Venezuela chìm trong hỗn loạn

Tình hình chính trị – xã hội tại Venezuela ngày càng hỗn loạn hơn sau 3 ngày mất điện trên khắp cả nước, trong khi đó kết quả của cuộc đấu tranh quyền lực ở Venezuela giữa tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro và đối thủ Juan Guaido vẫn chưa có hồi kết.

Cuộc đối đầu vẫn tiếp diễn

Cả hai lãnh đạo đối địch tại Venezuela, Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro và tổng thống tự phong Juan Guaido, đều kêu gọi những người ủng hộ xuống đường trong khi nước này đang rơi vào hỗn loạn do gặp sự cố mất điện chưa từng có. Trên mạng Twitter ngày 9-3, ông Juan Guaido kêu gọi toàn thể người dân Venezuela xuống đường để chống một chế độ “bất lực đã đẩy nước chúng ta vào trong bóng tối”.

Trước đó, Tổng thống Maduro cũng kêu gọi những người ủng hộ ông tuần hành để chống “chủ nghĩa đế quốc”. Chính quyền của Tổng thống Maduro thông báo sẽ cung cấp cho Liên Hiệp Quốc các bằng chứng cho thấy Mỹ phải chịu trách nhiệm về đợt mất điện trên diện rộng làm Venezuela rơi vào cảnh hỗn loạn.

Từ tối 7-3, Venezuela bị mất điện trên diện rộng. 20/23 bang bị cúp điện. Từ một thập kỷ nay, mất điện xảy ra thường xuyên tại Venezuela nhưng mất điện kéo dài gần như trên cả nước như lần này là chuyện hiếm thấy.

Tổng thống Nicolas Maduro tố cáo Mỹ phá hoại mạng lưới điện của Venezuela.

 

Theo AFP, tính đến trưa 11-3 vẫn còn 6 bang chưa có điện. Ông Juan Guaido càng được “tiếng” sau khi chính quyền Caracas không thể bắt giữ ông ta vì vi phạm lệnh cấm xuất ngoại khi về nước vào ngày 4-3. Trước đó ông Guaido bị cấm rời khỏi đất nước để phục vụ cho cuộc điều tra vì tội “soán ngôi”.

Ông Guaido trở lại sau khi thất bại trong việc đưa vào Venezuela hàng viện trợ nhân đạo chủ yếu do Mỹ cung cấp vì bị các lực lượng vũ trang chính phủ chặn ở biên giới Colombia. Tổng thống Maduro coi việc đưa hàng viện trợ vào Venezuela là một nỗ lực can thiệp trá hình của quân đội bên ngoài.

Sau thất bại trên, ông Guaido ngay lập tức hứa sẽ đẩy mạnh việc huy động dân chúng xuống đường biểu tình và cô lập ngoại giao chính phủ của ông Maduro. Theo đó ông nói rằng ông sẵn sàng hỗ trợ cuộc đình công của các công đoàn thuộc khối nhà nước và kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tăng cường các biện pháp trừng phạt chính quyền Caracas, giống như Hoa Kỳ.

Áp lực gia tăng này nhằm mục đích khiến cho chỉ huy cao cấp của quân đội Venezuela phải từ bỏ hỗ trợ Tổng thống Maduro và cuối cùng lật đổ chế độ, mở đường cho một cuộc chuyển tiếp quyền lực ôn hòa bằng bầu cử. “Cho đến nay chúng tôi thấy ít tín hiệu tích cực theo hướng này nhưng điều đó là có thể”, Michael Shifter, chủ tịch nhóm nghiên cứu chính trị Inter-American Dialogue, có trụ sở tại Washington, nhận xét.

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm bóp nghẹt chính quyền Caracas, bao gồm cấm vận dầu mỏ, đang càng làm cho cuộc sống hằng ngày của người dân Venezuela thêm khó khăn và lệnh trừng phạt này trước khi có thể làm thay đổi chính quyền của Tổng thống Maduro thì sớm hay muộn, nó sẽ hủy hoại cả hình ảnh của ông Guaido”, Luis Vicente Leon, chuyên gia Venezuela và là giám đốc của Viện điều tra Datanalisis, cảnh báo. Đối với nhà khoa học chính trị Luis Salamanca, ông Maduro đang đặt cược vào sự “bất mãn” của người dân với ông Guaido.

Đàm phán chính trị – quân sự

Theo Datanalisis, Tổng thống Nicolas Maduro hiện chỉ có 14% ý kiến ủng hộ nhưng luôn tin tưởng vào lòng trung thành của quân đội. Vì lý do này, ông Guaido đã hứa sẽ ân xá cho những người lính từ bỏ hàng ngũ của ông Maduro, ngoại trừ các sĩ quan bị buộc tội về tội ác chống lại loài người. Đối với một số chuyên gia, đề xuất của nhà lãnh đạo phe đối lập là quá mơ hồ.

Lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido trong một cuộc tập hợp biểu tình phản đối Tổng thống Maduro ở Caracas, ngày 9-3.

Theo ông Juan Guaido, 700 sĩ quan quân đội và cảnh sát đã tham gia hàng ngũ của ông trong những tuần gần đây và đào thoát qua biên giới với Brazil và Colombia. Nhưng không có sĩ quan cao cấp. Venezuela có khoảng 365.000 sĩ quan quân đội và cảnh sát. Để thuyết phục, có lẽ ông Guaido cần phải có một cuộc đàm phán trao cho các sĩ quan liên quan đến tham nhũng và vi phạm nhân quyền những “bảo đảm cụ thể”. Khi làm vậy, “quá trình chuyển giao quyền lực sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng làm tăng khả năng sẽ không bạo lực”, chuyên gia Michael Shifter nói.

Ông Leon giải thích rằng đối với những binh lính sợ bị chế độ mới thanh trừng hoặc sợ thất bại khi phát động một cuộc nổi loạn chống lại ông Maduro, việc thương lượng cần cẩn thận trong từng trường hợp cụ thể. Theo chuyên gia này, tình hình hiện nay có thể dẫn đến “một chế độ mới trong đó quân đội sẽ giữ lại phần quyền lực của họ, để bảo vệ chính họ”. Một nhóm các nước Mỹ Latinh đang cố gắng thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa chính phủ và phe đối lập nhưng không có kết quả.

Can thiệp quân sự

Cuối cùng, kịch bản thứ ba sẽ là quân đội ngưng ủng hộ ông Maduro và tổ chức các cuộc bầu cử một khi tình hình ổn định trở lại, không loại trừ một cuộc đảo chính kiểu cũ có thể xảy ra, ông Shifter nói.

“Kịch bản can thiệp quân sự do Hoa Kỳ lãnh đạo dường như ít có khả năng hơn nhưng không thể bị loại trừ theo diễn biến của tình hình”, nhà phân tích này cảnh báo. Mặc dù ông Guaido đã yêu cầu Mỹ xem xét tất cả các lựa chọn nhưng nhóm Lima (13 quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribbean cùng Canada) đã từ chối bất kỳ việc sử dụng vũ lực nào.

Tuy nhiên, đối với chuyên gia Diego Moya-Ocampos, thuộc Viện IHS Markit ở London, một kịch bản như vậy “vẫn chưa phải bị loại bỏ hoàn toàn nếu xảy ra cuộc khủng hoảng nhân đạo kéo dài và trường hợp ông Maduro sẽ tấn công Guaido hoặc quốc hội, cơ quan duy nhất do phe đối lập kiểm soát”.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton hôm 10-3 tiếp tục gây sức ép lên Tổng thống Venezuela khi nói rằng “đà thắng lợi đang ở về phía ông Guaido” nhưng ông không quên lưu ý rằng người dân Venezuela mới là nhân tố quyết định đảm bảo sự chiến thắng của nhà lãnh đạo đối lập.

Hiện có 56 nước đã công nhận ông Guaido là tổng thống lâm thời của Venezuela, trong khi ông Maduro vẫn duy trì được sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc cũng như kiểm soát các cơ quan nhà nước, trong đó có quân đội.

Theo Reuters, ngày 11-3, Đặc sứ của Mỹ về Venezuela, Elliott Abrams đã gặp đại diện của Nga tại Mỹ để bàn về sự hậu thuẫn của Moscow đối với ông Maduro. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói đầu tháng này, sau cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, rằng Moscow sẵn sàng tham gia các cuộc thảo luận song phương về Venezuela.

Về phía Trung Quốc, ông Abrams cho biết rằng ông chưa thể trao đổi với quan chức chính phủ nước này về sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với ông Maduro vì phía Trung Quốc “đang lên lịch làm việc”.

Mộc Thạch (tổng hợp)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN