời Đá Mới tại Nam Trung Hoa vẫn liên tục trong thời nhà Thương và sơ kỳ nhà Chu …” (1963b: 301).

Sự phác họa sơ lược này về thời tiền lịch sử và lịch sử ban sơ Nam Trung Hoa cho thấy ba làn sóng quan trọng của ảnh hưởng văn hóa vươn tới Nam Trung Hoa từ Miền Bắc, tức, Văn Hóa Long Sơn, Đông Chu, và của nhà Tần (Ch’in) và nhà Hán, trước khi Nam Trung Hoa trở thanh một bộ phận kết hợp của một Trung Hoa có văn hóa (1963b: 302).

Trong một bài bình luận về bài viết của họ Chang về thời tiền lịch sử và sơ kỳ lịch sử Nam Trung Hoa, tác giả Cheng Te-k’un còn đi xa hơn họ Chang về ảnh hưởng của Miền Bắc trên Nam Trung Hoa. Ông ta đã viết “Nam Trung Hoa là một bộ phận của thế giới Trung Hoa. Nó đã là một lối thoát tự nhiên cho các sự bành trướng văn hóa Trung Hoa từ Lưu Vực sông Hoàng Hà … Nói một cách đơn giản nhất, sự tăng trưởng văn hóa tại Nam Trung Hoa là một nhánh của văn minh Trung Hoa được phát triển kể từ thời Đá Mới” (Chang 1964: 385-86).

Phản ứng đầu tiên của tôi tương đối ôn hòa, cảm thấy rằng Nam Trung Hoa đã bị ước lượng thấp nhưng không viết ra. Khi chúng tôi bắt đầu có được các niên đại ban sơ cho đồ đồng từ địa điểm khảo sát của chúng tôi tại miền đông bắc Thái Lan hồi mùa hè năm 1966, các ý tưởng của tôi khởi sự phát tiển và được biểu lộ ở vài mức độ. Trong năm kế đó (1967a), chúng tôi đã không loan báo một cách công khai các niên đại sớm sủa mà chúng tôi có được cho đồ đồng tại Thái Lan cho mài đến năm 1968 (Solheim 1968) và các ý tưởng của tôi tiếp tục tiến hóa phần lớn trong một cung cách tổng quát, không cá biệt chỉ vào Nam Trung Hoa (1970: 149-58) và di chuyển trước tiên khá xa trong niềm phấn khởi vào thời điểm đó. Trong khi đó, ông Chang công bố ấn bản thứ nhì của ông (1968).

Nhiều cuộc khai quật và ấn phẩm khảo cổ đã được thực hiện tại Trung Hoa giữa ấn bản thứ nhất và thứ nhì của ông Chang và ông ta đã đưa ra các sự thay đổi quan trọng trong quan diểm của ông về Nam Trung Hoa. Đối với thời Đá Giữa (Trung Thạch: Mesolithic)/văn hóa Hòa Bình ông không đưa ra các sự thay đổi (1968: 76-77). Tuy nhiên,

Không có thắc mắc rằng các nên văn hóa Đá Mới của miền tây nam tiêp tục từ nền móng văn hóa thời Đá Giữa của khu vực, một tình trạng cũng thịnh hành tại Đông Dương (Indochina) …điều xem ra có nhiều xác xuất rằng nông nghiệp và một nền công nghiệp và văn hóa hoàn toàn thuộc thời Đá Mới đã xuất hiện tại miền tây nam từ lâu trước khi sự tác động trọn vẹn của thời cuối văn minh lịch sử Trung Hoa được cảm nhận trong vùng. Điều đáng ghi nhận rằng trung lưu Thung Lũng Dương Tử Giang đã cung cấp điểm tiếp xúc quan trọng duy nhất được hay biết trong tài liệu khảo cổ giữa Khu Vực Hạt Nhân Bắc Trung Hoa (North China Nuclear Area) và Nam Trung Hoa Đá Mới, và các sự trao đổi văn hóa giữa hai miền này – trong bất kỳ chiều hướng nào – hẳn phải có tính chất thường xuyên và quan trọng. Sự kiện rằng thời kỳ văn hóa Yangshao (Ngưỡng Thiều) sớm nhất được hay biết từ miền Tần Lĩnh (Tsinling) và rằng các địa điểm Ngưỡng Thiều tại miền tây nam Hà Nam phô bày các đặc tính “địa phương quan trọng khiến nghĩ rằng phần thượng lưu thung lũng Sông Hanshui (Hán Thủy?) và phần trung lưu sông Dương Tử tại miền tây Hồ Bắc và miền đông Tứ Xuyên đã cung cấp một con đường tiếp xúc quan trọng giữa các giai đoạn khởi đầu nông nghiệp của Bắc Trung Hoa và Đông Nam Á (1968: 175-76).

Liên quan đến Hậu Kỳ Thời Đá Mới, họ Chang đã viết:

Về mối quan hệ khởi nguyên của thế giới Long Sơn này với văn hóa Ngưỡng Thiều, hai sự giải thích khá hữu tự chúng hiển hiện. Hoặc các văn hóa này đã tạo ra một hệ thống văn hóa riêng biệt … (và bắt nguồn) tại miền đông nam Trung Hoa …, di chuyển theo hướng tây bắc để thiết lập sự tiếp xúc với văn hóa Ngưỡng Thiều và làm phát sinh ra các văn hóa Long Sơn của miền đông Bắc Trung Hoa; hay các văn hóa Long Sơn được sinh ra từ văn hóa Ngưỡng Thiều của Khu Vực Hạt Nhân, đại diện cho sự bành trướng vào các khu vực phía đông và đông nam Trung Hoa, và là tổ tiên của các văn hóa Long Sơn địa phương khác nhau. Bằng chứng khảo cổ cung ứng chưa xác định cách giải thích nào … Liên can đến bằng chứng hiện nay, có khuynh hướng nghiêng nhiều về lối giải thích thứ nhì (1968: 146-47).

Sau đó ông có viết “Sự kiện rằng văn hóa Long Sơn là tiền thân của văn hóa nhà Thương là điều chắc chắn …” (1968: 239).

Trong Tháng Năm 1973, tôi có một buổi diễn thuyết tại Hội Khảo Cổ Hồng Kông (Hong Kong Archaeological Society) trình bày các tư tưởng của tôi về cuối thời tiền sử của Nam Trung Hoa và các phản ứng đối với các sự phát biểu của ông Chang. Buổi nói chuyện này được ký âm, tôi có biên tập chút ít, và đã được ấn hành (1973). Trong bài viết này tôi đã trình bày sự tin tưởng của mình rằng cách giải thích thứ nhất được đưa ra bởi ông Chang là sự giải thích chính xác và rằng văn hóa Long Sơn có nguồn gốc tại miền đông nam Trung Hoa và đã di chuyển lên phía bắc. Tôi đã viết, “Chính vì thế, nếu một số trong các văn hóa của Long Sơn đã di chuyển từ phía nam lên phía bắc, và một hay nhiều văn hóa này đã phát sinh ra văn hóa Long Sơn, khi đó dĩ nhiên thành tố miền nam phải là nguồn cội chính yếu trong văn minh Trung Hoa thời tiền ký lịch sử [proto-historic: chỉ giai đoạn nằm giữa thời tiền sử (prehistoric) và lịch sử (history) trong đó một văn hóa hay văm ninh chưa phát triển chữ viết, nhưng sự hiện hữu đã được ghi nhận trong văn tự của các nền văn hóa khác, chú của người dịch]” (1973: 25). Theo sau lời phát biểu của họ Chang được trích dẫn bên trên “Sự kiện rằng văn hóa Long Sơn là tiền thân của văn hóa nhà Thương là điều chắc chắn …” tôi có viết tiếp “các sự đóng góp theo giả thuyết này từ Nam Trung Hoa vào miền bắc, đóng góp cho văn hóa Ngưỡng Thiều và xuyên qua Long Sơn dẫn đến văn hóa Shang-Yin (Thương-Yên), có nghĩa rằng Nam Trung Hoa ít nhất là một đối tác ngang hàng với Bắc Trung Hoa trong sự phát triển văn minh Trung Hoa” (1973: 29).

Họ Chang đã trả lời điều này khá mạnh mẽ “… nói rằng các văn hóa Long Sơn, hay một văn hóa Long Sơn của Nam Trung Hoa là tổ tiên chính yếu của văn minh nhà Thương là một lời nói hoàn toàn phi lý đối với tất cả các sự kiện đã được hay biết” (1974b: 37). Tôi nghĩ rằng tôi chỉ đơn gian ủng hộ giả thuyết thứ nhất của họ Chang, ít ra đó là điều tôi muốn làm. Trong cùng bài viết này, họ Chang tiếp tục viết:

Không có gì có tính chất tà thuyết về việc xem Nam Trung Hoa như là mộ bộ phận của Đông Nam Á vào đôi lúc nào đó trong quá khứ cho các mục đích phân loại. Giáo Sư Ling Shun-sheng, thí dụ, sẽ mở rộng khu vực văn hóa của Đông Nam Á để bao gồm Nam Trung Hoa đến tận thung lũng sông Dương Tử, hay ngay cả đến phía nam sông Hoài (Huai) và rặng núi Tần Lĩnh” … Chính cá nhân tôi đã từng phát biểu rằng “vì mục đích của một cuộc thảo luận trong lịch sử văn hóa của nó …. Đông Nam Á bao gồm một cách xác thực Nam Trung Hoa cũng như các khu vực bán đảo và hải đảo ở phía nam” (Chang 1962: 1).

Hiển nhiên đôi lúc trong quá khứ các cư dân của Nam Trung Hoa rất giống nhau trong văn hóa của họ, và có lẽ có liên hệ về mặt chủng tộc, với các làng giềng của họ tại phương nam. Chấp nhận quan điểm này không ngăn cản chúng ta khỏi việc phân loại Nam Trung Hoa một cách khác biệt vì một mục đích khác biệ hay trong một thời gian khác biệt. Bởi phần lớn thời kỳ lịch sử của Trung Hoa, Nam Trung Hoa chỉ có thể được nhìn như một bộ phận của một Đại Trung Hoa, về mặt văn hóa cũng như chính trị. Cũng không phải tà thuyết gì cả khi nói rằng Nam Trung Hoa đã đóng góp vào văn hóa Trung Hoa từ lúc khởi đầu. Trong thực tế, trong số các học giả Trung Hoa hiện đại đây là một vấn đề có sự đồng ý chung. Hơn bốn mươi năm trưóc đây, tác giả Li Chi, trong khi thảo luận các nguồn gốc của văn minh nhà Thương, đã nêu ra các thành tố “phương nam” của nó, và ông đã xem các khu vực duyên hải đông nam như một trong các nguồn cội quan trọng của văn hóa nhà Thương … Tác giả Kuo Mo-jo … đã xem có nhiều xác suất rằng sự kích thích cho sự phát triển thuật đúc đồng đến với nhà Thương từ Thung Lũng sông Dương Tử … Tác giả Ling ….còn đi xa đến mức nói rằng “văn hóa Trung Hoa có tính chất đa căn nguyên và tích lũy, và nền móng của nó là văn hóa đại dương có nguồn gốc và được phát triển tại các bờ biển của “Địa Trung Hải Á Châu”. Nói về “Địa Trung Hải Á Châu”, họ Ling đề cập đến hải phận được bao quanh bởi bờ biển đông nam Trung Hoa, Đông Dương, và các đảo Biển Nam Hải (South Sea). (Chang 1973: 35-36).

Tôi nhận thấy tất cả điều này rất hỗ trợ cho những gì tôi đang cố gắng phát biểu và có thể được nói trong một cung cách ngoại giao hơn.

Kế đó xảy đến việc ấn định niên đại bằng phương pháp xét nghiệm 14 C và các niên đại sớm hơn nhiều so với sự ước định cho nhiều địa điểm và văn hóa tại Nam Trung Hoa. Sau một vài thời khoảng để suy ngẫm điều này, ấn bản thứ ba của họ Chang đã xuất hiện (1977). Trong ấn bản này, sự trình bày văn hóa Hòa Bình/Trung Kỳ Đồ Đá vẫn y như trước. Nhưng,

Bằng chứng khảo cổ cung ứng hiện nay hướng đến hai miền nơi sự chuyển đổi từ lối sống Thời Đồ Đá Cũ (Palaeolithic) sang Thời Đồ Đá Mới (Neolithic) xảy ra, tức lưu vực sông Hoàng Hà … và các khu vực duyên hải đông nam …Ngay dù các dây liên kết chi tiết chưa được cung ứng hoàn toàn, có thể không còn thắc mắc giờ đây rằng các nền văn hóa Ngường Thiều và Ta-p’en-keng (Đại Phần Khanh) đã phát triển một cách bản địa từ các căn cứ liên hệ của chúng. Sự kiện rằng cả giai đoạn khởi sự của văn hóa Ngưỡng Thiều lẫn văn hóa Đại Phần Khanh đều được tiêu biểu bởi đồ gốm in dấu dây thừng (với các mẫu thiết kế chạm khắc) khiến nghĩ đến một số kiểu cách tương liên của hai nền văn hóa, nhưng khi nhìn dến các bản kê khai vật thể tổng quát vô cùng khác biệt, rõ ràng là không nền văn hóa nào lại có thể bi xem là một sự chuyển hóa của nền văn hóa kia. Văn hóa Ngưỡng Thiều hoàn toàn được giới hạn vào Bắc Trung Hoa, nhưng văn hóa Đại Phần Khanh trong một số khía cạnh, giống với văn hóa Hòa Bình và phần còn lại của Đông Dương, nhiều đến nỗi nhiều vấn đề có thể tùy thuộc vào một sự cứu xét đến cả hai nền văn hóa (1977: 141-42).

Trong 1977 (413-14), họ Chang vẫn còn xem đồ gốm kỷ hà học của miền đông nam Trung Hoa được liên kết với đồ gốm nhà Thương và tiếp tục được cổ vũ bởi các văn hóa nhà Thương và nhà Chu. Các niên đại gần đây hơn cho đồ gốm này khiến nghĩ rằng nếu có một dây liên kết, sự kich thích đi theo hướng ngược lại. Giờ đây chúng ta hay biết rằng đồ gốm kỷ hà học trở nên đồ gốm phổ thông quanh Hồng Kông vào khoảng 2200 TCN (Meacham 1980: 56) và có nguồn gốc nội địa vài trăm năm trước đó. Tiếp tục đến Hậu Kỳ Đá Mới,

Nhiều đặc điểm văn hóa chung được nhận thấy khắp Nam Trung Hoa, ngược với miền bắc, điều có thể chỉ cho thấy rằng các nền văn minh phương nam chứa đựng một số yếu tố thống nhất, nhiều yếu tố trong đó rõ ràng là kết quả của các sự điều chỉnh sinh thái giống nhau đến một môi trường thiên nhiên giống nhau, nhưng một số yếu tố có thể chỉ cho thấy một mức độ nào đó của sự liên hệ lịch sử. Các đặc điểm chung của Nam Trung Hoa gồm, thí dụ, nhà sàn dựng trên cột, canh tác lúa gạo, mũi khoan hình ống (the tubular borer), việc mai táng trong các chiếc thuyền và trên bờ dốc đá, và các trống hình bán cầu (kettledrums) bằng đồng. Tuy nhiên, sự phân bố các đặc điểm này và các đường nét khác, khiến ta nghĩ rằng thực sự đã có các truyền thống văn hóa song hành hơn là một khu vực văn hóa duy nhất tại Nam Trung Hoa trong thời khoảng này, và, rằng sự diễn biến phổ quát của một số đặc điểm tiêu biểu nào đó là kết quả của các sự tiếp xúc văn hóa hay các điều kiện sinh thái giống nhau (1977: 469).

Văn hóa Trung Hoa bắt đầu từ đâu, giờ đây có phải chúng ta hay biết được rằng nó đã khởi sự bằng nông nghiệp? Tôi thường nghĩ rằng văn hóa Trung Hoa chỉ khởi sự tại khu vực hạt nhân của Bắc Trung Hoa, từ đó dần dần tỏa sáng ra bên ngoài để thu hút các nền văn hóa phi-Trung Hoa tại các vùng ngoại vi của nó vào trong truyền thống Trung Hoa … Các vật liệu khảo cổ được cung ứng trong vài năm vừa qua đã bắt đầu thuyết phục tôi rằng một cái nhìn như thế trong thực tế phản ảnh một thiên kiến lịch sử. Tiến trình tỏa sáng theo đó văn hóa khu vực hạt nhân của Bắc Trung Hoa tiến tới việc đồng hóa nhiều láng giềng của nó không phải là vấn đề cứu xét. Câu hỏi liên quan đến nhãn hiệu Trung Hoa. Giờ đây chúng ta được chỉ cho thấy rằng đã có các sự phát triển song hành của các nền văn hóa thời Đá Mới tại Trung Hoa, nếu chúng ta áp dụng tiêu chuẩn tính liên tục và truy tìm văn hóa Trung Hoa hợp thời, chúng ta nhất thiết phải nhìn thấy rằng các tính liên tục văn hóa vươn tới nhiêu nơi hơn chỉ mỗi khu vực hạt nhân của Bắc Trung Hoa (1977: 480).

Họ Chang đã đi đến một kết luận trong cách kể sau:

Tôi không phải không để ý đến các sự nghịch lý lịch sử-ngữ học có liên can đến các vấn đề phân loại như thế, nhưng tuyên bố rằng bất kỳ một trong các nền văn minh này là phi-Trung Hoa và sau đó bị đồng hóa hay bị trục xuất bởi người Trung Hoa, các kẻ đến từ một khu vực hạt nhân duy nhất, là đi ngược lại bằng chứng khảo cổ trong mọi trường hợp, nơi tính liên tục với các sự biến đổi luôn luôn là quy luật … Nếu các quan điểm này có giá trị trong thực chất, khi đó chúng ta đối diện với một hiện tượng đáng kinh ngạc, tức, nền văn hóa Trung Hoa ít nhiều đã trùng hợp với khu vực của Trung Hoa như chúng ta giờ đây luôn luôn hay biết nó kể từ lúc có sự khởi đầu của lối sống nông nghiệp và có thể, mặc dù chưa được chứng minh, còn sớm hơn trước đó. Và trong khu vực này, bất kể nhiều sự trao đổi văn hóa với thế giới bên ngoài, văn hóa Trung Hoa trong hàng nghìn năm không chỉ trường tồn mà còn chứng tỏ tự căn bản có tính chất tự chế (self-contained) (1977: 481).

Sự phát biểu gần đây nhất của họ Chang về chủ đề này xảy ra trong năm 1981. Ông nói đến:

Khu vực tương tác của Trung Hoa. Nếu trong thời khoảng từ 10,000 đến 5,000 TCN, khi các nông dân đầu tiên xuất hiện tại vùng đất giờ đây được biết là Trung Hoa, đã có ít nhất hai hay ba trung tâm văn hóa riêng biệt, sau năm 5,000 TCN, các nền văn hóa tại các trung tâm riêng biệt này hẳn phải được lan truyền và tiếp xúc với nhau, trong thời gian rất lâu trước khi chúng được nối kết với nhau trong một mạng lưới chiếm cứ một khu vực có thể được thừa nhận như khu vực tương tác của một truyền thống văn hóa duy nhất. Bởi các nền văn hóa này góp phần vào sự hình hình văn minh Trung Hoa trong lịch sử, điều hợp lý để cho rằng khu vực tương tác lịch sử này là “thuộc [hay có tính chất] Trung Hoa. (1981: 154).

Tôi không đồng ý. Họ Chang đã thay đổi quan điểm của ông ta gần như 180 độ, từ ấn bản đầu tiên của quyển sách của ông ta, là hợp lý và cần thiết với sự xuất hiện của các dữ liệu mới và các niên đại theo xét nghiệm 14C mà tôi cảm thấy phù hợp với sự giải thích trước đây của tôi hơn so với sự dẫn giải của ông ta. Tôi phải cảm thấy sung sướng bởi giờ đây Nam Trung Hoa đã trở thành một đối tác bình đẳng với Bắc Trung Hoa trong hàng tổ tiên sinh ra nền văn minh Trung Hoa, nhưng trong tiến trình, nó đánh mất căn cước nguyên thủy của mình và trở thành Trung Hoa thực sự từ lúc khởi đầu. Một vài nền văn hóa của các khu vực biên giới Nam Trung Hoa vẫn còn được xem là thuộc nhóm dân tộc ít người Đông Nam Á nhưng các nền văn hóa thời tiền lịch sử của Nam Trung Hoa cũng là tổ tiên của họ không khác gì đối với văn hóa Trung Hoa. Tác giả Richard Pearson (1982) gần đây đã thực hiện một cuộc nghiên cứu so sánh đồ gốm thời tiền lịch sử của Nam Trung Hoa và Đông Nam Á. Ông đã kết luận:

Các địa điểm Đá Mới Thái Lan-Mã Lai có chia sẻ một số hình thể bồn (chậu, bình) giống nhau cùng với các địa điểm được mô tả gần đây từ Nam Trung Hoa, khác biệt khá nhiều với các địa điểm Đá Mới tại Bắc Trung Hoa được sử dụng trong các sự so sánh tổng quát trước đây. (83) [Chỉ các dữ liệu ngữ học mà tác giả nói tiếp đên] Điều này cũng khiến nghĩ rằng nhánh Austroasiatic có thể bắt nguồn tại vùng Trung Lưu sông Dương Tử, và rằng một nhánh cộng sinh Tai-Austronesian lâu đời hơn có thể đã xảy ra … Trong trường hợp này, có lẽ là một liên tục của các nền văn hóa từ sông Dương Tử dọc theo bờ biển miền nam Trung Hoa đến vùng Đông Nam Á Lục Địa. Việc ấn định niên đại vào lúc này vẫn còn là một vấn đế rất khó khăn, nhưng các sự tương đồng mạnh mẽ trong một số hình thể bồn (chậu, bình) khiến ta nghĩ đến các sự tương đồng văn hóa mạnh mẽ và sự tiếp xúc, chứ không phải sự phát triển biệt lập, tại Nam Trung Hoa và Đông Nam Á (Pearson 1982: 83-84).

Tôi có thể nói dài hơn nhiều để trình bày các sự tương đồng giữa các nền văn hóa Nam Trung Hoa thời tiền sử với các nền văn hóa Đông Nam Á nhưng không có nhiều thì giờ. Tôi muốn kết luận bằng một đoạn văn kết thúc một bài viết khác của tôi (Solheim 1979a: 200), nhưng tôi đã trích dẫn các bài viết khác trong thực tế cho toàn thể sự trình bày này. Tôi đề nghị chúng ta không gọi bất kỳ khu vực nào của Trung Hoa ngày nay là “thuộc, hay của Trung Hoa” (Chinese) trước thời nhà Hán, mà thay vào đó, sử dụng các danh xưng của các nền văn hóa khảo cổ khác nhau không chỉ cho Nam Trung Hoa mà còn cho toàn thể Trung Hoa ngày nay. Chúng ta không xem Nam Trung Hoa hoặc thuộc Đông Nam Á hay thuộc Trung Hoa, mà theo các tên gọi của chính nó, liên hệ với cả hai khu vực văn hóa chính yếu trong các cách khác nhau ở các thời gian khác nhau. [In đậm để nhấn mạnh bởi người dịch](Cũng xem Meacham 1977).

____

CHÚ THÍCH

*Dựa theo một bài giảng trình bày bởi tác giả tại Trường School of Oriental and African Studies, University of London, 11 Tháng Mười Một, năm 1981.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Chang, Kwang-chih

1962 Major problems in the culture history of Southeast Asia, Bulletin of the Institute of Ethnology, Academia Sinica, No. 13:1-26.

1963a Special Taiwan Section. Editor. Asian Perspectives 7(2): 195-275.

1963b The Archaeology of Ancient China. New Haven: Yale University Press.

1964 Prehistoric and early historic culture horizons and traditions in South China. Current Anthropology 5(50: 359, 368-75, 399-400.

1968 The Archaeology of Ancient China, ấn bản thứ nhì, có tu chỉnh và tăng bổ. New Haven: Yale University Press.

1974a Ancient farmers in the Asian tropics: major problems for archaeological and palaeoenvironmental investigations of Southeast Asia at the earliest Neolithic period. Perspectives in Palaeoanthropology, biên tập bởi Asok K. Ghosh, Calcutta: Firma K. L. Mukhopadhyay, các trang 273-86.

1974b Comments on the interrelationship of North China, South China, and Southeast Asia in ancient times. Journal of the Hong Kong Archaeological Society 5: 34-38.

1977 The Archaeology of Ancient China, ấn bản thứ ba, có tu chỉnh và tăng bổ. New Haven: Yale University Press.

1981 In search of China’s beginnings: new light on an old civilization. American Scientist 69(2): 148-60.

Cheng Te-k’un

1964 Comment on Chang, 1984. Current Anthropology 5(5): 385-86.

Meacham, William

1987 Continuity and local evolution in the Neolithic of South China: a non-nuclear approach. Current Anthropology 18(3): 419-27, 436-40.

1980 Archaeology in Hong Kong. Hong Kong, Singapore, Kuala Lumpur: Heinemann Asia.

Pearson, Richard J.

1982 Interrelationship of mainland Southeast Asian and South Chinese prehistoric ceramic assemblages. Proceedings of the International Conference on Sinology. Section on History and Archaeology. Taipei: Academia Sinica, các trang 63-86.

Solheim, Wilhelm G. H.

1963 Formosan relationship with Southeast Asia. Asian Perspectives 7(2): 251-60.

1967a Southeast Asia and the West. Science 157(3891): 896-902.

1967b International congresses and symposia. Asian Perspectives 10: 1-8.

1968 Early bronze in northeastern Thailand. Current Anthropology 9(1): 59-62.

1970 Northern Thailand, Southeast Asia, and World Prehistory. Asian Perspectives 13: 145-62.

1973 Remarks on the Neolithic of South China and Southeast Asia. Journal of the Hong Kong Archaeological Society 4: 25-29.

1979 A look at “L’Art prébouddhique de la Chine et de l’Asie du Sud-Est et son influence en Océanie” forty years after. Asian Perspectives 22(2): 165-205.

_____

Nguồn: Wilhelm G. Solheim II, Prehistoric South China, Chinese or Southeast Asian, Computational Analyses of Asian & African Languages, Tokyo, No. 22, March 1984, các trang 13-19.

Ngô Bắc dịch và phụ chú

13.07.2015

http://www.gio-o.com/NgoBac.html

BÌNH LUẬN