Nỗ lực khôi phục vị thế nước Mỹ của chính quyền Tổng thống Biden trước biến động thế giới

Bước vào thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI, tình hình chính trị thế giới bắt đầu chứng kiến những thay đổi đáng kể. Đó là kết quả của hàng loạt các cuộc bầu cử chọn ra người đứng đầu ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Cụ thể, tại nước Mỹ, Donald Trump – ứng cử viên của Đảng Cộng hoà, vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, cầm quyền trong khoảng thời gian từ 2017 – 2021, chính thức thất cử trước Joe Biden –  chính trị gia lão luyện của Đảng Dân chủ. Ông Biden hiện là người đứng đầu Nhà Trắng kể từ ngày 20/1/2021. Các nước lớn khác như Nga, Trung Quốc cũng tiến hành các cuộc bầu cử tương tự. Tại Trung Quốc, từ tháng 10/2022 – tháng 3/2023, Chủ tịch Tập Cận Bình liên tục tái đắc cử, nắm giữ hai chức vụ quan trọng nhất trong chính quyền nước này: Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Trước sự trỗi dậy của Trung Quốc – một quốc gia có truyền thống chính trị đối lập với Mỹ, việc Chủ tịch Tập Cận Bình tái đắc cử đã khẳng định rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách gắn liền với “giấc mộng Trung Hoa”, tăng cường tầm ảnh hưởng tại khu vực và trên thế giới trong thời gian sắp tới. Ngày 5/3/2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành luật có nội dung cho phép ông tiếp tục tranh cử thêm hai nhiệm kỳ Tổng thống nữa sau khi hết nhiệm kỳ hiện nay vào năm 2024. Chính giới của một số nước châu Á cũng có nhiều biến đổi sau năm 2021. Tại khu vực Đông Nam Á, Tổng thống Phillipines ông Rodrigo Duterte – người thực hiện chính sách cân bằng ngoại giao giữa các nước lớn, cụ thể là Mỹ và Trung Quốc; đã được thay thế bằng ông Ferdinand Marcos – người chủ trương phục hồi lại quan hệ đồng minh với Mỹ. Hai nền kinh tế, lớn ở khu vực Đông Bắc Á – Nhật Bản và Hàn Quốc – cũng chào đón những vị nguyên thủ quốc gia mới sau năm 2021. Tại Nhật Bản,  ông Kishida Fumio, Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do, chính thức nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản vào ngày 4/10/2021, thay thế cho ông Suga Yoshihide – người sớm rời vị trí này sau một năm điều hành đất nước. Đây cũng là mốc đánh dấu những chuyển biến quan trọng về các chính sách đối nội, đối ngoại của nước Nhật trong thời gian tới. Ở Hàn Quốc, ông Yoon Suk Yeol chính thức đắc cử Tổng thống vào tháng 5 năm 2022. Trái với đường lối ôn hoà và chủ trương hoà hợp, hoà giải với Bắc Triều Tiên của người tiền nhiệm Moon Jae In, ông Yoon được cho là người có xu hướng chính trị cứng rắn và nghiêng về phía Mỹ. Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Tân thủ tướng Úc Anthony Albanese cũng đã tuyên thệ nhậm chức với Toàn quyền Úc David Hurley vào ngày 23 tháng 5 năm 2022.

Ông Joe Biden và ông Trump tại phiên tranh luận cuối cùng (22/10/2020) trước ngày bầu cử chính thức để chọn ra vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Ảnh: AP.

Như vậy, sự thay đổi hàng loạt những người đứng đầu tại các quốc gia và vùng lãnh thổ đã dẫn đến sự thay đổi cục diện chính trị toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp tới vị thế cầm quyền lâu năm của các cường quốc thông qua những định hướng mới, khác với các đời lãnh đạo tiền nhiệm. Những thay đổi đáng kể nhất có thể thấy rõ trong các chính sách đối nội, đối ngoại của những nước lớn, và chính điều này đã tạo ra những tác động không nhỏ đối với tình hình chính trị thế giới. Đặc biệt, nước Mỹ là nơi chứng kiến những biến đổi rõ rệt thông qua sự chuyển đổi giữa hai đời tổng thống kể từ sau năm 2021. Không những là một môi trường kinh tế, văn hoá, xã hội… tương đối nhạy cảm với các biến động chính trị, nước Mỹ còn là một cường quốc mà mọi quyết sách được đề xuất đều có ảnh hưởng lớn đến phần còn lại của thế giới.

Ngay trong quá trình tranh cử, Tổng thống Donald Trump đã luôn nêu cao khẩu hiệu “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Sau khi đắc cử, toàn bộ các chính sách của ông cũng xoay quanh trọng tâm khôi phục các giá trị của Mỹ, đặc biệt là về kinh tế – thương mại – vốn đang phải đối mặt với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc. Trump luôn đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên hết và thậm chí không coi trọng các mối quan hệ với đồng minh truyền thống. Các chính sách của Trump buộc Liên minh châu Âu (EU) phải sòng phẳng về vấn đề thương mại, thậm chí đầu tháng 8 vừa qua, trong một bài trả lời phỏng vấn với báo “The Hill”, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton – người giữ vai trò cố vấn dưới thời chính quyền Trump từ tháng 4/2018 đến tháng 9/2019, cho biết, nước này có thể sẽ rút khỏi NATO nếu ông Trump đắc cử tổng thống vào năm 2024. Trong 4 năm cầm quyền, các chính sách của Tổng thống Donald Trump đã làm đảo lộn tình hình thế giới. Đồng minh thân cận của Mỹ tại châu Âu như Đức, Pháp… có dấu hiệu lao đao khi Mỹ không thể tiếp tục là chiếc ô che chắn cho họ. Không một đồng minh nào có thể dựa được vào Mỹ trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là thương mại, kinh tế, thông qua chính sách bảo hộ mậu dịch từng gây nhiều tranh cãi của Tổng thống Donald Trump. Đây là một chính sách có tính chất sòng phẳng cực đoan, khiến tất cả các nước đều phải tham gia vào một cuộc “cuộc chơi ăn miếng trả miếng” với Mỹ mà không nhận được bất kì sự trợ giúp nào từ nước này. Điều đó đã tạo ra một tâm lý “chấn thương” cho các đồng minh tin cậy của Mỹ, vô hình trung khiến họ phải tìm đến những mối dây liên kết với các tổ chức, quốc gia, châu lục khác. Ông Ron Wyden – Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ từng bày tỏ quan ngại rằng: “Các chính sách thương mại của chính quyền giống như bộc phát hơn là một chiến lược được tính toán cẩn trọng. Thành tựu rõ rệt nhất về thương mại của chính quyền chỉ là gieo mầm cho những bất ổn đẩy các nước đồng minh đoàn kết với Trung Quốc để chống lại chính chúng ta”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại buổi họp báo chung ở Brussels (Bỉ), ngày 25/3/2023. Tại đây ông Biden đã tuyên bố sẽ chuyển khí đốt tới châu Âu để giúp EU giảm phụ thuộc vào Nga Ảnh: Reuters.

Không nhằm mục tiêu chống Nga như các đời Tổng thống tiền nhiệm mà nhắm đến Trung Quốc – một nền kinh tế mới trỗi dậy trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI với những thành tựu vượt bậc, đe doạ đến “ngôi vương” của Mỹ trong địa hạt kinh tế – thương mại. Tổng thống Donald Trump không tỏ rõ xu hướng căng thẳng và xem Nga là kẻ đối đầu mà luôn xác định chọn Trung Quốc làm đối thủ lớn nhất trên chính trường thế giới. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung (2018 – 2019) với hàng loạt các lệnh cấm nhập khẩu, những chính sách kêu gọi và tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp Mỹ rời khỏi Trung Quốc… đã cho thấy quyết tâm làm suy yếu đối thủ châu Á của chính quyền Trump trong suốt thời gian tại nhiệm. Ông Trump luôn tâm niệm phải làm suy yếu Trung Quốc thì mới đảm bảo củng cố được quyền lợi của Mỹ ở toàn cầu, đặc biệt là khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Khi nhiệm kỳ của Donald Trump kết thúc vào năm 2021, Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, mọi chính sách của nước Mỹ gần như thay đổi hoàn toàn. Guồng máy chính quyền vận hành theo hướng trái ngược với thời Trump. Có thể nhận thấy rất rõ rằng ưu tiên số một lúc này của ông Joe Biden là xây dựng các mối liên kết, tạo dựng lại các khối đồng minh làm tiền đề để nước Mỹ giành lại vai trò lãnh đạo thế giới trên lĩnh vực chính trị – điều mà ông Trump đã gần như bỏ qua để chỉ tập trung vào kinh tế, thương mại. Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã công bố chính sách an ninh chiến lược tạm thời của Hoa Kỳ là củng cố, thiết lập lại vị thế chính trị của mình trên toàn cầu. Đặc biệt, “ông chủ Nhà Trắng” đã khẳng định Nga là đối tượng trực tiếp gây ra những nguy cơ đe doạ, ảnh hưởng tới an ninh của Mỹ; đồng thời coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược mà Mỹ sẽ chú ý trong thời gian tới.

Sau khi xác định được mục tiêu rõ ràng như vậy, trong vòng 2 năm qua, Mỹ đã không ngừng ra sức thực hiện những chiến lược này. Phát súng đầu tiên nhắm vào Nga chính là việc gia tăng các hoạt động chống Nga thông qua kích động các nước NATO, đặc biệt là Ukraine; đẩy Nga đi đến các quyết định chống trả quyết liệt mà đỉnh điểm chính là cuộc chiến tranh với Ukraine kéo dài suốt hơn một năm qua. Cuộc chiến này được xem như một cơ hội để Biden làm suy yếu nước Nga. Trong chiến tranh Nga – Ukraine, ông Biden trực tiếp lên án, coi Nga là mối đe doạ đối với an ninh châu Âu, đồng thời tích cực tập hợp các lực lượng đồng minh ở châu lục này dưới ngọn cờ đồng thuận chống Nga. Anh, Pháp, Đức… vốn là những nước từng trải qua thời kì “nguội lạnh” trong quan hệ với Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, nay lại có dịp sát cánh bên “người anh em thân thiết” nơi cực Tây để đưa ra các đòn trừng phạt Nga – những “cú đánh” về kinh tế, xã hội chưa từng có tiền lệ với bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Cuộc chiến tranh này cho thấy, Mỹ đã thành công khi đi được một nước cờ dài trên lĩnh vực ngoại giao. Không những châu Âu mà cả Liên Hợp Quốc cũng đồng thuận với Mỹ, lên án Nga xâm lược Ukraine. Đặc biệt, trong nỗ lực tái tạo khối liên minh với châu Âu về vấn đề Nga, Mỹ đã khôi phục lại sức mạnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Không những tập họp được đầy đủ các thành viên kì cựu mà các động thái về chính trị, ngoại giao của Mỹ còn góp phần mở rộng biên giới NATO tới tận sát lãnh thổ Nga, khi Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của NATO vào ngày 4/4/2023. Các nước này cùng với Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh uỷ nhiệm chống Nga tại Ukraine khi viện trợ quân sự hàng trăm tỉ đô la cho Ukraine khiến Nga bị sa lầy vào một cuộc chiến không rõ hồi kết. Rõ ràng, mặc dù Nga có thể giữ thế thượng phong trong cuộc chiến này, song việc chiến tranh kéo dài sẽ khiến nguy cơ tổn thất của Nga ngày càng gia tăng. Ngay cả khi Mỹ và đồng minh ngừng can thiệp vào cuộc chiến tranh ở Ukraine, những tàn tích của chiến tranh vẫn sẽ như con dao cứa sâu vào thân thể khiến nước Nga chảy máu. Như vậy, việc Tổng thống Biden nhiều lần đến châu Âu để kêu gọi và tập hợp đồng minh, đồng thời đầu tư rất lớn vào cuộc chiến ở Ukraine chứng tỏ ông đã luôn nhắm đến mục tiêu làm Nga suy yếu.

Tuy đã chĩa mũi súng vào nước Nga song trong chiến lược an ninh của mình, Tổng thống Joe Biden vẫn không quên “món nợ” đối với Trung Quốc từ thời Donald Trump. Cụ thể, ông coi Trung Quốc không chỉ là đối thủ trước mắt mà sẽ còn phải cạnh tranh lâu dài trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về địa chính trị. Đối với ông Biden, Trung Quốc là một “kì phùng địch thủ” đã và đang đe doạ tới mức độ ảnh hưởng của Mỹ tại nhiều khu vực quan trọng, bao gồm châu Phi, Trung Đông, và châu Á – Thái Bình Dương. Kế thừa cuộc chiến mà Trump đã châm ngòi, Biden cũng tiếp tục đề xuất những chính sách đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, song không đi vào thương mại mà tập trung vào cạnh tranh về công nghệ. Các chính sách bao vây, cô lập, không bán chip cho Trung Quốc hay cùng các nước đồng minh ở châu Âu, châu Á, Úc… nhất loạt tẩy chay, lên án và quay lưng với công nghệ của Trung Quốc; các hoạt động chiến tranh tình báo gắn liền với cuộc chạy đua công nghệ trong khoảng vài năm trở lại đây đã đẩy quan hệ hai nước đến bờ vực hoài nghi, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn, căng thẳng. Song song với vấn đề này, chính quyền Biden còn tỏ rõ thái độ chống đối Trung Quốc khi công khai thúc đẩy, ủng hộ tinh thần độc lập của Đài Loan, mở ra một cơ hội mới cho Mỹ can thiệp vào vùng lãnh thổ này với vai trò ngăn chặn hoạt động quân sự của Trung Quốc. Thông qua việc thực hiện nghĩa vụ bán vũ khí cho Đài Loan theo Thông cáo chung Thượng Hải kí giữa Trung Quốc và Mỹ năm 1972, Mỹ đứng ra phản đối Trung Quốc dùng bạo lực để chiếm Đài Loan, khiến cho Trung Quốc “đứng ngồi không yên”, buộc phải đăng đàn bày tỏ quyết tâm thâu tóm Đài Loan bằng vũ lực. Điều này cũng không nằm ngoài tính toán của Mỹ, khi nước này càng có cớ thực hiện các cuộc buôn bán vũ khí cho Đài Loan, đồng thời cũng nhân cơ hội này lôi kéo các đồng minh khu vực của Trung Quốc với mục tiêu làm sống lại chiến lược châu Á – Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương khởi xướng từ thời Tổng thống Obama. Có thể nói, ông Joe Biden đã kế thừa chính sách xoay trục vốn đạt được thành công bước đầu trong việc chuyển hoá tư tưởng, khiến cho các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương chuyển biến nhận thức, xem Trung Quốc như một mối đe doạ tiềm tàng về an ninh, chủ quyền biển đảo, đặc biệt là các nước ở Biển Đông. Các quốc đảo và các nước thuộc khu vực Ấn Độ Dương cũng không là ngoại lệ.

Bên cạnh việc duy trì quan hệ “tứ giác kim cương” Nhật Bản – Mỹ – Ấn Độ – Úc (QUAD); chỉ trong một thời gian ngắn sau khi nhậm chức, ông Biden đã tập hợp được liên minh ba nước AUKUS (bao gồm Mỹ – Anh – Úc). Trước nguy cơ Trung Quốc tấn công quân sự Đài Loan, Nga tấn công Ukraine, Bắc Triều Tiên phát triển hạt nhân, phóng tên lửa xuyên lục địa, cùng mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa ba nước Triều Tiên – Nga – Trung Quốc, điển hình là sự kiện Trung Quốc và Nga cùng mở các mặt trận quân sự ở vùng biển Bắc Cực trong thời gian vừa qua; thì chính quyền Biden đã ra sức khiến cho các nước thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhận thức về nguy cơ chiến tranh rất có thể xảy ra như những gì Trung Quốc đã làm đối với Đài Loan hay Nga đã làm với Ukraine. Điều này góp phần hình thành, củng cố các liên minh mới của Mỹ ở khu vực chiến lược này. Đây là một vấn đề mà Mỹ vốn có ý định thực hiện từ rất lâu nhưng vì những nhà lãnh đạo cũ của châu Á có người tán thành có người không tán thành, nên nước Mỹ đã vấp phải không ít khó khăn.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (trái) cùng Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong cuộc gặp gỡ tại Trại David (bang Maryland, Mỹ) vào ngày 18/8/2023. Ảnh: Reuters

Cho đến thời điểm hiện tại, việc nhậm chức của bộ ba Tổng thống Hàn Quốc – Nhật – Phillipines với xu hướng thân Mỹ đã giúp chính quyền Biden thành công trong việc kết nối lại liên minh truyền thống Mỹ – Nhật – Hàn. Điển hình là ngay tại cuộc gặp gỡ ba bên ở Trại David vào cuối tháng 8 vừa qua, phía Mỹ đã đề xuất các chính sách mở cửa giúp Nhật Bản “cởi trói” khỏi những điều khoản ràng buộc, hạn chế do các lệnh trừng phạt của Mỹ kể từ sau Thế chiến II. Nước Nhật ngay lập tức công bố những chính sách quốc phòng, an ninh mới, chuyển từ dạng phòng thủ sang trạng thái tấn công và có thể sở hữu vũ khí hạt nhân. Như vậy, chính quyền Biden đã gặt hái được những thành công đáng kể trong việc nối lại quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản và Hàn Quốc – hai quốc gia có tiềm lực kinh tế lớn ở châu Á. Trong cuộc gặp đánh dấu “kỷ nguyên mới” của mối quan hệ ba bên, những va chạm, mâu thuẫn trong lịch sử đã mau chóng được dàn xếp để trở về trạng thái bình thường hoá, tạo ra một “bộ ba tam giác mới”. Mỹ cho rằng, đây chính là xương sống của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của chính quyền Biden mà mục tiêu cốt lõi là ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực này. Việc liên kết ba bên Mỹ –  Nhật – Hàn phát triển nhanh chóng sẽ góp phần nâng cao được vị thế cạnh tranh của Mỹ tại châu Á, tích hợp răn đe những hành động “khiêu khích” của Trung Quốc ở Biển Đông. Chính quyền Biden cũng tuyên bố, nhấn mạnh, tái khẳng định với các nước đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương rằng Mỹ sẽ sử dụng toàn bộ sức mạnh quốc gia để thiết lập một hệ thống quân sự hiện đại và hùng mạnh, hết mình vì mục tiêu chiến thắng đối thủ cạnh tranh chiến lược Trung Quốc. Hiện nay, Mỹ đã xác định khu vực châu Á – Thái Bình Dương là khu vực có ý nghĩa sống còn đối với nước này. Đây cũng là khu vực mang tính chất liên hợp, thể hiện sự tập trung cao độ những nỗ lực và tham vọng trở lại vị thế thống trị toàn cầu của Mỹ.

Bảy lĩnh vực liên minh ưu tiên hàng đầu mà chính quyền Biden hướng tới trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có thể được khái quát như sau:

1. Củng cố khuôn khổ hợp tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) từ đó khẳng định quy tắc quyền riêng tư xuyên biên giới và thực hiện các chuỗi cung ứng cho các quốc gia Đông Nam Á.

2. Củng cố hệ thống đồng minh – đối tác quân sự song phương do Mỹ cùng các nước trong và ngoài khu vực thiết lập (chủ yếu là các nước châu Âu như Anh, Pháp…)

3. Củng cố quan hệ đối tác ba bên AUKUS (Mỹ – Anh – Úc), lấy Đông Nam Á là trọng điểm hoạt động của cơ chế này.

4. Đối thoại tăng cường, duy trì hoạt động đối thoại an ninh bốn bên từ thời Tổng thống Trump (bao gồm các nước Mỹ – Nhật – Ấn – Úc), trong đó nhấn mạnh việc duy trì nhận thức về vấn đề an ninh hàng hải, cứu trợ thảm hoạ, viện trợ nhân đạo, bao trùm toàn bộ khu vực Đông Nam Á.

5. Củng cố vững chắc liên minh tình báo về kĩ thuật, giám sát khu vực châu Á – Thái Bình Dương (bao gồm Anh – Úc – Canada – New Zealand) dưới sự lãnh đạo của Mỹ, từng được biết đến với tên gọi Liên minh Ngũ Nhãn (FVEY). Liên minh này coi Trung Quốc và Đông Nam Á là trọng điểm của việc giám sát quân sự trong tình hình mới, đồng thời coi chuỗi cung ứng nghiên cứu – phát triển khoa học công nghệ, an ninh mạng là không gian để mở rộng các hoạt động hợp tác của liên minh.

6. Củng cố quan hệ đối tác Mekong – Mỹ, tăng cường đầu tư, hợp tác lâu dài giữa Mỹ với năm nước thuộc tiểu vùng sông Mekong (trong đó có Việt Nam), thực hiện kế hoạch hành động giai đoạn 2021 – 2023, tập trung thực hiện Hội nghị Bộ trưởng quan hệ đối tác Mê Công – Mỹ (MUSP) lần thứ hai.

7. Củng cố quan hệ với những nước có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7); đồng thời thực hiện chính sách quan hệ đối tác đầu tư gắn với phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực Đông Nam Á, hình thành một nguồn sức mạnh tổng hợp để khởi động quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Mỹ – ASEAN. Trong khuôn khổ chiến lược này, Mỹ hướng đến mục tiêu đảm bảo triệt tiêu môi trường cạnh tranh xung quanh Trung Quốc và củng cố sự phát triển tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hiện nay, Mỹ đang tích cực vận hành chiến lược ngoại giao theo định hướng này. Những diễn biến vừa qua ở Hội nghị Cấp cao Mỹ – ASEAN tại Mỹ (tháng 5 năm 2022), Hội nghị G7 tại Indonesia (tháng 5 năm 2023), Hội nghị G20 tại Ấn Độ (tháng 9 năm 2023)… đều thuộc trọng tâm chiến lược xây dựng hành lang với ASEAN của Mỹ. Điều này đang đánh thức nhiều nước ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương về việc chọn bên trong một thế giới đa cực liên tục đổi chiều.

Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Biden tới Việt Nam hồi tháng 9 vừa qua, và việc hai bên ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược toàn diện, cũng nhằm mục tiêu nâng cấp và làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước trong bối cảnh Mỹ đang triển khai mạnh mẽ chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong khi củng cố được các mối quan hệ chiến lược nói trên ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thì chính quyền Biden cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm, khôi phục lại uy tín của mình ở Trung Đông – vốn đã bị giảm thiểu đáng kể trong thời gian qua, đỉnh điểm là một đồng minh của Mỹ ở khu vực này là Ả Rập Xê Út đã bỏ qua liên minh với Hoa Kỳ để tiến gần hơn tới Trung Quốc, Nga và Iran – vốn là những nước đối địch với Mỹ. Gần đây Ả Rập Xê Út đã tham gia vào khối BRICS. Nhiều nước Trung Đông cũng đứng về phía Nga khi Hoa Kỳ và châu Âu tăng cường các lệnh trừng phạt Nga trong cuộc chiến tranh Ukraine. Điều này cho thấy vai trò của Mỹ đã suy giảm rất nhiều và Biden đang cố gắng làm mọi cách để khôi phục lại quan hệ với Ả Rập Xê Út với những nỗ lực tăng cường quan hệ cấp cao của lãnh đạo hai nước, thuyết phục Ả Rập Xê Út trở lại thực hiện thoả thuận hợp tác với Mỹ. Điều này cho thấy Tổng thống Biden đang rất sốt sắng trước tình trạng các nước thuộc khu vực này sẽ nghiêng về phía Nga, gây khó khăn cho Mỹ trong việc cung ứng năng lượng, và khiến nước Mỹ thua thiệt về mặt hợp tác quân sự. Tháng 8 vừa qua, Mỹ đã đi một “nước cờ” nhằm giảm đối đầu căng thẳng với Iran khi tác động Hàn Quốc “mở khoá” khối tài sản 7 tỷ USD bị đóng băng để trả lại cho Iran. Động thái này cho thấy Mỹ đang rất mong muốn Iran sau khi gia nhập khối BRICS sẽ không hợp tác quá sâu với Nga và các nước đối thủ của Mỹ. Rõ ràng, nếu khối Trung Đông tiếp tục tỏ thái độ bất hợp tác với Mỹ thì đây chính là một đòn đánh nặng nề giáng xuống nước này, không những về mặt địa chính trị mà còn trên lĩnh vực kinh tế, khiến cho đồng đô la của Mỹ chắc chắn sẽ “lao dốc không phanh”.

Tổng thống Biden tại Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ – Châu Phi, tổ chức ở  Washington vào tháng 12/2022, với sự tham gia của gần 50 quốc gia châu Phi. Ảnh: AP/Patrick Semansky

Ở khu vực châu Phi, Mỹ Latin – khu vực vốn được coi là “sân sau” của Mỹ cũng đang có động thái “thoát Mỹ”. Bằng chứng là nhiều nước thuộc khu vực như Brazil, Argentina, Mexico… đã không còn ủng hộ các chính sách lên án và trừng phạt của Mỹ đối với Nga trong cuộc chiến ở Ukraine. Đặc biệt, mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa các nước châu Phi với Nga đã và đang cho thấy vai trò, uy tín của Tổng thống Putin đối với khu vực mà Nga đang cố giành ảnh hưởng từ Mỹ, thể hiện rõ qua Hội nghị Thượng đỉnh Nga – châu Phi hồi tháng 7 vừa qua. Các cuộc đảo chính tại Niger, Gabong hiện nay đều có dáng dấp phản đối sự can thiệp, đô hộ kiểu thực dân mói từ Mỹ và các nước phương Tây, đồng thời tỏ thiện chí hợp tác với Nga vai trò của Mỹ và phương Tây đang suy giảm mạnh.

Nhìn chung, kể từ sau năm 2021, cục diện chính trị thế giới đang có những biến động gay gắt, gắn liền với những cuộc nhậm chức của các nhà lãnh đạo mới ở nhiều quốc gia, khu vực. Cuộc đấu tranh xoá bỏ tình trạng đơn cực và phát triển thế giới đa cực đang diễn ra vô cùng quyết liệt. Trong đó, Mỹ và đồng minh vẫn đang níu kéo vai trò đơn cực, củng bố vị thế và tầm ảnh hưởng của mình trên phạm vi toàn cầu, ra sức đối phó với trật tự đa cực do Nga – Trung Quốc thiết lập với sự lan toả ảnh hưởng ngày càng sâu rộng ở châu Á, Trung Đông, châu Phi, đặc biệt là các nước nằm ngoài châu Âu. Rõ ràng, trong cuộc giằng co này, xu hướng đa cực đang ngày càng chiếm ưu thế. Trỗi dậy mạnh mẽ nhất là các nước mới nổi ở Nam Bán Cầu, khi một cực mới đang dần được hình thành nhằm đối chọi với Mỹ – Châu Âu.

Thực tế cho thấy, hoạt động tập hợp lực lượng của chính quyền ông Biden đã có những thành công nhất định để lấy lại vị thế lãnh đạo của nước Mỹ, song đang vấp phải xu thế đa cực do Trung Quốc và Nga dẫn dắt. Cuộc cạnh tranh chính trị này đã và đang tác động đến trật tự toàn cầu. Thế giới đang chia phe, chia mảng ngày càng rõ rệt. Do vậy, các nước nhỏ cần tỉnh táo để lựa chọn chính sách đối ngoại của mình cho phù hợp với xu thế của thế giới hiện nay, đặc biệt đối với chiến lược của các nước lớn.■

Xuân Sơn

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN