Ngày 28/8/2023, Bản đồ tiêu chuẩn năm 2023 của Trung Quốc đã chính thức được phát hành và ra mắt trên trang web của dịch vụ bản đồ tiêu chuẩn do Bộ Tài nguyên Trung Quốc quản lý. Ngay sau khi xuất hiện, Trung Quốc đã phải hứng chịu làn sóng phản đối mạnh mẽ không chỉ từ các quốc gia có tranh chấp trên Biển Đông mà còn với các nước khác như Mỹ, Nga và Ấn Độ.
1. “Đường 9 khúc” – yêu sách thiếu căn cứ lịch sử, địa lý, khoa học và pháp lý của Trung Quốc
Về căn cứ lịch sử, địa lý: “Đường 9 khúc” là tên gọi dùng để chỉ khu lãnh hải tại Biển Đông mà Trung Hoa Dân Quốc và sau này là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chủ trương và đơn phương tuyên bố chủ quyền. “Đường 9 khúc” hay còn được gọi là “đường lưỡi bò”, “đường chữ U” xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1948 dưới thời chính quyền Tưởng Giới Thạch, trong phụ lục “Bản đồ vị trí các đảo Nam Hải” của “Bản đồ khu vực hành chính Trung Hoa Dân Quốc“.
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, bản đồ Trung Quốc năm 1740 là bản nguyên gốc của bản đồ d’Anville 1735, do nguyên Thủ tướng Đức Angela Merkel tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo bản đồ này, lãnh thổ Nhà Thanh (đầu thời Càn Long khoảng 1735-1740) không bao gồm “đường lưỡi bò” bao trọn các đảo, đá khu vực Hoàng Sa và các đảo, đá trên Biển Đông. Trong khi, cùng thời kỳ đó, Chúa Nguyễn Việt Nam đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam và tiến hành các hoạt động khám phá, khai thác ở khu vực Hoàng Sa.
Trên bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ do Nhà Thanh Trung Quốc ấn hành, có ghi cực nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam. Như vậy, ngay cả các bản đồ do các triều đại của Trung Quốc in ấn, phát hành thì khu vực Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông không được thể hiện. Do đó, yêu sách về “đường 9 khúc” là hoàn toàn phi lý, thiếu căn cứ về lịch sử, địa lý.
Về mặt khoa học: “Đường 9 khúc” xuất hiện tại thời điểm Trung Hoa Dân Quốc không có khả năng đo lường các hòn đảo để xác định mọi địa hình tạo đường phân định cho khu vực hành chính xung quanh vì thế họ vẽ ra đường chạy qua điểm giữa các hòn đảo và vùng đất lân bang để chỉ ra rằng, các đảo nằm bên trong đường vẽ ra là lãnh thổ Trung Hoa. Đường này chạy qua điểm trung tuyến giữa các điểm nhô ra nhất của các hòn đảo và địa hình của đất liền xung quanh. Không hề có các tọa độ địa lý cụ thể. Đồng thời, những bản đồ ở mỗi thời điểm in khác nhau, “đường lưỡi bò” cũng có sự khác nhau. Nếu như được hỏi về tọa độ của “đường 9 đoạn” thì các học giả, các nhà khoa học hay các nhà chính trị của Trung Quốc chắc chắn sẽ trả lời bằng sự “im lặng”.
Đặc biệt, theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, bản đồ Trung Quốc gửi kèm Công hàm lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, tháng 5 năm 2009 về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông chứa những lỗi cơ bản như: (1) Thước tỉ lệ vẽ sai: 1 km được thể hiện bằng 635 mét. Như vậy nếu dùng thước tỷ lệ này vào việc đo 200 hải lý (370 km) trên bản đồ, chỉ bằng 127 hải lý (235 km) trên thực địa. Hơn nữa, áp dụng thước tỷ lệ này trên các bản đồ của Mỹ thì 1 km chỉ có 630 m; (2) Đảo Lý Sơn không được thể hiện, trong khi các đảo khác có kích thước tương tự, ví dụ đảo Cù Lao Chàm, được thể hiện rất rõ. Đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa, chỉ nằm cách đảo Lý Sơn 123 hải lý (227,8 km) lại không được thể hiện trên bản đồ. Những lỗi này cho thấy, bản đồ về “đường 9 đoạn” được xây dựng không dựa trên những căn cứ khoa học tin cậy.
Về căn cứ pháp lý: Trước yêu sách phi lý của Trung Quốc trong “đường 9 đoạn” cùng những hành vi ngang ngược của nước này trên thực địa, năm 2013, Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài thường trực (PCA) về đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc theo “đường 9 đoạn”. Sau 3 năm thụ lý, vào ngày 12 tháng 7 năm 2016, PCA chiếu theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 bác bỏ đòi hỏi của Trung Quốc với lý do “không có căn cứ pháp lý cho việc Trung Quốc nêu quyền lịch sử với các tài nguyên nằm trong vùng biển trong Đường 9 đoạn”. Và như vậy, Trung Quốc không có căn cứ pháp lý và hoàn toàn chủ quan, phiến diện để đòi hỏi quyền lịch sử với các tài nguyên nằm trong khu vực nêu trên.
2. Bản đồ tiêu chuẩn 2023 của Trung Quốc và phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế
Theo tờ “Thời báo Hoàn Cầu”: “Bản đồ tiêu chuẩn năm 2023 của Trung Quốc đã chính thức được phát hành vào ngày 28/8/2023 và ra mắt trên trang web của dịch vụ bản đồ tiêu chuẩn do Bộ Tài nguyên Trung Quốc quản lý. Bản đồ này được biên soạn dựa trên phương pháp vẽ đường biên giới quốc gia của Trung Quốc và các nước khác nhau trên thế giới”.
Đáng chú ý, theo bản đồ mới này, Trung Quốc đã thể hiện chủ quyền đối với cả bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ – nơi Trung Quốc tuyên bố là Nam Tây Tạng và cao nguyên Aksai Chin – khu vực nước này chiếm đóng trong cuộc chiến năm 1962. Bên cạnh đó, một phần lãnh thổ của Nga cũng bị sáp nhập vào Trung Quốc là đảo Ussuri Lớn – vốn đã được phân chia giữa Nga và Trung Quốc. Theo đó, hòn đảo này được chỉ dẫn là điểm cực Đông của Trung Quốc và hoàn toàn nằm trong Trung Quốc dù trước đó đã có ranh giới và được công nhận giữa 2 nước. Ngoài ra, “Bản đồ tiêu chuẩn” phiên bản năm 2023 cũng thể hiện các yêu sách của Trung Quốc đối với đảo Đài Loan và “Đường 9 đoạn” bao trùm hơn 90% diện tích Biển Đông.
Trước những yêu sách trên của Trung Quốc, Ấn Độ, Nga đã lên tiếng cực lực phản đối. Theo báo cáo của Reuters, một số quốc gia đã bác bỏ các yêu sách trên của Trung Quốc. Trong đó, Ấn Độ đã “phản đối mạnh mẽ” nhất, bởi bản đồ này thể hiện bang Arunachal Pradesh hiện Ấn Độ đang kiểm soát và cao nguyên Aksai Chin là một phần lãnh thổ chính thức của Bắc Kinh. Ngày 29/8/2023, trả lời phỏng vấn độc quyền của kênh NDTV (Ấn Độ), Ngoại trưởng nước này S.Jaishankar đã bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc về lãnh thổ tranh chấp, cho rằng đó là yêu sách là “vô lý”, đồng thời khẳng định những khu vực này thuộc về Ấn Độ. Ông nêu rõ: “Việc Bắc Kinh đưa ra tuyên bố vô lý về lãnh thổ của Ấn Độ không khiến lãnh thổ đó trở thành của Trung Quốc”. Theo nhà ngoại giao này, Trung Quốc có “thói quen” công bố các bản đồ như vậy và nhấn mạnh rằng, việc chỉ đưa lãnh thổ của các quốc gia khác vào bản đồ của mình chẳng có ý nghĩa gì. New Delhi đã nhiều lần tuyên bố với Bắc Kinh rằng “Arunachal Pradesh đã, đang và sẽ luôn là một phần không thể tách rời của Ấn Độ”.
Cùng ngày, truyền thông Nga cho biết, trang mạng “Dịch vụ bản đồ tiêu chuẩn” của nhà nước Trung Quốc đã công bố bộ bản đồ địa lý mới, được phê duyệt chính thức năm 2023, trong đó một phần lãnh thổ của Nga bị sáp nhập vào Trung Quốc là đảo Ussuri Lớn, vốn được phân chia giữa Nga và Trung Quốc.
Trên Biển Đông, với “đường 10 đoạn” – phiên bản mới của “đường 9 đoạn” được sử dụng để đưa ra các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. “Đường 9 đoạn” trước đây đã bao phủ hơn 90% diện tích Biển Đông, nhưng phiên bản mới có thêm 1 đoạn nằm ở phía Đông Đài Loan, nhằm mở rộng yêu sách của Trung Quốc ở khu vực này. Hành động trên đã gây ra cơn bão phẫn nộ trong cộng đồng quốc tế, nhất là từ các nước láng giềng và các nước liên quan.
Trang mạng orfonline.org, ngày 19/9/2023, bình luận: “Động thái này gây ra sự phẫn nộ trong các nước láng giềng của Trung Quốc, những nước coi đây là nỗ lực nhằm hợp pháp hóa các yêu sách của Bắc Kinh đối với các phần thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ”. Trước đó, nhằm tăng cường hiện thực hóa tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, Trung Quốc đã cử thêm tàu dân quân và tàu hải cảnh đến khu vực tranh chấp, bao gồm cả vùng biển ngoài khơi Philippines. Tháng 8/2023, căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines bị đẩy lên thêm một bước khi tàu Hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào đội tàu tiếp tế của Philippines ở khu vực Trường Sa.
Gần đây (27/9/2023), Philippines tuyên bố sẽ quyết tâm giành lại quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ tay Trung Quốc và đang xây dựng chiến lược để thực hiện. Jay Tarriela, phát ngôn viên lực lượng Cảnh sát biển Philippines (PCG) cho biết: “Từ khi chính quyền mới lên nắm quyền, chúng tôi đã lên chiến lược tìm cách kiểm soát lại Bajo de Masinloc (tên Philippines gọi bãi cạn Scarborough ở Biển Đông, nơi Trung Quốc gọi là Hoàng Nham), đặc biệt là vùng nước bên trong”. Đây là rạn san hô vòng chỉ có một lối vào duy nhất, với vùng nước bên trong rộng khoảng 150 km2, nơi từng được coi là ngư trường truyền thống của ngư dân Philippines.
Trên chương trình truyền hình “24 Oras”, ông Antonio Carpio, cựu Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines, hôm 30/8/2023 đã tố cáo “Bản đồ tiêu chuẩn” chính thức mới do Trung Quốc công bố, trong đó thể hiện các yêu sách mở rộng của nước này ở Biển Đông. Ông mỉa mai: “Thật khó tin rằng các đường ở Biển Đông, dù là 9 hay 10 đoạn, đều cấu thành biên giới quốc gia của họ. Vì vậy, nếu đó là ranh giới quốc gia của bạn thì mọi thứ trong đó là lãnh thổ quốc gia của bạn. Bây giờ thì rõ ràng rồi, họ đã làm rõ điều đó theo cách đó. Tôi nghĩ ý đồ của họ muốn khẳng định rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc”. Theo ông, bản đồ mới của Trung Quốc sẽ không thay đổi phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực ở La Haye, Hà Lan.
Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) khuyến cáo Bắc Kinh nên tôn trọng phán quyết của trọng tài năm 2016 dành cho Philippines. Tham mưu trưởng AFP Romeo Brawner nói: “Họ nên tôn trọng phán quyết năm 2016 của trọng tài, theo đó coi ‘Đường 9 đoạn’ là bất hợp pháp. Điều đó không có cơ sở và trên thực tế, họ nên tuân theo trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.
Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines (NSC) và Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia phụ trách Biển Tây Philippines – Biển Đông cho biết, họ hiện đang yêu cầu chính phủ Trung Quốc làm rõ bản đồ mới này. Trợ lý Tổng Giám đốc NSC Jonathan Malaya cho biết: “Nếu bản đồ được chính thức xác nhận là do Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ban hành, thì NSC sẽ đề nghị Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) trao công hàm phản đối mạnh mẽ đối với việc ban hành bản đồ này vì điều đó xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Philippines”.
Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Malaysia nhấn mạnh: “Malaysia không công nhận các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, như được nêu trong ‘Bản đồ tiêu chuẩn Trung Quốc 2023’, theo đó bao phủ khu vực hàng hải của Malaysia”. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao nêu rõ, bản đồ này không có thẩm quyền ràng buộc đối với Malaysia.
Theo trang mạng asiasentinel.com (ngày 9/9/2023), việc Bắc Kinh gần đây công bố một bản đồ tiêu chuẩn mới mà họ gọi là “Đường 10 đoạn”, theo đó mở rộng yêu sách của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông, vượt ra ngoài Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) được quốc tế công nhận, có thể chỉ là một cơ hội nữa mà Mỹ cho đến nay vẫn bỏ lỡ trong sứ mệnh lâu dài nhằm kiềm chế Trung Quốc. Bản đồ này đã tiết lộ một cách hiệu quả quan điểm của Trung Quốc trong tranh chấp: Bắc Kinh thậm chí còn coi toàn bộ vùng biển này là của mình và còn mở rộng quyền bá chủ sang lãnh thổ Ấn Độ.
Trang mạng trên bình luận: Bản đồ này không chỉ bác bỏ phán quyết của tòa án quốc tế năm 2016 – vốn phán quyết rằng cái gọi là “Đường 9 đoạn” của Bắc Kinh không có cở sở và bị thay thế bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) – mà còn mở rộng nó sang lãnh thổ mới. Trên thực tế, thông điệp mà Bắc Kinh gửi đi là: Trung Quốc không tôn trọng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Thông điệp thậm chí còn trở nên rõ ràng hơn khi xét đến thời điểm mà nó được đưa ra. Bởi tháng 7/2023, Trung Quốc và các nước ASEAN đã đạt được thỏa thuận về các hướng dẫn nhằm đẩy nhanh đàm phán nhằm xây dựng và thực thi Bộ Quy tắc ứng xử mới trên Biển Đông (COC). Trong khi những nỗ lực cho một bộ quy tắc như vậy vẫn đang được tiến hành, bản đồ mới này lại cho thấy những mưu đồ của Bắc Kinh trong việc thiết lập sự đã rồi với các quốc gia liên quan và trong việc từ chối tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác.
Đối với Mỹ, trang mạng này đánh giá, đây là cơ hội hoàn hảo để củng cố tâm lý khu vực coi Trung Quốc là mối đe dọa đối với trật tự thế giới và đối với nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các xung đột. Đại diện cho Tổng thống Mỹ J.Biden, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel nói rằng, Washington “bác bỏ các yêu sách hàng hải bất hợp pháp được phản ánh trên bản đồ đó và kêu gọi Trung Quốc giải quyết các yêu sách hàng hải của mình ở Biển Đông và các nơi khác phù hợp với Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982 (UNCLOS)”. Trong khi đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc Pat Ryder gọi đây là những âm mưu của Trung Quốc nhằm “làm xáo trộn chủ quyền quốc tế”, đồng thời cho rằng, đây là thời điểm quan trọng hơn bao giờ hết đối với Mỹ để hợp tác với các đồng minh và đối tác trong khu vực, giúp họ bảo vệ chủ quyền, cũng như duy trì trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc vốn “đã duy trì an ninh và ổn định khu vực trong hơn 70 năm qua”.
Trang tin bình luận: Xét về các mức độ rủi ro, Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ và Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Indonesia hiện có rất nhiều điều cần xem xét. Giờ đây, rõ ràng là các hành động của Bắc Kinh sẽ bị giám sát chặt chẽ, cũng như các cách giải quyết chúng cả về mặt cá nhân lẫn tập thể cũng vậy. Mặc dù nhiều quốc gia ASEAN trước đây nhấn mạnh đến đàm phán thay vì đối đầu, nhưng giờ đây họ sẽ buộc phải đánh giá lại các lựa chọn của mình, vì việc mong đợi Trung Quốc tự giác từ bỏ các yêu sách chủ quyền của mình là ngây thơ và phi thực tế. Nói tóm lại, bằng cách xuất bản tấm bản đồ mới ngay trước hội nghị thượng đỉnh, Trung Quốc đã “tự bắn vào chân mình”, tạo cái cớ để tất cả các khẩu súng chĩa vào Bắc Kinh. Và “Quyết định đưa ra vào thời điểm như vậy, một lần nữa cho thấy nước này không thực sự quan tâm đến việc sử dụng ngoại giao làm cơ chế chính để giải quyết tranh chấp”, trang tin này kết luận.
Với lập trường trước sau như một, Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền trên các đảo, đá khu vực Hoàng Sa, Trường Sa và trên Biển Đông, đồng thời, lên tiếng phản đối mạnh mẽ tuyên bố về đường chín đoạn, nay là đường mười đoạn trên Bản đồ tiêu chuẩn 2023 do Trung Quốc đơn phương đưa ra. Bởi nó đã xâm phạm vào chủ quyền biển, đảo thiêng liêng đã được khẳng định từ lâu đời của dân tộc Việt Nam. Việt Nam kiên định “không chọn bên mà chọn lẽ phải”, nên sẽ kiến quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia, dân tộc mình.■
Nguyễn Đình Thiện
Nguyễn Văn Minh