Mỹ phản bội người Kurd, thành quả 5 năm chống IS sụp đổ trong một tuần

Chỉ vài tháng sau trận đánh cuối cùng trong chiến dịch chống khủng bố IS bên bờ sông Euphrates, thành quả cuộc chiến đã đổ sông đổ biển khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến quân vào Syria.

Khi tổ chức vũ trang Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ chống lưng tiến đánh thị trấn Baghouz đầu năm 2019, nhiều người đã nghĩ đó sẽ là trận đánh cuối cùng trong cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

IS từng làm chủ một đế chế rộng lớn trải dài từ ngoại ô thủ đô Baghdad của Iraq đến phía tây Syria với hơn 10 triệu người. Đến tháng 2, IS chỉ còn kiểm soát một thị trấn nhỏ bên bờ sông Euphrate ở phía đông Syria.

Trận đánh kết thúc sau gần 2 tháng, kéo dài hơn dự kiến vì sự chống cự quyết liệt của các tay súng cực đoan. Thành trì cuối cùng trong “vương quốc Hồi giáo” của IS chỉ còn những đống đổ nát, xe bán tải vũ trang cháy rụi và rải rác trên đường phố là thi thể những phần tử cực đoan quyết tử thủ.

Các thành viên Quân đội Syria Tự do (SFA) do Thổ Nhĩ Kỳ chống lưng tiến vào thị trấn chiến lược Tal Abyad ngày 13/10. Ảnh: Getty.

IS đã trở lại

Baghouz hóa ra không phải trận đánh cuối cùng, dù đó là thành trì duy nhất còn lại của IS.

Gần 7 tháng sau chiến dịch, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh rút lực lượng đặc biệt khỏi Syria. Nhìn nhận động thái là quyết định “bật đèn xanh” của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ cùng đồng minh ở Syria mở chiến dịch “Mùa xuân Hòa bình” tiến đánh vào lãnh thổ người Kurd, lực lượng chủ lực của SDF trong cuộc chiến chống IS.

SDF quản lý những nhà tù và trại tập trung với hàng nghìn tay súng, người thân của các thành viên IS và cảm tình viên IS với lý tưởng cực đoan. Chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan phát lệnh tiến công vào miền Bắc Syria, IS đã lợi dụng thời cơ để giải thoát hàng trăm tù binh.

Với sức ép từ cuộc chiến lên nguồn lực hạn hẹp của người Kurd, toàn khu vực đối diện nguy cơ còn nhiều đợt đào tẩu khác của tù binh IS trong tương lai.

Tại trại tập trung al-Hol, gia đình những phần tử khủng bố IS đã gia tăng áp lực lên lực lượng lính gác. Một quan chức SDF ngày 11/10 cảnh báo phụ nữ tại đây bắt đầu đốt phá lều trại, tấn công người của SDF và nhân viên quản lý.

Vũ khí cũng được tuồn vào trại. Những tù binh trong al-Hol tìm cách thiết lập lại hệ thống luật pháp tàn bạo của IS ngay trong trại tập trung. Người nào chống đối có thể phải trả giá bằng mạng sống.

IS có thể đã mất hết thành trì của mình, nhưng lý tưởng cực đoan vẫn cháy âm ỉ và chỉ chờ cơ hội bùng phát.

Thị trấn Ras Ain người Kurd kiểm soát ngày 13/10 chìm trong khói lửa do pháo kích của quân Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh. Ảnh: AP.

Ngay cả khi Baghouz sụp đổ, nhiều tay súng và người thân các thành viên IS bị bắt giữ vẫn không chấp nhận thất bại.

“Thượng đế đang thử chúng tôi. Những kẻ không xứng đáng sẽ ra đi, nhưng chân lý không thay đổi”, một người phụ nữ ủng hộ IS trả lời CNN vào tháng 3.

“Người Mỹ có thể thống lĩnh thế giới ngày hôm nay, nhưng Thượng đế toàn năng đã hứa với người Hồi giáo rằng cuối cùng thì thế giới sẽ được lãnh đạo bởi Hồi giáo”, Omar, một người tị nạn Palestine lớn lên ở Syria và tham gia IS, khi đó khẳng định.

“Phản bội và bỏ trốn”

Thủ lĩnh IS đang ẩn náu, Abu Bakr al-Baghdadi, đầu tháng 9 phát đoạn ghi âm kêu gọi những người ủng hộ lý tưởng cực đoan của ông ta phá vỡ tường thành các nhà giam và trại tập trung để giải thoát cho “những anh em” của mình.

Đó chính xác là những gì đã diễn ra tại Hasakeh, phía đông bắc Syria, vào ngày 12/10. Các phần tử cực đoan dùng xe bom đánh vào nhà giam ở quận Ghuwaran tìm cách giải thoát tù binh. Liên tiếp các vụ tấn công tương tự đã xảy ra ở nhiều nhà giam của SDF kể từ khi chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu.

Giới chức Lầu Năm Góc từ lâu đã cảnh báo còn hàng nghìn tay súng cùng các phần tử cực đoan của IS đang ẩn náu tại Syria và khu vực. Những vụ đột kích rồi rút lui nhanh chóng được tổ chức thường xuyên. IS không còn kiểm soát lãnh thổ, nhưng chưa bị loại khỏi vòng chiến.

Tổ chức khủng bố này xây dựng đế chế nhờ vào khả năng lợi dụng tinh vi những khoảng trống quyền lực. Với cuộc chiến mới ở phía bắc Syria, cánh cửa hồi sinh một lần nữa mở ra. Cuộc chiến của Mỹ chống lại IS, bắt đầu từ thời Tổng thống Barack Obama và tiếp nối dưới thời Tổng thống Donald Trump, quay trở về điểm xuất phát sau gần 5 năm.

Lực lượng đặc biệt của Mỹ phối hợp với người Kurd tại cứ điểm Manbij vào năm 2018. Ảnh: New York Times.

Chiến dịch được trả giá với sinh mạng của gần 11.000 thành viên SDF, gồm lực lượng dân quân người Kurd cùng đồng minh người Arab và người Cơ đốc giáo tại Syria.

Chỉ trong chưa đầy một tuần sau khi Mỹ tuyên bố rút quân và Thổ Nhĩ Kỳ tiến đánh người Kurd, mọi thành quả và hy sinh trong của cuộc chiến chống IS bị đảo ngược. Tổ chức cực đoan rộng đường quay trở lại chiến trường.

Bị áp đảo bởi quân Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh của họ tại Syria, người Kurd quay sang quân chính phủ tìm kiếm hỗ trợ. Một thỏa thuận giữa SDF và Tổng thống Bashar al-Assad đã mở đường cho quân chính phủ trở lại vùng biên giới phía bắc, cùng theo đó là khả năng lực lượng thân Iran mở rộng hiện diện.

Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper tuyên bố “chủ động rút quân khỏi phía đông bắc Syria” vì không muốn lực lượng đặc biệt của Mỹ “kẹt giữa hai lực lượng quân sự đối đầu, trong một tình thế không thể tự vệ”. Thực tế là Tổng thống Trump đã hối thúc rút quân khỏi Syria từ tháng 12/2018 mà không mấy quan tâm đến hệ quả.

“Mỹ chọn cắt nợ và bỏ chạy, quay lưng lại với những người từng kề vai sát cánh trong cuộc chiến đánh bại IS… Và dĩ nhiên, khái niệm ‘chủ động rút lui’ chỉ là cách nói của chính phủ cho một thực tế dễ hiểu hơn: phản bội và bỏ trốn”, Ben Wedeman, phóng viên của CNN từng có mặt tại trận chiến ở Baghouz, nhận định.

My phan boi nguoi Kurd, thanh qua 5 nam chong IS sup do trong mot tuan hinh anh 4
Nghĩa trang liệt sĩ người Kurd trong trận tử chiến bảo vệ thành phố Kobani, diễn ra vào giai đoạn đỉnh điểm sức mạnh của IS cuối năm 2014, đầu năm 2015. Ảnh: NYT.

Zing

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN