Hơn 1 triệu người Hong Kong đã xuống đường ngày 9/6 để phản đối dự luật dẫn độ của chính quyền mà họ cho rằng sẽ làm tổn hại quyền tự do của thành phố, tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Họ đến từ mọi nẻo đường. Biển người Hong Kong mặc áo trắng, kiên trì hàng giờ dưới cái nóng ngột ngạt và kích động bởi nỗi sợ rằng thành phố độc đáo của họ đang bị Trung Quốc khuất phục.
Trung tâm tài chính quốc tế này đã chứng kiến nhiều sóng gió chính trị trong suốt thập kỷ qua khi người dân lo ngại các quyền tự do và văn hóa của họ đang bị xói mòn bởi một Bắc Kinh đang trỗi dậy.
Nhưng quy mô cuộc biểu tình ngày 9/6 chống lại dự luật của chính quyền thành phố cho phép dẫn độ về đại lục thậm chí đã đạt quy mô kỷ lục mới. Nó bắt đầu với đám đông người biểu tình ôn hòa kéo dài hàng km.
Người biểu tình tuần hành phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi ở Hong Kong, ngày 9/6. Ảnh: AFP.
Các gia đình, trẻ nhỏ, người già, thương nhân, nhạc công, nghệ sĩ và các nhà hoạt động, hầu hết chọn màu trắng để đại diện cho công lý. Cuối cùng, những thanh niên đeo mặt nạ giận dữ chống trả suốt đêm với cảnh sát chống bạo động.
Theo nhiều cách, đó là lát cắt của Hong Kong hiện tại. Những người biểu tình đưa ra cùng thông điệp: họ không tin lời hứa rằng các quyền tự do của thành phố, được đảm bảo bởi thỏa thuận bàn giao năm 1997 với Anh, sẽ vẫn nguyên vẹn nếu tòa án Trung Quốc được phép dẫn độ người dân.
“Nếu nó (dự luật) được thông qua, nó sẽ làm mờ ranh giới giữa Hong Kong và đại lục. Nó sẽ phá hủy hoàn toàn các quyền tự do mà chúng tôi luôn có và nền pháp quyền mà chúng tôi rất tự hào”, người biểu tình Ryan Leung nói với AFP.
Các vụ mất tích và trả đũa
Những động thái gần đây của Trung Quốc khiến nhiều người lo ngại. Một loạt ông chủ của các nhà xuất bản ở Hong Kong bị giam giữ tại Trung Quốc đã nhận tội trên truyền hình nhà nước.
Những người này đã phát hành sách về các lãnh đạo Trung Quốc. Một trong số họ đã trốn sang Đài Loan, nói rằng nguy cơ dẫn độ là quá cao.
“Ngay cả trước dự luật, chúng tôi đã thấy trường hợp những ông chủ xuất bản đó. Sau khi dự luật được thông qua, tình hình của chúng tôi sẽ còn nghiêm trọng hơn. Chúng tôi không thể để điều này xảy ra”, Fiona Lau, 15 tuổi, một trong nhiều gương mặt trẻ trong đám đông, nhìn nhận.
“Chính quyền Hong Kong và chính phủ Trung Quốc không tương đồng”, Chan Sze-chai, thành viên của Hội đồng sinh viên Đại học Hong Kong, nhận xét.
Một người biểu tình bị cảnh sát khống chế trong cuộc đụng độ sau biểu tình chống lại luật dẫn độ vào ngày 9/6. Ảnh: Getty.
Anh tin rằng nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn dẫn độ một người bất đồng chính kiến hoặc sử dụng các cáo buộc khác để khống chế các nhà hoạt động thì “chính quyền Hong Kong chẳng thể làm được gì”.
“Vì vậy, không có cách nào mà công dân Hong Kong tin tưởng chính phủ Trung Quốc và chính quyền Hong Kong”, anh kết luận.
Dự luật hiện tại cho phép dẫn độ những nghi phạm hình sự tới những vùng mà Hong Kong không có các thỏa thuận dẫn độ chính thức.
Mục tiêu ngay trước mắt của luật là dẫn độ một người đàn ông Hong Kong tới Đài Loan, nơi nghi phạm này bị cáo buộc sát hại bạn gái. Nhưng dự luật đồng thời cho phép việc dẫn độ tới đại lục và hầu như không có cơ chế nào để kháng cáo.
Dù dự luật không bao gồm các tội danh chính trị và chính quyền Hong Kong cam kết sẽ xem xét kỹ các vụ liên quan tới nhân quyền, nhưng nhiều người lo ngại chính quyền Bắc Kinh sẽ sử dụng các cáo buộc như hối lộ để nhắm vào những nhân vật chướng mắt với đại lục.
Shaun Martin, một người Anh sống ở thành phố hơn năm năm, cho biết việc giam giữ hai người Canada ở Trung Quốc ngay sau khi một giám đốc điều hành cấp cao của Huawei bị bắt ở Vancouver đã khiến anh xuống đường.
Anh sợ những vụ bắt bớ trả thù một ngày nào đó có thể xảy ra ở Hong Kong khi quan hệ giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và các cường quốc phương Tây tiếp tục xấu đi.
“Những người như tôi, người nước ngoài, thực sự cảnh giác những chuyện như vậy. Tôi nghĩ Trung Quốc thực sự có thể đến và áp đặt việc bắt bớ kiểu đó mà không cần lệnh”, anh nói.
Từ sôi nổi đến hỗn loạn
Khi mặt trời lặn trên bến cảng, không khí trở nên sôi nổi. Đám đông lắng nghe các bài phát biểu và hô vang khẩu hiệu bên ngoài cơ quan lập pháp của thành phố, nơi cuộc tuần hành kết thúc.
Khi các nhà tổ chức công bố đám đông ước tính đạt 1.030.000 người, tiếng hò hét bày tỏ sự tán đồng nổi lên.
Người dân Hong Kong cầm biểu ngữ phản đối dự luật dẫn độ của chính phủ Trung Quốc. Ảnh: Getty.
“Hong Kong đã làm nên lịch sử”, Jimmy Shum, một trong những nhà tổ chức, nói với đám đông.
“Nếu chính phủ không đáp lại điều này, chúng tôi sẽ cho họ thời hạn đến ngày mai, chúng tôi tin rằng phải leo thang hành động của mình”, Bonnie Leung, một nhà tổ chức khác, cho biết.
Trong vài giờ, cuộc biểu tình đã leo thang. Cảnh sát đã sử dụng dùi cui và bình xịt hơi cay để giải tán nhóm người định ở lại qua đêm bên ngoài tòa nhà lập pháp.
Những người biểu tình, bao gồm nhiều thanh niên đeo mặt nạ, đã chống trả, ném chai và dựng chướng ngại vật.
Nhóm người đụng độ với cảnh sát bên ngoài tòa nhà của Hội đồng Lập pháp, rạng sáng 10/6. Ảnh: AP.
Sau khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ không giành được sự nhượng bộ bốn năm trước, nhiều thanh niên Hong Kong trở nên cứng rắn hơn với lập luận rằng các cuộc biểu tình ôn hòa đã thất bại.
Một số thậm chí bắt đầu ủng hộ độc lập hoàn toàn – một lằn ranh đỏ với Bắc Kinh.
“Tối nay tôi cảm thấy vô cùng xúc động”, Philip Leung, 23 tuổi, người chứng kiến cảnh sát và những người biểu tình cứng rắn đụng độ, nói với AFP.
“Chúng tôi có những mục tiêu đơn giản, chúng tôi muốn những gì tốt cho Hong Kong. Nhưng nếu chính phủ cứ phớt lờ ý kiến của hơn một triệu người, làm sao Hong Kong còn được tự do? Đó là lý do nhiều người trẻ vẫn tiếp tục xuống đường”, anh nói.
Zing