Thuế trở thành công cụ chính trị của Tổng thống Trump

Quan hệ Mexico – Mỹ đã căng thẳng suốt hơn một tuần qua sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 30-5 ra “tối hậu thư” sẽ áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico, giống như cách Mỹ đối xử với Trung Quốc, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10-6, nếu Mexico không thuận theo yêu cầu của Tổng thống Trump áp dụng các biện pháp mạnh tay nhằm ngăn chặn người di cư vượt biên giới sang Mỹ.

Tổng thống Mexico tự tin về một thỏa thuận với Mỹ trước khi bị áp thuế
Căng thẳng đã tạm thời được tháo gỡ với một thỏa thuận mang lại thắng lợi chính trị cho Tổng thống Trump.

Thỏa thuận giữa Mỹ và Mexico xung quanh vấn đề người di cư được thông báo hôm 7-6. Thỏa thuận giúp Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador (AMLO) tạm tháo ngòi nổ chiến tranh thương mại có nguy cơ gây tổn thất nghiêm trọng về mặt kinh tế nhưng đổi lại, AMLO phải chấp nhận hy sinh một số cam kết ưu tiên trong nghị trình nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Theo thỏa thuận, AMLO sẽ phải chia sẻ nguồn lực dành cho cuộc chiến chống tội phạm bạo lực trong nước – như cam kết với cử tri lúc tranh cử – để đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Trump. Cụ thể, chính quyền Mexico sẽ phải điều động 6.000 binh sĩ đến khu vực biên giới phía nam giáp với nước Guatemala để ngăn dòng người di cư. Đồng thời, Mexico phải chấp nhận triển khai các chính sách lưu giữ người di cư trên đất Mexico lâu hơn trong khi họ đang chờ chính quyền Mỹ xem xét hồ sơ xin tị nạn, đặc biệt là mở rộng chính sách gây tranh cãi bấy lâu nay mang tên Quy ước Bảo vệ người di cư (Migrant Protection Protocol), còn gọi là Kế hoạch lưu lại Mexico (Remain in Mexico Plan).

Với việc Mexico đồng ý ngăn người di cư tràn vào Mỹ, mức thuế 5% Tổng thống Trump dọa áp lên toàn bộ hàng hóa Mexico sẽ tạm thời được hoãn áp dụng. Trong thời hạn 90 ngày, hai bên sẽ theo dõi và đánh giá kết quả áp dụng chính sách ngăn người di cư vượt biên sang Mỹ của Mexico. Nếu kết quả không đáp ứng mong muốn của Washington, những biện pháp mới sẽ được đề xuất triển khai.

Theo giới bình luận, khi dọa áp thuế để gây áp lực với Mexico trong vấn đề người di cư, Tổng thống Trump đã sử dụng chính sách thuế như một công cụ chính trị, nói cách khác là “vũ khí hóa” chính sách thuế trong nhiều vấn đề đối ngoại hiện nay. Sau khi áp thuế (25%) đối với sản phẩm thép của Liên minh châu Âu (EU), Canada, Mexico và “chiến tranh thương mại” với Trung Quốc trong hai năm qua, Tổng thống Trump bắt đầu mở rộng đối tượng chịu thuế, mở rộng diện hàng hóa áp dụng thuế, thường xuyên đe dọa gia tăng mức thuế và lượng hàng hóa chịu thuế để gây áp lực đối với các nước đồng minh trong một số vấn đề. Mexico là một điển hình của việc sử dụng vũ khí thuế mở rộng đó.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chiếm ưu thế cả đối nội lẫn đối ngoại nhờ công cụ thuế.

Và không chỉ có Mexico. Nội bộ Nhà Trắng đã và đang tranh cãi nhau khá căng thẳng xung quanh ý định áp thuế đối với hàng hóa Australia – vốn đã được hưởng chính sách tạm hoãn áp dụng thời gian qua. Chưa nghe nói lý do để Nhà Trắng đưa ra ý định áp thuế Australia nhưng phe chống áp dụng tranh cãi gay gắt cho rằng việc áp thuế “chiến tranh thương mại” đối với Australia là một “hành động ngu xuẩn”, là “tự sát đối ngoại”, bởi Australia hiện đang là đồng minh thân cận và quan trọng bậc nhất của Mỹ tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, đặc biệt là trong cuộc giằng co với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Chính sách thuế có thể đang giúp cho Tổng thống Trump tạm thời chiếm ưu thế trong các cuộc chiến thương mại toàn cầu với Trung Quốc và các nước đồng minh. Đồng thời chính sách thuế như công cụ chính trị đối ngoại cũng đang khiến cho Tổng thống Trump được nhìn nhận như một nhà bảo hộ mậu dịch và chính điều này lại làm vui lòng thành phần cử tri ủng hộ ông khắp vùng Trung Tây nước Mỹ, nơi người ta cho rằng chính các thỏa thuận thương mại tự do với các quốc gia khác, như Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), là thủ phạm gây ra sự suy thoái của nền sản xuất chế biến của Mỹ.

Quan điểm của Tổng thống Trump trong việc sử dụng chính sách thuế như công cụ chính trị có thể đụng chạm với mạng lưới anh em nhà Koch (một thế lực tư bản hùng mạnh trong chính trị Mỹ) và phần lớn cộng đồng doanh nghiệp Mỹ nhưng hầu như kiếm có ai trong số họ sẵn sàng đứng ra công khai thách thức ông.

Trong cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới, chính sách thuế chống hàng hóa nước ngoài của ông Trump càng trở nên lợi hại khi nó được sử dụng một cách khéo léo nhằm gián tiếp gây chia rẽ nội bộ đảng Dân chủ, khi mà các ứng viên của đảng này đang bắt đầu khởi động chiến dịch tranh cử sơ bộ. Trong những dòng Tweet để biện hộ cho việc sử dụng chính sách thuế trong đối ngoại, Tổng thống Trump đã khẳng định chỉ có chính quyền của ông mới mạnh dạn dùng biện pháp đánh thuế mạnh tay để chống lại sự áp đảo của hàng hóa Trung Quốc.

Ứng cử viên Joe Biden có thể là người chịu thiệt nhiều nhất bên đảng Dân chủ trước đòn hiểm của Tổng thống Trump, bởi Biden chính là người duy nhất đã bỏ phiếu ủng hộ NAFTA.

Tuy nhiên, chính sách thuế đó cũng có thể là con dao hai lưỡi. Giới bình luận cho rằng khi áp dụng chính sách thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, Tổng thống Trump đã không tính đến các rủi ro chính trị vốn luôn đi đôi với những lợi ích mà nó mang lại, đặc biệt là những rủi ro cho kỳ bầu cử 2020 sắp tới. Trong gói đánh thuế mới nhất Tổng thống Trump đánh vào 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, giới phân tích kinh tế cho rằng nó đang gây hại cho một số khu vực cử tri vốn từng ủng hộ ông hồi năm 2016.

Cụ thể hơn, người ta tính toán rằng, trong 200 tỉ USD hàng hóa bị đánh thuế đó, hầu hết rốt cuộc cũng do chính người tiêu dùng và các công ty Mỹ phải gánh chịu. Và khi lợi ích thiết thân bị thiệt hại, ảnh hưởng đến lá phiếu là điều khó tránh khỏi.

An Châu (tổng hợp)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN