Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, tổ chức Hội Quốc Liên được thiết lập bởi các nước để duy trì trật tự thế giới. Đây là tổ chức quốc tế đầu tiên có nhiệm vụ chủ yếu là duy trì hòa bình thế giới. Trong giai đoạn mở rộng nhất vào năm 1935, Hội Quốc Liên có 58 thành viên. Mục đích của Hội Quốc Liên là giải quyết những vấn đề tranh chấp không bằng giải pháp quân sự mà bằng hoà giải, thương lượng và dàn xếp về đối ngoại.
Tuy nhiên, các cường quốc thường tham gia và thực hành các quyết định của Hội Quốc Liên một cách miễn cưỡng. Hội Quốc Liên cuối cùng chứng tỏ rằng mình không có khả năng ngăn chặn chiến tranh thế giới xảy ra một lần nữa. Đức rút khỏi Hội Quốc Liên, rồi đến Nhật Bản, Ý, Tây Ban Nha và những thành viên khác. Đức đã tấn công các nước châu Âu. Nhật Bản tấn công các nước châu Á. Sự khởi đầu của Chiến tranh thế giới thứ hai chứng tỏ rằng mục đích chủ yếu của Hội Quốc Liên là dàn xếp mâu thuẫn giữa các quốc gia và ngăn ngừa chiến tranh đã thất bại hoàn toàn.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, các nước thắng trận thuộc phe Đồng minh cho ra đời Liên hợp quốc. Giống như Hội Quốc Liên, Liên hợp quốc là một tổ chức liên Chính phủ có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, làm trung tâm điều hòa các nỗ lực quốc tế và các mục tiêu chung. Mục đích tối cao là ngăn chặn các cuộc xung đột quy mô toàn cầu.
Cơ quan quan trọng nhất của Liên hợp quốc là Hội đồng Bảo an. Hội đồng Bảo an là cơ quan hoạt động thường xuyên của Liên hợp quốc, chịu trách nhiệm chính về việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Trên lý thuyết, Hội đồng Bảo an có quyền đưa ra các quyết định ràng buộc mà các nước thành viên tuân theo. Các quyết định của Hội đồng được gọi là nghị quyết của 15 quốc gia thành viên, bao gồm 5 thành viên thường trực ‒ Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, và Hoa Kỳ ‒ chỉ được thông qua với sự nhất trí của 5 nước nói trên.
Tuy có mục tiêu cao cả như vậy nhưng Liên hợp quốc thực chất không đóng vai trò lớn nào trong việc duy trì hoà bình thế giới như kỳ vọng. Hội đồng Bảo an chỉ đồng thuận cho hoạt động quân sự của Liên hợp quốc tại bán đảo Triều Tiên năm 1950 (Chiến tranh Triều Tiên) và việc sử dụng quân lực liên minh tại Iraq và Kuwait năm 1991. Ngoài ra, mọi quyết định lớn đều vấp phải mâu thuẫn và xung đột, đặc biệt giữa các cường quốc là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An.
Kể từ thời điểm thành lập, Trung Quốc đã 5 lần sử dụng quyền phủ quyết; Pháp: 18 lần; Nga/Liên Xô: 122 lần; Anh: 32 lần; và Mỹ: 80 lần. Nhiều mâu thuẫn như vậy nên vai trò kiến tạo hoà bình của Liên hợp quốc bị lu mờ đi nhiều. Ngay khi lập ra, vai trò này đã không thực hiện được.
Trong chiến tranh lạnh, Liên hợp quốc cũng chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Mỹ tập hợp đồng minh riêng thông qua các liên minh khác nhau, đặc biệt là sự ra đời của Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương – NATO năm 1949. Để đối phó lại với Mỹ, Liên Xô thành lập khối Warszawa năm 1956. Hai khối này cạnh tranh với nhau để giải quyết các vấn đề chiến tranh và quan hệ giữa các nước. Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo An không có tiếng nói và không có đủ sức nặng, mọi quyết định là tuỳ thuộc vào các cường quốc.
Khi Liên Xô sụp đổ và hệ thống CNXH tan rã vào năm 1991, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất nắm vai trò bá chủ thế giới. Mỹ tác động tới các đồng minh và sử dụng sức mạnh quân sự NATO do Mỹ lãnh đạo. Tìm kiếm sự ủng hộ của Liên hợp quốc chỉ là danh nghĩa.
Mỹ đơn phương thực hiện nhiều hành động quân sự mà không cần sự đồng thuận của Liên hợp quốc. Năm 1998, Mỹ đơn phương cùng NATO phát động tấn công Nam Tư, chia Nam Tư thành nhiều quốc gia mà không hề có sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Năm 2003, Mỹ cũng tấn công Iraq để lật đổ chế độ Saddam Hussein bất chấp việc Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan đã có bài diễn văn trước 190 nước thành viên phản đối Mỹ đơn phương dùng sức mạnh quân sự và nhấn mạnh bất kỳ quốc gia nào cũng có quyền đánh trả khi bị tấn công. Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell cũng đã đưa ra các các bằng chứng giả về việc chính quyền Iraq sở hữu vũ khí huỷ diệt hàng loạt để “đánh lừa” Hội đồng Bảo an. Trước đó, trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ cũng tạo sự kiện giả Vịnh Bắc Bộ để lấy cớ tấn công miền Bắc Việt Nam. Các cuộc chiến tranh Mỹ phát động ở Afghanistan, Lybia và Syria cũng đi theo kịch bản tương tự. Mỹ thường xuyên tạo chứng cớ giả, mượn lý do chống khủng bố để phớt lờ Liên hợp quốc, cùng với đồng minh thực hiện các hành động theo ý mình.
Không chỉ Hoa Kỳ, các cường quốc khác cũng vậy. Nga tấn công Gruzia năm 2008 và tấn công sáp nhập Crimea năm 2014 cũng không có sự đồng thuận của Hội đồng Bảo an. Chiến dịch quân sự đặc biệt nước Nga đang tiến hành tại Ukraine vẫn tiếp tục bất chấp các nước thành viên Liên hợp quốc đã bỏ phiếu phản đối.
Như vậy, trật tự thế giới với các thể chế như Liên hợp quốc không có ảnh hưởng thực sự. Đây chỉ là sân chơi để các nước lớn tranh giành quyền lực, lôi kéo các nước đi theo quyền lợi của họ. Hiện nay. Mỹ đang tìm mọi cách chi phối Liên hợp quốc để chống Nga, tố cáo Nga vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc trong khi chính Mỹ cũng nhiều năm đơn phương vi phạm. Mỹ đã thành công thuyết phục Liên hợp quốc đứng hẳn về phía mình, thực hiện các hoạt động đều nhằm lên án Nga. Dù Hội đồng Bảo an vẫn không thống nhất được với nhau về quan điểm đối với cuộc chiến này, các biện pháp trừng phạt của nhiều nước với Nga vẫn được đưa ra do áp lực của Mỹ.
Có thể thấy rằng các thiết chế quốc tế hiện nay do Mỹ và đồng minh dựng lên đang không vận hành hiệu quả. Mâu thuẫn là đương nhiên khi các siêu cường khác không thể chấp nhận vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ. Nga từ chối đã vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc việc tấn công xâm lược Ukraine, cho rằng đây chỉ là hành động quân sự để tiêu diệt chủ nghĩa phát xít. Trong suốt 8 năm vừa qua, Nga đã cảnh báo Mỹ phải xem xét những hành vi của Mỹ, NATO vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc nhưng không được lưu tâm. Nga cũng cảnh báo an ninh Nga bị đe doạ nếu NATO được phép kết nạp thêm thành viên trong đó có Ukraine, tố cáo Mỹ đã phá cam kết giữa Clinton và Elsin về việc NATO liên tục kết nạp thêm 15 thành viên mới. Nhưng tất cả kiến nghị của Nga đều không được Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an xem xét, trong khi đó phương Tây vẫn tập trung sức mạnh quân sự cho Ukraine chống Nga. Cho tới lúc này, Liên hợp quốc không có vai trò hoà giải, kể cả khi Ukraine không thực hiện thoả thuận Minsk về hoà bình cho Ukraine, giúp giảm cường độ chiến tranh, mà thậm chí đổ dầu vào lửa thêm bằng cách lên án Nga. Cũng không có cuộc điều tra độc lập nào của Liên hợp quốc vào thảm sát ở Bucha.
Với sự bất lực như vậy của các thiết chế quốc tế, tình hình hiện nay sẽ chỉ là sự đụng độ sức mạnh giữa các cường quốc. Ở Ukraine, Nga sẽ làm tất cả những gì có thể để tiêu diệt bằng được các cơ sở quân sự gây lo ngại tiềm tàng cho an ninh Nga, tiêu diệt chủ nghĩa phát xít ở Ukraine do Mỹ và NATO đứng sau. Nga sẽ không dừng lại cho đến khi nào thực hiện được mục tiêu này.
Mỹ và NATO trong giai đoạn này vẫn đổ vũ khí, khí tài, không chỉ vũ khí thông thường mà cả vũ khí hạng nặng, vũ khí công nghệ cao để giúp chính phủ Ukraine tấn công lại sức mạnh quân sự của Nga. Cùng với đó là các lệnh trừng phạt nặng nề chưa từng thấy nhắm vào Nga. Mục tiêu thấy rất rõ là dùng trang thiết bị quân sự để tiêu hao lực lượng Nga và dùng trừng phạt kinh tế đẩy Nga vào khủng hoảng, rối loạn dẫn tới sụp đổ. Mỹ và NATO vẫn quyết tâm thực hiện mục tiêu bằng mọi giá làm cho Nga thất bại ở chiến trường Ukraine.
Đến nay chưa ai có thể đoán được chiến thắng thuộc về bên nào, nhưng thấy rõ ràng thế giới đang phân hoá mạnh mẽ. Nga và Trung ngày càng phối hợp chặt chẽ với nhau để hạ vai trò của Mỹ. Cuộc chiến Ukraine nhìn rộng hơn thể hiện việc Nga và Trung Quốc không chấp nhận vai trò một siêu cường của Mỹ, không chấp nhận một Liên hợp quốc vận hành theo cách như hiện nay. Ukraine chỉ là mục tiêu nhỏ trong một mục tiêu lớn hơn trên sân chơi địa chính trị quốc tế.
Nếu như Mỹ thành công trong cuộc chiến này, Mỹ sẽ củng cố được vị trí, vai trò của Mỹ. Mỹ củng cố niềm tin của đồng minh vào Mỹ, rằng Hoa Kỳ có thể thực hiện được ý muốn của mình trên thế giới như lâu nay vẫn làm, dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế mà Hoa Kỳ đã tạo dựng. Mỹ thắng thì nước Mỹ giữ vững trật tự một siêu cường, khống chế thế giới.
Nếu Mỹ thất bại, vai trò của Mỹ sẽ bị thách thức bởi hai cường quốc lớn là Nga và Trung Quốc. Và mặc nhiên, những thiết chế trước đây do Mỹ tạo dựng, như Liên hợp quốc đều đổ vỡ. Nguyên tắc lãnh đạo của Mỹ là không thực hiện được. Mỹ không thể dùng quyền lực và sức mạnh như trước đây, để đạt được mục tiêu. Nếu Nga thắng ở Ukraine thì nước này sẽ thành cường quốc mới, làm xói mòn trật tự thế giới của Mỹ, thế giới sẽ đa cực và vai trò của Liên Hợp Quốc sẽ thay đổi sau trận chiến này.
Nước Mỹ có chịu kịch bản này không. Nếu không, khả năng xảy ra xung đột giữa các cường quốc là rất lớn, không chỉ ở Ukraine mà có thể xảy ra chiến tranh trực tiếp hoặc uỷ nhiệm ở nhiều nơi khác. Ngay trong cuộc xung đột ở Ukraine hiện nay, không loại trừ khả năng chiến tranh hạt nhân có thể bùng nổ nếu một trong các bên thiếu kiềm chế.
Liên hợp quốc luôn tuyên bố tôn trọng chủ quyền, độc lập dân tộc. Đó là mong muốn của hầu hết các nước trên thế giới. Nếu thực hiện được, thế giới ổn định hơn. Thực tế cho thấy các nguyên tắc cơ bản này liên tục bị Mỹ và các nước lớn vi phạm nhiều lần. Điều đó cho thấy thế giới phụ thuộc vào các siêu cường có quân sự hùng mạnh hơn là một tổ chức liên chính phủ. Việc Liên hợp quốc không thể trở thành tổ chức quốc tế có thể giải quyết các vấn đề chiến tranh và hoà bình cho thấy thiết chế cũ đã không còn phù hợp. Việc Mỹ đứng đầu không phù hợp nữa. Hội đồng Bảo an với nguyên tắc đồng thuận của cả 5 thành viên thường trực có vẻ không phù hợp với bối cảnh quốc tế hiện nay.
Tóm lại, cuộc chiến tranh này là cuộc đối đầu toàn diện giữa Nga và phương Tây. Dù bên nào thắng bên nào bại, hậu quả toàn thế giới vẫn phải gánh chịu. Kinh tế toàn cầu sẽ khủng hoảng, an ninh quốc tế bị đe doạ và chính trị thế giới sẽ tiếp tục mâu thuẫn sâu sắc trong những năm tới. Đó là kết cục không thể tránh khỏi của cuộc đối đầu địa chính trị giữa các siêu cường.■
Bình Minh
(Theo Tạp chí Phương Đông)