Biểu tình lớn nhất tại Hồng Kông trong 15 năm

Phe đối lập tuyên bố có đến hơn 1 triệu người biểu tình phản đối dự luật của chính quyền Hồng Kông về việc đưa các nghi phạm đến Trung Quốc đại lục để xét xử.

Người biểu tình tràn ngập đường phố Hồng Kông ngày 9.6

Cảnh sát ước tính có 240.000 người tham gia biểu tình trên khắp các tuyến đường chính ở Hồng Kông vào ngày 9.6. Tuy nhiên, tờ South China Morning Post dẫn lời những người tổ chức khẳng định có hơn 1 triệu người xuống đường và đây là cuộc biểu tình trong một ngày lớn nhất tại đặc khu này kể từ năm 2003. Khi đó, 500.000 người xuống đường phản đối chính quyền lên kế hoạch thắt chặt luật an ninh, theo Reuters. Trong đợt đại biểu tình Chiếm Trung Hoàn kéo dài gần 3 tháng hồi năm 2014 cũng chỉ có khoảng 100.000 người có mặt thường trực trên đường phố.

Hôm qua, đông đảo tầng lớp người dân Hồng Kông từ doanh nhân, luật sư cho đến sinh viên đều xuống đường, hô hào khẩu hiệu và cầm biểu ngữ yêu cầu chính quyền đặc khu hủy bỏ dự luật dẫn độ. “Nếu dự luật được thông qua thì bất kỳ ai cũng có thể biến mất khỏi Hồng Kông và không có chuyện xét xử công bằng ở Trung Quốc đại lục”, thầy giáo Garry Chiu đi cùng vợ và con gái 1 tuổi nói với Reuters. Nhiều người kêu gọi Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga và các quan chức cấp cao khác từ chức. Theo tờ South China Morning Post, đã xảy ra một số vụ đụng độ giữa cảnh sát với người biểu tình và ít nhất 7 người bị bắt nhưng không dẫn đến bạo động.

Theo dự luật dẫn độ, các lãnh đạo Hồng Kông có quyền ra lệnh đưa nghi phạm bị truy nã đến đại lục, Macau, Đài Loan cũng như những nước có ký kết hiệp ước về dẫn độ. Tuy nhiên, dự luật bị chỉ trích là làm giảm sự độc lập của hệ thống tư pháp Hồng Kông và khiến người dân có nguy cơ đối diện các cáo buộc không rõ ràng cùng khả năng bị xét xử không công bằng ở đại lục. Trước đó, dưới áp lực của cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền đã sửa đổi dự thảo bằng cách bỏ 9 tội danh về kinh tế khỏi các vi phạm có thể dẫn độ, đồng thời chỉ áp dụng với tội phạm có mức án từ 7 năm tù trở lên. Tuy nhiên, làn sóng phản đối vẫn không suy giảm. Một số nhà quan sát cảnh báo tình hình hiện nay có nguy cơ làm bùng phát một cuộc khủng hoảng chính trị – xã hội kéo dài tương tự như giai đoạn từ tháng 9 – 12.2014.

Tuy nhiên, Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga và các quan chức khác khẳng định dự thảo là cần thiết để xóa bỏ “lỗ hổng pháp lý tồn tại từ lâu”, chấm dứt tình trạng tội phạm truy nã từ đại lục lợi dụng đặc khu hành chính này làm nơi trú ẩn. Hội đồng Lập pháp Hồng Kông sẽ có phiên họp lần thứ hai về dự luật vào ngày 12.6. Phiên họp hồi tháng 5 diễn ra trong hỗn loạn do vụ ẩu đả giữa các nghị viên đối lập và phe ủng hộ chính quyền trung ương. Dự luật này dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 7 tới, theo AFP.

Thuận Hòa/Thanh Niên

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN