Lịch sử cho thấy rằng hầu hết các cuộc chiến tranh đều kết thúc bằng các cuộc đàm phán giữa hai bên xung đột hoặc là một hội nghị quốc tế.
Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã bước sang năm thứ 3, đã gây tổn thất to lớn cho cả Nga và Ukraine, nhưng cả hai phía đều theo đuổi biện pháp quân sự nhằm đạt tới mục tiêu tối đa của mình. Tuy nhiên, dư luận quốc tế nghi ngờ về điều đó vì trước đó giữa Nga và Ukraine đã có cuộc đàm phán để kết thúc chiến tranh với những thỏa thuận được đôi bên chấp nhận vào tháng 3/2022 tại thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng liền sau đó bị phía Ukraine hủy bỏ, phía Nga tố cáo do sự tác động của ông Boris Johnson – khi đó là thủ tướng Anh. Và cuộc chiến leo thang cho đến bây giờ, tình hình diễn ra rất căng thẳng về quân sự với những tuyên bố quyết giành thắng lợi đến cùng bằng quân sự.
Ukraine được Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ để chiếm lại vùng đất đã sáp nhập vào Nga và mục tiêu bao trùm là hạ bệ Putin và nước Nga sụp đổ.
Thực tế trong hơn hai năm vừa qua, Mỹ và EU đã cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí hiện đại cùng hàng trăm tỉ USD để đánh Nga, cùng với đó là các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất về chính trị, kinh tế và ngoại giao… nhưng không làm xoay chuyển được tình hình. Các mục tiêu của Ukraine chẳng những không đạt, trái lại Ukraine còn bị mất đất và tổn thất nặng nề về người, tiềm lực quốc gia và đang đứng trước nguy cơ bị sụp đổ.
Những đánh giá lạc quan về việc chiến thắng Nga của Mỹ và lãnh đạo các nước EU, NATO không còn như lúc ban đầu của cuộc chiến mà đều trong trạng thái thiếu tin tưởng vào Ukraine về thắng lợi trước Nga. Tuy nhiên, cả Mỹ và EU, NATO vẫn tuyên bố sẽ ủng hộ Ukraine đến thắng lợi cuối cùng và cho rằng Nga thắng ở Ukraine thì đồng nghĩa với việc sụp đổ nền dân chủ tự do phương Tây và là nguy cơ đối với an ninh châu Âu và Mỹ. Thực tế, lãnh đạo Mỹ và các nước EU, NATO đã tiến hành nhiều cuộc họp, đưa ra nhiều nghị quyết về tăng cường sức mạnh cho Ukraine. Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ba Lan và nhiều nước Đông Âu, Bắc Âu đã gửi cho Ukraine máy bay, xe tăng, tên lửa hiện đại, các loại đạn, pháo để kéo dài chiến tranh. Tiếp theo đó, nhiều nước EU ký hiệp định bảo vệ an ninh cho Ukraine trong thời hạn 10 năm. Gần đây, Tổng thống Pháp Macron còn nói công khai việc đưa quân đội NATO vào Ukraine để trực tiếp đánh Nga.
Về phía nước Nga đã không sụp đổ như tính toán của các nước phương Tây từ các lệnh trừng phạt. Kinh tế Nga vẫn tăng trưởng bậc nhất châu Âu. Nga vẫn được trên 140 nước không ủng hộ lệnh trừng phạt Nga nên Nga không bị cô lập. Đặc biệt, quan hệ giữa Nga với Trung Quốc được đẩy lên hợp tác không có giới hạn, Nga có vai trò quan trọng trong khối BRICS và hợp tác chặt chẽ với Iran, Bắc Triều Tiên về quân sự, hợp tác của Nga với cộng đồng châu Phi ngày càng mở rộng.
Về mặt quân sự, Nga có sức mạnh vượt trội Ukraine về mọi lĩnh vực, là quốc gia số 1 về hạt nhân. Qua hơn hai năm, Nga đã đạt được nhiều mục tiêu về quân sự ở Ukraine và hiện tại đang ở thế thắng, đẩy Ukraine vào thế phòng ngự bị động và chịu tổn thất lớn hàng ngày. Các tuyên bố của Nga thể hiện quyết tâm giành chiến thắng Ukraine bằng quân sự và sẵn sàng đối đầu với NATO và Mỹ nếu chủ quyền an ninh của Nga bị NATO đe dọa và tấn công.
Nhìn tổng thể ở thời điểm này, cả Ukraine và Nga vẫn tiếp tục lao vào cuộc chiến. Nga có đủ tiềm lực để kéo dài cuộc chiến tranh, còn Ukraine hoàn toàn dựa vào nguồn cung cấp tài chính và vũ khí của Mỹ và Liên minh châu Âu. Nếu nguồn cung cấp này bị gián đoạn hoặc bị ngừng thì rất có thể Ukraine sẽ bị Nga đánh bại. Phương Tây nhận thấy rõ tình huống này, nên đã ra sức cổ vũ tinh thần cho Tổng thống Ukraine Zelensky và tiếp tục cung cấp tiền và vũ khí cho Ukraine để kéo dài chiến tranh, tiêu hao tiềm lực của Nga. Tuy nhiên, sự quyết tâm của phương Tây đi cùng với sự bi quan và thất vọng về Ukraine bởi các mục tiêu không thực hiện được và nội bộ Ukraine và binh lính phát sinh nhiều tiêu cực… Do vậy, sự hăng hái ủng hộ Ukraine không như thời kỳ đầu chiến tranh. Trong nội bộ EU và Mỹ đã xuất hiện nhiều ý kiến không xem Ukraine là vấn đề được ưu tiên vào lúc này. Quốc hội Mỹ chưa thông qua gói viện trợ 60 tỉ USD cho Ukraine do bất đồng ý kiến giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ. Nhiều nước châu Âu đã giảm hoặc ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine; kể cả những nước như Pháp, Đức là những quốc gia hăng hái nhất, nhưng cũng đã có nhiều ý kiến không chấp nhận ủng hộ Ukraine. Trong nội bộ các nước EU xảy ra nhiều cuộc biểu tình phản đối các chính phủ châu Âu về vấn đề viện trợ cho Ukraine.
Trong các thành viên NATO cũng có nước không đồng ý đưa quân đội NATO vào Ukraine chiến đấu với Nga theo lời kêu gọi của Tổng thống Pháp Macron. Nhưng Pháp và Ba Lan vẫn tỏ ra quyết tâm đưa quân đội vào Ukraine để “đánh bại” quân Nga mặc dù không được sự ủng hộ của Mỹ và NATO. Vào thời điểm này, Ukraine – Mỹ – NATO và Nga vẫn tiếp tục lao vào cuộc chiến để đoạt được thắng lợi cuối cùng.
Có thể nhận xét rằng vào lúc này trên toàn châu Âu, các nhà lãnh đạo đang hướng vào chuẩn bị chiến tranh với Nga. Đã diễn ra nhiều hội nghị cấp cao để bàn việc tăng cường sản xuất vũ khí, xe tăng… để cung cấp cho Ukraine nhằm chặn đà tấn công của Nga. Cuộc tập trận của NATO với quy mô lớn, tập trung gần 100 ngàn quân, kéo dài nhiều ngày sát biên giới nước Nga tạo bầu không khí chiến tranh và sẽ nổ ra bất cứ lúc nào.
Ở chiều ngược lại, Nga chưa có dấu hiệu ngừng cuộc chiến. Nga đã tăng cường đáng kể lực lượng, bổ sung thêm 300 ngàn quân, nhiều loại vũ khí tối tân, bom, xe tăng, máy bay không người lái… bổ sung cho mặt trận Ukraine. Hiện tại quân đội Nga đang tấn công dữ dội ở lãnh thổ Ukraine và chiếm giữ nhiều thành phố quan trọng. Theo đó là những lời tuyên bố của các nhà lãnh đạo Nga sẽ đáp trả tàn khốc nếu NATO xâm phạm lãnh thổ và đe dọa an ninh nước Nga, kể cả sử dụng vũ khí hạt nhân.
Với những diễn biến chiến sự ở Ukraine hiện nay, các nhà quân sự đều phân tích và đề cập tới khả năng cuộc chiến tranh sẽ leo thang giữa NATO với Nga, châu Âu sẽ là bãi chiến trường khốc liệt. Với những đánh giá trên đây đã xuất hiện nhiều tiếng nói của các nhà quan sát, các chính trị gia ở Mỹ, châu Âu, Nga bàn tới việc cần sớm kết thúc cuộc chiến tranh ở Ukraine bằng đàm phán.
Những ý kiến này xuất phát từ thực tế tình hình ở Ukraine. Quân đội Ukraine sẽ thất bại trước quân đội Nga, chính quyền Kiev có nguy cơ bị sụp đổ nếu Mỹ, NATO và EU ngừng cung cấp tài chính và vũ khí cho Ukraine. Điều này hoàn toàn có thể diễn ra. Mặt khác có sự tác động từ cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11/2024. Nếu ông Trump trúng cử tổng thống, như tuyên bố: ông sẽ chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine trong 24 giờ. Đây chỉ là lời nói mang tính biểu tượng, nhưng điều chắc chắn là ông Trump không ủng hộ ông Zelensky kéo dài chiến tranh.
Vậy làm thế nào để ông Zelensky đàm phán với ông Putin, trong khi ông Zelensky đã ký thành luật không đàm phán ông Putin, và ngược lại ông Putin sẽ không đàm phán với ông Zelensky khi ông Zelensky không chấp nhận những yêu cầu Nga nêu ra ở chiến dịch quân sự đặc biệt.
Cả hai đang nỗ lực giành một thắng lợi có tính chất quyết định sau cùng để buộc đối phương phải ngồi vào bàn đàm phán như đã xảy ra ở cuộc chiến tranh ở Việt Nam, khi cả Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa đã bị thất bại ở cả hai miền Nam Bắc Việt Nam thì mới có cuộc hòa đàm Paris năm 1973. Tuy nhiên, điều này chưa thể xảy ra ở cuộc chiến Ukraine, phía Ukraine vẫn nuôi hy vọng có một chiến thắng quyết định đối với Nga. Vì vậy, chưa thể có đàm phán cuối cùng. Phía Ukraine nghi ngờ nếu cuộc chiến tạm dừng, Nga sẽ có điều kiện củng cố, tăng cường lực lượng để mở cuộc tấn công tiếp đối với Ukraine hoặc tiến hành một cuộc đảo chính lật đổ ông Zelensky.
Nếu tồn tại tâm trạng hoài nghi về cuộc hòa đàm đang bao trùm ở các nhà lãnh đạo Ukraine và Nga thì rất khó có cuộc hòa đàm trong tương lai.
Một nguyên nhân nữa cần nhắc tới: Ukraine là tiêu điểm của sự đối đầu giữa phương Tây và Nga. Xuất phát từ thuyết âm mưu, hai bên đang nuôi dưỡng ý đồ gạt bỏ vai trò của nhau trên trường quốc tế – như đã diễn ra hơn một thập kỉ nay sau cuộc đảo chính Maidan năm 2014.
Vì vậy, cho dù Nga và Ukraine chấp nhận gặp nhau nhưng chưa chắc cuộc hòa đàm đã diễn ra nếu như không có sự chấp nhận của Mỹ – EU – NATO.
Để giải quyết được mối quan hệ này cần phải nhờ đến vai trò quốc tế, nhất là vai trò của các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nga và Tổng thư ký Liên hợp quốc. Nhưng quan trọng nhất là giải quyết sự ngờ vực và thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa Mỹ và Nga trong cả lịch sử và hiện tại. Nó xuất phát từ việc không thực hiện các hiệp định hoặc cam kết chiến lược giữa Mỹ và Nga sau khi Liên Xô sụp đổ. Điển hình là một loạt lời hứa của phương Tây đối với Nga như: không mở rộng NATO sang phía Đông sát với biên giới nước Nga, thỏa thuận Minsk về Ukraine năm 2015. Tương tự, sự kiện Nga tấn công Ukraine ngày 24/2/2022 xảy ra dù trước đó các nhà lãnh đạo Nga nói công khai điều này sẽ không xảy ra…
Tuy nhiên, Nga – Mỹ chưa cắt đứt quan hệ ngoại giao, các đường dây liên lạc hợp tác chống khủng bố và hạt nhân vẫn được duy trì, thì tín hiệu đến từ hai bên về một sự thỏa hiệp cho vấn đề Ukraine vẫn có thể được tiến hành, nếu cả Mỹ và Nga đều gạt được những cản trở mang tính chiến lược sang một bên sẽ có lợi cho phương Tây và Nga vào thời điểm này.
Khó khăn hiện nay là hai đối thủ Nga và Ukraine đã cắt đứt các kênh liên lạc đối thoại nên không có thông tin về ý định của đối thủ. Để khắc phục vấn đề này, vai trò của các nước lớn là rất quan trọng. Trước hết, họ cần mở kênh liên lạc đối thoại với nhau để biết ý định của mỗi bên, để tạo ra nhận thức chung là hạ nhiệt cuộc chiến đi đến đàm phán để truyền đạt thông tin cho cả hai phía.
Đối với Ukraine và các đối tác phương Tây đều đã biết rõ chỉ riêng Ukraine sẽ không đủ sức chống lại Nga, và đang đứng trên bờ vực sụp đổ. Đã đến lúc Ukraine và các đối tác phương Tây cần trao đổi với nhau chuyển cuộc đối đầu chiến tranh với Nga sang ngoại giao đàm phán. Có thể bắt đầu từ giảm những tuyên bố kích động chiến tranh, xác lập kênh liên lạc với Nga thông qua các hoạt động trao trả tù binh giữa hai bên hoặc thông qua các quốc gia trung gian như Thổ Nhĩ Kỳ… Điều này có thể đến được với phía Nga vì ông Putin luôn tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Ukraine nếu các điều kiện của Nga được đáp ứng, các yêu cầu của Nga sẽ được bàn đến khi đã ngồi vào bàn đàm phán.
Như vậy, nếu không bắt đầu quá trình này thì cuộc chiến ở Ukraine vẫn mắc kẹt như hiện nay. Hàng ngày cả hai phía đều tiêu hao nguồn lực quân sự và tài chính, phá vỡ an ninh quốc tế và không có lợi cho ai.
Các nước có vai trò trong cuộc chiến Ukraine cần phải dành mọi nỗ lực để vạch ra được một chiến lược ngoại giao cả ngắn hạn và dài hạn trước khi cuộc đàm phán diễn ra. Các nhà quan sát tình hình cho rằng trong nội bộ Liên minh châu Âu cần thảo luận về việc cam kết hỗ trợ về tài chính và quân sự cho Ukraine, trong đó nhấn mạnh một thực tế là không có khoản viện trợ nào có thể đảm bảo sự thịnh vượng của Ukraine nếu chiến tranh không kết thúc.
Gần đây, các quan chức Hoa Kỳ đã nhiều lần nói rằng họ hy vọng chiến tranh sẽ kết thúc bằng một giải pháp thương lượng. Ý định này cũng cần gửi đến các đồng minh của Mỹ ở châu Âu để có định hướng nhất quán với các quan điểm của Mỹ.
Hoa Kỳ và các đồng minh của họ bắt đầu thu thập quan điểm của Ukraine, liên lạc với phía Nga về các chủ đề xung quanh giao tranh và kết thúc chiến tranh. Một khi các nhà lãnh đạo Ukraine nghe được những ý kiến trao đổi giống nhau về kết thúc chiến tranh vẫn giữ được an ninh cho Ukraine, thì họ sẽ quyết định việc tiếp cận ngoại giao với phía Nga. Các nhà quan sát cho rằng để làm được điều đó, Mỹ và Liên minh châu Âu cũng nên cân nhắc bổ nhiệm các đại diện ngoại giao; họ sẽ dành nhiều thời gian để giao tiếp với các nhà lãnh đạo Ukraine hướng tới một cuộc đàm phán với Nga, thay bằng chỉ bàn thúc đẩy chiến tranh.
Về phía Nga cũng cần nỗ lực phát tín hiệu, tỏ rõ quan điểm mục tiêu chiến tranh có giới hạn ở Ukraine, sẵn sàng đàm phán để chấm dứt chiến tranh và sẽ tuân thủ các thỏa thuận của một giải pháp. Nga cũng tỏ rõ quan điểm để Liên minh châu Âu biết Nga không có chủ trương đối đầu quân sự với NATO, hạn chế các tuyên bố của các nhà lãnh đạo Nga gây căng thẳng giữa hai bên.
Bài viết này chỉ mang tính đề xuất hướng tới một cuộc đàm phán để kết thúc chiến tranh ở Ukraine. Nhưng đây là vấn đề vô cùng phức tạp, một quá trình xử lý các mối quan hệ xung đột giữa các đối thủ để ngồi vào bàn đàm phán như đã diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 3/2022 vẫn còn xa vời.
Tuy nhiên, từ những tín hiệu muốn kết thúc cuộc chiến ở Ukraine phát ra từ phía Hoa Kỳ và Nga, cùng với các hoạt động ngoại giao của Trung Quốc và một số quốc gia khác nhằm đem lại hòa bình ở Ukraine, chúng ta tin rằng cuộc hòa đàm kết thúc chiến tranh ở Ukraine sẽ thành hiện thực, dẫu còn gặp nhiều khó khăn và trở ngại./.
Xuân Sơn