Các hoạt động ngoại giao quốc tế của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong thời gian qua là chưa từng có tiền lệ.
Ngày 25/4, Kim Jong Un gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Vladivostok, thành phố giáp biên giới Triều Tiên. Kể từ tháng 3/2018, ông đã gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In 2 lần, gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump 2 lần và gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Binh 4 lần.
Tuần trước, trong Sách Xanh Ngoại giao, chính phủ Nhật Bản thông báo từ bỏ tham vọng gây áp lực tối đa lên Triều Tiên. Quan điểm của Tokyo đối với Triều Tiên dường như đang dần thay đổi trong vài tháng trở lại đây, sau một thời gian dài theo đuổi lập trường diều hâu trong đàm phán liên quan chương trình hạt nhân Triều Tiên. Thủ tướng Shinzo Abe thậm chí còn đề nghị gặp Kim Jong Un vô điều kiện để trao đổi thẳng thắn nhằm cải thiện quan hệ song phương.
Tạp chí Eurasia Review dẫn lời học giả Benjamin Katzeff Silberstein thuộc tổ chức cố vấn Viện Nghiên cứu Chính sách đối ngoại (Mỹ) nhận định, việc Nhật Bản từ bỏ gây áp lực tối đa đối với Triều Tiên có lẽ không gây nhiều chú ý bằng các cuộc gặp thượng đỉnh trước kia của ông Kim Jong Un. Tuy nhiên, đây là một sự thay đổi lớn.
Chính quyền Abe vốn hoài nghi về tham vọng phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng và thường thúc giục Washington cứng rắn đối với Kim Jong Un. Chưa rõ điều gì đã khiến Tokyo thay đổi chiến lược, nhưng có thể các doanh nghiệp Nhật muốn sẵn sàng trong trường hợp Triều Tiên mở cửa cho đầu tư nước ngoài.
Đây là một sự cân bằng đáng chú ý đối với Chủ tịch Triều Tiên. Cố lãnh tụ Kim Nhật Thành là một người hay đi lại và thường xuyên gặp gỡ các nhà lãnh đạo nước ngoài. Nhưng thời đại của cố lãnh tụ Kim Nhật Thành hoàn toàn khác với thời của người cháu nội, với các cuộc tiếp xúc quốc tế không phải là điều dễ dàng.
Tuy nhiên, điều đó có vẻ như không có vấn đề gì với Kim Jong Un. Có những dấu hiệu chứng tỏ các chuyến thăm của Kim Jong Un tới Trung Quốc vừa qua đã mang lại lợi ích cho Bình Nhưỡng. Vào đầu tháng 4, một cây cầu mới được mở nối Jian ở Trung Quốc và Manpo ở Triều Tiên. Công trình khởi công năm 2012 nhưng việc khai thông bị trì hoãn từ năm 2016 do cấm vận của Liên Hợp Quốc. Nga cũng có thể hỗ trợ Bình Nhưỡng giảm bớt gánh nặng trừng phạt và đến lúc này vẫn chưa cho hồi hương các lao động Triều Tiên khỏi nước này.
Sau tất cả các hội nghị thượng đỉnh vừa qua, chưa rõ ông Kim Jong Un đạt được những gì cụ thể.
Với Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin, Kim Jong Un chắc chắn đã có được sự trao đổi kinh tế và thương mại, và nhiều khả năng đã đề nghị thực thi trừng phạt một cách nhẹ nhàng. Cả Nga và Trung Quốc đều ủng hộ Triều Tiên trên trường quốc tế, thúc ép Mỹ giảm bớt trừng phạt để đổi lấy các bước hướng tới giải trừ hạt nhân của Triều Tiên. Dẫu vậy, đến nay nhà lãnh đạo Triều Tiên mới chỉ nhận được rất ít thành tích cụ thể từ các cuộc gặp thượng đỉnh.
Vào hôm 12/4, tại phiên họp thứ nhất của Hội đồng Nhân dân Tối cao, Chủ tịch Kim đã có bài phát biểu bày tỏ vô cùng thất vọng về Mỹ và Hàn Quốc. Chiến lược của Triều Tiên với Mỹ ngay từ đầu là làm hài lòng cá nhân Tổng thống Trump trong khi chỉ trích hành động của Mỹ. Bài phát biểu còn thể hiện sự thất vọng về chế độ trừng phạt, và nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng sẽ không xem ý định của Mỹ một cách nghiêm túc trước khi cấm vận được dỡ bỏ.
Hiện đang có thông tin rằng nhiều nhà máy ở Triều Tiên phải đóng cửa vì xuất khẩu của nước này giảm mạnh và không có đủ các vật liệu thô cùng trang thiết bị cho những ngành như xây dựng và công nghiệp. Áp lực trừng phạt không thể định lượng cụ thể do quá phức tạp, nhưng Triều Tiên vẫn chưa thể thoát khỏi sự cô lập hoàn toàn với nền kinh tế thế giới. Và cũng khó phủ nhận thực tế cấm vận quốc tế đang khiến nền kinh tế Triều Tiên chịu tổn thất.
Mặc dù vậy, tác dụng của cấm vận đã lớn tới mức buộc Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hay chưa lại là một câu hỏi hoàn toàn khác biệt. Và cũng khó tưởng tượng một viễn cảnh Triều Tiên hoàn toàn từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy các lợi ích kinh tế.
Thanh Hảo (Nguồn: Vietnamnet)