G20: Căng thẳng thương mại đe dọa tăng trưởng toàn cầu

Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hôm 9-6 cảnh báo những căng thẳng thương mại, địa – chính trị đang leo thang hiện là nguy cơ lớn nhất đối với tăng trưởng toàn cầu.

Các lãnh đạo tài chính G20 nhận định tăng trưởng toàn cầu dường như đang ổn định nhưng vẫn còn ở mức thấp trong khi căng thẳng thương mại và địa chính trị lại gia tăng, theo tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị diễn ra ở TP Fukuoka – Nhật Bản.

Tuyên bố chung nêu rõ thương mại quốc tế và đầu tư cần tiếp tục là những động lực quan trọng của tăng trưởng, sản xuất, cải cách, tạo việc làm và phát triển. Tuy nhiên, văn kiện này đã loại bỏ nội dung “cần giải quyết khẩn cấp các căng thẳng thương mại” như trong bản dự thảo do đòi hỏi của Mỹ. Không những thế, tuyên bố chung còn không đề cập xung đột thương mại Mỹ – Trung Quốc leo thang đang làm tổn hại tăng trưởng toàn cầu. Reuters nhận định động thái này cho thấy Washington muốn tránh phiền toái liên quan đến cuộc chiến thuế quan với Bắc Kinh.

Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhóm G20 chụp ảnh lưu niệm hôm 9-6Ảnh: REUTERS

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde nhấn mạnh ưu tiên số 1 là giải quyết những căng thẳng thương mại hiện nay trong khi bắt tay hiện đại hóa các quy định thương mại quốc tế. IMF vào tuần rồi cảnh báo thương chiến Mỹ – Trung có thể khiến tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu giảm 0,5% vào năm 2020. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho rằng ông không nhận thấy xung đột thương mại với Trung Quốc tác động đến tăng trưởng của kinh tế Mỹ.

Một nội dung đáng chú ý khác trong tuyên bố chung là các nước G20 nhất trí biên soạn những quy định chung vào năm 2020 để bít những lỗ hổng đang bị các công ty công nghệ khổng lồ lợi dụng nhằm giảm tiền thuế phải đóng. Theo trang Bloomberg, văn kiện còn ủng hộ lời kêu gọi của Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso về việc soạn thảo chính sách đối phó với tình trạng dân số lão hóa.

Tuyên bố chung nêu rõ “những thay đổi về dân số… đặt ra các thách thức và cơ hội đối với tất cả các thành viên G20” và vấn đề này đòi hỏi “sự phối hợp các chính sách tài chính, tiền tệ, thuế khóa và cấu trúc”. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda nhận định hầu hết quốc gia thành viên G20 đã hoặc sẽ đối mặt vấn đề dân số lão hóa nên G20 cần phải thảo luận về những vấn đề rắc rối xuất phát từ tình trạng này và cách thức giải quyết chúng.

Lục San/NLĐ

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN