Ngày 21-5, Thủ tướng May một lần nữa kêu gọi sự ủng hộ của các nghị sĩ đối với thỏa thuận “ly hôn” giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU). Theo bà May, đây là “cơ hội cuối cùng” nhằm hiện thực hóa mong muốn của người dân Anh.
Những nỗ lực cuối cùng của Thủ tướng Anh Theresa May nhằm cứu vãn tiến trình Brexit có vẻ như đã không mấy suôn sẻ vào ngày 22-5, chỉ vài giờ sau khi bà đưa ra thông báo về một loạt thỏa hiệp mà bà có thể chấp nhận, trong đó có khả năng về một cuộc trưng cầu ý dân lần 2 và việc tạm thời giữ nước Anh ở lại liên minh hải quan với Liên minh châu Âu- những “giới hạn đỏ” mà bà từng kiên quyết nói không trong suốt gần 3 năm qua.
Ngày 21-5, Thủ tướng May một lần nữa kêu gọi sự ủng hộ của các nghị sĩ đối với thỏa thuận “ly hôn” giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU). Theo bà May, đây là “cơ hội cuối cùng” nhằm hiện thực hóa mong muốn của người dân Anh.
Không giống với 3 lần bỏ phiếu trước đó, cuộc bỏ phiếu tại Nghị viên mà Thủ tướng Theresa May kêu gọi vào đầu tháng 6 tới là nhằm thông qua dự luật về Brexit, trong đó ấn định các thể thức pháp lý của cuộc chia tay này, chứ không phải là về thỏa thuận.
Thủ tướng Theresa May cho rằng, trong trường hợp các nghị sĩ thông qua dự luật, bà có thể thúc đẩy một cuộc trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit, cũng như việc tạm thời giữ nước Anh ở lại liên minh hải quan với Liên minh châu Âu. Ngoài ra, nữ lãnh đạo đảng Bảo thủ Anh cũng cam kết đảm bảo quyền lợi của người lao động và các tiêu chuẩn về môi trường theo yêu cầu của Công đảng đối lập.
“Tôi đã nỗ lực làm mọi việc có thể nhằm thúc đẩy thông qua thỏa thuận. Quả thực ban đầu tôi chỉ đơn giản nghĩ sẽ đạt được điều này chủ yếu nhờ vào lá phiếu của các nghị sĩ Bảo thủ và đảng Dân chủ hợp nhất. Tuy nhiên giờ đây tôi đã cố gắng đưa ra những thay đổi theo yêu cầu của các nghị sĩ và thậm chí là sẵn sàng rời nhiệm sở sớm hơn dự kiến”, bà May nhấn mạnh.
Không dừng lại ở những nhượng bộ trên, Thủ tướng Theresa May cho biết cũng đã lắng nghe những lo ngại của đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland về điều khoản “chốt chặn cuối cùng”.
Đây được xem là giải pháp cuối cùng được đưa vào thỏa thuận nhằm tránh phải tái thiết lập đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland sau khi Anh rời EU, đảm bảo duy trì thỏa thuận hòa bình “Ngày thứ 6 tốt lành” năm 1998, cũng như bảo vệ sự toàn vẹn của thị trường châu Âu duy nhất.
Theo Thủ tướng Theresa May, chính phủ sẽ có nghĩa vụ phải tìm kiếm những giải pháp thay thế cho điều khoản “chốt chặn cuối cùng” từ nay đến tháng 12-2020.
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu về Brexit tại London ngày 21-5. Ảnh: Reuters.
Trong một lá thư gửi đến lãnh đạo đảng Lao động Jeremy Corbyn, Thủ tướng Anh có viết: “Hôm nay tôi đã thể hiện rằng mình sẵn sàng thỏa hiệp để đem đến Brexit vì lợi ích của người dân Anh.
Dự luật Thỏa thuận Rút lui (WAB) là cơ hội cuối cùng của chúng ta để thực hiện được điều đó. Tôi muốn ông cũng sẽ cùng thỏa hiệp để chúng ta cùng đem đến những gì mà hai đảng đã hứa trong tuyên ngôn của chúng ta và để cải thiện lòng tin chính trị”.
Trước đó, cũng vào ngày 21-5, ông Corbyn cho biết rằng đảng của ông không thể bỏ phiếu ủng hộ dự luật nói trên, cho rằng lời đề nghị mới của bà May “chủ yếu là một sự cứu vãn vị thế của chính phủ” trong các cuộc đàm phán với phe đối lập bị thất bại hồi tuần trước.
“Chúng tôi không thể ủng hộ dự luật này vì về cơ bản đây chỉ là phiên bản làm lại của thỏa thuận tồi tệ trước đó. Không có bất kỳ sự thay đổi cơ bản về liên kết thị trường hay liên minh hải quan, cũng như bảo vệ những đặc quyền của người tiêu dùng và đơn giản là chất lượng thực phẩm mà chúng ta sẽ ăn trong tương lai. Nhiều nghị sĩ của chính đảng Bảo thủ cũng đã nói rằng họ không thể thông qua dự luật”, ông Corbyn nói.
Cũng nói về dự luật này, người phát ngôn đảng Lao động về vấn đề Brexit, Kier Starer, cho biết nó “không thực sự đưa ra bất kỳ điều gì mới mẻ hoặc táo bạo” và rằng “Thủ tướng nên thừa nhận thất bại này”, theo Reuters. Dự luật WAB này cũng hứng chịu nhiều “gạch đá” chỉ trích từ nhà lập pháp bảo thủ và thành viên đảng Lao động.
“Chúng ta đang được yêu cầu bỏ phiếu cho một liên minh hải quan và một cuộc trưng cầu dân ý thứ 2. Dự luật này đi ngược lại tuyên ngôn của chúng tôi và tôi sẽ không bỏ phiếu cho nó. Chúng ta có thể và phải làm tốt hơn, và đem đến những gì mà người dân đã bỏ phiếu cho”, Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, và hiện là nghị sỹ đảng Bảo thủ, cho biết.
Đã gần 3 năm kể từ cuộc trưng cầu dân ý với 52% người bỏ phiếu ủng hộ cuộc ly hôn giữa Anh và EU. Tuy nhiên, sự bế tắc hiện nay của London đồng nghĩa với việc chưa rõ bằng cách nào, khi nào hoặc liệu Anh có thể rời khỏi EU. Hạn chót cho đến thời điểm hiện tại cho cuộc ly hôn là ngày 31-10.
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Anh đã làm choáng váng cả đối thủ lẫn đồng minh, và với sự bế tắc này, nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới đối mặt với một loạt sự lựa chọn cho lối thoát của mình: một thỏa thuận chuyển đổi êm thấm, ly hôn mà không có thỏa thuận nào, một cuộc bầu cử hoặc một cuộc trưng cầu dân ý lần 2.
Nghị viện Anh hồi giữa tháng 3 vừa qua đã bác bỏ việc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit. Đây là một ý tưởng được nhiều đảng phái tại Anh đề cập tới thời gian gần đây nhưng lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của những người ủng hộ Brexit, trong khi một số khác thì lo ngại một kịch bản tương tự có thể làm trầm trọng hơn tình trạng chia rẽ chính trị hiện nay.
Theo bà May, nếu có sự ủng hộ của các nghị sĩ, cuộc trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit có thể diễn ra trước khi thỏa thuận có thể được thông qua. Trong trường hợp, các nghị sĩ thông qua dự luật Brexit, song lại bác bỏ việc tổ chức trưng cầu ý dân lần 2, nước Anh có thể rời EU vào cuối tháng 7 tới.
Duy Tiến (TH)