1. Cuộc tấn công bất ngờ của lực lượng Hamas vào Israel
Sáng ngày 7/10/2023 vừa qua, thế giới chấn động trước cuộc tấn công bất ngờ với quy mô và phạm vi chưa từng có tiền lệ của Hamas – nhóm chiến binh Hồi giáo người Palestine – vào lãnh thổ Israel. Ngoài việc phóng tên lửa từ Dải Gaza tới miền Nam Israel, lực lượng vũ trang thâm nhập qua khu vực này tàn phá thành phố, tàn sát, bắt bớ dân thường làm con tin, gây tổn thất rất nặng nề cho Israel. Có ít nhất 250 người dân nước này đã thiệt mạng, cùng với hơn 1.400 người bị thương và 267 người đang trong tình trạng nguy kịch, hàng trăm người bị bắt làm con tin, bao gồm cả những người nước ngoài đang sinh sống tại đây. Các tay súng Hamas thậm chí còn công bố những hình ảnh, video về những người bị bắt để tuyên chiến với Israel.
Ngay lập tức, Chính phủ Israel đã có những động thái đáp trả quyết liệt. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chính thức ban bố tình trạng chiến tranh trên khắp cả nước, phát động Chiến dịch Thanh kiếm Sắt, huy động một lực lượng quân sự lên đến 350-400 ngàn binh lính kèm theo tuyên bố sẽ san phẳng Dải Gaza và “quét sạch” lực lượng vũ trang Hamas. Tiếp đó, nhiều cuộc không kích vào Gaza đã được Chính phủ Israel chỉ đạo tiến hành, gây ra những thiệt hại rất lớn về người và của cho toàn bộ khu vực này. Ước tính hàng ngàn người đã thiệt mạng và bị thương, nhiều công trình công cộng, nhà cửa, bệnh viện… bị phá huỷ hoàn toàn. Tình hình ở Dải Gaza trở nên hết sức hỗn loạn và giao tranh vẫn còn tiếp diễn. Số người chết, bị thương và bị bắt làm con tin có thể lớn hơn gấp nhiều lần so với báo cáo ban đầu.
Đỉnh điểm của thương vong do chiến sự giữa Hamas và Israel gây ra là vụ dội tên lửa vào bệnh viện Ahli Arab đêm 17/10, khiến ít nhất 500 người thiệt mạng. Israel và Hamas đã lên tiếng tố cáo, đổ lỗi cho nhau về sự kiện nói trên. Ông Mahmoud Basal, người phát ngôn Cơ quan Phòng vệ dân sự Palestine ở Gaza, cho biết: “Cuộc tấn công tại Bệnh viện Al-Ahli Arabi là chưa từng có trong lịch sử của chúng tôi”. Trên thực tế, sự kiện này cũng đã gây chấn động mạnh mẽ trên toàn thế giới. Nó không những cho thấy mức độ khốc liệt của cuộc chiến giữa Israel và Palestine vừa mới được “châm ngòi” trở lại sau vụ tấn công ngày 7/10, mà còn cảnh báo rằng cuộc chiến này sẽ tiếp tục leo thang căng thẳng và có nguy cơ lan rộng khắp Trung Đông.
Hiện nay, cả hai phía đều đưa ra những phát ngôn hết sức cứng rắn. Lực lượng Hamas tuyên bố sẽ làm sụp đổ Nhà nước Israel; trong khi Chính phủ Israel khẳng định sẽ san phẳng Dải Gaza bằng mọi giá. Do đó, trong thời gian tới, xung đột vũ trang giữa hai bên dự kiến sẽ còn kéo dài và trở nên ngày càng phức tạp hơn, nhất là khi các nước lớn đã bắt đầu lên tiếng, thậm chí có những động thái can thiệp nhất định đối với tình hình giao tranh ở khu vực này.
2. Phản ứng của các nước lớn
Mỹ là quốc gia có phản ứng mau lẹ nhất trước các cuộc tấn công của Hamas vào lãnh thổ Palestine hồi đầu tháng 10 vừa qua. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden và cho biết, ông Biden tuyên bố Mỹ sẽ sát cánh cùng Israel và hoàn toàn ủng hộ quyền tự vệ của nước này. Phía Mỹ cũng khẳng định rằng hoạt động của Hamas là hoạt động khủng bố, giết hại dân thường Israel, và Tổng thống Biden tuyên bố sẽ ủng hộ Israel xoá sổ, tiêu diệt toàn bộ lực lượng Hamas. Một ngày sau khi xảy ra cuộc giao tranh, Nhà Trắng đã ra lệnh cho Bộ Quốc phòng Mỹ đưa lực lượng đến Trung Đông chi viện cho Israel. Hãng tin AFP cho biết, Mỹ đã điều động tàu sân bay USS Gerald R. Ford và các tàu chiến hiện đại đến phía đông Địa Trung Hải, đồng thời tăng cường huy động các đội máy bay chiến đấu trong khu vực đến gần Israel.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nhiều lần đến Israel sau cuộc tấn công ngày 7/10, đồng thời đến Jordan, Saudi Arabia và Ai Cập, để thảo luận về tình hình chiến sự tại Gaza. Trong cuộc gặp các nhà lãnh đạo Ai Cập, ông Blinken tỏ rõ chủ trương phản đối các nước Ả Rập đã ủng hộ việc chống lại Nhà nước Israel, kêu gọi, vận động các nước này tham gia hỗ trợ Israel tiêu diệt lực lượng khủng bố Hamas.
Hai ngày sau đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Israel. Trong chuyến thăm này, Tổng thống Joe Biden tiếp tục lặp lại tuyên bố sẽ ủng hộ Israel xoá sổ nhóm phiến quân Hamas ở Dải Gaza. Không những thế, ông còn vạch rõ và lên án hành vi tiếp tay của Iran cùng một số nước Ả rập như Liban, Ả Rập Xê Út… cho lực lượng Hamas và Hezbollah. Sau sự kiện này, Mỹ và G7 đã có cuộc họp khẩn cấp tại Washington để bàn đến vấn đề các cuộc xung đột ở Israel và đề xuất các phương án tiêu diệt Hamas, đồng thời đưa ra quyết định viện trợ cho Israel hàng chục tỉ đô la.
Liên minh châu Âu (EU) lại bày tỏ quan điểm một cách tương đối thận trọng, dành mối quan tâm chính cho vấn đề nhân đạo. Ngày 23/10, Đại diện Cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã kêu gọi trước cuộc họp của các Ngoại trưởng EU rằng châu Âu phải nhanh chóng vận chuyển viện trợ nhân đạo tới Gaza, và cho biết thêm rằng các nước EU cũng đang tranh luận để đưa ra một lời kêu gọi về lệnh ngừng bắn, chấm dứt ngay cuộc xung đột giữa Israel và Phong trào Hamas. Tuy nhiên, lập trường của một số nước lớn ở châu lục này vẫn ít nhiều nghiêng về ủng hộ Nhà nước Israel. Ngày 9/10, Mỹ cùng 4 nước đồng minh châu Âu bao gồm Italia, Pháp, Đức và Anh đã ra tuyên bố chung về cuộc đụng độ giữa Hamas và Israel. Tuyên bố này lên án lực lượng Hamas và các hành động tấn công Israel, nhấn mạnh sự ủng hộ đối với các nỗ lực tự vệ của Nhà nước Do Thái. Tuyên bố cũng cảnh báo rằng đây không phải thời điểm để các bên thù địch với Israel sử dụng các cuộc tấn công của Hamas nhằm tận dụng cơ hội trả đũa nước này. Ngày 19/10, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã tới thành phố Tel Aviv nhằm nỗ lực tìm kiếm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng tại Dải Gaza, đồng thời thể hiện sự ủng hộ dành cho Israel trong cuộc chiến với Hamas.
Phản ứng của Nga: ngày 25/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi chấm dứt xung đột Israel – Hamas, đồng thời cho biết ông cũng điện đàm với các nhà lãnh đạo thế giới và nhấn mạnh “nhiệm vụ của chúng ta hiện nay là ngăn chặn đổ máu và bạo lực”. Một mặt, ông Putin đồng ý rằng việc Israel đáp trả lại cuộc tấn công bất ngờ từ Hamas vào hôm 7/10 là một hành vi tự vệ chính đáng, song ông cũng phản đối các hành động nhắm vào dân thường ở Dải Gaza, bởi “những người vô tội không nên bị bắt chịu trách nhiệm cho tội ác do những người khác gây ra”. Tổng thống Putin cũng đưa ra quan điểm ủng hộ giải pháp hai nhà nước, Palestine độc lập theo quyết định của Liên hợp quốc năm 1967 – điều đó sẽ đảm bảo hòa bình lâu dài giữa Israel và Palestine. Ông Putin yêu cầu Mỹ và phương tây không được can thiệp vào cuộc xung đột này với những quan điểm thiên lệch, “gây ra một làn sóng hỗn loạn thực sự và hận thù lẫn nhau không chỉ ở Trung Đông mà còn vượt xa biên giới của khu vực này”.
Đồng quan điểm với Nga, Trung Quốc cũng cho rằng cả hai bên nên bình tĩnh, kiềm chế nhằm giải quyết xung đột, tránh gây thêm thiệt hại cho người dân thường. Ngày 8/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra lời bình luận về chiến sự căng thẳng giữa Israel và Hamas như sau: “Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan bình tĩnh, kiềm chế và lập tức dừng các hành động thù địch nhằm bảo vệ người dân, tránh leo thang tình hình”. Bắc Kinh cũng kêu gọi thúc đẩy thực hiện giải pháp hai nhà nước độc lập, đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế sớm nối lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel để đạt được một nền hòa bình lâu dài.
Ngày 16/10, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Tại cuộc gặp, hai vị Bộ trưởng đã thảo luận về tình hình xung đột giữa Israel và Phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas, cùng đưa ra một lời kêu gọi chung về việc ngừng bắn giữa các bên.
Tại Trung Đông, các nước Ả Rập như Iran, Ả Rập Xê Út, Iraq, Syria… và cả Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã lên tiếng phản đối các phát ngôn tuyên chiến mạnh mẽ từ phía Israel với mục tiêu san phẳng Dải Gaza; đồng thời nhấn mạnh rằng nếu Israel cương quyết không từ bỏ mục tiêu đó, và còn tiếp tục tấn công vào Gaza, thì các nước này sẽ chính thức tuyên chiến với Israel. Trong bài phát biểu trước người biểu tình ủng hộ Palestine tại thủ đô Istanbul hôm 28/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã chỉ trích Israel là “tội phạm chiến tranh” và sẽ tuyên chiến với Israel nếu nước này tiếp tục gây tội ác ở Dải Gaza. Ông Erdogan tố cáo các nước phương Tây đã hợp pháp hóa “cuộc thảm sát người vô tội” của Israel ở Dải Gaza. Tại Iran, mặc dù Nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei cho biết nước ông không liên quan đến cuộc tấn công của Hamas hôm 7/10 nhưng chính ông đã lên tiếng ca ngợi tính chính nghĩa của cuộc tấn công vào đó.
Trong bối cảnh giao tranh căng thẳng giữa Israel và Palestine, lực lượng Hezbollah tại Liban, được Iran và các nước Ả Rập hỗ trợ, đã nhiều lần phóng tên lửa qua biên giới với Israel. Đáp lại, Israel cũng đã sử dụng tên lửa, đạn pháo tấn công vào các thị trấn thuộc miền Nam và Đông Nam Liban. Ngày 25/10, thủ lĩnh Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah gặp phó thủ lĩnh Hamas Saleh al-Arouri và thủ lĩnh tổ chức Jihad Hồi giáo Ziyad al-Nakhalah để thảo luận về cách liên minh giữa các tổ chức này để tấn công Israel tại Gaza.
Tình hình đến nay cho thấy các nước Ả Rập đều ra tuyên bố rất mạnh mẽ chống Israel, song chưa có nước nào có kế hoạch tham gia vào cuộc chiến. Thậm chí các nước Ả Rập chủ trương không nhận người tị nạn Palestine để tránh hoạt động khủng bố lan tràn ra các nước này.
Có thể thấy, hiện nay cả hai bên đều liên tục đưa ra những lời cảnh cáo, đe doạ lẫn nhau khiến tình hình ngày càng căng thẳng và phức tạp. Mỹ phủ quyết dự luật do Nga và Brazil đề xuất về việc giải quyết xung đột giữa Israel và Hamas ở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong khi đó, Liên Hợp Quốc vẫn chưa chấp nhận bất cứ nghị quyết nào về vấn đề xung đột giữa Israel và Palestine, kể cả hai nghị quyết gây tranh cãi giữa Nga và Mỹ nói trên. Lập trường của Liên hợp quốc đối với vấn đề này vẫn mang tính trung lập, kêu gọi các bên bình tĩnh, giảm căng thẳng và tập trung vào cứu trợ nhân đạo. Ngày 24/10, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ lo ngại về vấn đề vi phạm luật pháp quốc tế tại Dải Gaza, đồng thời hối thúc các bên ngừng bắn lập tức để tạo điều kiện cho hoạt động viện trợ nhân đạo. Ông Guterres hoan nghênh một số đoàn xe cứu trợ đã đến Gaza qua cửa khẩu Rafah từ phía Ai Cập, song ông cũng cho rằng số xe viện trợ này quá ít so với nhu cầu rất lớn hiện nay tại Gaza. Do đó, ông kêu gọi các nước như Ả Rập, Jordan, Liban… cần nhanh chóng mở cửa khẩu để Liên Hợp Quốc vận chuyển đồ cứu trợ cho nhân dân ở Dải Gaza, yêu cầu quân đội Israel không tấn công vào hoạt động cứu trợ.
3. Cạnh tranh địa chính trị mang tính lịch sử
Các nhà bình luận đã phân tích và chỉ ra rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc xung đột ở Dải Gaza, song nguyên nhân sâu xa nhất vẫn bắt nguồn từ vấn đề dân tộc – tôn giáo. Có thể nói, sự tranh chấp chủ quyền giữa Israel và Palesting cũng bắt nguồn từ mâu thuẫn chung của toàn bộ khu vực Trung Đông, bởi đây vốn là nơi thoát thai của các nhánh tôn giáo Abraham khác nhau, nổi bật là Do Thái giáo, Hồi giáo và Thiên chúa giáo, trong đó Hồi Giáo chiếm 90% dân số, tức khoảng 300 triệu tín đồ hoặc 1/4 tổng số tín đồ Hồi Giáo trên toàn thế giới. Không những thế, khu vực này còn là nơi sinh sống của các dân tộc Do Thái, Ả Rập, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Kurds, Armenians và Berbers. Do sự khác biệt về tín ngưỡng, phong tục… mà trong suốt lịch sử hình thành và phát triển, các tín đồ tôn giáo và người dân thuộc các dân tộc khác nhau sinh sống tại khu vực này đã liên tục nảy sinh những mâu thuẫn và nhiều cuộc xung đột đã diễn ra hàng thế kỷ nay.
Tuy nhiên, những mâu thuẫn này không thể bùng phát thành xung đột đẫm máu nếu không có sự can thiệp, tác động của các cường quốc với mục đích tranh giành ảnh hưởng địa chính trị tại vùng đất trù phú, giàu tài nguyên, đặc biệt sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới này. Trong đó có Anh, Mỹ đã lần lượt “thế chân” nhau thực hiện các kế hoạch phân chia, định đoạt số phận của nhiều quốc gia, dân tộc ở Trung Đông nhằm phục vụ cho các ý đồ chính trị của mình; từ đó trực tiếp dẫn đến việc mở rộng, lây lan xung đột giữa các nước và vùng lãnh thổ tại khu vực này trong suốt nhiều năm liền.
Mâu thuẫn giữa Israel và Palestine bắt đầu từ sau khi đế quốc Ottoman thất bại trong Thế chiến 1 (1914-1918), Anh kiểm soát vùng lãnh thổ Palestine (vốn trước đó thuộc đế quốc Ottoman, tiền thân của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Vùng đất Palestine khi ấy phần lớn là người Ả Rập và một phần thiểu số cư dân Do Thái. Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai dân tộc này chỉ bắt đầu gia tăng khi cộng đồng quốc tế giao cho Anh nhiệm vụ thiết lập “quê hương” cho người Do Thái tại Palestine. Kể từ năm 1917, cộng đồng người Do Thái lưu lạc tại châu Âu và phương Tây bắt đầu trở về Palestine định cư theo kế hoạch của Anh. Sau đó, số lượng người Do Thái di cư tới Palestine đặc biệt tăng cao trong giai đoạn Thế chiến II (1939-1945) nhằm chạy trốn khỏi nạn diệt chủng của Đức quốc xã. Đỉnh điểm là vào ngày 29/11/1947, hai năm sau khi kết thúc Thế chiến, Liên hợp quốc đề ra nghị quyết khuyến nghị phân cắt một phần lãnh thổ của người Palestine, vốn từng là thuộc địa của Anh, để thành lập một Nhà nước riêng cho người Do Thái với tên gọi Israel như hiện nay. Nhà nước này tồn tại song song với các nước Ả Rập và khu vực Thánh địa chung của cả ba tôn giáo nói trên là Jerusalem. Kể từ đó, người Do Thái chính thức trở về định cư tại vùng đất Palestine vốn trước đó có đông đảo người Ả Rập sinh sống. Và cũng chính tại thời điểm đó, bạo lực đã liên tiếp nổ ra giữa hai phe Do Thái và Ả Rập – Israel và Palestine. Israel được tuyên bố độc lập vào ngày 14/5/1948 thì ngay hôm sau người dân Palestine đã nổ súng và các quốc gia láng giềng Ả Rập cũng tham chiến, hỗ trợ cho Palestine. Kết quả là Israel đã chiếm đóng được đến một nửa lãnh thổ mà Liên hợp quốc vốn chia cho phe Ả Rập, tràn sang tận khu vực Bờ Tây (1967). Tại đây, người Do Thái đã và đang xây dựng nhiều khu vực định cư của mình. Dải Gaza cũng mở ra từ đó. Cho đến nay đã gần một thế kỉ, song các cuộc giao tranh, đụng độ giữa hai bên vẫn không ngừng nổ ra căng thẳng.
Đối với Israel, được sự hậu thuẫn từ Mỹ và phương Tây, Israel đã sớm vươn lên trở thành một trong những quốc gia giàu có bậc nhất tại Trung Đông. Tuy nhiên, với chính sách ngoại giao thiếu thân thiện của mình, Israel liên tục “gây hấn” với hầu hết các nước trong khu vực, từ đó càng thổi bùng lên mối hiềm khích vốn có giữa người Do Thái và người Ả Rập. Trên thực tế, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas năm nay đã 87 tuổi và suốt 18 năm qua, Palestine không tổ chức thêm một cuộc bầu cử nào nữa mà chính quyền của ông đã hợp tác, nhượng bộ Israel từ lâu; song điều này đi ngược lại với mong muốn của toàn thể nhân dân Palestine. Từ đó, một số nhóm vũ trang cực đoan được cộng đồng Hồi giáo ủng hộ như Hamas, Hezbollah… nổi lên và đại diện cho người Palestine trong cuộc chiến chống Israel và các đồng minh của họ, đặc biệt là Mỹ và phương Tây.
Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ còn ra quyết định công nhận Thánh địa chung Jeruslem là thủ đô của Israel (ngày 6/12/2017), đồng thời chuyển Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem, từ đó càng làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ, Israel với các nhóm vũ trang Hồi giáo tại Palestine và các nước Ả Rập. Ông Trump còn ra sức thúc đẩy các nước trong và ngoài khu vực như Ai Cập, Sudan, Bhutan thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel. Cho tới khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, mặc dù đưa ra nhiều chính sách mới so với người tiền nhiệm, song ông Biden cũng không thay đổi quan điểm của nhiều đời Tổng thống Mỹ trong vấn đề Trung Đông. Sau khi nhậm chức, ông Biden đã có chuyến công du tới khu vực Trung Đông vào tháng 7/2022, nhằm kêu gọi Ả Rập Xê Út thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel. Bên cạnh đó, mặc dù công khai ủng hộ Israel, song Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng có cuộc điện đàm riêng với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas để nhấn mạnh sự cần thiết của các hoạt động viện trợ nhân đạo dành cho dân thường Palestine.
Các nước Ả Rập và các nhóm vũ trang Hồi giáo nhận thấy chính sách nguy hiểm của Mỹ dùng Israel để thôn tính Trung Đông. Các nhà quan sát tình hình cho rằng cuộc tấn công của Hamas có thể nằm trong tính toán của một số nước Ả Rập (bao gồm Iran, Syria, Ả Rập Xê Út, Liban, Syria…) và một số quốc gia Hồi giáo khác, với mục tiêu tấn công Israel, ngăn chặn Israel bành trướng khắp khu vực, phá vỡ mối liên kết do Mỹ chắp nối giữa Israel với Ai Cập, Sudan… và một số nước Trung Đông khác. Cuộc tấn công từ phía Hamas vào Israel để vạch trần những tính toán của Mỹ ở Trung Đông.
Cuộc tấn công được tổ chức vào đúng dịp tưởng niệm hàng chục năm xâm chiếm của Israel và phương Tây lên mảnh đất của người Palestine, do đó sự kiện này còn để củng cố tinh thần chiến đấu của phong trào Hồi giáo chống Israel trong bối cảnh Mỹ và phương Tây đang sa lầy ở cuộc chiến Ukraine.
Đến nay vẫn chưa có một dấu hiệu nào cho thấy cuộc xung đột đã hạ nhiệt, thậm chí chiến tranh có thể lan rộng ra cả khu vực Trung Đông. Hiện tại cả hai bên đều tuyên bố cứng rắn và đang chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh quy mô lớn ở Dải Gaza. Nếu như Israel tấn công lực lượng Hamas thì sự đáp trả chắc chắn sẽ không chỉ đến từ Hamas mà còn bao gồm cả lực lượng Hezbolla ở Liban và các quốc gia Hồi giáo vùng vịnh vốn đứng sau hậu thuẫn cho Hamas như Iran, Ả Rập Xê Út, Liban, Syria… Thậm chí cả Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ tham chiến chống Israel. Các lực lượng Hồi giáo sẽ mở các cuộc tấn công vào các quốc gia châu Âu và Mỹ thay cho các hoạt động biểu tình ủng hộ người Palestine đang diễn ra tại phương Tây. Đây chính là một thảm hoạ mà cả thế giới không hề mong muốn.
Hiện nay chỉ có một số nước Ả Rập và lực lượng Hamas lên tiếng cho biết họ kì vọng rằng Nga sẽ can thiệp để chấm dứt cuộc xung đột ở Trung Đông. Tuy nhiên, bản thân Nga đang cũng đang vướng vào cuộc chiến ở Ukraine nên tình hình Trung Đông trong thời gian tới sẽ còn nhiều diễn biến khó lường.
4. Những hậu quả từ cuộc xung đột vũ trang
Có thể thấy, chiến sự ở Ukraine đã gây ra rất nhiều biến động; làm ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống, kinh tế – xã hội của các bên tham chiến; bao gồm Nga, Ukraine và các nước phương tây, Mỹ cũng như nhiều nước trong khu vực và thế giới. Nếu xung đột ở Dải Gaza tiếp tục bùng nổ, thì nhân loại chắc chắn sẽ phải gánh chịu một “thảm hoạ kép”. Loài người sẽ phải đối mặt với các vấn đề kinh tế, chính trị, an sinh xã hội đang ngày càng khó khăn, nan giải hơn rất nhiều. Trung Đông được xem là “vựa dầu mỏ”, nguồn cung cấp năng lượng dồi dào nhất toàn cầu. Chiến tranh xảy ra ở khu vực này chắc chắn sẽ dẫn đến những hệ luỵ khôn lường về nguồn cung nhiên liệu cho toàn thế giới. Bên cạnh đó, Trung Đông cũng nằm trên các tuyến đường vận tải quốc tế, các tuyến đường biển huyết mạch và là vùng địa chính trị quan trọng nối kết cả ba lục địa Á – Âu – Phi. Do đó, chiến tranh liên miên ở Trung Đông cũng đồng nghĩa với việc đứt gãy chuỗi thương mại, cung ứng, sản xuất… toàn cầu; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới.
Bên cạnh đó, đây vốn là một khu vực bất ổn liên miên, đời sống nhân dân khó khăn. Chiến tranh sẽ càng làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, phân hoá xã hội, đẩy nhiều người dân vào cảnh nghèo đói, đồng thời tạo ra các cuộc di dân, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo ở châu Âu. Ngoài ra, nó còn đào sâu thêm mâu thuẫn xung đột sắc tộc, tôn giáo trong lòng các quốc gia phương Tây. Người dân và Chính phủ có sự đối lập sâu sắc trong quan điểm “chọn phe” ở Trung Đông, dẫn đến các cuộc biểu tình, lạm phát gia tăng, chính trị bất ổn.
Nhìn chung, cuộc xung đột giữa Israel với Hamas – Palestine hiện nay chỉ có thể đi đến hồi kết khi các quốc gia có tiếng nói như Mỹ, EU, Nga, Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út… cùng ngồi lại với nhau để bàn tính về cách chấm dứt chiến tranh. Trong tình trạng hiện nay, việc ngừng bắn và cứu trợ nhân đạo là ưu tiên hàng đầu nhằm tránh gia tăng thương vong, đồng thời phải đảm bảo được quyền lợi của cả hai phía, đặc biệt là một nền độc lập mà nhân dân Palestine khao khát bấy lâu. Nhưng tiếc thay, điều đó sẽ rất khó xảy ra khi mâu thuẫn giữa Nga và Mỹ trong vấn đề Ukraine vốn đã trầm trọng, khiến các nước lớn khó có thể gặp gỡ, cùng ngồi vào bàn đàm phán và thảo luận, giải quyết tận gốc xung đột ở Trung Đông. Bởi thế, một cuộc chiến một mất một còn giữa hai phe sẽ là điều rất khó tránh khỏi giữa bối cảnh thế giới phân cực ngày càng khó lường. Đặc biệt, nếu không bên nào chủ động nhượng bộ, kiềm chế thì khả năng chiến tranh lan rộng ra các khu vực khác là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Đây là điều mà toàn thể nhân loại không hề mong muốn.
Do vậy, các nhà lãnh đạo, các chính trị gia, các nước lớn cần thấy được hậu quả lâu dài của các cuộc xung đột hiện tại để cùng nhau tìm ra giải pháp cứu thế giới khỏi một thảm hoạ chiến tranh đang cận kề.■
Đinh Thảo