Nhiều nhà phân tích nhận định, bán đảo Triều Tiên đã trở thành một chiến trường ngoại giao khốc liệt giữa Bắc Kinh và Washington.
Chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Triều Tiên sẽ là chuyến thăm cấp nhà nước cao nhất của một nhà lãnh đạo Trung Quốc đến thăm nước này trong suốt 14 năm qua, và điều này sẽ làm nổi bật mối quan hệ song phương chặt chẽ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.
Chuyến thăm này của ông Tập diễn ra trong bối cảnh chỉ một tuần trước khi ông có một cuộc gặp bên lề hội nghị G20 với Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo SCMP.
Quan hệ Trung-Triều hiện đang phát triển nhanh chóng. Ảnh: KCNA
“Lãnh đạo Trung-Triều sẽ xem xét sự phát triển của mối quan hệ song phương và tiến hành trao đổi những quan điểm sâu sắc về sự phát triển của quan hệ Trung-Triều trong một kỷ nguyên mới, và vạch ra tiến trình phát triển trong tương lai”, tờ Tân Hoa Xã hôm 18/3 viết.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh hôm 18/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết, chuyến thăm của ông Tập nhằm mục đích “tạo ra một động lực mới” cho mối quan hệ Trung-Triều trong năm hai nước kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, và thúc đẩy các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên hiện đang bị đình trệ.
“Liên quan tới quá trình phi hạt nhân, như tôi đã nói, kết quả cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng Hai ở Hà Nội thật sự là có một chút bất ngờ. Nhưng sau đó, tất cả mọi người đều thực sự mong chờ các cuộc đối thoại được nối lại theo chiều hướng tốt”, ông Lục cho biết.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ám chỉ về một cuộc gặp với ông Kim sau khi ông Trump đã nhận được “một bức thư tốt đẹp” từ nhà lãnh đạo Triều Tiên hồi tuần trước. Đồng thời, trường phái đoàn đàm phán vấn đề hạt nhân, ông Lee Do-hoon cũng cho biết Washington đã liên hệ với phía Bình Nhưỡng.
Tổng thống Trump hôm 18/3 đã xác nhận ông sẽ có một cuộc gặp với ông Tập vào tuần tới ở thành phố Osaka, Nhật Bản. Cụ thể trên Twitter, ông Trump cho biết ông và ông Tập đã có “một cuộc trò chuyện điện thoại tốt đẹp” và “sẽ có một cuộc gặp” tại hội nghị G20, nơi ông và ông Tập sẽ cố làm giảm căng thẳng của cuộc thương chiến kéo dài hơn 1 năm qua.
Theo nhiều nhà phân tích nhận định, bán đảo Triều Tiên đã trở thành một chiến trường ngoại giao khốc liệt giữa Bắc Kinh và Washington. Cụ thể, ông Cha Du-hyeogn, một học giả thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Asan cho biết Trung Quốc và Mỹ đang tranh giành tầm ảnh hưởng lên khu vực bán đảo Triều Tiên.
Trung Quốc đang cố khôi phục tầm ảnh hưởng của mình trên Bán đảo Triều Tiên. Ảnh: AP
“Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang tìm kiếm phạm vi ảnh hưởng lớn hơn trong khu vực. Sau Hội nghị Thượng đỉnh Singapore giữa Trump và Kim hồi năm ngoái, Mỹ và Triều Tiên đã trở thành những nhân tố đóng vai trò quan trọng duy nhất về vấn đề bán đảo. Trung Quốc có thể muốn khôi phục tầm ảnh hưởng của mình và trở thành một nhân tố quan trọng hơn”, ông Cha nói.
“Nhưng Bắc Kinh thiếu đi cái gọi là cạnh tranh chiến lược với Washington, có nghĩa là họ không thách thức các biện pháp trừng phạt do Mỹ đặt ra để nhằm buộc Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Trên thực tế, dường như Trung Quốc sẽ cố thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán nhằm mục đích phi hạt nhân hóa hoàn toàn”, ông nói thêm.
Trong khi đó, một số nhà phân tích khác lại nhận định ông Tập sẽ tận dụng chuyến thăm này để tăng cường đòn bẩy ngoại giao của Trung Quốc lên mặt trận hạt nhân Triều Tiên, nâng cao vị thế của mình với Mỹ. Cụ thể, một nguồn tin ngoại giao cho biết, Bắc Kinh dự kiến sẽ đề nghị hỗ trợ Bình Nhưỡng một lượng lớn hàng cứu trợ nhân đạo với mục đích làm suy giảm tác động của những lệnh trừng phạt từ phía Washington.
Ngoài ra, tờ Nhật báo Nhân dân của Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm thứ Ba cho biết ông Tập sẽ hội đàm với ông Kim về hợp tác kinh tế và thương mại trong chuyến thăm này. Cụ thể, tờ báo này trích dẫn lời ông Zheng Jiyong, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Đại học Phục Đán cho biết, Bình Nhưỡng sẽ từng bước cải cách nền kinh tế nước này và giới thiệu kế hoạch sản xuất công nghiệp với Trung Quốc.
Ông Lu Chao, một chuyên gia nghiên cứu thuộc Học viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh lại cho rằng, sự hợp tác kinh tế giữa Trung-Triều ở quy mô lớn sẽ khó xảy ra, nhưng ở mức nhỏ thì có thể.
Hợp tác kinh tế Trung-Triều đang đứng trước cơ hội lớn. Ảnh: AP
“Ví dụ, Trung Quốc có thể xuất khẩu nhu yếu phẩm hàng ngày cho Triều Tiên. Và nếu cần thiết, Bắc Kinh có thể sẽ hỗ trợ lương thực cho nước này. Tôi tin rằng các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Bình Nhưỡng sẽ thay đổi, bởi vì đó là một cách tiếp cận thực tế hơn để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên của Trung Quốc là vững vàng và sẽ không thay đổi…Bắc Kinh sẽ hỗ trợ Bình Nhưỡng và Washington tiếp tục các cuộc đối thoại”, ông Lu nói.
Theo ông Boo Seung-chan, giáo sư Viện nghiên cứu Triều Tiên thuộc Đại học Yonsei ở Seoul, Trung Quốc hiện đang đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hòa bình. “Trung Quốc có thể đóng vai trò trung gian tích cực để tạo thuận lợi cho tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”, ông Boo nói.
Tuấn Trần/VietNamnet