Oleg Penkovsky: Điệp viên hai mang giá trị nhất của CIA thời kỳ Chiến tranh Lạnh

Oleg Vladimirovich Penkovsky (1919 – 1963), Đại tá tình báo quân đội của Liên Xô, là nhân vật cấp cao nhất của Liên Xô cung cấp thông tin tình báo cho phương Tây vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Với việc tiết lộ những bí mật quân sự quan trọng của Liên Xô, đặc biệt là về tên lửa đạn đạo, Penkovsky được coi là điệp viên hai mang giá trị nhất của CIA trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, và là một trong số ít người đã làm thay đổi tiến trình của cuộc chiến không tiếng súng này. Tạp chí Phương Đông lược dịch các chương nói về nhân vật này trong cuốn sách “CIA SpyMaster” xuất bản năm 2004 của tác giả Clarence Ashley, cựu chuyên gia phân tích của CIA. Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.

Penkovsky tìm đường đến với CIA

Một ngày tháng 8/1960, Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) nhận được một bức điện từ Đại sứ quán Mỹ tại  Matxcơva nói rằng họ sẽ chuyển cho CIA một bức thư liên quan tới một hoạt động bí ẩn. Bức thư được đưa tới đại sứ quán theo cách như sau. Một người đàn ông Nga ở  Matxcơva đã tiếp cận hai sinh viên Mỹ trong nhóm sinh viên đang đi thăm Liên Xô. Ông ta để ý tới hai chàng trai này từ lúc ở nhà ga xe lửa ở Kiev khi thấy họ nói tiếng Nga bập bõm với nhau. Ông ta muốn bắt chuyện với họ nhưng không dám vì sợ các hướng dẫn viên du lịch hoặc những người khác đi cùng có thể là cảnh sát mật của KGB. Ngày hôm sau, ông ta lại nhìn thấy nhóm sinh viên này tại một khu triển lãm hàng hóa Mỹ trong Công viên Sokolniki ở trung tâm Mát-xcơ-va. Chờ đến khi hai cậu sinh viên đi về khách sạn, ông ta mới bám theo họ và tối hôm đó, khi họ đang đi xuống phố, ông ta đột ngột tiếp cận họ và đưa ra một lá thư nhờ chuyển tới Đại sứ quán Mỹ. Để tăng thêm độ tin cậy, ông ta nói về vụ máy bay do thám U-2 của Mỹ mới bị Liên Xô bắn hạ và nói rằng ông ta biết rất chi tiết về vụ việc này qua các đầu mối liên hệ của mình. Tại thời điểm đó, Mỹ mới có ít thông tin về sự cố U-2, và phi công Mỹ lái chiếc máy bay đó sắp bị Liên Xô đưa ra xét xử trong vài ngày tới. Cuối cùng, một trong hai chàng trai trẻ đồng ý nhận chiếc phong bì to và dày từ người đàn ông lạ và đã mang tới Đại sứ quán Mỹ ngay trong tối hôm đó.

Khi George Kisevalter, sĩ quan chuyên tuyển dụng và quản lý điệp viên của CIA, nhìn thấy bức thư lần đầu tiên, ông ta đã rất ngạc nhiên. Bức thư được đánh máy bằng tiếng Nga, trong đó người viết nặc danh chế nhạo Chính phủ Liên Xô và nhấn mạnh rằng ông ta cực lực phản đối các hành động của chính phủ này. Ông ta ca ngợi màn biểu diễn của Van Cliburn, nghệ sĩ dương cầm người Mỹ đã giành giải trong cuộc thi piano Tchaikovsky. Ông ta nói có quen biết các nhân sự tại Đại sứ quán Mỹ ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, nơi ông ta từng làm Tùy viên quân sự của Liên Xô. Sau đó ông ta tuyên bố rằng “Tôi xin phụng sự các ngài và tôi có vài thông tin cực kỳ giá trị có thể chia sẻ”. Đi kèm bức thư là hai vật rất quan trọng.

Đại tá tình báo quân đội Liên Xô Oleg Penkovsky

Thứ đầu tiên thể hiện thành ý của tác giả bức thư. Đó là danh sách các sinh viên khóa tới của Học viện Ngoại giao Quân sự Liên Xô (sẽ tốt nghiệp 3 năm sau đó, tức là năm 1963), bao gồm họ tên đầy đủ, cấp bậc, ngôn ngữ họ sẽ học tại Học viện và quốc gia sau này họ sẽ được bổ nhiệm sang công tác, trong đó có Mỹ, Canada, Anh. Hầu hết là Tùy viên quân sự nhưng một số người được đánh dấu là “điệp viên ngầm” tiềm năng. Do “điệp viên ngầm” là những mật vụ có thể sang nước khác với danh tính giả và ngay cả đội ngũ an ninh sở tại có khi cũng không hề biết họ, nên bản danh sách này thực sự là đáng kinh ngạc. Bức thư viết tiếp “Các ông có thể kiểm tra nhiều nội dung trong số tôi gửi theo đây vì một số trong những người này đã ra nước ngoài rồi và các ông đã biết họ. Ngoài ra, tôi muốn các ông hướng dẫn cách thức để tôi có thể chuyển giao an toàn cho các ông một số thông tin hạt nhân tuyệt mật”. Bức thư không có chữ ký nhưng tác giả để lại một manh mối: “Tôi gửi lời chào tới người bạn Mỹ đầu tiên mà tôi quen ở Thổ Nhĩ Kỳ, Đại tá Charles MacLean Peeke”.

Vật đi kèm quan trọng thứ hai trong phong bì là một bức ảnh tập thể, trong đó có Đại tá Peeke – là Trưởng Tùy viên quân sự Mỹ tại Istanbul vào thời điểm chụp bức ảnh. Khuôn mặt của một sĩ quan quân sự Liên Xô đã bị xóa đi, ở phía trên có chữ “Tôi đây”. Đó là tất cả những gì người đàn ông bí ẩn có thể nói về mình vì sợ rằng chiếc phong bì có thể rơi vào tay không đúng người. Tuy nhiên, chỉ trong vài phút, nhóm của George Kisevalter đã nhận diện được tác giả đơn giản bằng cách xem các bức ảnh của Văn phòng Tùy viên Quân sự của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho tới khi tìm thấy một bản sao của toàn bộ bức ảnh. Người gửi là đại tá Oleg Vladimirovich Penkovsky, một sĩ quan cấp cao của GRU – Cơ quan Tình báo Quân sự nước ngoài của Liên Xô.

Một số người trong CIA cho rằng Penkovsky chỉ đang cố gắng thâm nhập CIA, nhưng George tin vào thành ý của ông ta. “Làm sao ai đó có thể cung cấp danh tính của 60 người đang công tác trên khắp thế giới – tất cả đều là cấp cao, tất cả những vị trí trong tương lai của họ, tất cả đều là những sĩ quan tình báo chiến lược – chỉ để chứng minh là anh ta đang vờ hợp tác”.

Và bằng chứng có lẽ là đáng tin cậy nhất về sự chân thành của Penkovsky diễn ra không lâu sau đó. Bởi Học viện Ngoại giao Quân sự Liên Xô có một ngày nhập học nên tất cả các sĩ quan trong khóa mới đều phải tạm rời vị trí công tác hiện tại để về trường đúng hạn. Và trong tất cả các trường hợp CIA có thể theo dõi thì việc này đã xảy ra. Không ai trong một cơ quan tình báo lại trao thông tin đó như một âm mưu thâm nhập; hành động đó sẽ gây thiệt hại cho quá nhiều người chỉ để khiến một người có vẻ đang “hợp tác với địch” thật.

Trong bức thư, tác giả còn mô tả chi tiết nơi để một hòm thư bí mật ở Mát-xcơ-va, và ông ta muốn người Mỹ đặt vào đó những chỉ dẫn về một phương thức an toàn để ông ta có thể chuyển cho Mỹ một gói hàng to bằng chiếc phong bì, trong đó có những thông tin chi tiết về tất cả các loại tên lửa trong kho vũ khí của Liên Xô, kể cả tên lửa hạt nhân. Ông ta chọn một bốt điện thoại ở một khu vực khác thuộc Mát-xcơ-va để CIA có thể nhắn dấu hiệu ở đó, chẳng hạn như một vệt phấn, để ra hiệu rằng các chỉ dẫn đã được đặt vào hòm thư bí mật. Hàng ngày ông ta sẽ đi qua bốt điện thoại này để kiểm tra, bắt đầu từ ngày thứ 3 kể từ khi giao bức thư.

Tất nhiên, ông ta không biết về các quy trình thủ tục rườm rà của CIA. Họ không thể hành động ngay sau 3 ngày. Chi nhánh của mật vụ George Kisevalter thậm chí còn chưa nhận được bức thư đó sau 3 ngày. Penkovsky cũng sai lầm khi cho rằng CIA có ai đó ở  Matxcơva có thể nhanh chóng truy vết và xác nhận thành ý của ông ta. Vì thế, mỗi ngày Penkovsky bắt đầu đi qua địa điểm báo dấu hiệu, từ tháng 8/1960, gần như cho tới khi ông ta gặp được George 8 tháng sau đó.

Tháng 4/1961, Cơ quan Tình báo nước ngoài của Anh (SIS, hay MI6) thông tin cho nhóm của George một câu chuyện khác về Penkovsky. Khi một thương nhân Anh tên là Greville Wynne tổ chức một phái đoàn thương mại Anh tới  Matxcơva, Penkovsky – với tư cách là thành viên của Ủy ban Nhà nước về Hợp tác Nghiên cứu Khoa học – đã tiếp cận ông ta và nhờ gửi một số phong bì tới Đại sứ quán Mỹ ở London. Tuy nhiên Wynne chỉ đồng ý chuyển giúp một bức thư gửi chung cho nhiều lãnh đạo của cả Anh và Mỹ, và đã nộp bức thư này cho MI6.

Vài tháng sau, MI6 báo với George rằng một phái đoàn gồm 6 nhà khoa học Liên Xô sẽ tới London trong 15 ngày, trong đó có thể có các đại diện của KGB hoặc GRU, và người phụ trách nhóm sẽ là Đại tá Oleg Penkovsky. Và cuộc gặp đầu tiên giữa 4 mật vụ của tình báo Anh, Mỹ với điệp viên được coi là “giá trị nhất” của CIA trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh đã diễn ra tại London.

Cuộc gặp mặt đầu tiên

Là người phụ trách phái đoàn Liên Xô sang Anh nên Penkovsky tranh thủ thu xếp được 17 cuộc gặp với CIA và MI6. Do ông ta được GRU – Cơ quan Tình báo Quân sự nước ngoài của Liên Xô – giao nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo trong chuyến đi này, nên CIA và MI6 đã cho phép ông ta chụp ảnh một số máy bay của Không quân Hoàng gia Anh bằng chiếc máy ảnh KF3 khiêm tốn của Liên Xô. Họ cũng giao cho Penkovsky một số sách hướng dẫn nhỏ về công nghệ thép của Anh để ông ta hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình với GRU.

Về phần mình, Penkovsky đã chỉ điểm cho MI6 toàn bộ các nhân sự tình báo của Liên Xô ở London. Khi các mật vụ Anh và Mỹ cho ông ta xem hàng nghìn bức ảnh, ông ta đã nhận diện khoảng 500 người của GRU và khoảng hơn 200 người của KGB. Họ cũng cung cấp cho Penkovsky hai chiếc máy ảnh Minox do Đức sản xuất và huấn luyện ông ta về mật mã vô tuyến để liên lạc sau này.

Đến thời điểm này, Penkovsky nhanh chóng cung cấp thông tin kỹ thuật về các tên lửa phòng không SA-2, loại đã bắn rơi máy bay do thám U-2 của Mỹ; về nhiều loại tên lửa đạn đạo tầm trung, bao gồm những loại sau đó sẽ được triển khai ở Cuba; và về kho dự trữ hạt nhân của Liên Xô. Ngoài ra, từ các cuộc trò chuyện giữa ông ta với các quan chức cấp cao của Liên Xô, Penkovsky còn tiết lộ nhiều điều về các ý định của Liên Xô. Chẳng hạn, ông ta nói rất nhiều về cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Berlin, về việc cắt giảm chi phí quân sự, sự thiếu hụt thực phẩm trên khắp đất nước, và sự khủng hoảng đạo đức kéo theo sau đó ở Liên bang Xô Viết. Ông ta tiết lộ rằng Nguyên soái Georgy Zhukov đã bị cho nghỉ và không còn được Khrushchev ưu ái nữa. Quan trọng nhất, ông ta nói rằng hiện tại không có tên lửa đạn đạo tầm trung đang hoạt động nào ở Liên Xô. Chúng vẫn đang trong quá trình được xây dựng.

Sau các cuộc gặp đầu tiên, nhóm tình báo của CIA và MI6 đã biết được đôi điều về tính cách và các động cơ của Penkovsky. Ông ta chán ghét hệ thống Cộng sản của Liên Xô và muốn nó bị phá hủy. Ngoài ra, ông ta cũng thể hiện khao khát được công nhận bản thân. Ông ta muốn gặp gỡ những người quan trọng. Ông ta đòi được hôn tay Nữ hoàng Anh, và khi ông ta đến Mỹ thì CIA phải bố trí cho ông ta gặp Tổng thống Kennedy. Rồi Penkovsky đưa ra một bản danh sách quà cáp cần mua sắm cho gia đình và bạn bè khi ông ta về nước, mà theo George Kisevalter nhớ lại thì “Đó không phải là một bản danh sách. Đó là một cuốn sách!”

Oleg Penkovsky (thứ 2 từ trái sang) cùng nhóm sĩ quan tình báo của CIA và MI6 tại Khách sạn Mount Royal ở London, năm 1961. George Kisevalter đứng ngoài cùng bên phải. Ảnh: CIA

Những trao đổi tiếp theo

Qua sắp xếp của tình báo Anh, đầu mối liên lạc của Penkovsky ở  Matxcơva sẽ là Janet Chisholm, vợ của một sĩ quan tình báo Anh đang làm việc tại Đại sứ quán Anh ở  Matxcơva mà người Liên Xô đã biết mặt. Penkovsky và Janet gặp nhau lần đầu tiên vào tháng 7/1961 tại một công viên mà người phụ nữ này thường dẫn các con đến chơi. Ông ta kín đáo đi qua chỗ họ, chào hỏi, thả vài băng cát-xét và vài tờ giấy vào chiếc túi đi chợ đã mở sẵn của Janet, cho lũ trẻ mấy chiếc kẹo, chúc họ một ngày tốt lành rồi rời đi.

Các tờ giấy của Penkovsky kể lại những cuộc trò chuyện ông ta nghe lén được tại lễ ăn mừng Nguyên soái Sergey Varentsov được thăng chức Chánh Nguyên soái Pháo binh, rằng Liên Xô sẽ ký một hiệp ước hòa bình riêng rẽ với Đông Đức bất chấp Hiệp định Potsdam đã ký với các nước Đồng Minh (mục đích là yêu cầu các nước Đồng Minh công nhận Đông Đức, để đặt nền móng cho một nước Đông Đức chiếm ưu thế bao gồm toàn bộ Berlin và sẽ vĩnh viễn nằm trong sự kiểm soát của Liên Xô). Penkovsky trích lời Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Malinovsky rằng ông ta sẽ dựng hàng rào thép gai ở Berlin để ngăn dòng người nhập cư sang phương Tây.

Trong chuyến đi thứ hai tới London vào tháng 7 đó, Penkovsky đã có 13 cuộc gặp với các mật vụ của CIA và MI6, chủ yếu là tiết lộ về các kế hoạch, suy nghĩ và chiến thuật của phía Liên Xô liên quan tới Berlin và cuộc khủng hoảng tại đây. CIA đồng ý trả cho Penkovsky mức lương hàng tháng ở cấp bậc Đại tá và còn thưởng thêm tiền. Tình báo Anh cũng trả tương tự.

Oleg Penkovsky sẵn sàng chấp nhận rủi ro cực lớn để thu thập tin tức tình báo cho Anh và Mỹ. Khi vào thư viện mật của GRU, vờ như để nghiên cứu, Penkovsky không bao giờ đọc các tài liệu mà mình chụp lại. Ông ta chỉ chụp lại mà thôi. Ông ta không mang theo một chiếc máy ảnh Minox, mà mang theo hai chiếc để không lãng phí thời gian. Penkovsky còn tìm tới Chánh Nguyên soái Varentsov – người phụ trách các tên lửa liên quan tới lực lượng pháo binh – để xin được tiếp cận các tài liệu tuyệt mật, đặc biệt là tài liệu liên quan tới việc phát triển tên lửa.

Tháng 9/1961, Penkovsky gặp lại nhóm sĩ quan tình báo của CIA và MI6 tại Paris, vẫn dưới vỏ bọc một chuyến đi tổ chức hội chợ thương mại cho Liên Xô. Ông ta tiết lộ với nhóm này mọi thông tin về Đại sứ quán Liên Xô ở Paris và nói rằng người Liên Xô đã thâm nhập toàn bộ nước Pháp, rằng ông ta thậm chí không dám liếc mắt nhìn vào Đại sứ quán Mỹ tại đây bởi ông ta biết rằng ngay cả người Rumani bán báo ở chân cầu thang cũng là một điệp viên của Liên Xô. Penkovsky còn nói rằng trước đó đã thu thập được thông tin chính xác và kịp thời về việc dựng Bức tường Berlin nhưng không có cách nào chuyển chúng đi. Để ngăn tình trạng này tái diễn, Penkovsky được cấp một chiếc máy truyền tín hiệu tầm ngắn có thể gửi đi tức thì một tin nhắn dài 300 chữ. Ông ta có thể để máy trong túi áo và nhấn nút khi đi gần Đại sứ quán Mỹ ở  Matxcơva. Tin nhắn của ông ta sẽ được chuyển đi ngay lập tức, và người Liên Xô sẽ chỉ có một khoảnh khắc cực ngắn để phát hiện tín hiệu.

Trong suốt 25 ngày ở Paris, Penkovsky gặp đội sĩ quan Anh – Mỹ 12 lần. Như mọi khi, họ vẫn phải mua rất nhiều quà cho ông ta mang về, trong đó có một bức tranh rất to mà vị Đại tá Liên Xô nhất định không cho gỡ ra khỏi khung. Khi tất cả cùng ra sân bay để về nước (tất nhiên là đi riêng rẽ), George vẫn nhìn thấy Penkovsky với bức tranh “khổng lồ” đó đang chuẩn bị lên máy bay. Đó cũng là lần cuối cùng nhóm sĩ quan CIA và MI6 nhìn thấy ông ta.

Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba

Tháng 10/1962, người Mỹ phát hiện ra tên lửa ở Cuba. Từ tháng 8, Giám đốc CIA khi đó là John McCone và một số thượng nghị sĩ Mỹ đã cảnh báo Tổng thống John Kennedy về điều này. Nhưng hầu như không ai trong chính quyền Kennedy tin vào sự hiện diện của tên lửa tấn công ở Cuba. Các chuyến bay do thám của máy bay Mỹ trên bầu trời Cuba đã chụp ảnh được các tên lửa tấn công vào ngày 14/10. Với những thông tin Penkovsky đã cung cấp trước đó, các loại tên lửa này đã được nhận dạng ngay lập tức. Chỉ trong vòng vài ngày, các chuyên gia của CIA đã xác định được tầm bắn và mức độ đe dọa của các tên lửa này. Penkovsky cũng từng tiết lộ rằng ở Liên Xô khi đó không có tên lửa liên lục địa nào đang hoạt động, nên Tổng thống Kennedy đã có trong tay con át chủ bài để đàm phán.

Dù Mỹ có ưu thế hơn Liên Xô về tên lửa tấn công cũng như về thông tin tình báo – một phần không nhỏ là nhờ Penkovsky – nhưng vẫn có những mối lo ngại lớn về nguy cơ xảy ra chiến tranh. Nhóm sĩ quan tình báo CIA – MI6 gửi tín hiệu vô tuyến cho Penkovsky để hỏi thông tin về tình hình, nhưng không nhận được câu trả lời.

Cuối cùng, cuộc khủng hoảng tên lửa cũng dần lắng dịu khi Liên Xô đồng ý rút tên lửa ra khỏi Cuba, đổi lại phía Mỹ phải đồng ý không đe dọa Cuba nữa và cam kết tháo dỡ các tên lửa tương tự của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Penkovsky đã có thể là một tài sản tình báo vô giá. Với vị trí một đại tá cấp cao trong quân đội Liên Xô, với mối liên hệ với Cơ quan Tình báo Quân sự nước ngoài của Liên Xô – GRU, cũng như mối quan hệ với các nhân vật như Varentsov, Penkovsky có thể đưa ra một tín hiệu cảnh báo sớm về một cuộc tấn công hạt nhân sắp diễn ra. Vì vậy, ông ta đã được hướng dẫn trước các quy trình hành động trong tình huống đó.

9 giờ sáng ngày 2/11/1962, sau khi cuộc khủng hoảng tên lửa dường như đã được giải quyết, Đại sứ quán Mỹ tại Matxcơva nhận được một cuộc gọi tại địa điểm hẹn trước và quan sát thấy các dấu hiệu như đã giao hẹn, chứng tỏ tin nhắn đã được nhét vào hòm thư bí mật. Một nhân viên CIA tại sứ quán được cử tới mở hòm thư. Nhưng ngay sau khi lấy bao diêm bên trong hòm thư bí mật ra, lập tức người này bị 4 người đàn ông lực lưỡng bắt giữ và kéo vào ô tô đưa đi. Chỉ trong vòng một giờ sau đó, một đầu mối liên lạc khác với Penkovsky là thương nhân người Anh Greville Wynne cũng bị bắt ở Budapest, Hungary. Ông ta được trao cho KGB và được đưa sang  Matxcơva để xét xử cùng với Penkovsky.

Điệp viên hai mang “giá trị nhất” của CIA thời kỳ Chiến tranh Lạnh

Cho dù Penkovsky đã chịu kết cục nào, thì đây vẫn là một trong những chiến dịch tình báo hiệu quả nhất của Mỹ trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Các tài liệu Penkovsky cung cấp được dịch ra khoảng 10.000 trang tiếng Anh, đa phần đều là thông tin tuyệt mật. Với những chiếc máy ảnh Minox được cung cấp và quyền được tiếp cận kho tư liệu tên lửa và tư liệu của GRU, ông ta đã sử dụng hiệu quả 110 cuốn băng phim, cho ra 5.000 khuôn hình, hầu hết đều đọc được tốt.

Penkovsky đã cung cấp cho người Mỹ và người Anh tiểu sử cá nhân của các tướng tá hàng đầu Liên Xô cùng biên bản các cuộc họp của Ủy ban Trung ương; thậm chí cả phiên bản tối mật của cuốn sách “Tư tưởng Quân sự” (Military Thought), trong đó cho thấy các quan điểm và ý định của các sĩ quan quân sự cấp cao nhất của Khrushschev.

Penkovsky đã chụp ảnh nhiều cuốn danh bạ điện thoại của Điện Kremlin, bao gồm cả của Bộ Quốc phòng, Học viện Khoa học…

Ông ta đã nhận diện hơn 300 nhân sự của GRU tại Mát-xcơ-va và gần 200 người ở nước ngoài, cùng 75 người của KGB, hầu hết là ở London và Paris.

Các thông tin mang tính chất kỹ thuật về tên lửa mà Penkovsky cung cấp đã giúp người Mỹ biết về so sánh tương quan giữa họ với Liên Xô trong cuộc chạy đua vũ trang. Ông ta cung cấp thông tin về một loại xe tăng mới mà Liên Xô đang sản xuất, nên người Mỹ đã tạo ra một loại tăng khác để chiến đấu với nó. Ông ta trao cho CIA và MI6 toàn bộ thông tin về tên lửa đất đối không SA-2 từng bắn hạ máy bay do thám U-2 của Mỹ ở cả Liên Xô và Cuba. Cuối cùng, ông ta đã cung cấp đặc điểm kỹ thuật của toàn bộ các loại rocket và tên lửa chiến thuật ở Liên bang Xô Viết.

Và quan trọng nhất là đa số các thông tin của Penkovsky đều rất kịp thời.

Penkovsky (giữa) tại phiên tòa xét xử tội gián điệp và phản quốc, tháng 5/1963. Nguồn: Theintercept.com

Penkovsky bị bại lộ và bắt giữ như thế nào?

Câu chuyện Penkovsky bị phát hiện làm điệp viên cho phương Tây bắt nguồn từ một sự tình cờ. Tất cả bắt đầu từ các cuộc gặp gỡ bí mật giữa Penkovsky và Janet Chisholm để trao đổi thông tin. Mọi chuyện diễn ra êm thấm từ cuộc gặp đầu tiên vào ngày 2/7/1961 tại Công viên Tsvetnoy cho tới cuộc gặp thứ 10 vào ngày 5/1/1962 tại cửa hàng Kommission.

Rồi tới ngày 12/1, Penkovsky hẹn Janet ở một nhà hàng rồi hai người cùng đi xuống phố (giữ khoảng cách) như thường lệ. Tình cờ, một nhóm theo dõi của KGB ở khu vực này nhìn thấy một người đàn ông Liên Xô đi vào một căn hộ và một phụ nữ phương Tây theo sau ông ta. Nhóm KGB không hề biết danh tính của cả hai, nhưng họ lưu ý tình huống bất thường này và nhanh chóng nhận diện được Janet.

Dù nghi ngờ cuộc gặp đã bị theo dõi nhưng Penkovsky vẫn tới tới cuộc hẹn tiếp theo với Janet vào ngày 19/1. Và điều này đã khiến ông ta phải trả giá bằng mạng sống của mình. Khi chia tay, Penkovsky hẹn gặp Janet vào lần tới như thường lệ, nhưng ngay sau đó ông ta phát hiện ra một chiếc xe đang nhanh chóng rời đi với nhóm theo dõi ngồi bên trong. Penkovsky biết rằng mình đang gặp nguy hiểm và quyết định sẽ không tới gặp Janet nữa.

Janet cũng nhìn thấy chiếc xe nhưng không thực sự nhận biết được vấn đề. Cô tiếp tục tới các điểm hẹn với Penkovsky trong những lần sau đó nhưng ông ta không xuất hiện lần nào nữa. Nhóm sĩ quan CIA – MI6 gửi tín hiệu vô tuyến mã hóa cho Penkovsky nhưng cũng không nhận được câu trả lời. Họ tiếp tục “mù tịt” thông tin cho tới tháng 3.

Khi nhóm theo dõi của KGB bám theo Janet Chisholm và Penkovsky trong cuộc gặp ngày 19/1 và sau đó xác định được danh tính của ông ta, họ vẫn không biết hai người này đang làm gì. Bước tiếp theo của KGB là tiến hành một cuộc điều tra toàn diện đối với Penkovsky. Họ lắp máy nghe trộm và camera trong căn hộ của Penkovsky để theo dõi mọi hành động của ông ta ngay tại nhà, và chờ đợi. Cuối cùng, vào một ngày tháng 10, họ thấy ông ta lấy từ ngăn bàn ra một cuốn hộ chiếu nội bộ cho phép đi lại tự do trong lãnh thổ Liên Xô (do CIA làm giả) và ký tên lên đó để kích hoạt việc sử dụng. Sợ để mất Penkovsky, KGB đã bắt giữ ông ta vào ngày 22/10/1962.

Oleg Penkovsky bị đưa ra xét xử trong một phiên tòa công khai vào ngày 7/5/1963 và bị kết án tử hình. Phía Liên Xô tuyên bố bản án đã được thực thi ngay sau đó, tuy nhiên có nhiều người hoài nghi việc này. Họ cho rằng có thể KGB sẽ giữ Penkovsky để khai thác thêm thông tin. Một số nguồn tin khác lại nói Penkovsky đã tự tử. Có thông tin thậm chí còn mô tả Penkovsky bị thiêu sống để làm gương cho các sĩ quan tình báo Liên Xô.■

Minh Thư lược dịch

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN