Tác động của việc cắt giảm viện trợ cho Ukraine

Cho đến gần cuối tháng 02/2024, Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua gói viện trợ quân sự trị giá 61 tỷ đô la cho Ukraine với lý do là chính quyền Biden đã không đưa vào gói viện trợ số tiền để củng cố biên giới phía nam chống lại nạn nhập cư trái phép vào Mỹ. Như vậy trước mắt, viện trợ cho Ukraine bị tạm dừng, có khả năng dừng hẳn. Trên thực tế viện trợ súng đạn, quân trang quân dụng sẽ vẫn tiếp tục được đổ vào Ukraine trong nhiều tháng tới, thậm chí trong vài năm tới. Tuy nhiên, tác động của việc viện trợ suy giảm sẽ được cảm nhận rõ nét nhất trên chiến trường. Ukraine không còn có khả năng tiếp tục chiến dịch phản công bắt đầu từ tháng Sáu vừa qua. Quân Ukraine đã bước vào thế phòng thủ thay vì tấn công. Nếu tình trạng này tiếp diễn thì, theo nhiều tiên đoán, đến tháng Ba hoặc tháng Tư, Ukraine sẽ khó tiến hành được các cuộc phản công ở cấp độ địa phương và đến mùa hè thì chật vật lắm Ukraine mới có thể đối phó được các cuộc tấn công của Nga.

Trong bất cứ cuộc chiến nào, quân đội đều cần súng đạn, vũ khí và quân trang quân dụng để thay thế những gì đã bị phá huỷ hay sử dụng trên chiến trường. Cuộc chiến ở Ukraine càng cần súng đạn và vũ khí mới hơn. Trong cuộc phản công vừa qua, Ukraine đã bắn rất nhiều đạn pháo trên chiến trường, nhiều nhà phân tích cho rằng khoảng 6.000 loạt đạn pháo mỗi ngày. Ukraine không hết ngay lập tức đạn pháo vì Ukraine vẫn có thể nhận đạn pháo chưa được giao ở những cam kết trước đây và còn những nguồn cung cấp khác nữa. Tuy vậy, do nguồn cung giảm dần, Ukraine sẽ phải “lựa chọn” mục tiêu. Thay vì bắn pháo vào những địa điểm nghi là mục tiêu, quân đội Ukraine chỉ có thể bắn vào mục tiêu đã được xác định rõ. Và cuối cùng, Ukraine chỉ có thể “lựa chọn” mục tiêu nguy hiểm nhất, những mục tiêu tấn công vào quân đội Ukraine.

Pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 do Đức sản xuất được quân đội Ukraine sử dụng tại vùng Donetsk vào tháng 7/2022. Ảnh: Julia Kochetova

Tương tự như vậy, trang thiết bị cũng mất đi trên chiến trường. Không có trang thiết bị thay thế, quân đội Ukraine mất đi hỏa lực cần thiết. Nếu điều này xảy ra thì Ukraine phải dựa nhiều hơn vào sức người và thương vong sẽ cao hơn nhiều.

Viện trợ của Mỹ cho Ukraine: Mỹ không chỉ viện trợ quân sự cho Ukraine. Viện trợ của Mỹ bao gồm viện trợ an ninh, viện trợ nhân đạo và chi phí triển khai thêm quân Mỹ ở châu Âu, hỗ trợ kinh tế cho chính phủ Ukraine. Trong hai năm vừa qua, viện trợ của Mỹ cho Ukraine lên tới 75,4 tỷ đô la, tương đương với 0,32% GDP của Mỹ. Đây cũng là khoản viện trợ lớn nhất cho nước ngoài sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Điều đáng chú ý là viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine lên tới hơn 41 tỷ đô la. Viện trợ này có ba thành tố: Quyền chuyển giao nhanh của Tổng thống, Sáng kiến viện trợ an ninh cho Ukraine và ngân quỹ để thay thế trang thiết bị được chuyển cho Ukraine thông qua Quyền chuyển giao nhanh của Tổng thống. Quyền chuyển giao nhanh cho phép Tổng thống chuyển giao trang thiết bị nằm trong kho của Mỹ. Vì những trang thiết bị này đã có sẵn trong kho, việc chuyển giao sẽ rất nhanh chóng. Sáng kiến viện trợ an ninh cho Ukraine cung cấp ngân quỹ tiến hành dịch vụ cho Ukraine, bao gồm huấn luyện quân, mua vũ khí trên thị trường thế giới và Ukraine thuê nhà thầu sản xuất trang thiết bị mới. Thông thường, sản xuất trang thiết bị mới phải mất hai đến ba năm và tiếp đó là khoảng một năm để chuyển giao.

Viện trợ của Mỹ cho Ukraine từ 24/2/2022 đến 24/12/2023: 

Viện trợ an ninh 18,3 tỷ đô la (24%) Huấn luyện, trang thiết bị, vũ khí, hỗ trợ logistic và khoản viện trợ khác
Viện trợ vũ khí và trang thiết bị 23,5 tỷ đô la (31%) Vũ khí và trang thiết bị từ kho của Bộ Quốc phòng được cung cấp qua cơ chế chuyển giao nhanh.
Viện trợ tài chính 26,4 tỷ đô la Viện trợ từ ngân sách thông qua quỹ hỗ trợ kinh tế, cho vay và biện pháp ủng hộ tài chính khác
Viện trợ không hoàn lại và vay nợ để mua vũ khí và trang thiết bị 5,4 tỷ đô la Mỹ Viện trợ không hoàn lại và hoàn lại thông qua chương trình tài chính quân sự cho nước ngoài

Nhiều nhà quan sát cho rằng cam kết viện trợ của Mỹ bắt đầu giảm vào tháng Tám vừa qua và đến tháng Mười hai chỉ bằng 20% so với các tháng trước tháng Tám. Như vậy viện trợ quân sự đã từ từ giảm dần trước cả khi Quốc hội không thông qua gói viện trợ mới vào tháng Mười hai. Câu hỏi đặt ra ở thời điểm hiện tại là liệu viện trợ sẽ còn tiếp tục được bao lâu nữa?

Như chúng ta đã biết quyền chuyển giao nhanh sẽ mất hàng tháng mới có thể hoàn tất công việc chuyển giao và hợp đồng thầu mất hàng năm, viện trợ sẽ không chấm dứt ngay lập tức mà vẫn tiếp tục kéo dài hàng năm. Chuyển giao vũ khí và trang thiết bị vẫn tiếp tục vì những cam kết viện trợ được đưa ra nhiều tháng trước.

Theo các nhà quan sát thì sau tháng Mười một vừa qua, chuyển giao viện trợ quân sự đã giảm mạnh và sẽ ở mức thấp nhất vào tháng Năm hoặc Sáu năm 2024, tương đương với 12% mức cao nhất khi cuộc phản công đang diễn ra.

Đó là tình hình quân sự của Mỹ cho Ukraine. Tuy nhiên, Mỹ không phải là nước duy nhất tiến hành viện trợ quân sự cho Ukraine. Ngày 2/01/2024 vừa qua, Liên minh châu Âu đã thông qua gói viện trợ 54 tỷ đô la cho Ukraine. Ngoài ra,  các nước châu Âu và các nước khác đã có cam kết song phương cung cấp cho Ukraine 54 tỷ đô la Mỹ, tương đương với một tỷ đô la mỗi tháng. Đây là số viện trợ lớn cần thiết cho Ukraine, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ chưa vượt qua được những mâu thuẫn nội bộ để tiếp tục viện trợ cho Ukraine.

Những người châu Âu ủng hộ Ukraine cho rằng cần phải tăng viện trợ và lấp lỗ hổng do việc Mỹ giảm viện trợ để lại. Tuy nhiên, điều này khó có thể xẩy ra vì các chính phủ châu Âu cũng gặp phải những vấn đề Mỹ gặp phải. Nhìn chung, nhiều nước châu Âu đã bắt đầu cảm thấy cuộc chiến này sẽ không đi đến đâu cả. Trong khi đó nhiều người châu Âu, cánh tả và cánh hữu cho rằng cần tiền để giải quyết các vấn đề trong nước và cuộc chiến Ukraine đang trở thành “cuộc chiến thường trực” và châu Âu đang phải trả giá và chịu nhiều thiệt hại nhưng vẫn chưa thấy hồi kết. Cam kết viện trợ của châu Âu đã giảm mạnh. Trong giai đoạn từ tháng Tám đến tháng Mừoi năm 2023, cam kết viện trợ của châu Âu cho Ukraine là 2,11 tỷ euro, chỉ bằng 13% mức viện trợ cùng thời gian năm 2022 và là mức thấp nhất kể từ tháng Hai năm 2022. Cùng thời gian đó, trong số 42 nước cung cấp viện trợ cho Ukraine chỉ có 20 nước có cam kết viện trợ mới, con số nước viện trợ nhỏ nhất kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu. Nhiều nhà quan sát cho rằng nếu Mỹ giảm viện trợ thì châu Ấu cũng sẽ làm theo.

Cắt giảm viện trợ quân sự của Mỹ và châu Âu sẽ làm suy giảm khả năng chiến đấu của Ukraine. Cho đến nay, việc cắt giảm này đã làm Ukraine không còn khả năng phản công. Ngày 01 tháng Mười một, tờ Nhà Kinh tế (Anh) xuất bản phỏng vấn với Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Ukraine, Valerii Zaluzhnyi và một bài báo của ông, Zaluzhnyi đã công nhận rằng tình hình trên mặt trận đang ở thế “không thắng, chẳng thua” và không bên nào trong cuộc xung đột có khả năng tấn công. Do sức kháng cự của quân Nga, quân đội Ukraine chỉ có thể tiến được 17 km vào vùng Nga chiếm đóng trong năm tháng tiến hành phản công. Về viện trợ quân sự, ông nói rõ là Ukraine cần vũ khí phòng không bao gồm máy bay tiêm kích, máy bay không người lái, trang thiết bị tiến hành chiến tranh điện tử… Không có viện trợ, Ukraine sẽ khó có thể chặn được các cuộc tấn công của Nga. Hiện tại đã có những dấu hiệu cho thấy Nga đã giành được quyền chủ động trên chiến trường. Chánh Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Đức gần đây cho biết: “Ukraine rút vào thế phòng ngự. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, lực lượng vũ trang Ukraine không còn quan tâm đến giữ vị trí một cách vô điều kiện nữa, mà chuyển sang tiến hành các trận đánh làm chậm đà tiến của đối phương”. Nhiều nhà quan sát cho rằng Nga sẽ giành thêm lãnh thổ và rút cục Ukraine sẽ sụp đổ.

Có lẽ có thể vì tất cả những lý do này mà cuộc thảo luận về tịch thu tài sản của Nga ở Liên minh châu Âu đang trở nên nóng hơn. Ban đầu, Mỹ và Liên minh châu Âu do dự không muốn làm việc này, tuy nhiên hiện tại thì Liên minh châu Âu đang chuẩn bị các bước để chuyển lợi nhuận của khoản tiền 300 tỷ đô la bị đóng băng cho Ukraine. Hầu hết số tiền này nằm ở các ngân hàng châu Âu và phải tiến hành các thủ tục pháp lý chặt chẽ để có thể tịch thu được số tiền này. Đây được coi là bước đường cùng của EU theo kiểu “giật gấu vá vai”.

Tổng thống Mỹ J. Biden (phải) và Tổng thống Ukraine V. Zelensky trong cuộc gặp tại Washington DC, tháng 12/2023. Ảnh: EFE/Yuri Gripas

Ukraine sẽ sớm đứng trước hai lựa chọn: hoặc tiếp tục cuộc chiến hoặc đàm phán. Tiếp tục cuộc chiến sẽ vô cùng khó khăn và khó có thể có kết quả thuận cho mình. Tiến hành đàm phán để đi đến thoả thuận dễ dàng hơn. Thoả thuận dễ đạt được nhất là ngừng bắn tại chỗ với những điều khoản quy định tiếp tục đàm phán về tương lai của các vùng lãnh thổ Ukraine.

Với Nga, đây là thắng lợi. Nga ban đầu hy vọng sẽ chiếm được toàn bô nước Ukraine, nhưng đã không thành công. Tuy nhiên, cho đến nay, Nga đã giành được 17% lãnh thổ Ukraine. Nếu ngừng bắn tại chỗ, Nga sẽ tuyên bố rằng mình đã đánh bại Ukraine, Mỹ và Nato. Tuy nhiên, Nga cũng có thể không chấp nhận thắng lợi một phần này. Nga biết rằng thời gian sẽ ủng hộ họ. Rất có thể Nga sẽ tận dụng lợi thế của mình để đòi nhượng bộ từ Ukraine, Mỹ và phương Tây. Những đòi hỏi có thể là phi phát xít hóa, Ukraine trung lập, tôn trọng quyền tự quyết của các quốc gia sáp nhập vào Nga, giảm các biện pháp trừng phạt, từ bỏ yêu cầu bồi thường chiến tranh và ân xá cho các tội phạm chiến tranh, những điều kiện mà Mỹ và phương Tây cũng như Ukraine đưa ra để tiến hành đàm phán.

Nhiều người cho rằng vũ khí không mang tính quyết định trong cuộc chiến. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc xung đột cường độ cao, việc sử dụng các loại vũ khí hiện đại của cả hai phía có tầm quan trọng nhất định.

Thực tế cho thấy cả hai phía vẫn tích cực chuẩn bị để giành thắng lợi bằng quân sự. Nga đang tăng cường đáng kể nền công nghiệp quốc phòng, đã cung cấp cho Bộ Quốc phòng nhiều loại vũ khí hiện đại, tiếp tục tung vào chiến trường Ukraine và để đối phó với Mỹ và NATO nếu cuộc chiến lan rộng ra ngoài Ukraine.

Thế giới đang chứng kiến tình hình Mỹ và các nước EU đã giảm viện trợ, hoặc chưa viện trợ cho Ukraine do bất đồng nội bộ. Tuy nhiên, Ukraine vẫn nắm giữ các kho vũ khí khổng lồ do Mỹ và NATO cung cấp từ năm 2014 đến nay. Tuy chiến lược phản công bị thất bại song vũ khí của Ukraine vẫn đủ lớn để ngăn chặn, kiềm chế, tiêu hao tiềm lực của Nga và kéo dài chiến tranh. Mỹ, EU tin như vậy, nên chưa có áp lực đối với Ukraine đàm phán với Nga. Nếu điều này có xảy ra thì phải cuối năm 2024 có thể mới xuất hiện. Khi đó đã kết thúc cuộc bầu cử Tổng thống ở Nga – Mỹ – Ukraine.■

Trần Hà

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN