Ai Cập vừa qua đã nới lỏng các biện pháp an ninh ở thủ đô Cairo, một ngày sau khi nước này phong tỏa quảng trường Tahrir và đóng cửa các tuyến phố lớn nhằm phòng ngừa khả năng một cuộc biểu tình chống Tổng thống Abdel-Fattah el-Sissi.
Cuối tuần trước, Ai Cập đã siết chặt kiểm soát an ninh do các vụ biểu tình hiếm hoi diễn ra ở một số thành phố, sau đó đã bị cảnh sát trấn áp. Các luật sư cho biết, hơn 2.000 người đã bị bắt giữ từ thời điểm đó, trong khi Tổng Công tố Ai Cập khẳng định cơ quan của ông đã thẩm vấn hơn 1.000 người từ vụ biểu tình mới đây.
Ai là người chủ mưu?
Các cuộc biểu tình của người dân và những người ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) vốn bị đặt ngoài vòng pháp luật ở Ai Cập đã đặt ra những câu hỏi về các bên chủ mưu và “hưởng lợi” từ tình trạng hỗn loạn.
Nhà nghiên cứu chính trị Amar Ali Hassan nhận định: “Đây là điều cực kỳ đúng sau khi các cuộc biểu tình bất ngờ xảy ra ở một số nơi trong những ngày qua. Người dân dường như không còn sợ hãi biểu tình và bày tỏ sự giận dữ của họ”.
Các cuộc biểu tình bắt đầu diễn ra ngày 20-9 ở một số thành phố của Ai Cập, trong đó có thủ đô Cairo, nhằm phản đối đương kim Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi sau khi Mohamed Ali, 45 tuổi, một nhà thầu xây dựng từng làm việc cho quân đội Ai Cập trong nhiều năm, cáo buộc ông Sisi tham nhũng và quân đội thao túng nền kinh tế nước này.
Nhà thầu Mohamed Ali cho rằng, ông Sisi đã hoang phí hàng trăm triệu bảng Ai Cập vào việc xây dựng các dinh thự, kể cả khi tình trạng đói nghèo diễn ra nghiêm trọng ở quốc gia Bắc Phi này. Trong khi đó, ông Sisi khẳng định không lãng phí công quỹ, đồng thời phủ nhận mọi cáo buộc rằng quân đội Ai Cập đang kiểm soát nền kinh tế nước này.
Ngày 26-9, hai học giả nổi tiếng ở Ai Cập, những người đã thẳng thắn phê bình Tổng thống Sisi đã bị bắt. Giáo sư ngành khoa học chính trị của trường Đại học Tổng hợp Cairo, ông Hazem Hosni đã bị bắt ở bên ngoài nhà riêng. Còn giáo sư Hassan Nafaa, cũng thuộc trường đại học danh tiếng trên, bị bắt tại nhà ngay sau đó.
Theo các nhà phân tích, chiến dịch truyền thông này đã được thực hiện trước, sau đó xảy ra các cuộc biểu tình đáng ngờ. Sự dính líu của truyền thông thuộc các thế lực thù địch đã khiến một số nhà phân tích hoài nghi về tính tự phát của các cuộc biểu tình ở Ai Cập cũng như sự dính líu của các cơ quan truyền thông ủng hộ MB trong việc lợi dụng các sự kiện chống ông Sisi.
Giáo sư ngành truyền thông đại chúng của trường Đại học Tổng hợp Cairo Safwat al-Alem cho rằng “chiến dịch này là hoàn toàn dối trá, cố tìm cách khiến người ta có cảm giác rằng các cuộc biểu tình này lớn hơn nhiều so với thực tế”. Theo ông Alem, những tin đồn được lan truyền một cách dễ dàng do thiếu những phản ứng kịp thời của chính phủ.
Biểu tình nhiều ngày qua ở Ai Cập. |
Chiến dịch “dối trá” và sức mạnh công nghệ
Các kênh truyền hình ủng hộ MB ở Thổ Nhĩ Kỳ và kênh truyền hình Al Jazeera đã dẫn dắt chiến dịch này. Trước khi các cuộc biểu tình nổ ra, các kênh tin tức này đã phát sóng các đoạn video ghi lại những lời tố cáo của Mohamed Ali. Những kênh này đưa tin về các cuộc biểu tình theo kiểu một chiều, chỉ phản ánh các quan điểm của MB và các thế lực ủng hộ tổ chức này.
Một số kênh truyền hình đã sử dụng những đoạn video về các cuộc biểu tình vốn đã diễn ra trong cuộc nổi dậy chống nhà lãnh đạo Hosni Mubarak hồi năm 2011. Thậm chí, có một kênh truyền hình còn phát những hình ảnh về một đám đông các cổ động viên bóng đá và nói rằng những người trong đoạn video đó đang biểu tình phản đối ông Sisi.
Ngoài ra, hàng chục nghìn tài khoản trên các trang mạng xã hội Facebook và Twitter đã được lập ra trước thời điểm xảy ra biểu tình nhằm kích động người dân Ai Cập xuống đường biểu tình.
Phần lớn các chủ tài khoản này được xác định là ở Algeria, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar. Ông Alem đánh giá: “Đây hoàn toàn là cuộc chiến thuộc “thế hệ thứ 4” (viết tắt là 4GW) nhằm vào Ai Cập. Chúng ta cần phải chuẩn bị đầy đủ để đối phó với cuộc chiến này”. 4GW, vốn là khái niệm do các nhà chiến lược quân sự Mỹ đặt ra, sẽ là một cuộc chiến không giới hạn và trong đó ngay cả các siêu cường cũng gặp phải những khó khăn, hạn chế nhất định. 4GW là hình thức chiến tranh của thời đại thông tin nhờ vào những tiến bộ trong công nghệ truyền thông và tin học.
Tổng thống Sisi đã cảnh báo về tình trạng này, đồng thời bày tỏ lo ngại về khả năng mà những tin đồn thất thiệt cùng với việc sử dụng những công nghệ hiện đại để xuyên tạc các sự kiện, làm ảnh hưởng tới tinh thần của người dân Ai Cập.
Chiến dịch truyền thông này được thực hiện khi nền kinh tế Ai Cập đang có dấu hiệu được cải thiện, ngành du lịch đang dần phục hồi và dòng vốn đầu tư nước ngoài đang quay trở lại thị trường Ai Cập. Về khía cạnh chính trị, Ai Cập đã lấy lại vị thế truyền thống là một cường quốc khu vực và đóng vai trò bảo vệ an ninh khu vực.
Trong 5 năm cầm quyền, Tổng thống Sisi đã khôi phục trật tự và an ninh trên các đường phố, giành được thắng lợi lớn trong cuộc chiến chống chi nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Sinai và xóa sổ MB. Tuy nhiên, việc xảy ra các cuộc biểu tình như vừa qua đã làm dấy lên nhiều lo ngại về những thành quả đã đạt được trong lĩnh vực kinh tế trong vài năm qua. Các cuộc biểu tình ngày 20-9 đã gây thiệt hại về kinh tế khi thị trường chứng khoán Ai Cập mất 3,1 tỷ USD giá trị chỉ trong 3 ngày sau các cuộc biểu tình này.
Ngoài ra, cũng có nhiều thông tin cho rằng giới đầu tư nước ngoài cũng lo ngại về những ảnh hưởng từ các cuộc biểu tình đối với các doanh nghiệp của họ. Các nhà phân tích ở Ai Cập cho hay, họ cũng lo ngại rằng các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra sẽ tác động tiêu cực tới ngành du lịch của nước này, vốn tạo công ăn việc làm cho hơn 5 triệu người.
Giáo sư khoa học chính trị Jihad Auda thuộc trường Đại học Tổng hợp Cairo nhận định: “Dường như có nhiều lo ngại trong giới đầu tư vì có quá nhiều tin đồn được lan truyền trong những ngày vừa qua. Những tin đồn này đã lan truyền trên diện rộng trong khi lại thiếu phản ứng chính thức và nhanh chóng”.
Hà Phương/CAND