Khu vực dịch vụ đã và đang có những đóng góp hết sức quan trọng cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, nhưng kết quả đạt được còn khiêm tốn so với các quốc gia so sánh khác. Những đề xuất trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới mở ra nhiều khuyến nghị chính sách để khai thác hết tiềm năng của ngành dịch vụ Việt Nam.

Thành công của Việt Nam khi theo đuổi mô hình chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu đã được ca ngợi nhiều, nhưng cũng không nên bỏ qua vai trò của dịch vụ trong việc thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi kinh tế. Trong thập kỷ qua, khu vực dịch vụ đóng góp khoảng 40 – 50% cho tăng trưởng GDP. Đó cũng là khu vực thu hút được số lượng đáng kể lao động dịch chuyển ra khỏi ngành nông nghiệp trong quá trình chuyển đổi cơ cấu diễn ra ở Việt Nam. Tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành dịch vụ tăng từ 19% năm 1991 lên 35,3% năm 2019, không hề kém so với tốc độ tăng tỷ lệ lao động trong khu vực công nghiệp, với tốc độ tăng từ 10% năm 1991 lên 27,4% năm 2019. Tốc độ tăng nêu trên cũng đem lại lợi ích cho các ngành, lĩnh vực ngoài dịch vụ, do khu vực dịch vụ cung cấp những yếu tố đầu vào quan trọng cho sản xuất công nghiệp và xuất khẩu, bao gồm các dịch vụ ngân hàng, dịch vụ logistics và dịch vụ vận tải.

Quá trình lao động dịch chuyển từ ngành nông nghiệp chuyển sang làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ và chế tạo chế biến đã và đang làm tăng tổng năng suất. Năng suất lao động (được đo bằng giá trị gia tăng trên mỗi lao động) đã dần được nâng lên trong các lĩnh vực chế tạo chế biến và một số lĩnh vực dịch vụ như vận tải và “các dịch vụ khác” (bao gồm cả dịch vụ cho cá nhân). Các dịch vụ cho doanh nghiệp (bao gồm CNTT&TT, các dịch vụ hành nghề chuyên nghiệp, và dịch vụ hành chính) có số việc làm tăng mạnh, sử dụng lao động gấp 4,8 lần vào năm 2018 so với năm 2000.

Mặc dù đã có những đóng góp nhất định cho năng suất, việc làm và tăng trưởng về quy mô, nhưng kết quả đạt được của khu vực dịch vụ tại Việt Nam vẫn đi sau các quốc gia so sánh. Tất cả các nền kinh tế thu nhập cao đều có đặc trưng sở hữu một khu vực dịch vụ lớn, vừa là nơi thu hút việc làm lớn nhất vừa tạo giá trị gia tăng, đóng vai trò thiết yếu để nâng cao năng suất cho các nền kinh tế đó. Ví dụ, vào năm 2019, dịch vụ (theo giá trị gia tăng) chiếm 70.8% GDP của Singapore và 57.2% của Hàn Quốc. Tỷ lệ lao động trong ngành dịch vụ lần lượt chiếm 84% và 70% tổng số lao động tại Singapore và Hàn Quốc.

Năng suất và việc làm trong khu vực dịch vụ của Việt Nam vẫn thấp hơn so với các quốc gia so sánh trong khu vực, các quốc gia có cơ cấu tương đồng và phát triển hơn. Mặc dù tăng tới 34,3% trong giai đoạn 2011-2019, năng suất lao động trong khu vực dịch vụ của Việt Nam (được đo bằng giá trị gia tăng trên mỗi lao động) chỉ tương đương với Bangladesh và còn thấp hơn nhiều so với các quốc gia so sánh khác. Đến năm 2019, tỷ trọng việc làm trong các ngành dịch vụ ở Việt Nam chỉ cao hơn so với Ấn Độ và Lào.

Tàu Celebrity Millennium 5 sao thuộc hãng tàu biển Royal Caribbean Cruise Lines của Mỹ cập bến Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long, Quảng Ninh. Ảnh: Du lịch Việt Nam

Chỉ có 6,4% trong tổng việc làm tại khu vực dịch vụ của Việt Nam tham gia các loại hình dịch vụ quan trọng đòi hỏi kỹ năng cao, thuộc nhóm các dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu. Tỷ trọng như vậy tương đương với Phillippines, nhưng thấp hơn so với Ai Cập, là quốc gia có mức thu nhập tương đương Việt Nam. Tuy nhiên, các nền kinh tế thu nhập cao hơn như Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Mexico và Thái Lan đều có tỷ lệ việc làm cao trong nhóm các dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu. Đó là những việc làm đóng góp nhiều nhất cho năng suất lao động cũng như đem lại giá trị gia tăng cao hơn cho nền kinh tế, so với nhiều việc làm dịch vụ khác. Tỷ trọng việc làm trong các dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam thậm chí còn thấp hơn (khoảng 5%) nếu tính theo GDP trên đầu người, đạt thứ hạng thấp hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia so sánh. Tại Việt Nam, các dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu chỉ đóng góp 9% vào tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ, thấp hơn nhiều so với hầu hết quốc gia khác trong khu vực.

Lĩnh vực dịch vụ ở Việt Nam có đặc trưng là gồm các doanh nghiệp trong nước nhỏ, ít vốn và ít kết nối với các thành phần khác của nền kinh tế. Đó chính là lý do đã và đang làm hạn chế mức độ phát triển của khu vực dịch vụ. Các doanh nghiệp dịch vụ ở Việt Nam đang hoạt động ở quy mô nhỏ hơn so với các quốc gia có cùng mức thu nhập. Mặc dù doanh nghiệp dịch vụ trên thế giới thường nhỏ hơn so với doanh nghiệp chế tạo chế biến, nhưng sự khác biệt ở Việt Nam được thể hiện rõ nét hơn. Trong khi một cơ sở chế tạo chế biến bình quân sử dụng 6,7 lao động thì một doanh nghiệp dịch vụ ở Việt Nam bình quân chỉ sử dụng 1,5 lao động. Quy mô như vậy chỉ bằng một nửa so với dự kiến nếu xét đến GDP, thấp hơn 3,4 lần so với quy mô bình quân tại các quốc gia thu nhập cao. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp dịch vụ của Việt Nam chưa khai thác được đầy đủ hiệu quả kinh tế do quy mô.

Quy mô doanh nghiệp dịch vụ còn nhỏ cũng gây ảnh hưởng đến năng suất của chính các doanh nghiệp đó và cả của nền kinh tế. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp dịch vụ siêu nhỏ (sử dụng dưới mười lao động) có năng suất thấp hơn gấp ba lần so với các doanh nghiệp dịch vụ lớn (sử dụng trên 250 lao động) và thấp hơn 2,5 lần so với doanh nghiệp quy mô vừa (sử dụng từ 50 đến 249 lao động). Điều đó có nghĩa là quy mô doanh nghiệp dịch vụ càng lớn thì bản thân doanh nghiệp càng có năng suất cao hơn. Đó là dấu hiệu cho thấy nhu cầu cần nâng cao năng suất và quy mô ở các doanh nghiệp dịch vụ nhỏ của Việt Nam.

Trên cơ sở những phân tích trên, một số định hướng chính sách sau được xác định cho ngành dịch vụ Việt Nam.

Trước hết, Việt Nam có thể giảm hơn nữa những hạn chế về thương mại dịch vụ và sự tham gia của đầu tư nước ngoài. Chỉ số hạn chế thương mại dịch vụ (STRI) của OECD cho thấy những lĩnh vực dịch vụ “xương sống” – như viễn thông, kho vận (logistics), hàng không, dịch vụ pháp lý, ngân hàng, và bảo hiểm – vẫn phải đang đối mặt với nhiều rào cản hạn chế lớn và đến nay chưa có nhiều tiến triển trong việc loại bỏ hoặc giảm nhẹ những hạn chế đó. Chẳng hạn, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực vận tải hàng hóa còn phải đối mặt với nhiều hạn chế khác nhau, trong vận tải đường thủy nội địa và vận tải đường bộ, doanh nghiệp FDI chỉ được sở hữu tối đa tương ứng là 49% và 51%. Trong lĩnh vực ngân hàng, tổng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng thương mại Việt Nam không được vượt quá 30% “vốn điều lệ”.

Trong thời gian tới, các cấp có thẩm quyền có thể cần cân nhắc: (i) giảm rào cản gia nhập của vốn FDI vì công nghệ và đổi mới sáng tạo phụ thuộc vào khả năng tiếp cận tri thức, các mạng lưới, con người, hàng hóa và dịch vụ mà có thể lan tỏa tri thức đi khắp thế giới; và (ii) thực hiện những cải cách về môi trường kinh doanh để nâng cao cạnh tranh và khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp trong nước.

Công nhân ngành Điện lực áp dụng công nghệ số trong số hóa dịch vụ khách hàng và số hóa dịch vụ Điện năng. Ảnh minh họa

Hai là, khuyến khích tiếp tục áp dụng công nghệ số trong từng doanh nghiệp để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Công nghệ số sẽ tạo cơ hội để mở rộng quy mô và đổi mới sáng tạo trong khu vực dịch vụ, đẩy mạnh kết nối với các ngành, lĩnh vực khác, qua đó nâng cao đóng góp của khu vực dịch vụ cho tăng trưởng tại Việt Nam. Một số lao động Việt Nam đã tích cực tham gia các nền tảng số lớn, như Upwork, Fiverr, Freelancer, và MTurk. Sự tham gia như vậy cần được khuyến khích để bắt nhịp với các quốc gia so sánh có mức độ phát triển cao hơn trong khu vực như Phillippines và Trung Quốc. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ số sẽ tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp dịch vụ mở rộng quy mô qua giao dịch được với nhiều khách hàng hơn, không gặp phải giới hạn địa lý. Áp dụng công nghệ số cũng thể đem lại các hình thức đổi mới sáng tạo mới và nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ. Chẳng hạn, các doanh nghiệp bán lẻ có thể sử dụng các hệ thống số để quản lý hàng lưu kho, theo dõi mua hàng, và tự động hóa nghiệp vụ ghi chép sổ sách để nâng cao hiệu suất. Trong khi đó, áp dụng dịch vụ số trong các ngành công nghiệp cũng là cách để nâng cao hàm lượng đầu vào dịch vụ trong quy trình chế tạo chế biến, đặc biệt là các dịch vụ CNTT.

Thứ ba, cần tập trung vào việc tăng cường đào tạo các kỹ năng của người lao động (đặc biệt là các kỹ năng kỹ thuật số cơ bản) cũng như năng lực của các công ty và nhà quản lý. Trong thời gian tới, sẽ rất hữu ích nếu các nhà hoạch định chính sách có thể hỗ trợ nâng cấp các kỹ năng, năng lực và thực tiễn quản lý; khuyến khích quan hệ đối tác giữa các trường đại học và các công ty khu vực tư nhân để tăng cường đào tạo trong lịch vực dịch vụ.

Trong các giải pháp trên thì đẩy mạnh đổi mới sáng tạo qua áp dụng công nghệ là một hướng đi then chốt để nâng cao năng suất trong khu vực dịch vụ. Theo khảo sát về áp dụng công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp  ở Việt Nam, doanh nghiệp dịch vụ nói chung vẫn còn khoảng cách khá xa so với các doanh nghiệp tiên phong toàn cầu xét về áp dụng công nghệ trong cung cấp dịch vụ. Khai thác công nghệ trong lĩnh vực này sẽ thúc đẩy tăng trưởng cao hơn đối với các ngành, lĩnh vực vực khác, đặc biệt là chế tạo chế biến.

Chỉ có như vậy, ngành dịch vụ mới phát triển mạnh tương xứng với tiềm năng và đóng vai trò tương hỗ cho các ngành khác, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC