Chính sách đối ngoại của Nga và Mỹ qua phát biểu của Tổng thống Nga và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ

Thế giới ta đang sống đang ở thời kỳ biến động mang tính bước ngoặt trong quan hệ quốc tế. Những thiết chế quốc tế của hậu Chiến tranh lạnh không còn phù hợp. Các nước đang đánh giá và điều chỉnh chính sách của mình, nhất là các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, để có một vai trò quan trọng trong trật tự thế giới. Gần đây, các nhà lãnh đạo Nga – Mỹ đã đưa ra các quan điểm và chính sách đối ngoại của nước mình, gây tác động mạnh mẽ tới dư luận quốc tế. Tạp chí Phương Đông lựa chọn giới thiệu tới bạn đọc một phần bài phát biểu của Tổng thống Nga V. Putin tại Hội nghị Valdai tháng 10/2023 và trích đoạn bài viết “Cội nguồn sức mạnh của Hoa Kỳ” của Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Hoa Kỳ J. Biden, đăng trên Tạp chí Foreign Affairs ngày 24/10/2023 (Ngôn từ của các bản gốc được giữ nguyên văn).

1. Phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin về tình hình quốc tế và chính sách đối ngoại của Nga tại Hội nghị Valdai (ngày 5/10/2023)

[…]

Thế giới thế này quá phức tạp và đa dạng để có thể lệ thuộc vào một hệ thống duy nhất, ngay cả khi đằng sau nó là quyền lực to lớn của phương Tây tích lũy qua nhiều thế kỷ từ chính sách thuộc địa. Suy cho cùng các đồng nghiệp của chúng ta, nhiều người không có ở đây, nhưng họ không phủ nhận rằng sự thịnh vượng của phương Tây phần lớn là nhờ cướp bóc các thuộc địa trong nhiều thế kỷ. Đây chính là sự thật. Về cơ bản, mức độ phát triển này đạt được bằng cách cướp bóc cả hành tinh.

Lịch sử phương Tây về cơ bản là một biên niên sử của mở rộng không ngừng. Ảnh hưởng của phương Tây trên thế giới là một cơ chế tài chính, quân sự hình kim tự tháp khổng lồ, nó liên tục cần “nhiên liệu” mới để tự hỗ trợ, bằng các nguồn lực tự nhiên, công nghệ và con người thuộc về người khác. Vì vậy phương Tây đơn giản là không dừng lại và không có ý định làm như vậy. Những lập luận, lý giải và những lời kêu gọi hợp lý của chúng tôi đều đã bị bỏ qua.

Tổng thống Nga V. Putin phát biểu tại Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai ở Sochi, Nga, tháng 10/2023. Ảnh: Kremlin.ru

Tôi đã nói điều này một cách công khai với các đối tác và đồng minh của chúng tôi, rốt cuộc đã có lúc chúng tôi nghĩ rằng có lẽ mình cũng nên gia nhập NATO? Nhưng không, NATO không cần một quốc gia như vậy. Tôi muốn biết rằng họ còn cần gì nữa?  Rõ ràng vấn đề là lợi ích địa chính trị và thái độ kiêu ngạo đối với người khác.

Chúng tôi phải ứng phó với áp lực quân sự, chính trị ngày càng gia tăng. Tôi đã nhiều lần nói rằng Nga không bắt đầu cái gọi là “cuộc chiến tranh ở Ukraine”. Ngược lại, chúng tôi đang cố gắng kết thúc nó. Không phải chúng tôi là những người tổ chức cuộc đảo chính ở Kiev năm 2014, một cuộc đảo chính đẫm máu, vi hiến. Khi những sự kiện tương tự xảy ra ở những nơi khác, chúng ta ngay lập tức nghe thấy tất cả các phương tiện truyền thông trên thế giới – chủ yếu là của thế giới Ango-Saxon – nói rằng “điều này là không thể chấp nhận được, là phi dân chủ”. Nhưng cuộc đảo chính ở Kiev lại “chấp nhận được”. Họ thậm chí còn nêu số tiền được chi vào cuộc đảo chính này.

Vào thời điểm đó, Nga đang cố hết sức hỗ trợ người dân Krym và Sevastopol. Chúng tôi không cố gắng lật đổ chính phủ hay dọa nạt người dân Krym và Sevastopol bằng việc thanh lọc sắc tộc theo tinh thần Đức quốc xã. Không phải chúng tôi cố buộc Donbas phải phục tùng bằng pháo kích và đánh bom, chúng tôi không phải là người đe dọa, trấn áp những người muốn nói bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Các bạn ở đây đều là những người hiểu biết và có học thức. Người ta có thể “tẩy não” hàng triệu người chỉ biết nhận thức thực tế thông qua truyền thông. Nhưng các bạn biết điều gì thực sự xảy ra ở đó: trong 9 năm qua họ ném bom đạn, bắn giết và sử dụng xe tăng. Đó là chiến tranh, một cuộc chiến tranh thực sự để chống lại Donbas, mà không ai đếm số trẻ em đã chết ở Donbas, không ai ở các nước khác, đặc biệt ở các nước phương Tây khóc thương những người đã nằm xuống.

Cuộc chiến do chế độ Kiev bắt đầu dưới sự hỗ trợ trực tiếp và mạnh mẽ của phương Tây hiện đã bước sang năm thứ 10, và chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga được tạo ra để ngăn chặn nó. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng các nỗ lực đơn phương dù bất kể ai thực hiện chắc chắn sẽ gặp những hành động trả đũa – Đây là điều bất kỳ quốc gia nào có trách nhiệm, có chủ quyền độc lập và tự trọng cũng sẽ làm.

Mọi người biết rằng trong hệ thống quốc tế nơi mà sự tùy tiện ngự trị, nơi mà mọi thứ được quyết định bởi những người cho mình là ngoại lệ, vô tội và đúng đắn, thì bất kỳ quốc gia nào cũng có thể bị tấn công chỉ đơn giản vì họ không được ưa thích bởi kẻ bá quyền đã đánh mất cảm giác về sự cân xứng, và thậm chí là cảm giác về thực tế. Thật không may, chúng ta phải thừa nhận rằng các đối tác của chúng ta ở phương Tây đã mất đi cảm giác thực tế và đã vượt qua mọi ranh giới.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine không phải là cuộc xung đột lãnh thổ, tôi muốn nhấn mạnh điều này. Nga là nước lớn nhất trên thế giới về diện tích đất đai, chúng tôi không có lợi ích gì trong việc chinh phục bất kỳ lãnh thổ bổ sung nào. Chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm để phát triển Siberia, Đông Siberia và vùng Viễn Đông Nga. Đây không phải là xung đột lãnh thổ hay nỗ lực thiết lập sự cân bằng địa chính trị trong khu vực. Có một câu hỏi rộng hơn và cơ bản hơn nhiều đó là: nguyên tắc nền tảng cho trật tự thế giới mới.

Hòa bình lâu dài sẽ chỉ được thiết lập khi mọi người cảm thấy an toàn, hiểu rằng ý kiến của mình được tôn trọng và có sự cân bằng trên thế giới khi không ai có thể ép buộc người khác phải sống và hành xử theo ý muốn bá quyền, ngay cả khi điều này mâu thuẫn với chủ quyền, lợi ích thực sự, truyền thống và phong tục của các dân tộc và các quốc gia. Trong một sự sắp xếp như vậy, khái niệm chủ quyền chỉ đơn giản là bị từ chối, bị ném vào sọt rác.

Tổng thống Putin nói rằng Nga không bắt đầu cái gọi là “cuộc chiến tranh ở Ukraine” mà ngược lại, đang cố gắng kết thúc cuộc chiến do chế độ Kiev bắt đầu từ năm 2014, dưới sự hỗ trợ của phương Tây. Hình ảnh cảnh sát chống bạo động và người biểu tình ở Kiev, tháng 2/2014. Ảnh: Sergey Ponomarev/NYT

Rõ ràng, cách tiếp cận theo khối mong đẩy thế giới vào tình thế đối đầu liên tục “giữa chúng ta và họ” là một di sản xấu của thế kỷ XX. Đây là sản phẩm của văn hóa chính trị phương Tây, ít nhất là từ những biểu hiện hung hãn nhất của nó. Tôi xin nhắc lại, phương Tây luôn cần có kẻ thù. Đây là suy nghĩ của một bộ phận nào đó của phương Tây hay giới tinh hoa phương Tây. Họ cần một kẻ thù, một cuộc chiến chống lại kẻ thù đó, để giúp họ giải thích sự cần thiết của những hành động quân sự và bành trướng. Nhưng họ cũng cần một kẻ thù để duy trì sự kiểm soát nội bộ trong một hệ thống nhất định, trong hệ thống bá chủ này và trong các khối như NATO hoặc các khối chính trị, quân sự khác. Có kẻ thù, mọi người sẽ tập hợp xung quanh “ông chủ”.

Việc các quốc gia khác sống như thế nào không phải việc của chúng tôi. Nhưng chúng ta thấy giới tinh hoa cầm quyền ở nhiều nước buộc xã hội chấp nhận các chuẩn mực và quy tắc mà bản thân người dân – hoặc ít nhất là một số lượng lớn người dân, và thậm chí là đại đa số người dân ở một số quốc gia – không muốn chấp nhận. Họ đã bị ép buộc phải làm vậy, chính quyền liên tục bịa ra lý do cho việc này, quy kết các vấn đề nội bộ ngày càng gia tăng cho các nguyên nhân từ bên ngoài, và bịa đặt, thổi phồng những mối đe dọa không hề tồn tại.

Nước Nga là một chủ đề yêu thích của các chính trị gia như vậy. Tất nhiên chúng tôi đã dần quen với điều này trong suốt tiến trình lịch sử, nhưng họ đã cố gắng khắc họa hình ảnh những người không sẵn sàng mù quáng đi theo giới tinh hoa phương Tây như những kẻ thù. Họ đã dùng cách tiếp cận này với nhiều quốc gia, bao gồm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; trong những tình huống nhất định, phương Tây cũng thử điều tương tự với Ấn Độ. Bây giờ họ đang quay ra “tán tỉnh” nước này. Chúng tôi cảm nhận và nhìn thấy tình hình ở châu Á, mọi thứ đã trở nên rất rõ ràng. Tôi muốn nói rằng giới lãnh đạo Ấn Độ rất độc lập và có định hướng quốc gia mạnh mẽ. Tôi nghĩ rằng những nỗ lực này không có ý nghĩa gì, nhưng nó vẫn được tiếp tục. Phương Tây đang cố gắng biến thế giới Ả Rập thành kẻ thù một cách có chọn lọc. Họ đang cố gắng hành động cẩn thận. Tuy nhiên, nhìn chung tất cả đều như vậy và họ thậm chí còn đang cố gắng thể hiện những người Hồi giáo như một môi trường thù địch. Trên thực tế, bất kỳ ai hành động độc lập và vì lợi ích của chính mình sẽ ngay lập tức bị giới tinh hoa phương Tây coi là một sự cản trở cần phải loại bỏ.

Các cấu trúc địa chính trị nhân tạo đang được áp đặt lên thế giới. Các định dạng khối khép kín thì đang được tạo ra. Chúng ta thấy điều này ở châu Âu nơi họ thúc đẩy mở rộng NATO trong nhiều thập kỷ, cũng như ở Châu Á – Thái Bình Dương và Nam Á nơi họ đang cố phá vỡ cấu trúc hợp tác cởi mở và toàn diện. Cách tiếp cận dựa trên nền tảng khối sẽ hạn chế các quyền tự do của các quốc gia, đối với sự phát triển của chính họ – cố đẩy các quốc gia này vào một cái “lồng” nghĩa vụ nhất định. Ở một mức độ nào đó, đây chính là tước bỏ một phần chủ quyền của họ, rồi sau đó thường là áp đặt các quyết định không chỉ trong lĩnh vực an ninh mà trên nhiều lĩnh vực khác, chủ yếu là kinh tế, như đang diễn ra trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và châu Âu.

Để đạt được điều này họ đang cố gắng thay đổi luật pháp quốc tế bằng một “trật tự dựa trên luật lệ”, hay cái gì gì đó. Không rõ các quy tắc này là gì và ai đã phát minh ra chúng. Điều này chẳng có nghĩa lý gì cả, nhưng họ lại đang cố gắng đưa nó vào tâm trí của hàng triệu người. Chúng ta phải sống theo các luật lệ, nguyên tắc đã đặt ra. Luật lệ nào?

Và nếu được phép nói với các “đồng nghiệp” phương Tây của chúng tôi, đặc biệt là ở Hoa Kỳ: xin đừng tùy tiện đặt ra các luật lệ này; họ dạy người khác cần tuân theo luật lệ như thế nào, và nhìn chung cần cư xử ra sao. Tất cả những điều này được thực hiện và thể hiện một cách thô lỗ và hung hãn trắng trợn. Đây vẫn là lối suy nghĩ kiểu thực dân. Lúc nào chúng ta cũng nghe thấy “bạn phải, bạn có nghĩa vụ, chúng tôi nghiêm túc cảnh báo bạn…”. Các anh là ai, anh có quyền gì để cảnh báo ai đó? Điều này thật kỳ lạ. Có lẽ những người nói được điều này nên bỏ đi tính kiêu ngạo và dừng cách cư xử như vậy với một cộng đồng toàn cầu đã hiểu rõ các nhiệm vụ và lợi ích của mình, và nên từ bỏ kiểu suy nghĩ của thời kỳ thực dân? Tôi muốn nói với họ rằng: Hãy tỉnh lại đi, kỷ nguyên đó đã chấm dứt từ lâu rồi và sẽ không bao giờ quay lại nữa.

Tôi sẽ nói thêm: trong nhiều thế kỷ, cách hành xử như vậy đã dẫn tới việc lặp lại một điều – đó là những cuộc chiến tranh lớn, và rất nhiều lời biện minh đạo đức giả hay những lý lẽ về hệ tư tưởng đã được sáng tạo ra để biện minh cho những cuộc chiến này. Ngày nay điều này đặc biệt nguy hiểm. Nhân loại có những phương tiện như chúng ta đã biết, có thể dễ dàng phá hủy toàn bộ hành tinh, và việc thao túng ý thức với quy mô đáng kinh ngạc đang tiếp diễn sẽ làm mất đi cảm giác về thực tế. Rõ ràng, chúng ta cần phải thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn này. Theo tôi hiểu, các bạn và các đồng nghiệp thân mến, các bạn tập trung tại câu lạc bộ Valdai vì mục đích này.

Trong khái niệm Chính sách đối ngoại của Nga được thông qua lần này, đất nước chúng tôi được coi là một nền văn minh nhà nước đặc biệt. Cách diễn đạt này phản ánh chính xác, cô đọng cách chúng tôi hiểu không chỉ sự phát triển của chính mình, mà cả các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế, mà chúng tôi hy vọng sẽ thắng thế. Theo sự hiểu biết của chúng tôi, nền văn minh là một khái niệm nhiều mặt, có thể được giải thích theo nhiều cách khác nhau. Từng có một cách giải thích cực kỳ theo kiểu thuộc địa, đó là có một “thế giới văn minh” nào đó làm mẫu cho mọi người, mọi người đều phải tuân theo những tiêu chuẩn và khuôn mẫu đó, ai không đồng tình sẽ bị đẩy vào nền văn minh bằng dùi cui của bậc thầy “khai sáng”. Những thời kỳ đó, như tôi vừa nói, đã qua rồi và sự hiểu biết về nền văn minh đã hoàn toàn khác.

Thứ nhất, có rất nhiều nền văn minh và không có nền văn minh nào tốt hơn hay kém hơn nền văn minh khác. Chúng đều bình đẳng bởi mỗi nền văn minh là một sự thể hiện riêng có nền văn hóa cùng các truyền thống của chính nó, cũng như những khát vọng của nhân dân. Đối với mỗi người trong chúng ta, nó là khác nhau, ví dụ đối với nước Nga, đây là khát vọng của những người dân chúng tôi, những người tôi đã may mắn trở thành một phần trong đó. Theo tôi nếu mọi người được hướng dẫn về điều này thì trên thế giới sẽ có ít xung đột hơn nhiều, và các phương pháp giải quyết sẽ trở nên hợp lý hơn bởi vì mọi nền văn minh đều đáng được tôn trọng.

[…]

Các bạn thân mến. Tôi rất thích thú đọc những bản báo cáo do Câu Lạc bộ Valdai chuẩn bị cho cuộc họp hiện tại, nó nói rằng ngày nay mọi người cố gắng hiểu và tưởng tượng ra hình ảnh của tương lai. Điều này hoàn toàn tự nhiên và dễ hiểu, nhất là đối với một môi trường tri thức. Trong thời đại có sự thay đổi mạnh mẽ, khi toàn bộ lối sống quen thuộc đang sụp đổ, điều rất quan trọng là phải đưa ra được những nhận định mình đang đi đâu, mình muốn đạt được điều gì, và tất nhiên tương lai đã được tạo ra bởi ta ngày hôm nay. Không chỉ trước mắt chúng ta mà còn bằng đôi tay của tất cả chúng ta. Tất nhiên khi chúng ta đang nói về quá trình khổng lồ cực kỳ phức tạp như vậy thì rất khó và gần như không thể đoán trước được kết quả, dù chúng ta có làm gì đi nữa cuộc sống sẽ có điều chỉnh riêng, nhưng ít nhất chúng ta phải nhận thức được mình đang phải phấn đấu vì điều gì, muốn đạt điều gì và có sự hiểu biết như vậy ở Nga.

Ông Putin cho rằng các nền văn minh đều bình đẳng, không có nền văn minh nào tốt hơn hay kém hơn nền văn minh khác. Hình ảnh các nghệ sĩ biểu diễn điệu nhảy dân gian Nga. Ảnh: Aril888/Wikipedia

Đầu tiên, chúng ta muốn sống trong một thế giới mở, có kết nối với nhau, trong đó không ai có thể dựng lên những rào cản nhân tạo đối với sự giao tiếp, sự sáng tạo và thịnh vượng của con người. Cần có một môi trường không rào cản, đó là điều mà chúng ta nên phấn đấu.

Thứ hai, chúng tôi muốn sự đa dạng của thế giới không chỉ được bảo tồn mà còn là nền tảng cho sự phát triển toàn cầu. Việc áp đặt lên các quốc gia và người dân nên sống thế nào, cảm thấy thế nào, đều phải cấm. Sự đa dạng văn hóa, văn minh mới đảm bảo hạnh phúc cho người dân, và cân bằng lợi ích.

Thứ ba: Nga ủng hộ sự đại diện tối đa, không ai có quyền cai trị thế giới thay cho người khác hoặc thay mặt người khác. Thế giới của tương lai là thế giới của những quyết định tập thể, được đưa ra ở cấp độ mà nó hiệu quả nhất, bởi những người tham gia thực sự có khả năng đóng góp vào việc giải quyết một vấn đề cụ thể. Không phải một người quyết định cho tất cả mọi người, và thậm chí không phải ai cũng có thể quyết định mọi việc, mà những người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi vấn đề đó phải đồng ý về việc làm gì và làm như thế nào.

Thứ tư, chúng ta vì an ninh toàn cầu và hòa bình lâu dài được xây dựng trên sự tôn trọng lợi ích của mọi người: Từ các nước lớn đến các nước nhỏ. Điều chính là giải phóng quan hệ quốc tế khỏi cách tiếp cận khối, khỏi di sản thời kỳ thực dân và Chiến tranh lạnh. Chúng ta đã nói trong nhiều thập kỷ về tính không thể chia cắt về an ninh, về thực tế là không thể đảm bảo an ninh cho một số người, mà lại gây tổn hại an ninh cho người khác. Quả thực sự hài hòa trong lĩnh vực này có thể đạt được. Bạn chỉ cần gạt bỏ sự kiêu ngạo, kiêu hãnh sang một bên, và đừng nhìn người khác như những đối tác hạng hai, hoặc như những kẻ bị ruồng bỏ hay man rợ.

Thứ năm, chúng tôi đứng lên vì công lý cho tất cả. Thời đại bóc lột đã qua. Các quốc gia, các dân tộc nhận thức rõ các lợi ích và khả năng của mình, và sẵn sàng dựa vào khả năng của chính mình, và điều này làm tăng thêm sức mạnh của họ. Mọi người phải được tiếp cận với các lợi ích, khả năng phát triển hiện đại; và những âm mưu hạn chế điều đó đối với bất kỳ quốc gia hoặc người dân nào phải được coi là hành động xâm lược.

Thứ sáu, chúng tôi ủng hộ sự bình đẳng, sự khác biệt tiềm năng của các quốc gia khác nhau. Đây là yếu tố hoàn toàn khách quan, không một ai sẵn sàng phục tùng hay để lợi ích và nhu cầu của mình bị phụ thuộc vào kẻ khác, mà trên hết là vào những người giàu có, có quyền lực hơn.

Các đồng nghiệp thân mến, Nga đã, đang và sẽ là một trong những nền tảng của hệ thống thế giới và sẵn sàng tương tác mang tính xây dựng với tất cả những ai nỗ lực vì hòa bình, thịnh vượng, nhưng cũng sẵn sàng phản đối gay gắt những kẻ tự xưng các nguyên tắc độc tài và bạo lực. Chúng tôi tin tưởng rằng chủ nghĩa thực dụng và lẽ phải sẽ chiến thắng. Một thế giới đa cực sẽ được hình thành.

Cuối cùng, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đến ban tổ chức diễn đàn vì sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng cao như thường lệ. Với tất cả những người tham gia cuộc họp này, tôi muốn nói lời cảm ơn vì sự quan tâm của các bạn, cảm ơn rất nhiều.

2. Trích bài viết “Cội nguồn sức mạnh của Hoa Kỳ” của Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, về chính sách đối ngoại của Mỹ cho một thế giới đã thay đổi (ngày 24/10/2023)

[…]

Chọn đấu trường

Vào những năm 1990, chính sách quốc phòng của Hoa Kỳ bị chi phối bởi vấn đề có nên can thiệp và làm thế nào để can thiệp vào các quốc gia bị chiến tranh tàn phá nhằm ngăn chặn các hành động tàn bạo hàng loạt. Sau ngày 11/9/2001, Hoa Kỳ chuyển trọng tâm sang các nhóm khủng bố. Vào thời điểm đó, nguy cơ xung đột giữa các cường quốc có vẻ xa vời. Nhưng tình hình bắt đầu thay đổi sau khi Nga xâm lược Georgia năm 2008 và Ukraine năm 2014, cũng như với quá trình hiện đại hóa quân sự với tốc độ chóng mặt và các hành động khiêu khích quân sự ngày càng tăng ở Biển Hoa Đông, Biển Đông và Eo biển Đài Loan của Trung Quốc. Tuy vậy, các ưu tiên của Hoa Kỳ đã không thích ứng đủ nhanh với những thách thức phải ngăn chặn hành động xâm lược của các cường quốc và phản ứng trước những hành động đó.

Tổng thống Mỹ J. Biden phát biểu tại lễ kỉ niệm ngày 11/9 ở Alaska, Mỹ, tháng 9/2023. Ảnh: Reuters

Tổng thống Biden đã quyết tâm điều chỉnh. Ông đã chấm dứt sự tham gia của Hoa Kỳ vào cuộc chiến ở Afghanistan, cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, và giải thoát Hoa Kỳ khỏi việc duy trì một lực lượng quân sự tham chiến tích cực lần đầu tiên sau hai thập kỷ. Quá trình chuyển đổi này tuyệt nhiên là đau đớn – đặc biệt đối với người dân Afghanistan, quân đội Hoa Kỳ và các nhân viên khác từng phục vụ ở Afghanistan. Nhưng đó lại  là điều cần thiết để chuẩn bị cho quân đội Hoa Kỳ đối phó với những thách thức phía trước. Một trong những thách thức đó thậm chí còn đến nhanh hơn chúng ta dự đoán, đó là cuộc xâm lược tàn bạo của Nga vào Ukraine vào ngày 24/2/2022. Nếu Hoa Kỳ vẫn chiến đấu ở Afghanistan, rất có thể Nga sẽ làm mọi điều có thể ngay lập tức để giúp Taliban ghìm chân chúng ta ở đó, ngăn cản chúng ta tập trung giúp đỡ Ukraine.

Ngay cả khi các ưu tiên của chúng ta không còn là hoạt động can thiệp quân sự lớn, chúng ta phải vẫn sẵn sàng đối phó với mối đe dọa lâu dài do chủ nghĩa khủng bố quốc tế gây ra. Chúng ta đã hành động ở Afghanistan xa xôi – đáng chú ý nhất là chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh al Qaeda, Ayman al-Zawahiri – và chúng ta đã loại bỏ được các mục tiêu khủng bố khác ở Somalia, Syria và nhiều nơi khác. Chúng ta sẽ vẫn tiếp tục làm như vậy. Nhưng chúng ta cũng phải tránh các cuộc chiến tranh kéo dài mãi mãi có thể trói buộc các lực lượng của Hoa Kỳ và chiến tranh kéo dài thực ra không giảm bớt mối đe dọa đối với Hoa Kỳ.

Đối với Trung Đông nói chung, Tổng thống thừa hưởng một khu vực đầy áp lực. Phiên bản gốc của bài viết này, được viết trước cuộc tấn công khủng bố ngày 7 tháng Mười của Hamas ở Israel, đã nêu bật những tiến bộ ở Trung Đông sau hai thập kỷ được đánh dấu bằng hành động can thiệp quân sự lớn của Hoa Kỳ vào Iraq, một chiến dịch quân sự của NATO ở Libya, những cuộc nội chiến vẫn đang tiếp diễn, khủng hoảng người tị nạn, sự trỗi dậy của vương quốc Hồi giáo khủng bố tự xưng, hoạt động cách mạng và phản cách mạng, cũng như trục trặc trong quan hệ giữa các nước chủ chốt trong khu vực. Tất cả những điều này thể hiện rõ những nỗ lực của chúng ta nhằm quay trở lại cách tiếp cận chính sách có kiểm soát, ưu tiên ngăn chặn hành động xâm lược, giảm xung đột và tăng cường hội nhập khu vực thông qua các dự án cơ sở hạ tầng chung, đặc biệt là giữa Israel và các nước láng giềng Ả-rập. Đã có những tiến bộ vật chất. Cuộc chiến ở Yemen đã bước sang tháng ngừng bắn thứ 18. Những xung đột khác đã nguội đi. Lãnh đạo khu vực đã công khai hợp tác với nhau. Vào tháng Chín, tổng thống đã công bố một hành lang kinh tế mới kết nối Ấn Độ với châu Âu qua Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, Ả-rập Xê-út, Jordan và Israel.

Phiên bản gốc của bài viết này nhấn mạnh rằng những tiến bộ này rất mong manh và những thách thức lâu năm, bao gồm căng thẳng giữa Israel và Palestine cũng như mối đe dọa từ Iran vẫn tồn tại. Cuộc tấn công ngày 7 tháng Mười đã phủ bóng tối lên toàn bộ bức tranh khu vực, hậu quả của cuộc tấn công, bao gồm cả nguy cơ leo thang đáng kể trong khu vực vẫn còn đang được cảm nhận. Nhưng cách tiếp cận có kiểm soát ở Trung Đông mà chúng ta theo đuổi vẫn là cốt lõi của lập trường và hoạt động hoạch định chính sách trong cuộc khủng hoảng này.

Hoa Kỳ ủng hộ giải pháp 2 nhà nước, “kiên quyết ủng hộ Israel vì Israel bảo vệ công dân mình và tự vệ trước những kẻ khủng bố tàn bạo”, đồng thời “hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong khu vực để tạo thuận lợi cho việc cung cấp viện trợ nhân đạo bền vững cho dân thường ở Dải Gaza”. Hình ảnh Ngoại trưởng Mỹ Blinken (trái) và Thủ tướng Israel Netanyahu trong một cuộc gặp tại Tel Aviv vào tháng 10/2023. Ảnh: Haim Zach

Như Tổng thống Biden đã cho thấy khi ông tới Israel trong chuyến thăm thời chiến hiếm hoi vào ngày 18 tháng Mười, Hoa Kỳ kiên quyết ủng hộ Israel vì Israel bảo vệ công dân mình và tự vệ trước những kẻ khủng bố tàn bạo. Chúng ta đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong khu vực để tạo thuận lợi cho việc cung cấp viện trợ nhân đạo bền vững cho dân thường ở Dải Gaza. Tổng thống đã nhiều lần nói rõ rằng Hoa Kỳ ủng hộ việc bảo vệ cuộc sống của dân thường trong xung đột và tôn trọng luật chiến tranh. Hamas, tổ chức đã có những hành động tàn bạo gợi nhớ tội ác tồi tệ nhất của ISIS, không đại diện cho người dân Palestine và không đại diện cho nhân phẩm và quyền tự quyết của họ. Chúng ta cam kết thực hiện giải pháp hai nhà nước. Trên thực tế, các cuộc thảo luận của chúng ta với Ả-rập Xê-út và Israel về bình thường hóa quan hệ luôn bao gồm những đề xuất quan trọng dành cho người Palestine. Nếu được thoả thuận, hợp phần này sẽ bảo đảm rằng con đường hướng tới hai quốc gia vẫn khả thi và tất cả các bên liên quan sẽ thực hiện các bước đi cụ thể và quan trọng theo hướng đó.

Chúng ta cần cảnh giác trước nguy cơ cuộc khủng hoảng hiện nay có thể chuyển thành xung đột khu vực. Chúng ta đã tiến hành hoạt động ngoại giao sâu rộng với nhiều nước và tăng cường lực lượng quân sự của mình trong khu vực. Kể từ khi chính quyền Biden bắt đầu hoạt động, chúng ta đã hành động quân sự khi cần thiết để bảo vệ nhân viên Hoa Kỳ. Chúng ta cam kết bảo đảm rằng Iran không bao giờ có được vũ khí hạt nhân. Và mặc dù lực lượng quân sự không bao giờ được coi là công cụ đầu tiên được sử dụng, chúng ta sẵn sàng và đã chuẩn bị sử dụng lực lượng quân sự khi cần thiết để bảo vệ nhân viên và tài sản của Hoa Kỳ trong khu vực quan trọng này.

Cuộc khủng hoảng ở Trung Đông không làm thay đổi một thực tế là Hoa Kỳ cần chuẩn bị cho một kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược mới – đặc biệt bằng hành động ngăn chặn và đáp trả hành động xâm lược của các cường quốc. Khi chúng ta phát hiện ra rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang chuẩn bị xâm chiếm Ukraine, chúng ta đối mặt với một thách thức: Hoa Kỳ không cam kết bảo vệ Ukraine bằng bất kỳ một hiệp ước nào, nhưng nếu hành động xâm lược của Nga không được đáp trả, một quốc gia có chủ quyền sẽ bị tiêu diệt và thông điệp được chuyển tới những kẻ chuyên quyền trên toàn thế giới là sức mạnh có thể là lẽ phải. Chúng ta đã tìm cách ngăn chặn cuộc khủng hoảng bằng cách nói rõ với Nga rằng Hoa Kỳ sẽ đáp trả bằng cách hỗ trợ Ukraine và sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán về an ninh châu Âu, cho dù Nga không nghiêm túc làm như vậy. Chúng ta cũng chủ ý công khai thông tin tình báo khi được phép để cảnh báo Ukraine, tập hợp các đối tác của Hoa Kỳ và ngăn không cho Nga tạo ra những lý do giả tạo cho hành động xâm lược của mình.

Khi Putin xâm lược, chúng ta đã thực hiện chính sách giúp Ukraine tự vệ mà không cần đưa quân Hoa Kỳ vào tham chiến. Hoa Kỳ đã chuyển một lượng lớn vũ khí phòng thủ tới Ukraine và tập hợp các đồng minh cũng như đối tác để làm như vậy. Hoa Kỳ đã điều phối công việc hậu cần to lớn để cung cấp những vũ khí đó cho chiến trường. Cho đến nay, viện trợ này đã được chia thành 47 gói hỗ trợ quân sự khác nhau, được cấu trúc để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Ukraine trong suốt quá trình xung đột. Chúng ta đã hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Ukraine về các yêu cầu của họ và chú ý đến các chi tiết kỹ thuật và hậu cần để bảo đảm lực lượng của Ukraine có được những gì họ cần. Chúng ta cũng tăng cường hợp tác tình báo với Ukraine cũng như các tiến hành huấn luyện. Và chúng ta đã áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Nga để giảm thiểu khả năng tiến hành chiến tranh.

Tổng thống Biden cũng nói rất rõ rằng nếu Nga tấn công một đồng minh NATO, Hoa Kỳ sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ của đồng minh, hỗ trợ việc này bằng việc triển khai lực lượng mới. Chúng ta đã bắt đầu một quá trình với các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ giúp Ukraine xây dựng quân đội có thể tự vệ trên bộ, trên biển và trên không – và ngăn chặn hành động xâm lược trong tương lai. Cách tiếp cận của chúng ta ở Ukraine là bền vững và trái ngược với những người hay nói khác đi, cách tiếp cận này giúp nâng cao năng lực của Hoa Kỳ trong việc ứng phó với mọi bất ngờ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Người dân Hoa Kỳ nhận ra kẻ bắt nạt khi họ nhìn thấy kẻ đó. Họ hiểu rằng nếu họ không cho Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Ukraine, thì người Ukraine sẽ gặp bất lợi nghiêm trọng trong hành động tự vệ của mình và điều này tạo ra một tiền lệ khủng khiếp, khuyến khích hành động xâm lấn ở châu Âu và những khu vực khác. Hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho Ukraine sâu rộng, và hỗ trợ này sẽ tồn tại lâu dài.

Cạnh tranh trong thời gian tới

Rõ ràng là thế giới đang trở nên cạnh tranh hơn, công nghệ sẽ là một lực lượng đột phá và cùng với thời gian, những vấn đề chung sẽ trở nên gay gắt hơn. Nhưng vẫn chưa rõ lực lượng này sẽ thể hiện thực sự như thế nào. Hoa Kỳ đã từng bị ngạc nhiên trong quá khứ (cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 và cuộc xâm lược Kuwait của Iraq năm 1990), và có thể sẽ bị ngạc nhiên trong tương lai, cho dù chính phủ có nỗ lực thế nào để dự đoán những gì sắp xảy ra (các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã nhận định đúng rất nhiều điều, trong đó có cảnh báo chính xác về việc Nga xâm lược Ukraine vào tháng Hai năm 2022). Chiến lược của chúng ta được thiết kế để đáp ứng nhiều tình huống khác nhau. Bằng cách đầu tư vào nguồn sức mạnh nội sinh, tăng cường các liên minh và đối tác, mang lại kết quả trong đối phó các thách thức toàn cầu và duy trì kiểm soát trong thực thi quyền lực, Hoa Kỳ sẵn sàng thúc đẩy tầm nhìn của mình về một thế giới tự do, cởi mở, thịnh vượng và an toàn, cho dù có bất ngờ gì có thể xảy ra. Theo lời của Ngoại trưởng Dean Acheson, chúng ta đã tạo ra “tình thế sức mạnh”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) ngồi trên tàu cùng Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan sau chuyến thăm bất ngờ tới Kiev vào tháng 2/2023. Ảnh: Evan Vucci/AFP

Kỷ nguyên cạnh tranh sắp tới sẽ không giống bất cứ những gì chúng ta đã trải qua trước đây. Cạnh tranh an ninh châu Âu trong thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX phần lớn là cuộc cạnh tranh khu vực giữa các cường quốc cỡ trung và kề cỡ trung và cuối cùng đã kết thúc bằng thảm họa. Chiến tranh Lạnh diễn ra sau cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử loài người được tiến hành giữa hai siêu cường có mức độ phụ thuộc lẫn nhau rất thấp. Cuộc chiến này đã chấm dứt theo cách có lợi cho Hoa Kỳ. Cạnh tranh ngày nay về cơ bản là khác. Hoa Kỳ và Trung Quốc phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Cuộc đấu thực sự mang tính toàn cầu, nhưng không có tổng bằng 0. Những thách thức chung mà hai bên phải đối mặt là chưa từng có.

Chúng ta thường được hỏi về kết cục của cạnh tranh giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc. Chúng ta kỳ vọng Trung Quốc sẽ vẫn là một nước đóng vai trò quan trọng trên chính trường quốc tế trong tương lai gần. Chúng ta tìm kiếm một trật tự quốc tế tự do, cởi mở, thịnh vượng và an toàn, một trật tự bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ và các nước bạn của mình cũng như mang lại hàng hoá công toàn cầu. Chúng ta không mong đợi một kết cục có tính chuyển đổi giống như trạng thái đã gây ra sự sụp đổ của Liên Xô. Cạnh tranh sẽ có lúc thăng, lúc trầm – Hoa Kỳ sẽ gặt hái được một số thành quả, nhưng Trung Quốc cũng vậy. Washington phải cân bằng giữa tính cấp bách của tình hình và tính kiên nhẫn của mình, hiểu rằng điều quan trọng là tổng các hành động của mình chứ không phải những dòng tin tức trên báo chí. Và chúng ta cần có niềm tin bền vững vào khả năng cạnh tranh của mình với bất kỳ quốc gia nào. Hai năm rưỡi qua đã đảo ngược các giả định về quỹ đạo tương đối của Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Hoa Kỳ tiếp tục có quan hệ thương mại và đầu tư đáng kể với Trung Quốc. Nhưng quan hệ kinh tế với Trung Quốc rất phức tạp vì Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh. Chúng ta không có lỗi khi đẩy lùi các hoạt động thương mại không công bằng gây tổn hại cho công nhân Hoa Kỳ. Và chúng ta lo ngại rằng Trung Quốc có thể lợi dụng sự cởi mở của Hoa Kỳ để sử dụng các công nghệ của Hoa Kỳ chống lại chính Hoa Kỳ và các đồng minh. Trong bối cảnh đó, chúng ta tìm cách “loại bớt rủi ro” và đa dạng hóa chứ không tách biệt. Chúng ta muốn bảo vệ một số công nghệ nhạy cảm mục tiêu bằng biện pháp hạn chế tập trung, tạo ra cái mà một số người gọi là “sân nhỏ và rào cao”. Chúng ta đã phải đối mặt với những lời chỉ trích từ nhiều phía cho rằng những biện pháp này là theo chủ nghĩa trọng thương hoặc chủ nghĩa bảo hộ. Những chỉ trích này sai sự thật. Đây là những biện pháp được thực hiện với quan hệ hợp tác của những nước khác và tập trung vào một tập hợp công nghệ hẹp, những biện pháp mà Hoa Kỳ cần thực hiện trong một thế giới cạnh tranh hơn để bảo vệ an ninh quốc gia của mình đồng thời hỗ trợ liên kết kinh tế toàn cầu.

Đồng thời, chúng ta đang tăng cường hợp tác công nghệ với các đối tác và đồng minh có cùng quan điểm, bao gồm cả với Ấn Độ và thông qua Hội đồng Thương mại và Công nghệ Hoa Kỳ – EU, một diễn đàn được thành lập vào năm 2021. Chúng ta sẽ tiếp tục đầu tư cải thiện năng lực của chính Hoa Kỳ và vào chuỗi cung ứng an toàn và linh hoạt. Và chúng ta sẽ tiếp tục thúc đẩy chương trình nghị sự nhằm đề cao quyền của công nhân có việc làm tử tế, an toàn và lành mạnh ở Hoa Kỳ và những nước khác nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng cho công nhân và các công ty Hoa Kỳ.

Có thời điểm, cạnh tranh sẽ rất khốc liệt. Chúng ta đã chuẩn bị cho điều đó. Chúng ta đang mạnh mẽ đẩy lùi các hành động gây hấn, ép buộc và đe dọa, đồng thời ủng hộ các quy tắc giao thông cơ bản, chẳng hạn như quyền tự do hàng hải. Như Ngoại trưởng Antony Blinken đã nói trong một bài phát biểu vào tháng Chín, “Mối quan tâm trong sáng của chính Hoa Kỳ trong việc duy trì và củng cố trật tự này chưa bao giờ lớn hơn”. Chúng ta cũng hiểu rằng các đối thủ cạnh tranh của Hoa Kỳ, đặc biệt là Trung Quốc, có cách nhìn hoàn toàn khác.

Nhưng Washington và Bắc Kinh cần tìm ra cách quản lý cạnh tranh để giảm bớt căng thẳng và bước tiếp để giải quyết những thách thức chung. Đó là lý do tại sao chính quyền Biden đang tăng cường hoạt động ngoại giao với Trung Quốc, duy trì các kênh liên lạc hiện có và tạo ra các kênh liên lạc mới. Người Hoa Kỳ đã thấm nhuần một số bài học về các cuộc khủng hoảng trong nhiều thập kỷ qua, đặc biệt là khả năng có thể xẩy ra xung đột. Tương tác cấp cao thường xuyên là rất quan trọng để xóa bỏ quan niệm sai lầm, tránh truyền đạt thông tin sai lệch, chuyển tín hiệu rõ ràng và ngăn chặn các vòng xoáy đi xuống có thể bùng phát thành một cuộc khủng hoảng lớn. Thật không may, Bắc Kinh dường như lại rút ra những bài học khác về việc quản lý căng thẳng, đi đến kết luận rằng nhiều hành động có thể đẩy cạnh tranh lên cao giống như cách thắt dây an toàn khuyến khích lái xe liều lĩnh. (Đó là một suy nghĩ sai lầm. Giống như việc sử dụng dây an toàn giúp giảm tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông xuống một nửa, các biện pháp an toàn và liên lạc cơ bản cũng làm giảm nguy cơ tai nạn địa chính trị). Tuy nhiên, gần đây, đã có những dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy Bắc Kinh có thể đã nhận ra giá trị của ổn định. Thử thách thực sự sẽ là liệu các kênh liên lạc có thể tiếp tục được duy trì được khi căng thẳng chắc chắn sẽ tăng vọt hay không.

“Washington và Bắc Kinh cần tìm ra cách quản lý cạnh tranh để giảm bớt căng thẳng và bước tiếp để giải quyết những thách thức chung.” (Ảnh minh họa)

Chúng ta cũng nên nhớ rằng không phải mọi việc đối thủ cạnh tranh làm đều không phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ. Thỏa thuận mà Trung Quốc làm trung gian trong năm nay giữa Iran và Ả-rập Xê-út đã phần nào giảm bớt căng thẳng giữa hai nước, một diễn biến mà Hoa Kỳ cũng muốn thấy. Hoa Kỳ không thể làm môi giới thỏa thuận như vậy, do bản thân không có quan hệ ngoại giao với Iran và Hoa Kỳ không nên phá hoại thoả thuận đó. Lấy một ví dụ khác, Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tham gia vào một cuộc cạnh tranh công nghệ đang phát triển nhanh chóng và mang tính rủi ro cao, nhưng hai bên cần hợp tác cùng nhau để giải quyết những rủi ro phát sinh từ trí tuệ nhân tạo. Hành động như vậy không phải là dấu hiệu của yếu đuối. Hành động như vậy phản ánh một đánh giá rõ ràng rằng trí tuệ nhân tạo có thể đặt ra những thách thức đặc biệt cho nhân loại và các cường quốc có trách nhiệm phải cùng nhau giải quyết.

Điều tự nhiên là các quốc gia không liên kết với Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ có quan hệ với cả hai nước, tìm cách hưởng lợi từ sự cạnh tranh trong khi nỗ lực bảo vệ lợi ích của chính mình khỏi bất kỳ tác động lan tỏa nào. Nhiều quốc gia trong số này tự coi mình là một phần của phương Nam, một nhóm nước có cách suy nghĩ riêng và có những lời lẽ rõ ràng phê phán phương Tây bắt nguồn từ Chiến tranh Lạnh và Phong trào Không liên kết. Tuy nhiên, không giống như trong Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ sẽ tránh bị cám dỗ nhìn thế giới chỉ qua lăng kính cạnh tranh địa chính trị hoặc coi những quốc gia này là nơi để tranh giành ủy quyền. Thay vào đó, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tương tác với các quốc gia này theo các điều kiện chính họ đặt ra. Hoa Kỳ nên thực tế về những kỳ vọng của mình khi làm việc với họ, tôn trọng chủ quyền và quyền đưa ra quyết định có lợi cho lợi ích riêng của họ. Nhưng cũng cần phải làm rõ điều gì là quan trọng nhất đối với mình. Đó là cách chúng ta sẽ tìm cách định hình mối quan hệ với những quốc gia này: để khi tính chung lại, những quốc gia này có lợi ích phải hành động phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ.

Trong thập kỷ tới, các quan chức Hoa Kỳ sẽ dành nhiều thời gian hơn so với 30 năm qua để nói chuyện với các quốc gia có bất đồng, thường là về các vấn đề cơ bản. Thế giới đang trở nên cạnh tranh hơn và Hoa Kỳ không thể chỉ nói chuyện với những nước chia sẻ quan điểm hoặc giá trị với mình. Chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực định hình bối cảnh ngoại giao tổng thể theo những cách có lợi cho cả Hoa Kỳ và lợi ích chung. Ví dụ, khi Trung Quốc, Brazil và một nhóm bảy quốc gia châu Phi tuyên bố rằng họ mong muốn theo đuổi các nỗ lực hòa bình nhằm chấm dứt cuộc chiến của Nga ở Ukraine, về nguyên tắc, chúng ta đã không bác bỏ những sáng kiến này; chúng ta kêu gọi các quốc gia này nói chuyện với các quan chức Ukraine và đưa ra bảo đảm rằng các đề xuất giải quyết của họ sẽ phù hợp với Hiến chương Liên Hợp quốc.

Một số hạt giống mà chúng ta đang gieo trồng – chẳng hạn như đầu tư vào công nghệ tiên tiến hoặc tàu ngầm trong khuôn khổ AUKUS – sẽ mất nhiều năm để có kết quả. Nhưng cũng có một số vấn đề mà chúng ta có thể và phải hành động ngay, điều mà chúng ta gọi là “công việc còn dang dở”. Chúng ta phải xây dựng một Ukraine có chủ quyền, dân chủ và tự do. Chúng ta phải tăng cường hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan. Chúng ta phải thúc đẩy hội nhập khu vực ở Trung Đông trong khi tiếp tục kiểm soát Iran. Chúng ta phải hiện đại hóa cơ sở công nghiệp quốc phòng và quân sự của Hoa Kỳ. Và chúng ta phải thực hiện các cam kết về cơ sở hạ tầng, phát triển và khí hậu cho phương Nam.

Tùy thuộc chúng ta

Vai trò toàn cầu mà Hoa Kỳ đảm nhận sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai đã ở thời kỳ thứ ba. Trong thời kỳ đầu tiên, chính quyền Truman dựa trên nền tảng sức mạnh của Hoa Kỳ để hoàn thành hai mục tiêu: củng cố các nền dân chủ và hợp tác dân chủ, và kiềm chế Liên Xô. Chiến lược này, được các Tổng thống tiếp theo thực hiện, bao gồm nỗ lực toàn diện đầu tư vào ngành công nghiệp Hoa Kỳ, đặc biệt là vào công nghệ mới, từ những năm 1950 đến những năm 1970. Cam kết tăng cường sức mạnh quốc gia thông qua đầu tư công nghiệp bắt đầu bị xói mòn vào những năm 1980, và người ta nhận thấy điều này không còn cần thiết sau Chiến tranh Lạnh. Trong thời kỳ thứ hai, do Hoa Kỳ không có đối thủ cạnh tranh ngang hàng, các chính quyền kế nhiệm đã tìm cách mở rộng trật tự dựa trên luật lệ do Hoa Kỳ dẫn dắt và thiết lập các mô hình hợp tác trong các vấn đề quan trọng. Ở thời kỳ này, thế giới đã biến đổi, trở nên tốt đẹp hơn theo nhiều cách khác nhau – nhiều quốc gia trở nên tự do, thịnh vượng và an ninh hơn; tình trạng nghèo đói toàn cầu đã giảm bớt; và thế giới đã ứng phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 nhưng đó cũng là thời kỳ có nhiều thay đổi địa chính trị.

Hoa Kỳ hiện đang ở thời điểm bắt đầu kỷ nguyên thứ ba: kỷ nguyên mà Hoa Kỳ phải điều chỉnh để ứng phó với một thời kỳ cạnh tranh mới trong thời đại phụ thuộc lẫn nhau và những thách thức xuyên quốc gia. Điều này không có nghĩa là đoạn tuyệt với quá khứ hay từ bỏ những thành tựu đã đạt được, mà nó có nghĩa là đặt nền móng mới cho sức mạnh của Hoa Kỳ. Điều này đòi hỏi phải xem xét lại những tư duy đã có từ lâu nếu chúng ta muốn Hoa Kỳ mạnh mẽ hơn trước và chuẩn bị tốt hơn cho những gì sắp xảy ra. Kết quả của giai đoạn này sẽ không chỉ được quyết định bởi các thế lực bên ngoài. Ở một mức độ lớn, kết quả cũng sẽ được quyết định bởi những lựa chọn của chính Hoa Kỳ.■ 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN