Tổng thống Trump vừa gặp Chủ tịch Tập Cận Bình: Mỹ lập tức hành động khó lường

Giám đốc tài chính, con gái của người sáng lập tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc Huawei đã bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Mỹ, trong một động thái có khả năng làm căng thẳng leo thang giữa hai nước vào thời điểm nhạy cảm.

Theo tờ New York Times, việc bắt giữ bà Meng Wanzhou, Giám đốc Tài chính của Huawei, được thực hiện trong buổi tối mà Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc ăn tối cùng nhau tại Buenos Aires. Hai bên đã đồng ý một thỏa thuận tạm ngừng cuộc chiến thương mại kéo dài 90 ngày, tiếp tục đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại căng thẳng làm tê liệt cả hai nền kinh tế.

Tuy nhiên, cuộc đàm phán giờ sẽ đối mặt với nhiều thách thức, thậm chí khó khăn hơn trước. Mục đích của Mỹ là giảm thuế quan, còn Trung Quốc giảm rào cản thương mại và tiếp tục mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp Mỹ.

T.J. Pempel, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học California, Berkeley, chuyên về chính trị và kinh tế Đông Á, nhận xét, việc bắt giữ một thành viên gia đình liên quan đến người sáng lập của Huawei cho thấy sự căng thẳng giữa hai bên đang leo thang nhanh chóng.

Phó chủ tịch tập đoàn Huawei bị bắt tại Canada.

Bà Meng, người đã gia nhập Huawei vào năm 1993 và cũng là phó chủ tịch. Bà bị bắt giam tại Vancouver vào 1/12. Theo phát ngôn viên Bộ Tư pháp Canada, bà sẽ bị dẫn độ về Mỹ và không đưa ra bất kỳ thông tin gì liên quan tới việc bắt giữ.

Một phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada tuyên bố rằng “phía Trung Quốc phản đối mạnh mẽ các hành động như vậy” và kêu gọi các nhà chức trách “ngay lập tức sửa chữa sai trái và khôi phục quyền tự do cá nhân của bà Meng”.

Còn theo đại diện của Huawei, bà Meng bị bắt giữ sau khi quá cảnh ở Canada trong một chuyến bay. Bà đang có nguy cơ bị dẫn độ về Mỹ với những cáo buộc không xác định tại một tòa án ở quận Đông, New York. “Công ty chúng tôi gần như không được cung cấp bất cứ thông tin gì về vụ việc cũng như không thấy bà Meng có bất cứ hành động sai trái nào”, đại diện Trung Quốc Huawei chia sẻ.

Sau ZTE, đến lượt Huawei bị tình nghi âm thầm bán các thiết bị truyền thông cho Iran bất chấp lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ áp đặt lên nước này. Huawei được cho là đang bị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra, nếu tìm được bằng chứng cho thấy hãng này gian dối thì kết cục của Huawei có lẽ không khác mấy ZTE.

Đại diện báo chí cho Bộ Tư pháp và Văn phòng luật sư Hoa Kỳ ở quận phía Đông của New York đã từ chối bình luận. Nhà Trắng cũng không đưa ra bình luận gì sau khi được hỏi liệu ông Trump có biết về vụ giam giữ bà Meng trong bữa ăn tối của ông với Tổng thống Trung Quốc hay không.

Hồi tháng tư, Reuters dẫn nguồn tin cho biết, nhà chức trách Mỹ đã để mắt tới Huawei từ năm 2016 vì cáo buộc mua các sản phẩm có nguồn gốc Mỹ, bán chúng cho Iran và các công ty bị nằm trong diện trừng phạt của Mỹ.

Bóng đen bao phủ các công ty công nghệ Trung Quốc

Washington đang kêu gọi các đồng minh không sử dụng thiết bị sản phẩm của tập đoàn viễn thông Huawei. Các quan chức Mỹ đặc biệt khuyến cáo các quốc gia có cơ sở hạ tầng quân sự của Mỹ sử dụng thiết bị Trung Quốc. Đức, Italy và Nhật Bản nằm trong số các đồng minh thân cận nhất của Washington đã được cảnh báo về những rủi ro mà họ mắc phải khi lắp đặt thiết bị Huawei.

Ở một diễn biến khác, tập đoàn viễn thông lớn nhất nước Anh, BT Group, vừa quyết định tháo bỏ thiết bị truyền tin cốt lõi do Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei sản xuất ra khỏi hệ thống truyền tin qua mạng Internet.

Giám đốc Cơ quan tình báo Anh MI6 Alex Younger cho rằng, Anh nên đưa ra một số quyết định đối với những hãng viễn thông của Trung Quốc sau khi chính phủ một số nước như Mỹ, New Zealand và Australia đã quyết định không cho thiết bị của Huawei tham gia hệ thống mạng dịch vụ di động 5G.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một lệnh cấm Chính phủ Mỹ sử dụng công nghệ của Huawei và ZTE (Trung Quốc).

Lệnh cấm này là một phần của Đạo luật Ủy nhiệm Quốc phòng (Defense Authorization Act) vừa được ông Trump ký. Theo đó, các thiết bị và công nghệ của hai công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc là Huawei và ZTE sẽ bị cấm sử dụng trong chính phủ Mỹ, cũng như với các nhà thầu cung cấp dịch vụ cho Nhà nước.

Huawei và ZTE là những cái tên từ lâu đã nằm trong tầm ngắm của chính phủ Mỹ. Cả hai công ty này đã bị coi là mối đe dọa tới an ninh quốc gia từ năm 2012, và lãnh đạo các cơ quan an ninh Mỹ đều khuyến cáo không sử dụng sản phẩm của ZTE và Huawei.

Khi ZTE đang “thoi thóp”, Chính phủ Trung Quốc đã phải tiến hành đàm phán với Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm gỡ bỏ lệnh cấm, với lý do hàng nghìn lao động sẽ bị mất việc làm nếu ZTE sụp đổ. Ông Trump đồng ý gỡ bỏ lệnh cấm, nhưng quyết định này của ông đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Thượng viện Mỹ.

Nam Hải/VietNamnet

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN