Paris tan hoang sau bạo loạn và cơn ác mộng của Macron

Hàng nghìn “áo khoác vàng” dậy sóng ở Khải Hoàn Môn không chỉ khởi đầu cho cuộc chiến đòi phúc lợi của người dân Pháp mà còn báo hiệu cơn ác mộng của Tổng thống Macron.

Ngày 1/12, Zahed Quaraishi đứng trên ban công căn nhà tại Đại lộ Kléber, bất lực chứng kiến đám đông đập phá tan tành chiếc ôtô của mình.

“Tôi xuống tầng để cố chuyển chiếc xe đi nhưng nhóm người quá đông”, ông kể lại.

Hôm đó, Khải Hoàn Môn, đại lộ Champs-Elysées và những con phố xa hoa của Paris chứng kiến biểu tình “áo khoác vàng” biến thành bạo loạn nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên. Một tuần sau đó, phẫn nộ trong người dân không chỉ tiếp tục sục sôi mà còn lan rộng.

Đến ngày 8/12, khi ông Quaraishi đã rời thủ đô, hàng chục nghìn người lại có mặt để thực hiện đại biểu tình. Có thể nói đây là cơn ác mộng tồi tệ nhất mà Emmanuel Macron, vị tổng thống trẻ nhất lịch sử Pháp, phải đối mặt sau hơn một năm nhậm chức.

Hôm 8/12, riêng tại Paris, 8.000 cảnh sát cùng 12 xe bọc thép trấn giữ các vị trí trọng yếu. Lần đầu tiên trong vòng hơn một thập kỷ, thủ đô phải huy động lực lượng an ninh trên quy mô lớn. Khắp cả nước, 89.000 nhân viên an ninh được triển khai. Mọi nỗ lực đều nhằm trấn áp hơn 125.000 người biểu tình “áo khoác vàng”.

118 người cùng 17 cảnh sát chống bạo động bị thương nhưng con số này chỉ bằng một nửa so với 400 người bị thương vào cuối tuần trước đó, khi thủ đô Paris chìm trong bạo lực và sự phẫn nộ của người dân ngày 1/12. “Paris là của chúng ta”, “Khủng hoảng khí hậu là cuộc chiến chống lại người nghèo” là những khẩu hiệu xuất hiện trên đường phố Paris, trên các tòa nhà và ngay trên tường Khải Hoàn Môn, chứng nhân lịch sử của nước Pháp.

Nhen nhóm từ ngày 17/11, trong hơn ba tuần, Pháp trải qua một trong những cuộc “tổng động viên” lớn nhất những năm gần đây, hé lộ nhiều “căn bệnh” của đất nước, tư tưởng chống giới tinh hoa, bất bình đẳng ngày càng rõ rệt và khao khát công bằng xã hội.

Không có lãnh đạo, không người đại diện, không tổ chức hay bất kỳ đảng phái chính trị nào đứng sau, những cá nhân tự phát di chuyển từ các vùng nông thôn và ngoại thành để tới bờ sông Seine, nơi họ tập hợp thành đám đông biểu tình mà không ai còn có thể làm ngơ. Họ có điểm chung là chiếc áo khoác vàng “đồng phục”, biểu tượng cho tiếng kêu cứu, sự oán giận của người dân đối với kế hoạch tăng thuế nhiên liệu Tổng thống Macron dự kiến áp dụng từ năm 2019, trong lúc giá xăng năm nay vốn đã tăng 16% tới 1,74 USD/lít vào tháng 10.

Khi ông Macron cho rằng thuế là cần thiết để “bảo vệ môi trường” và “đối phó với biến đổi khí hậu”, người biểu tình lên án đây chỉ là biểu hiện khác của vị tổng thống “cao ngạo” và xa rời với bộ phận dân chúng đang vật lộn mưu sinh.

Tại Paris, người ta thấy cảnh trái ngược sâu sắc giữa những con phố mua sắm xa hoa như Đại lộ Kléber hay Rue de Rivoli với các vùng ngoại thành, nơi bắt nguồn phong trào “áo khoác vàng”.

Phong trào biểu tình là “cuộc đối đầu giữa các tỉnh và thủ đô Paris kiêu ngạo, trịch thượng. Paris chưa từng khác biệt với những phần còn lại của Pháp đến thế”, New York Times dẫn lời nhận định của nhà khoa học chính trị Dominique Reynié.

Mức tăng thuế xăng dầu là cam kết của Pháp đối với việc chống biến đổi khí hậu, nhưng lại là thứ xa xỉ với người Pháp lao động vốn vật lộn với sự nghèo khó nhiều năm qua. Ảnh: AFP.

Mức độ nghiêm trọng của cuộc biểu tình buộc chính phủ phải quay ngoắt 180 độ, đình chỉ kế hoạch tăng thuế nhiên liệu.

Trên Khải Hoàn Môn, người ta thấy những dòng chữ nguệch ngoạc từ vết sơn: “Macron từ chức!”, “Chúng tôi muốn tổng thống của người nghèo”.

Theo cuộc khảo sát Harris, 72% công dân Pháp được hỏi bày tỏ sự ủng hộ đối với phong trào biểu tình “áo khoác vàng”. Trong khi đó, 18 tháng sau khi thắng đậm với 2/3 số phiếu chạy đua cho chức tổng thống hồi tháng 5/2017, trước mắt ông Macron là tỷ lệ tín nhiệm 21% , theo số liệu Yougov công bố hôm 1/11. Con số này tương đương với mức ủng hộ của một Francois Hollande tiền nhiệm tệ hại.

Kết quả của hơn một năm đề xuất cải cách kinh tế, giáo dục cùng một loạt cuộc biểu tình, đình công là 69% người được khảo sát không đồng ý với các hành động của tổng thống. Ông Macron đứng trước thách thức lớn nhất kể từ khi nhậm chức.

Việc ông gần như “biến mất” trong “những cuộc họp kín” suốt 8 ngày kể từ sau vụ bạo loạn càng không giúp tình hình khá hơn, đặc biệt trong thế giới của mạng xã hội và thông tin như chớp ngày nay.

“Tổng thống chưa từng một lần nói chuyện với người dân Pháp”, Éric Drouet, người phát ngôn phong trào “áo khoác vàng” nói trên đài truyền hình hôm 4/12. “Tổng thống của chúng ta hoàn toàn chối bỏ mọi thứ”.

Macron, 40 tuổi, cam kết thay đổi cục diện chính trị Pháp, tạo nhiều việc làm và cải thiện đời sống nhân dân. Ông chiến thắng trong cuộc bầu cử mà cử tri đã chán ngấy giới chính trị gia truyền thống, những người mà họ cho là chỉ bảo vệ lợi ích người giàu và bỏ mặc dân thường. Họ muốn một nhà lãnh đạo khác, ai đó có thể hiểu mối quan ngại về kinh tế – xã hội đã ăn sâu bén rễ và mang tới giải pháp thực tế.

Khi đặt chân vào điện Elysée với cương vị tổng thống ngày 14/5/2017, ông Macron mang theo hy vọng của người dân Pháp, rằng vị tổng thống trẻ nhất trong lịch sử sẽ tạo nên làn sóng mới, vực dậy đất nước của gà trống Gaulois từ lâu đã mất đi sức sống vì kinh tế trì trệ suốt nhiều thập niên.

Song, những quyết định của Macron tới nay lại bị đánh giá là thiên vị “những ông chủ lớn”. Bản thân ông liên tục thể hiện sự thiếu đồng cảm với những người đang mưu sinh trong môi trường kinh tế khắc nghiệt.

Tháng 10/2017, video quay lại cảnh ông Macron phê phán các công nhân bất mãn rằng họ thích gây “hỗn loạn” hơn là tìm việc. Gần đây, hồi tháng 9, Macron nói với một người đàn ông thất nghiệp rằng chỉ cần đi sang đường, ông ta có thể dễ dàng tìm được việc. “Tất cả những nơi tôi đến, họ đều đang tuyển nhân viên”, tổng thống nói.

Một chính trị gia kiêu ngạo, trịch thượng và xa cách, “tổng thống của người giàu” là hình ảnh của Macron trong mắt dân. Ông lờ đi tỷ lệ ủng hộ giảm sút, cương quyết đi theo đường lối riêng. Khi được hỏi phải chăng nên “giảm tốc” cải cách, ông quả quyết: “Tôi đã được bầu làm tổng thống trong 5 năm và không phải trải qua bầu cử giữa kỳ”.

Tuy mùa bầu cử tiếp theo sẽ không diễn ra cho tới năm 2022, phong trào biểu tình đã trở thành cuộc bầu cử giữa kỳ nghiệt ngã. Việc không chú tâm củng cố lực lượng chính trị đã đặt ông vào thế khó trong lúc các thành viên đảng Tiến bước của ông tại quốc hội cũng không có nhiều kinh nghiệm gì hơn nhà lãnh đạo trẻ.

Trước sức ép bạo động, chính phủ Macron đình chỉ kế hoạch tăng giá xăng nhưng “quá nhỏ nhoi, quá muộn” – đó là cách người biểu tình “áo khoác vàng” phản ứng với động thái nhượng bộ.

“Ông ấy đã trở thành hiện thân của một người mà nhân dân ghét. Thực lòng mà nói, tôi không biết ông ấy sẽ thoát khỏi tình cảnh này như thế nào”, Marc Lazar, giáo sư tại Sciences Po, một trong những trường đại học nghiên cứu chính trị hàng đầu của Pháp, nhận định.

“Không ai có thể lãnh đạo đất nước theo cách chống lại người dân”, François Bayrou, đồng minh chính trị của Macron, cảnh báo.

Khi nhậm chức, Tổng thống Macron quyết tâm tạo nên những thay đổi tích cực. Ông cũng từng khẳng định rằng, khác với những người tiền nhiệm, ông sẽ không chùn bước dù người dân có xuống đường phản đối.

Tuy nhiên, dường như tham vọng của một Macron chưa có nhiều kinh nghiệm chính trường là quá lớn. Trước Macron, ít nhất ba tổng thống Pháp đều từng muốn cải cách nhưng thất bại – đều trước những làn sóng biểu tình.

Năm 1995, ở thời điểm bắt đầu của nhiệm kỳ, cựu tổng thống Jaques Chirac đã tiến hành “cuộc chiến” cải cách nền kinh tế. Trước sự phản đối dữ dội của người dân đất nước hình lục lăng, ông Chirac không thể tạo nên kỳ tích nào trong suốt một thập kỷ sau đó và giờ Pháp vẫn đang sống với tàn dư quá khứ.

Và đến tận khi “áo khoác vàng” chiếm đóng các đại lộ hoa lệ ở Paris, Tổng thống Macron vẫn giữ nguyên lập trường. Ngày 2/12, khi tới Khải Hoàn Môn giờ trở thành bãi chiến trường và chìm trong khói lửa, ông Macron nói: “Không lý do nào có thể biện hộ cho việc các cửa hàng bị cướp bóc, người qua đường hay các nhà báo bị đe dọa”. Lúc đó, tổng thống Pháp vẫn duy trì quan điểm tăng giá xăng dầu và khẳng định sẽ không rút lại việc cải cách chính sách.

Nhưng chỉ 2 ngày sau, ông buộc phải nhượng bộ. Thủ tướng Pháp Édouard Charles Philippe tuyên bố trong ít nhất 6 tháng tới, chính phủ sẽ tạm hoãn chính sách tăng thuế nhiên liệu, “giọt nước tràn ly” dẫn tới phong trào biểu tình “áo khoác vàng”. “Không loại thuế nào đáng để hi sinh sự đoàn kết quốc gia”, Reuters dẫn lời ông Philippe ngày 4/12.

Nhưng như vậy vẫn chưa đủ để làm thỏa mãn cơn khát phúc lợi của người Pháp đang vật lộn với mức sống đắt đỏ. Họ cần lời giải thích từ nhà lãnh đạo đã khiến họ thất vọng, họ cần tổng thống ra mặt và cam kết nhiều hơn nữa để thay đổi bộ mặt nước Pháp với khoảng cách giàu nghèo xa vời vợi, bắt nguồn từ chính sách cắt giảm thuế cho người có thu nhập cao. Thu nhập của 20% người giàu nhất nước Pháp gấp 5 lần thu nhập của nhóm nghèo nhất nước này, vốn chỉ vào khoảng 1.700 euro/tháng. Tỷ lệ thất nghiệp của Pháp xấp xỉ 10%, cao hơn mức trung bình toàn châu Âu, theo New York Times.

Chính tình trạng trì trệ của nền kinh tế với mức tăng trưởng chỉ 1,8%/năm đã đẩy người Pháp lún sâu hơn vào vũng lầy của nợ nần và vòng xoáy luẩn quẩn “métro-boulot-dodo” (tàu điện ngầm – công việc – giấc ngủ).

Cuộc biểu tình ngày 8/12 vừa qua là thông điệp dành cho Macron, rằng người Pháp đang hướng đến những yêu cầu sâu rộng hơn, chạm đến nhiều đối tượng và nhiều khía cạnh xã hội. Khải Hoàn Môn rực sáng trong đêm chỉ là điểm khởi đầu của cuộc khởi nghĩa vì phúc lợi. “Người Pháp không muốn vài mẩu vụn bánh, họ muốn cả chiếc bánh mì baguette” – Benjamin Cauchy, người phát ngôn của phong trào “áo khoác vàng”, nói với Reuters.

Với bài phát biểu dự kiến sẽ diễn ra trong những ngày tới, Tổng thống Macron phải chọn giữa việc tiếp tục cứng rắn hoặc một chính sách tổng thể thỏa mãn nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên việc cố làm hài lòng các nhóm khác nhau bị ảnh hưởng bởi thay đổi trong chính sách sẽ khiến tình hình trở nên nguy hiểm hơn, bởi việc làm thỏa mãn nhóm này có thể khiến nhóm khác bất mãn. Chưa kể kịch bản này sẽ viết tiếp tiền lệ trong quá khứ về một nước Pháp “không thể cải cách”, đi ngược lại với quyết tâm của ông Macron khi nhậm chức.

Ít nhất, vị tổng thống 40 tuổi nên thừa nhận quy mô của vấn đề thay vì làm giảm tầm quan trọng của nó, bởi ông Macron đang ở một vị trí quá xa so với những người biểu tình, ông cần làm gì đó để cải thiện mối quan hệ này, Politico bình luận.

Trước khi phong trào “áo khoác vàng” nổ ra cách đây hơn 3 tuần, ông Macron nói riêng và người Pháp nói chung đã không còn xa lạ gì với những cuộc đình công hay biểu tình, bởi đó là một phần văn hóa của đất nước “Tự do – Bình đẳng – Bác ái”.

Vào năm 2010, cựu thủ tướng Francois Fillon đã phải đối mặt với cơn thịnh nộ của người dân xoay quanh chính sách tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62. Năm 2006, người Pháp cũng đổ ra đường phản đối ông Jacques Chirac vì chính sách về hợp đồng lao động cho nhân viên dưới 26 tuổi, được cho là có thể khiến họ dễ bị sa thải hơn. Cũng dưới thời ông Chirac, cựu thủ tướng Alain Juppe đã buộc phải rút lại luật cải cách lương hưu do sự phản ứng dữ dội của người dân năm 1995.

Mới đầu năm nay, Tổng thống Macron làm dấy lên tranh cãi về kế hoạch tổ chức kỷ niệm 50 năm cuộc biểu tình “Mai 68” lật đổ tổng thống Charles de Gaulle vào tháng 5/1968. Giờ đây, dường như cũng với tinh thần ấy, nước Pháp lại nổi dậy và mong muốn làm nên lịch sử một lần nữa.

Giống với “Mai 68”, nguyên nhân dẫn tới biểu tình của “áo khoác vàng” vẫn là những vấn đề kinh tế. Lực lượng tham gia bao gồm nhiều thành phần trong xã hội cương quyết muốn thay đổi đời sống hiện thời mà người dân cho là bất công và gò bó. Bắt đầu từ cuộc đình công dường như đã quá quen thuộc, cả hai phong trào biểu tình bắt đầu lan rộng tại Paris và toàn nước Pháp, kéo dài trong nhiều tuần liền. Hình thức nổi dậy cũng rất đa dạng, từ biểu tình ôn hòa tới đập phá, đụng độ bạo lực, và quan trọng là không có tổ chức chủ đạo nào đứng sau.

Tuy quy mô của cuối tuần vừa rồi chỉ dừng ở mức 125.000 người (giảm dần), con số không đáng là bao so với 8 triệu người Pháp đổ xuống đường nửa thế kỷ trước, nhưng phong trào “áo khoác vàng” hiện nay vẫn mang dáng dấp một cuộc cách mạng giống như “Mai 68”.

Sau cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 4/1969 với tỷ lệ phản đối của người dân quá cao, tướng de Gaulle đã phải từ chức ngay tức khắc. Kể từ đó, người Pháp đã nhận ra điều thú vị rằng: Không ai là không thể lật đổ, ngay cả một vị tướng tài ba từ Thế chiến với 10 năm giữ chức tổng thống.

Vậy nên, trước khi có bất kỳ động thái nào, vị tổng thống trẻ tuổi Macron cần đánh giá lại tinh thần phản kháng của người Pháp được thể hiện đậm nét trong quá khứ để không nhận lấy kết cục cay đắng như người tiền nhiệm.

Lấp ló trong mù mịt khói lửa và đạn hơi cay ở đại lộ Champs-Élysées, băng rôn của người biểu tình đang cảnh báo: “Chuyến tàu của tháng 5/1968 đã tới… trễ 50 năm”.

Ngọc Hà – Hương Ly
Đồ họa: Phượng Nguyễn

Theo Zing

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN