Cuộc chiến tranh Nga – Ukraine sẽ đi về đâu?

1. Chiến tranh Nga – Ukraine bắt nguồn từ đâu?

1.1. Kể từ khi kết thúc Thế chiến II (1939 – 1945), thế giới bước vào cuộc Chiến tranh lạnh kéo dài gần nửa thế kỷ giữa hai phe xã hội chủ nghĩa (do Liên Xô đứng đầu) và tư bản (do Mỹ đứng đầu). Trong đó, phe tư bản cho thấy rõ những ưu thế vượt trội về kinh tế, quân sự… so với phe xã hội chủ nghĩa. Điều này đã dẫn đến sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết (Liên Xô) vào năm 1991.

Hệ quả là 15 quốc gia mới được hình thành do tách ra từ Liên bang Xô Viết, bao gồm: Moldova, Litva, Armenia, Belarus, Uzbekistan, Kazakhstan, Gruzia, Ukraine…. Còn lại là nước Nga gần như mất phần phía Đông, Nam và suy yếu về nhiều mặt, đặc biệt là quân sự. Ngược lại, chiến thắng của phe tư bản chủ nghĩa trong Chiến tranh lạnh đã trở thành một dấu mốc lịch sử quan trọng đối với cục diện thế giới. Mỹ chính thức trở thành siêu cường duy nhất. Mỹ chi phối mạnh mẽ Liên hợp quốc để ra đời nhiều thiết chế, định vị trật tự toàn cầu do Mỹ lãnh đạo.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được thành lập vào ngày 4/4/1949 tại Washington DC, Hoa Kỳ. Đây được xem là khối quân sự – chính trị lớn nhất thế giới, liên kết phần lớn các nước tư bản phương Tây nhằm đối trọng với Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa. Ảnh tư liệu

Phe xã hội chủ nghĩa tan rã, khối Warszawa giải tán, đối thủ cạnh tranh không còn nhưng Mỹ vẫn duy trì Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đây là một liên minh quân sự để Mỹ nắm và khống chế châu Âu, tiếp tục thôn tính nước Nga, nhưng giữ tên gọi khối này là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Có thể nói, mục đích chính của NATO là thâu tóm toàn bộ châu Âu, kiểm soát các nước lớn như Pháp, Đức… làm sao để các nươc này luôn đi theo quỹ đạo của Mỹ.

Trong cách nhìn của các đời Tổng thống Mỹ thời Chiến tranh lạnh, họ vẫn xem Nga là đối thủ tiềm tàng, được thừa hưởng sức mạnh từ Liên Xô. Tuy có suy yếu về kinh tế, song Nga vẫn là cường quốc quân sự sở hữu kho vũ khí với hàng nghìn đầu đạn hạt nhân chiến lược có thể tấn công vào nước Mỹ. Mỹ cũng nhận thấy, nước Nga có lãnh thổ rộng nhất thế giới cùng nhiều loại khoáng sản quý hiếm, có khả năng cung ứng cho nền kinh tế toàn cầu mà Mỹ cần hướng tới. Với một tiềm năng mạnh mẽ như vậy, cộng thêm ý chí dân tộc quật cường, nước Nga hẳn sẽ sớm hồi phục và trở thành một cường quốc ở châu Âu. Trong tương lai, đây chính là mối đe doạ tiềm tàng đối với Mỹ.

Qua các tài liệu từ phía Nga và các bài phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin, có thể thấy Nga đã biết Mỹ coi Nga là đối tượng cần phải thôn tính. Các đời Tổng thống Mỹ đều hướng đến một mục tiêu làm suy yếu nước Nga, chia nhỏ nước Nga, không để Nga sở hữu một diện tích lãnh thổ lớn như hiện tại.

Trong thực tế, Nga cho rằng sau Chiến tranh lạnh, những chính sách đối ngoại của Mỹ vẫn nhắm vào Nga, kìm hãm không để Nga phục hồi và phát triển. Mỹ ngấm ngầm từng bước phát triển khối quân sự NATO, đẩy NATO qua sát biên giới Nga. Các nước láng giềng của Nga như Ba Lan, Slovakia, Séc… lần lượt gia nhập NATO, khiến khối này không những ngày càng mạnh lên mà còn tạo thành một gọng kìm dần dần cô lập Nga.

Để thâu tóm toàn bộ châu Âu và cô lập Nga, Mỹ và NATO đã làm ran rã Liên bang Nam Tư và xoá bỏ tàn tích của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu, đứng sau nhiều cuộc cách mạng màu ở nhiều nước khác như: “Cách mạng Nhung” ở Tiệp Khắc (1989), “Cách mạng Hoa hồng” ở Gruzia (2003), “Cách mạng Cam” ở Ukraine (2004), “Cách mạng Hoa Tulip” ở Kyrgyzstan (2005)… Tất cả những hoạt động này của Mỹ đều mang tính chất của cuộc đảo chính – thiết lập Nhà nước thân phương Tây và chống Nga.

Thông qua chiến dịch kinh tế đối với Nga, Mỹ tạo ra được một lớp người Nga phản bội Tổ quốc, sẵn sàng vì lợi ích cá nhân mà hợp tác với Mỹ để chống lại nước Nga.

Cuộc biểu tình ở Prague trong Cách mạng Nhung tại Tiệp Khắc, ngày 25/11/1989. Ảnh: ŠJů

Sau hơn 10 năm kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ đã tạo ra hệ thống các quốc gia dân chủ phương Tây và theo chủ nghĩa bài Nga, nổi lên là Ukraine, Litva và Ba Lan. Sau cuộc “Cách mạng Cam” năm 2004 và cuộc bạo loạn Maidan năm 2014, Mỹ và các nước châu Âu xúi giục các nhà dân tộc cực đoan ở Ukraine kích động phong trào bài Nga. Làn sóng chống Nga tại Ukraine được đẩy lên đến đỉnh điểm. Hầu hết các di sản của Liên Xô đều bị huỷ hoại, từ các công trình nghệ thuật cho đến giáo dục, ngôn ngữ… Các nhà lãnh đạo Ukraine xem đây là một sự thẳng thế của tư tưởng bài Nga do Mỹ và phương Tây hậu thuẫn.

Năm 2019, đội ngũ lãnh đạo Ukraine, đứng đầu là Tổng thống Volodymyr Zelensky, đi tiên phong chống Nga ở nước này. Quân đội Ukraine đã thu nạp nhóm phát xít mới, lập ra một lực lượng đặc nhiệm mang tên “tiểu đoàn Azov”. Chính lực lượng này đã tham gia tàn sát người dân Nga ở vùng Donbas. Điều đó cho thấy sự khiêu khích của Ukraine đối với Nga ngày càng tăng lên đến mức báo động.

Từ khi ông Volodymyr Zelensky làm Tổng thống, tư tưởng chống Nga được đẩy lên mạnh mẽ và gắn chặt với Mỹ, tiếp nhận vũ khí của NATO để chuẩn bị cuộc chiến tranh với Nga, đồng thời đặt rõ mục tiêu gia nhập EU và NATO. Nếu điều này trở thành sự thực thì biên giới của NATO sẽ tiến đến sát phía Nam nước Nga. An ninh nước Nga sẽ luôn bị đe doạ bởi những nguy cơ, thách thức tiềm tàng từ NATO.

1.2. Về chính sách của Nga, sau khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga trải qua một cuộc chuyển giao quyền lực vào năm 2000, khi cựu Tổng thống Boris Yeltsin trao quyền lãnh đạo cho Tổng thống Vladimir Putin. Ông Vladimir Putin đã nhận thức rất rõ rằng việc đối đầu với Mỹ và phương Tây đem lại cho nước Nga nhiều rủi ro, nên đã tìm mọi cách để cải thiện quan hệ với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Thậm chí, ông từng xin gia nhập EU và NATO song đều bị từ chối. Nga cũng đã nhiều lần ra cảnh báo rằng Mỹ và phương Tây không được phép mở rộng khối NATO đến sát biên giới nước Nga, theo như thoả thuận “Đối tác vì hoà bình” giữa cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin và cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton vào những năm 1990.

Nhưng tất cả những đề nghị, yêu cầu của ông Vladimir Putin đều không được Mỹ và châu Âu đáp ứng. Cho đến khi Ukraine, Gruzia, Ba Lan… bộc lộ mưu đồ chống Nga, khiêu khích, đe doạ an ninh Nga. Tình hình căng thẳng tới mức Nga mở cuộc tấn công qua biên giới Gruzia nhằm dập tắt phong trào ly khai của lực lượng thân Mỹ ở Gruzia vào năm 2008. Nga tiếp tục đáp trả những cuộc tàn sát của lực lượng phát xít Azov đối với người dân Nga ở vùng Donbas và Krym. Xung đột giữa Nga và Ukraine dâng cao tới mức Nga đã mở cuộc tấn công Ukraine vào năm 2014, chiếm bán đảo Krym  – nơi có rất đông người Nga sinh sống, và sáp nhập bán đảo này vào nước Nga.

Tuy nhiên, sau khi giành được Krym, nước Nga vẫn chưa thực sự chuẩn bị cho cuộc chiến. Mỹ và NATO bấy giờ cũng chưa chuẩn bị tiềm lực quân sự cho Ukraine là đội quân uỷ nhiệm để tấn công Nga.

Thời điểm đó, cả phương Tây và Nga đều cần một khoảng thời gian nhất định để tăng cường sức mạnh quân sự. Do vậy, tháng 2/2015, Nga và Ukraine, với sự tham gia của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã ký một thoả thuận tại Minsk, thủ đô của Belarus. Thỏa thuận gồm 13 điểm, với điều khoản ngừng bắn tại khu vực chiến sự ở vùng Donbas, nơi có đông người Nga sinh sống. Thoả thuận còn quy định quân đội hai nước sẽ phải rút các loại vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực này, và người dân Donetsk –  Lugansk sẽ phải tiến hành các cuộc bầu cử mới theo luật Ukraine…

Tháng 8/2022, sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, cựu Tổng thống Đức Angela Merkel đã tiết lộ rằng Thoả thuận Minsk thực chất chỉ là cái cớ để Mỹ và phương Tây có thời gian tăng cường tiềm lực cho Ukraine tấn công Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi đó là “thói đạo đức giả của phương Tây”, là “hành vi đánh lừa hèn nhát”. Kết quả là sau 10 năm, Ukraine với trang bị vũ khí và huấn luyện hiện đại từ NATO, đã trở thành một lực lượng đe doạ đến an ninh nước Nga.

Xe quân sự Nga di chuyển ở Armyansk, bán đảo Krym, hướng đến giới tuyến lãnh thổ Ukraine, mở màn cho cuộc tấn công vào sáng ngày 24/2/2022. Ảnh: Reuters.

Về phần mình, trước sự đe doạ của phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ráo riết chuẩn bị chiến tranh. Sau 10 năm, tiềm lực kinh tế, quân sự của Nga đã phát triển mạnh mẽ, nhất là tiềm lực về quốc phòng, được trang bị nhiều loại vũ khí tối tân vượt trội hơn cả Mỹ và NATO.

Vào thời điểm cuối năm 2021, quân Ukraine mở nhiều cuộc tấn công vào vùng Donbas. Theo thông tin từ phía Nga, đã có 14.000 người ở vùng này bị sát hại. Nga đã đưa ra lời cảnh báo và yêu cầu Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky thực hiện Thoả thuận Minsk nhưng không có kết quả. Tình hình căng thẳng tới mức Nga tập trung hơn 100.000 quân tấn công vào lãnh thổ Ukraine vào ngày 24/2/2022. Chiến sự vẫn kéo dài cho tới nay.

2. Đánh giá về cuộc chiến

2.1. Trước khi xảy ra cuộc chiến, theo tính toán của Ukraine, Mỹ và NATO, Nga là một nước tuy đã phục hồi sau Chiến tranh lạnh song tiềm lực có hạn. Các loại vũ khí của Nga cũng không có sự cải tiến mà chỉ là những di sản từ thời Liên Xô. Với tiềm lực quân sự như thế, Nga sẽ chỉ cầm cự được một thời gian nhất định, dần dần sẽ phải đầu hàng và sụp đổ.

Bởi vậy, ngay từ khi Nga mở cuộc tấn công vào Donbas, Mỹ – NATO đã nghĩ ra “ngón đòn” đầu tiên là trừng phạt bằng kinh tế. Trong gần hai năm diễn ra cuộc chiến, Mỹ và châu Âu đã tung ra hàng nghìn lệnh trừng phạt, chủ yếu liên quan đến kinh tế. Mỹ cho rằng với một nền kinh tế thu nhập chính từ bán dầu khí và khoáng sản, Nga sẽ sớm suy thoái sau khi phương Tây thi hành các biện pháp trừng phạt.

Về mặt quân sự, ngoại trừ vũ khí hạt nhân, Mỹ và NATO đã đưa tất cả các loại vũ khí tối tân nhất vào Ukraine để giúp nước này tiêu hao lực lượng của Nga, đẩy Nga vào một cuộc chiến tiêu hao về nhân lực. Kinh tế suy giảm, lực lượng quân sự suy yếu, những thành phần bất mãn bên trong nước Nga sẽ nổi dậy lật đổ Vladimir Putin.

Bên cạnh đó, Mỹ còn mở rộng khối NATO đến Phần Lan, Thuỵ Điển để bao vây, đe doạ Nga ở vùng Bắc Âu, buộc Nga phải phân tán lực lượng, đối phó từ nhiều phía, làm suy giảm lực lượng dẫn tới phải chấp nhận thất bại ở UKraine.

Tuy nhiên, khác với tính toán của Mỹ, Ukraine liên tiếp thất bại trong các cuộc phản công, và vẫn chưa giành lại được vùng đất mà Nga đã chiếm. Đến nay, Ukraine vẫn không cho thấy những triển vọng thắng lợi về mặt quân sự. Sự thất bại của Ukraine khiến cho Mỹ và EU – NATO giảm quyết tâm lúc ban đầu. Do đó, các nguồn viện trợ của Mỹ và NATO cũng đang được Mỹ và NATO cân nhắc theo hướng cắt giảm so với thời kỳ đầu chiến tranh. Đặc biệt, chiến sự ở Trung Đông khiến cho các vấn đề của Ukraine không còn là ưu tiên hàng đầu đối với Mỹ và NATO ở thời điểm hiện tại.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thấy được khó khăn và bày tỏ nỗi thất vọng trước sự cắt giảm viện trợ của Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, ông vẫn quyết tâm duy trì cuộc chiến chống Nga, đồng thời khẳng định niềm tin vào thắng lợi sau cùng của Ukraine trên chiến trường. Zelensky hi vọng, nếu tiếp tục nhận được viện trợ từ Mỹ và NATO, Ukraine chắc chắn sẽ giành lại được phần lãnh thổ đã bị Nga chiếm vào năm 2024.

Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine Valery Fedorovych Zaluzhny gần đây đã đưa ra những nhận định trái chiều với Tổng thống Zelensky về tình hình cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Ảnh: Wikipedia

Song những đánh già này đều đi ngược lại nhận định của Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine Valery Fedorovych Zaluzhny. Ông tỏ rõ sự thất vọng và mối quan ngại rằng Ukraine không thể thắng Nga vì tương quan lực lượng thua kém hơn rất nhiều. Ông Zaluzhny cũng cho rằng, cuộc chiến này không thể giành được thắng lợi chỉ nhờ vào vũ khí và phương thức tác chiến hiện có. Việc trông chờ vào viện trợ từ Mỹ và NATO chắc chắn chỉ khiến cho Ukraine trở nên thụ động, chậm trễ trong việc ứng phó với Nga và hậu quả chính là sự thất bại.

Các quan điểm đối lập này đã gây ra nhiều mâu thuẫn trong nội bộ Ukraine. Tổng thống Volodymyr Zelensky đang mở cuộc thanh trừng nhiều tướng lĩnh, quan chức cao cấp trong bộ máy chính quyền của mình. Một số người đã bị cách chức, ám sát hoặc chạy ra nước ngoài, khiến tình hình Ukraine ngày càng rối ren. Tổng thống Zelensky tuyên bố sẽ quyết tâm chống Nga đến cùng, ngay cả khi không nhận được viện trợ của Mỹ và NATO, cho đến khi Nga phải đầu hàng. Tuy nhiên, nội các và giới quân sự Ukraine lại không nghĩ như vậy.

2.2. Các nhà phân tích đều nhận định rằng, cho đến nay, Nga hoàn toàn chủ động trong cuộc chiến với Ukraine và đây là một thời cơ thuận lợi để làm Ukraine tan rã. Những công bố của Nga cho thấy, nước này sẵn sàng huy động toàn bộ sức mạnh quân sự, chịu mọi hi sinh, tổn thất về người và của để giành thắng lợi trong cuộc chiến này, đồng thời duy trì áp lực quân sự trong một thời gian dài.

Nga tính toán tạo ra vùng đệm và đẩy biên giới của mình sâu vào trong lãnh thổ Ukraine; đồng thời dập tắt ý đồ của Mỹ đưa Ukraine gia nhập NATO. Bên cạnh việc huỷ hoại các cơ sở kinh tế của Ukraine, Nga cũng sẽ sử dụng nguồn năng lượng dồi dào cùng các loại tài nguyên, khoáng sản quý hiếm để trừng phạt nền kinh tế châu Âu, suy thoái kéo theo rối loạn chính trị từ việc Chính phủ châu Âu ủng hộ Ukraine.

Nga nhận rõ cuộc chiến này về bản chất là cuộc đối đầu giữa hai siêu cường kể từ thời Chiến tranh lạnh. Nga phải đương đầu với Mỹ và 32 thành viên NATO. Do đó, quy mô và tính chất của nó còn khốc liệt. Có thể coi đây là cuộc chiến một mất một còn ảnh hưởng tới sự tồn vong của nước Nga.

Tuy nhiên, sau gần hai năm giao tranh, Nga dường như đã đảo ngược được tình thế. Ukraine liên tiếp thất bại về mặt quân sự, mặc dù liên tục nhận được viện trợ từ Mỹ và NATO lên đến hàng trăm tỉ đô la. Có nhiều dấu hiệu cho thấy, tiềm lực của lực Ukraine đang bị bào mòn và thiếu thốn nghiêm trọng vào mùa đông tới. Trái lại, Nga không những chiếm ưu thế trong các trận đánh, mà còn chứng tỏ sức mạnh quân sự vượt trội của mình trước Mỹ và NATO. Nga công bố nhiều loại vũ khí công nghệ mới, hiện đại, sử dụng vũ khí trí tuệ nhân tạo khiến NATO phải lo ngại.

Nền kinh tế của Nga tuy gặp phải những khó khăn ban đầu song đến nay vẫn đứng vững. Nga đang dần khôi phục lại đà tăng trưởng. Dự kiến tăng trưởng GDP của Nga năm 2023 là 3%, riêng quý III năm 2023 đã tăng trưởng 5,5%, thặng dư lên tới 75 tỷ đô la Mỹ. Nền công nghiệp quốc phòng của Nga phục hồi và phát triển với quy mô lớn, thậm chí có phần vượt trội hơn cả NATO và Mỹ. Với tiềm lực hiện có, Nga đủ sức kéo dài cuộc chiến ở Ukraine, buộc Chính phủ nước này phải chấp nhận thất bại.

2.3. Các nhà quan sát tình hình thế giới nhận định rằng cuộc chiến ở Ukraine không thể kết thúc bằng quân sự, và nếu có thì một thất bại nặng nề dường như sẽ là điều tất yếu đối với Ukraine. Kể từ đầu tháng 6/2023 đến nay, cuộc phản công của Ukraine đã không đạt được mục tiêu như Mỹ và EU mong muốn, nên sự ủng hộ, quan tâm của các nước thành viên EU dành cho Ukraine đã suy giảm. Nhiều nước đã tuyên bố chấm dứt viện trợ cho Ukraine (Ba Lan, Slovakia…).

Các nhà quan sát cũng cho rằng xung đột chỉ có thể chấm dứt nếu Ukraine đi đến giải pháp đàm phán với Nga. Giới tình báo Mỹ và EU đã đưa ra nhiều kịch bản giải quyết xung đột ở Ukraine như đình chiến, duy trì đường biên giới tại miền Đông Ukraine do Nga quản lý, phân chia theo mô hình Triều Tiên. Các cuộc đàm phán có thể diễn ra nhiều năm, với sự tham gia của Mỹ, EU, Nga và đại diện LHQ, để tìm ra giải pháp đảm bảo an ninh cho Nga – Ukraine về lâu dài.

Các nhà phân tích đều nhận định rằng, cho đến nay, Nga hoàn toàn chủ động trong cuộc chiến với Ukraine và đây là một thời cơ thuận lợi để làm Ukraine tan rã. Ảnh minh hoạ

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin cũng tuyên bố nước Nga luôn sẵn sàng đàm phán với Ukraine. Ông yêu cầu Tổng thống Volodymyr Zelensky bãi bỏ luật cấm đàm phán với Nga và cá nhân mình. Đáp lại, ông Zelensky tuyên bố chỉ tham gia đàm phán khi Nga rút hết quân ở các vùng đã chiếm được, kể cả Krym. Kèm theo đó, Nga cũng phải bồi thường tổn thất chiến tranh cho Ukraine. Các nhà quan sát cho rằng, tuyên bố của ông Zelensky là không thực tế, trong hoàn cảnh Ukraine đang có nguy cơ bị Nga đánh bại về quân sự.

Đường lối cứng rắn của Ukraine và toan tính từ phía Mỹ – NATO cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa xuất hiện một giải pháp thực sự cho việc giải quyết xung đột giữa Nga và Ukraine. Nếu Mỹ – NATO vẫn tiếp tục viện trợ các loại vũ khí hiện đại, kể cả vũ khí hạt nhân chiến thuật cho Ukraine, thì cuộc chiến có khả năng còn kéo dài, thậm chí sẽ leo thang sang các nước châu Âu và đe doạ an ninh nước Nga. Đặc biệt, nếu Ukraine sử dụng vũ khí hạt nhân do Mỹ và NATO cung cấp, Nga có thể sẽ sử dụng tên lửa hạt nhân chiến thuật để huỷ diệt Ukraine và các căn cứ của NATO ở châu Âu. Nếu điều này xảy ra thì nguy cơ bùng nổ Chiến tranh Thế giới thứ 3 không nằm ngoài dự đoán của các nhà quan sát. Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng đã phát biểu như vậy trong cuộc phỏng vấn với Just The News hôm 7/10 vừa qua.

Tình hình nội bộ nước Mỹ hiện là một trở ngại cho Tổng thống Joe Biden trong việc cung cấp viện trợ cho Ukraine. Hạ viện Mỹ yêu cầu ông Joe Biden phải báo cáo cho Quốc hội về các mục tiêu mà Mỹ đã đạt được ở Ukraine trước khi bàn đến các gói viện trợ mới. Trong khi đó, bản thân Tổng thống Joe Biden và các quan chức Nhà Trắng cũng nhận thấy nội bộ Ukraine có nhiều tiêu cực. Thực trạng tham nhũng và khả năng quản lý, vận hành yếu kém của Tổng thống Zelensky đã khiến cho cuộc chiến không đạt được kết quả như mong muốn, mặc dù Ukraine đã nhận được rất nhiều viện trợ từ Mỹ và EU.

Các nhà quan sát nhận định, với tình hình Ukraine hiện nay, rất có thể Mỹ sẽ thay thế ông Zelensky bằng một nhân vật khác để thực hiện những toan tính của mình. Nhiều dự đoán cho rằng đó chính là Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine Valery Zaluzhny – người đang có mâu thuẫn sâu sắc với Tổng thống Zelensky về các kế hoạch quân sự và việc đánh giá, nhận định tình hình chiến sự.

Cuộc chiến ở Ukraine được xem như “canh bạc” giúp ông Joe Biden tranh cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024. Tuy nhiên, mong muốn đánh bại Nga của Tổng thống Joe Biden và NATO còn phụ thuộc vào các luồng quan điểm trái chiều từ nội bộ Mỹ và EU, khi sự đồng thuận của phương Tây đối với Ukraine nhìn chung đã giảm đi rất nhiều. Hơn thế nữa, vũ khí trong kho của NATO đang thiếu hụt ở mức báo động. Tinh thần chiến đấu của quân đội Ukraine cũng có sự giảm sút rõ rệt. Tất cả cho thấy những thách thức, khó khăn mà Mỹ – NATO đang phải đối mặt là rất lớn.

Song với tư cách một siêu cường, Mỹ không dễ dàng chịu thất bại trước Nga trong cuộc chiến ở Ukraine. Do đó, cuộc đọ sức giữa Mỹ – NATO, Ukraine với Nga trong thời gian tới sẽ diễn ra quyết liệt, gây ra những tổn thất nặng nề cho cả hai phía. Tuy nhiên, đây sẽ là trận chiến xác quyết, phân định thắng thua và tìm ra lời giải cho cuộc xung đột quân sự ở Ukraine kéo dài suốt gần hai năm qua.

Trước tình hình trên, Liên hợp quốc và các quốc gia yêu chuộng hoà bình trên thế giới cần lên tiếng phản đối việc Mỹ và NATO tiếp tục viện trợ cho Ukraine, nhằm ngăn chặn cuộc chiến leo thang căng thẳng. Dư luận quốc tế cũng cần gây áp lực đối với các bên tham chiến, để hai bên ngừng bắn, tiến hành đàm phán nhằm sớm mang lại hoà bình. Hơn thế nữa, đàm phán cũng là điều cần thiết khi kết thúc chiến tranh, đảm bảo bên thua cuộc vẫn bảo toàn được danh dự cho cả hai phía, tạo điều kiện cho các nước chung sống hoà bình, ổn định an ninh khu vực một cách lâu dài, bền vững. Có thể kết luận, đàm phán ngoại giao cũng là giải pháp kết thúc mọi cuộc chiến tranh mà lịch sử nhân loại đã trải qua.■

Tuệ Minh

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN