Nhận diện Trung Quốc trong một thế giới không ngừng biến động

1. Trung Quốc nhìn nhận thế giới

Trung Quốc bước vào thời đại mới trong bối cảnh – như ông Tập Cận Bình đã nhận định tại đại hội XIX (2017): “Thế giới đang trong thời kỳ đại phát triển, đại biến đổi, đại điều chỉnh”, nhưng “hòa bình và phát triển vẫn là chủ đề chính của thời đại”. Ông Tập Cận Bình cũng cho rằng, những biến đổi đó là “biến đổi 100 năm chưa từng có”. Giới lý luận Trung Quốc quy nạp cuộc “đại biến đổi” này vào sáu đặc điểm chủ yếu dưới đây và đặc điểm nào cũng mang ý nghĩa gợi ý chính sách với Trung Quốc:

(i) Cuộc cách mạng KHKT mới mà tiêu biểu là kỹ thuật mạng, in 3D, big data, máy tính đám mây, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật lượng tử… không chỉ hình thành các nghành công nghiệp mới, thúc đẩy sức sản xuât, thay đổi phương thức sản xuât, thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại mà còn làm thay đổi phương thức tư duy, phương thức sinh hoạt, phương thức giao tiếp của con người… Sự thay đổi ở đây là khoa học kỹ thuật đang trở thành một trong những yếu tố quyết định tư duy, quyết định chính sách cũng như làm thay đổi tương quan lực lượng giữa các quốc gia; hàm ý rằng khoa học kỹ thuật phải được đặt ở vị trí trung tâm của chiến lược phát triển mới của Trung Quốc.

(ii) Cuộc giao tranh về ý thức hệ, về hệ thống giá trị trở nên gay gắt hơn, thế giới được phân chia thành hai trận tuyến rõ ràng trên thực tế và cuộc giao tranh này còn kéo dài. Sự thay đổi ở đây là yếu tố ý thức hệ đang trở thành tâm điểm cạnh tranh giữa hai trận tuyến nói trên; hàm ý rằng Trung Quốc phải sẵn sàng cho cuộc chiến lâu dài mà trung tâm cuộc chiến sẽ là ý thức hệ

(iii) Cục diện quốc tế, trật tự thế giới, tương quan lực lượng toàn cầu biến đổi nhanh chóng, sâu săc nhất kể từ sau chiến tranh lạnh, trong đó Mỹ và phương Tây tiếp tục suy yếu, các nền kinh tế mới nổi mà tiêu biểu là BRICS và quãng đại các nước đang phát triển đang trỗi dậy, đang trong “quá trình kết thúc thời đại cũ” do các nước phát triển chủ đạo. Sự thay đổi ở đây là trật tự cũ do Mỹ đại diện đang “đi xuống”, thế giới đang trong quá trình kết thúc trật tự cũ; hàm ý là Trung Quốc phải làm gì trước cơ hội “Mỹ và phương Tây đang suy yếu”, thời đại cũ “đang trong quá trình kết thúc”.

(iv) Dưới tác động của mâu thuẫn giữa tính không ngừng biến đổi của cục diện quốc tế với nhu cầu ổn định chế độ của các quốc gia trong hệ thống quốc tế, cạnh tranh về quyền phát ngôn trong trật tự thế giới đã trở thành tầng nấc cạnh tranh cao nhất trong quan hệ quốc tế đương đại. Sự thay đổi ở đây là cạnh tranh về quyền phát ngôn đã trở thành “tầng nấc cạnh tranh cao nhất” trong cạnh tranh quốc tế; hàm ý là Trung Quốc cần tập trung vào việc giành quyền phát ngôn trong trật tự thế giới mới.

(v) Do đồng đô-la Mỹ vẫn đóng vai trò chi phối hệ thống tài chính – tiền tệ toàn cầu; do xuất hiện xu hướng “đi ngược trào lưu toàn cầu hóa”, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và chủ nghĩa đơn biên ngóc đầu dậy; do tác động của các mối uy hiếp an ninh phi truyền thống, đặc biệt là đại dịch Covid-19… kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức mới, với nhiều yếu tố không ổn định và bất xác định mới. Cái mới ở đây là kinh tế toàn cầu sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức mới; Hàm ý là Trung Quốc phải chủ động hóa giải thách thức, vươn lên nắm quyền dẫn dắt kinh tế toàn cầu, có thể biến khó khăn của thế giới trở thành cơ hội của Trung Quốc

(vi) Các loại mâu thuẫn trở nên phức tạp hóa, tác động, uy hiếp đa chiều hóa, làm cho thế giới ngày càng bất an. “Thế giới ngày càng bất an” vừa là lời cảnh báo chung vừa có hàm ý nhắc nhở Trung Quốc phải đề phòng sự “bất an” đó (“Chủ đề thời đại và hướng đi tương lai trong bối cảnh thế giới kịch biến” – Mạng Sohu; 21/2/2019).

Tại Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã xác định Trung Quốc đã thực hiện “đại biến đổi”. Ảnh: THX

Đa phần giới lý luận Trung Quốc cho rằng, trong thế giới ngày nay, khi “kinh tế toàn cầu hóa, chính trị đa cực hóa, quan hệ quốc tế dân chủ hóa, xã hội tin học hóa, văn hóa đa dạng hóa, uy hiếp đa chiều hóa… luôn tác động đan xen lẫn nhau một cách phức tạp, làm cho thế giới đang rơi vào hai trạng thái: nhu cầu đối thoại hợp tác gia tăng đồng thời đối kháng và cạnh tranh cũng gia tăng. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã trỗi dậy mạnh mẽ, đang trở thành động lực chủ yếu của kinh tế thế giới, là lực lượng dẫn dắt sự hình thành quan hệ quốc tế kiểu mới; địa vị và ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc ngày càng được nâng cao; trật tự quốc tế đã chuyển “từ một thế giới không công bằng do phương Tây chủ đạo sang một thế giới khác công bằng hơn với sự hợp tác đa phương do Trung Quốc dẫn dắt”. Và thế giới đang vận động theo hai vec-tơ ngược chiều nhau: Chủ nghĩa bá quyền Mỹ đang đi xuống và lực lượng toàn cầu hóa kiểu mới do sự trỗi dậy và mô hình phát triển của Trung Quốc làm đại diện đang đi lên. Nhiều học giả Trung Quốc ví Mỹ và phương Tây như đang “ở buổi hoàng hôn”, Trung Quốc thì đang “vào lúc mặt trời mọc”. Chính sự nhận định chủ quan này đã dẫn đến những ngộ nhận chiến lược của Trung Quốc về đối thủ, là nguồn gốc của những chính sách cao ngạo của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế, trước hết là với Mỹ. Chính sự cao ngạo của Trung Quốc đã dẫn đến sự phản tỉnh chiến lược của Mỹ mà tiêu biểu là sự thể hiện của Donal Trump trong chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên của ông ta, tháng 12/2017, trong đó xác định Trung Quốc là “đối thủ số 1”, là “uy hiếp lớn nhất đối với lợi ích, an ninh và sự phồn vinh của Hoa Kỳ”. Cho đến nay và một thời gian khá dài sau này, Trung Quốc còn phải trả giá cho sự phản tỉnh chiến lược này của Mỹ, kể cả với Biden và sau Biden.

Trung Quốc, kể cả ở tầng quyết sách, cho rằng lịch sử đã sang trang, họ đã thực hiện một cuộc đại nhẩy vọt từ “đứng lên”, “giàu lên” và đang “mạnh lên”; quá khứ thấp hèn của Trung Quốc đã vĩnh viễn trôi vào dĩ vãng và sẽ không bao giờ trở lại. Trung Quốc đã từ một “nước lớn” đang trở thành một “cường quốc”; từ quá trình phát triển xô bồ cốt để gia tăng về “lượng” của một nước lớn sang quá trình tích lũy về “chất” của một cường quốc; Trung Quốc cũng đang đi đến “gần tâm điểm của trung tâm vũ đài quốc tế hơn bao giờ hết”; “cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa đã ở thế không thể đảo ngược”… Đây là tư duy bao trùm của người Trung Quốc khi bước vào “thời đại mới”. Họ quyết đi “con đường riêng”, phất cao ngọn cờ “đặc sắc Trung Quốc” riêng của họ dù thế giới có thế nào đi chăng nữa. Chính sách và bước đi của Trung Quốc từ bắt đầu “thời đại mới”, đặc biệt là từ sau đại hội 19 đến nay đã luôn thể hiện thứ tư duy đó và chắc chắn một thời gian dài sau đại hội 20, thứ tư duy này vẫn ngự trị ở tầng quyết sách của Trung Quốc. Và “đặc sắc Trung Quốc” chính là nét khác biệt giữa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Trung Quốc dường như cố tình tạo ra và theo đuổi sự khác biệt đó như là một “đặc trưng Trung Quốc”, ưu việt hơn tất cả và chỉ có Trung Quốc mới có được.  Điều này làm cho Trung Quốc đi từ tự tin thái quá đến cao ngạo tự mãn; trở thành lý do để một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng quốc tế phản cảm với chính sách của Trung Quốc, Trung Quốc trở nên ít nhận được sự đồng cảm và sự chấp nhận một cách tự giác của thế giới.

2. Nhận diện về một Trung Quốc “thời đại mới”

2.1. Về địa chính trị chiến lược:

(i) Trong chiến lược chung, Trung Quốc vẫn kiên trì “lấy phát triển kinh tế làm trung tâm” của mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước Trung Quốc; tìm mọi cách thúc đẩy kinh tế phát triển, trước hết là vượt Mỹ, trở thành nền kinh tế số 1, đủ khả năng  dẫn dắt kinh tế thế giới và từ khả năng dẫn dắt kinh tế đi đến khả năng chi phối về chính trị chiến lược. Thực tế hoạch định và triển khai chính sách của Trung Quốc từ sau Đại hội XVII, tức từ khi Trung Quốc bước vào “Thời đại mới”, đã cho thấy những dấu hiệu chứng tỏ Trung Quốc đang nung nấu một chiến lược toàn cầu mới; Chiến lược toàn cầu đó sẽ được hình thành với hai trục chính, một là dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu; hai là giành quyền phát ngôn trong trật tự thế giới thông qua việc chủ động tích cực tham gia quá trình cải cách hệ thống quản trị toàn cầu. Nói cách khác là Trung Quốc tập trung toàn lực cho phát triển kinh tế để đủ sức lãnh đạo thế giới bằng sức mạnh kinh tế vượt trội. Chiến lược toàn cầu mới này có thể sẽ được hình thành tại Đại hội XX dưới một tên gọi và cách diễn đạt nào đó; chương trình hành động của Trung Quốc sau Đại hội XX sẽ xoay quanh và phục vụ cho chiến lược này.

(ii) Trung Quốc  đi vào “thời đại mới” nghĩa là bước vào một giai đoạn phát triển mới, một bước ngoặt mới, sở hữu một thực lực mới (chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, vị thế quốc tế) mạnh hơn, ảnh hưởng lớn hơn. Đó là một thực tế không thể không thừa nhận; những khó khăn thách thức mà Trung Quốc đang phải đối mặt, tuy còn nhiều nhưng không thể phủ định được thực tế hiển nhiên này. Với thực lực mới đó, Trung Quốc đã có những đóng góp đáng kể cho thế giới nhưng đồng thời cũng tạo ra những lo ngại không nhỏ cho nhiều đối tác trên toàn cầu. Chính sách của Trung Quốc nhìn chung sẽ cứng rắn hơn, sức nặng kinh tế trong chính sách lớn hơn, mang tính áp đặt hơn, nhất là trên những lĩnh vực thuộc về cái gọi là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc (chủ quyền, an ninh, quyền lợi phát triển) và với những đối tượng “có vấn đề” với Trung Quốc, đặc biệt là có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Nhìn chung, Trung Quốc sẽ là một đối tác mạnh hơn đồng thời cũng “khó chơi” hơn, khó đối thoại hơn, ít nhân nhượng hơn. Đây là một thực tế khó chịu nhưng không thể không tính đến trong hoạch định chính sách của bất cứ quốc gia nào liên quan đến Trung Quốc.

Sáng kiến Vành Đai và Con đường của Trung Quốc nhằm trong nỗ lực vươn lên trở thành một lãnh đạo khu vực châu Á và một cường quốc thế giới – Sơ đồ Chiến lược Một Vành Đai – Một Con Đường của Trung Quốc. (Nguồn hình: Xinhua Finance Agency, 2015).

(iii) Sau đại hội XX, Trung Quốc sẽ sải bước nhanh hơn vào “thời đại mới”, sẽ đưa Trung Quốc lên nấc cao mới, sẽ tạo ra những cơ hội mới và thách thức mới cho thế giới, đặc biệt là đối với khu vực xung quanh Trung Quốc. Với những gì Trung Quốc đã trải qua gần đây, từ chiến tranh thương mại và đối đầu chiến lược Trung Mỹ; ứng phó dại dịc Covid, những trục trặc trong triển khai BRI, sự thờ ơ của đa phần thế giới đối với “cộng đồng chung vận mệnh nhân loại”… Trung Quốc đang cảm nhận được nhu cầu thay đổi của chính bản thân họ. Trung Quốc gần đây nhắc nhiều đến vấn đề “tự cách mạng mình” (trong nghị quyết, văn bản chính thức đều nhắc tới), nghĩa là tự vượt lên trên chính mình, hoàn thiện hơn. Tập Cận Bình kêu gọi phải xây dựng hình ảnh của một Trung Quốc “đáng yêu, đáng tin và đáng kính”, phải chan hòa trong quan hệ quốc tế… (tại Hội nghị học tập tập thể của Bộ Chính trị ngày 30/5/2021). Phải chăng Trung Quốc đang tính đến khả năng điều chỉnh một số chính sách để làm cho bước đi của họ “ổn” hơn, tạo môi trường bên ngoài bình an hơn để thực hiện tốt hơn phương châm “tiến lên trong ổn định”. Đây là hướng cần quan sát, đặc biệt là khả năng điều chỉnh chính sách đối với láng giềng, chu biên

(iv)  Bên cạnh những thành tựu, Trung Quốc cũng đang đứng trước nhiều thách thức về địa chính trị chiến lược, có thể nêu 4 mặt chủ yếu:

Hậu quả của các chính sách bành trướng, ngạo mạn nước lớn của Trung Quốc (từ trong quá khứ và hiện tại) đã làm nghiêm trọng hơn sự nghi ngại chiến lược, xói mòn lòng tin đối với Trung Quốc. Nhiều quốc gia chủ trương “kinh tế dựa vào Trung Quốc, chính trị-an ninh dựa vào Mỹ” đã làm cho Trung Quốc rất khó đạt mục tiêu chuyển hóa “áp lực kinh tế” thành “ảnh hưởng chính trị-chiến lược”, làm cho những tiêu tốn kinh tế rất lớn của Trung Quốc cho mục tiêu này không đạt được những kết quả địa chính trị như họ mong muốn. Từ đó, Trung Quốc rất khó triển khai “sức mạnh mềm”, ảnh hưởng tiêu cực đến hình tượng “phát triển hòa bình” của Trung Quốc. Phải nói rằng, đây là một “thất thố chiến lược” lớn của Trung Quốc trên thực tế, do cộng hưởng của các chính sách phản cảm của bản thân Trung Quốc với các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, trước hết là Mỹ tạo thành, khiến Trung Quốc đang phải trả giá.

Quan hệ song phương với Mỹ mặc dù đã có những dấu hiệu mới sau cuộc gặp trực tuyến Tập – Biden tháng 11/2021 nhưng vẫn tiếp tục căng thẳng; Mỹ vẫn là nhân tố chủ yếu đối đầu quyết liệt với Trung Quốc trên lĩnh vực ý thức hệ và hệ thống giá trị, làm cho môi trường quốc tế của Trung Quốc xấu đi hơn bao giờ hết. Mỹ cơ bản đã tập hợp được đồng minh và thế giới phương Tây trong mục tiêu kiềm chế Trung Quốc, “mặt trận thống nhất phương Tây kiềm chế Trung Quốc” vẫn để ngỏ khả năng hình thành. Cạnh tranh, thậm chí là đối đầu ý thức hệ, hệ thống giá trị của Mỹ/phương Tây với Trung Quốc trên thực tế đã tạo nên không khí “tiền chiến tranh lạnh mới” khiến Trung Quốc phải đối phó thường xuyên và lâu dài, trở thành một cản trở rất khó vượt qua đối với Trung Quốc trong môi trường quốc tế. Tập Cận Bình mới đây đưa ra nguyên tắc 3 điểm trong quan hệ với Mỹ: “Tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình, hợp tác cùng thắng” (Vương Nghị trả lời THX ngày 30/12/2021) nhưng xem ra phía Mỹ không mấy mặn mà, mặc dù Trung Quốc đã cố ý “hạ mình” khi thêm vào “chung sống hòa bình” trong nguyên tắc trên ( lần đầu tiên). Triển vọng quan hệ Trung Mỹ, về lý thuyết, có thể sẽ theo hướng mà Tập và Biden đã đạt được thỏa thuận (11/2021): tìm cách quản lý bất đồng, không để cạnh tranh biến thành xung đột. Tuy nhiên quá trình hiện thực hóa thỏa thuận này sẽ không đơn giản; Mỹ vẫn là và luôn luôn là vật cản trên con đường đi lên của Trung Quốc, vì Mỹ sẽ không dễ dàng để cho Trung Quốc “cướp ngôi” của mình (lãnh đạo thế giới). Đây có lẽ là vật cản lớn nhất và không tồn tại cũng không mất đi theo ý chí chủ quan của Trung Quốc; Trung Quốc phải chịu đựng, thích nghi và ứng phó lâu dài với nó.

Chính học giả Trung Quốc cũng cho rằng, Trung Quốc hiện đang đối mặt với 3 thách thức lớn: Thách thức lớn đầu tiên là làm thế nào xây dựng được hình ảnh quốc tế đáng tin cậy và dễ mến vì hình ảnh của Trung Quốc  đã xấu đi rõ rệt trong vài năm trở lại đây. Thách thức lớn thứ hai là làm thế nào để Trung Quốc tham gia sâu hơn vào quản trị toàn cầu, làm thế nào để cân bằng giữa nghĩa vụ quốc tế và nhu cầu trong nước. Cuối cùng, thách thức khó khăn nhất mà Trung Quốc phải đối mặt là làm thế nào để kiểm soát được tính không ổn định của quan hệ Trung-Mỹ (Trương Gia Đông, Giáo sư Đại học Phúc Đán, đăng trên Global Times, 5/1/2021).

Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức mới: “Bộ tứ” Mỹ – Nhật – Ấn – Úc đẩy mạnh triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương, liên minh quân sự mới Mỹ – Anh – Úc (AUKUS), Thỏa thuận quân sự mới Nhật – Úc (RAA – 6/1/2022)… đều là những thách thức mới hình thành sau khi Trung Quốc bước vào “thời đại mới” và đều ở khu vực trọng điểm chiến lược xung quanh Trung Quốc. Mỹ/phương Tây đang tìm cách kết nối các thách thức mới này với các nguy cơ tiềm tàng trong các vấn đề Đài Loan, Biển Đông, biển Hoa Đông, vấn đề Hongkong, biên giới Trung Ấn… cũng như trong cuộc chạy đua về khoa học công nghệ vào trong một chiến lược chung kiềm chế Trung Quốc, nhằm thu hẹp không gian chiến lược của Trung Quốc, làm cho Trung Quốc luôn ở thế bị động đối phó.

Đặc biệt là các thách thức đối với Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan ngày càng nghiêm trọng, càng “nóng” lên. Thế giới ngày càng coi đây không chỉ là vấn đề nội bộ của Trung Quốc mà là vấn đề cốt lõi của quan hệ Trung Mỹ, vấn đề của hòa bình khu vực, vấn đề của trào lưu dân chủ, vấn đề của luật pháp quốc tế… Sự khác biệt giữa Trung Quốc với thế giới bên ngoài, đặc biệt là với Mỹ về quan niệm làm cho vấn đề Đài Loan càng trở nên khó giải quyết. Trên thực tế tình hình eo biển Đài Loan ngày càng căng thẳng, nguy cơ xung đột quân sự luôn treo lơ lửng trên bầu trời eo biển Đài Loan. Trung Quốc luôn đe dọa khả năng sử dụng quân sự để “giải phóng Đài Loan”. Nhưng khả này rất khó, nếu không nói là không thể thực hiện, có mấy lý do: Một là Đài Loan đã trở thành một mắt xích không thể tách rời của “mặt trận dân chủ toàn cầu”, gắn chặt với Mỹ và phương Tây; lại là “một chiến hạm không bao giờ bị đánh chìm” trong chiến lược của Mỹ (nhiều chiến lược gia Mỹ đã từng tuyên bố); Mỹ và đồng minh chắc chắn sẽ can thiệp nếu Trung Quốc dùng quân sự tấn công Đài Loan. Quy mô và hậu quả của sự can thiệp này (không chỉ bằng quân sự) là rất khó lường. Hai là, nếu dùng quân sự, bản thân Trung Quốc cũng bị sứt mẻ , nhất là khu vực miền Đông đối diện với Đài Loan, khu vực phát triển thịnh vượng nhất của Trung Quốc. Ba là lực lượng của Đài Loan cũng không phải tầm thường, điều kiện chiến trường phức tap (phải vượt qua khoảng gần 200 km bờ biển), Trung Quốc không thể “đập một phát chết ngay”, Đài Loan có lực lượng để kéo dài kháng cự, có thể gây thiệt hại đáng kể cho Trung Quốc. Bốn là phản ứng quốc tế sẽ rất gay gắt; “hình ảnh phát triển hòa bình” của Trung Quốc có nguy cơ bị sụp đổ. Bởi vậy vấn đề Đài Loan đối với Trung Quốc vẫn trong trạng thái “nuốt không trôi, nhả không ra”.

2.2. Về Kinh tế:

Nhìn tổng thể, Trung Quốc đã tranh thủ được đièu kiện sớm ra khỏi Covid-19, kinh tế Trung Quốc năm 2021 đã phát triển tương đối ổn định, toàn diện, tạo tiền đề tốt cho kinh tế năm 2022. Trên cơ sở xác lập “vai trò hạt nhân” của Tập Cận Bình và “vị trí chỉ đạo” của tư tưởng Tập Cận Bình mà Hội nghị Trung ương 6 vừa tái khẳng định, kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển theo phương châm “vận hành trong phạm vi hợp lý”, “tiến lên trong ổn định”, không để xẩy ra sai sót lớn mà Trung Quốc gọi là “sai lầm mang tính lật đổ”, ảnh hưởng đến Đại hội XX.

Trung Quốc hiện có nhiều thuận lợi cho bước phát triển tiếp theo: Cơ bản ra khỏi đại dịch Covid-19, đi vào chu kỳ khôi phục và phát triển mới sớm nhất so với các chủ thể kinh tế chủ yếu trên toàn cầu; Đã có một nền đại công nghiệp tương đối hoàn chỉnh và đang được hiện đại hóa làm cơ sở; khả năng tài chính mạnh, là chủ nợ lớn nhất, là đối tác thương mại lớn nhất của trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ; Sở hữu một hệ thống thị trường nội địa siêu lớn, đứng đầu thế giới, giá trị vào khoảng 17 ngàn tỉ USD vào năm 2030, với khoảng 150 triệu chủ thể thị trường có khả năng cạnh tranh; tầng lớp trung lưu không ngừng lớn mạnh (khoảng 400 triệu người), thu nhập và sức mua được nâng cao, tạo cơ sở vũng chắc cho tiêu dùng-dịch vụ đóng vai trò động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, nhờ đó kinh tế Trung Quốc ngày càng có khả năng vượt qua các áp lực ngày càng lớn từ môi trường bên ngoài. Thị trường nội địa siêu lớn chính là ưu thế lớn nhất của kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là trong giai đoạn Trung Quốc đang thực hện sách lược phát triển mới “tuần hoàn kép”, lấy tuần hoàn trong nước làm chủ thể. Sau Covid-19, nhu cầu của thế giới đối với thị trường Trung Quốc có thể sẽ nâng cao, tuy Trung Quốc vẫn cần thế giới nhưng thế giới cũng cần Trung Quốc hơn. Ngoài ra, cũng phải nhắc tới tính hiệu quả của chính sách kinh tế (chuyển sang “phát triển chất lượng cao”, “mở cửa trình độ cao”, bước đi thận trọng, thực tế, an toàn); không gian phát triển còn rất lớn (chiến lược đô thị hóa kiểu mới, các dự án xây dựng hạ tầng lớn, phát triển các nghành công nghiệp mới, triển khai RCEP…).

Các cơ quan nghiên cứu, các chiến lược gia quốc tế hầu như đã có nhận thức chung rằng, tổng lượng kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào khoảng từ 2028 – 2032. Tổng lượng kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ chỉ là vấn đề thời gian. Mặc dù “tổng lượng” không có vai trò quyết định bằng “chất lượng” của một nền kinh tế nhưng điều này thật sự đã cổ vũ Trung Quốc tự tin đi vào “thời đại mới” theo con đường riêng của họ.

Trong giai đoạn hiện nay và một thời gian sắp tới, Trung Quốc vẫn xác định lấy ổn định kinh tế làm cơ sở bảo đảm ổn định chính trị-xã hội. Trong “ổn định”, Trung Quốc sẽ tập trung cao hơn cho v/đ dân sinh, trong đó vấn đề “cùng giàu lên” được đặt ở vị trí chiến lược, được coi là là “đặc trưng bản chất của CNXH, là mục tiêu của CNXH, là sự thể hiện tất yếu của tính ưu việt của chế độ XHCN… và coi phát triển sức sản xuất là tiền  đề của việc thực hiện “cùng giàu lên”. Trung Quốc cũng chủ trương tìm tòi con đường thực hiện “cùng giàu lên” phù hợp với thực tế Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc cũng vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trong thời đại mới. Ngoài những khó khăn thách thức đã thường nêu, sẽ có 6 loại thách thức khó khăn nổi bật: (i) Tác động của nhân tố địa chính trị vào kinh tế ngày càng lớn, nhất là ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật hiện đại vì mục đích chính trị là kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc (ii) Lão hóa dân số nhanh hơn dự kiến, tạo ra tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động ngày càng nghiêm trọng (10 năm tới là thời kỳ có những thay đổi lớn trong kết cấu dân số Trung Quốc. Nghiên cứu của Viện KH xã hội Trung Quốc gần đây cho thấy, dân số Trung Quốc bắt đầu giảm từ 2027; WB cho rằng từ 2029, dân số Trung Quốc sẽ tăng trưởng âm; đồng thời dân số trong tuổi lao động cũng bắt đầu giảm với tốc độ giảm bình quân 7,8 triệu người/năm. Nghiên cứu của WB dự báo dân số Trung Quốc sẽ đạt đỉnh trong vài năm nữa nhưng sô người già từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm tới ¼ tổng dân số. Nếu không giải quyết được vấn đề lão hóa, có thể Trung Quốc sẽ không bao giờ thực hiện được việc vượt Mỹ toàn diện) (iii) Thiếu hụt tài nguyên, an ninh năng lượng, an ninh lương thực là những thách thức mang tính chiến lược lâu dài  (iv) Ảnh hưởng của các uy hiếp biến đổi khí hậu, thiên tai, môi trường, ly khai… ngày càng liên quan trực tiếp đến phát triển, thậm chí là đến cả sự sinh tồn của Trung Quốc (v) Giải quyết hậu quả của dịch bệnh và nhưng diễn biến khó lường của các biến thể Covid-19. (vi) Chất lượng của nền kinh tế còn kém khá xa các nền kinh tế phát triển, đặc biệt là về thu nhập bình quân đầu người (hiện thu nhập bình quân của Trung Quốc xếp thứ 13 ở châu Á và thứ 63 trên toàn cầu, mặc dù tổng lượng kinh tế đứng thứ 2 thế giới); phát triển kinh tế chất lượng cao còn phải đi một quãng đường dài.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc không những đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của nước Trung Quốc già cỗi và lạc hậu, đổi đời cho khoảng 1/5 dân số thế giới mà còn làm thay đổi trật tự thế giới, thay đổi tương quan lực lượng toàn cầu theo hướng có lợi cho phong trào giải phóng dân tộc, cho các nước đang phát triển, góp phần quan trọng thúc đẩy xu hướng đa cực hóa, toàn cầu hóa kinh tế; tạo đối trọng hầu như là duy nhất với siêu cường Mỹ. Trung Quốc cũng đã đóng vai trò không thể thay thế trong chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; sau Covid-19, vai trò này của Trung Quốc càng được khẳng định. Mặt khác một Trung Quốc lớn mạnh hơn sẽ là đối thủ khó đối phó hơn trong cạnh tranh nước lớn toàn cầu, nhất là với Mỹ; các quốc gia có mâu thuẫn, có “vấn đề” với Trung Quốc cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong đấu tranh bảo vệ lợi ích của mình.

Phát triển ổn định của Trung Quốc có lợi cho phát triển của Việt Nam. Nhiều vấn đề lý luận về đảng cầm quyền, kinh tế thị trường XHCN, “hiện đại hóa hệ thống và năng lực quản trị quốc gia”, “xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại hóa”; “cải cách hành chính”, vấn đề chức năng của chính phủ và quan hệ giữa chính phủ và thị trường… Trung Quốc đã có tổng kết, có những bài học kinh nghiêm ta có thẻ tham khảo. Nhiều dấu hiệu cho thấy quan hệ Việt Trung đang có xu hướng hòa dịu hơn (ít nhất là cho đến đại hội 20), hợp tác hai bên có triển vọng được tăng cường hơn. Thời gian tới Trung Quốc sẽ tích cực thúc đẩy việc triển khai RCEP (do Trung Quốc chủ trì trên thực tế), đẩy nhanh quá trình đàm phán gia nhập CPTPP; đẩy mạnh phát triển khu vực phía Nam giáp với Việt Nam và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với ASEAN (tập trung cho hợp tác BRI chất lượng cao). Ta cần tính toán tranh thủ các cơ hội có thể được tạo ra trong quá trình này, tối đa hóa lợi ích của Việt Nam trong hợp tác cùng có lợi với Trung Quốc.■

Tùng Lâm

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN