Vụ đốt kinh Qur’an ở Thuỵ Điển và Đan Mạch: Bùng nổ nguy cơ xung đột giữa các nước Hồi giáo và phương Tây

Trong hệ thống tôn giáo đa dạng trên khắp thế giới, Hồi giáo, hay còn gọi là đạo Hồi, đạo Islam, là tôn giáo lớn thứ hai thế giới với hơn 1 tỷ tín đồ, tương đương 15% dân số thế giới, chiếm phần lớn dân số ở khoảng 50 quốc gia; chủ yếu tập trung ở khu vực Trung Đông, châu Phi, Đông Nam Á… Cũng như Thiên Chúa giáo, đạo Hồi khởi nguồn từ Abraham, tin rằng Thiên Chúa là quyền lực tối cao theo sách thánh. Song điểm khác biệt lớn nhất giữa hai tôn giáo này là đạo Hồi độc thần, chỉ thờ một Thiên Chúa (Thánh Allah) và nhà tiên tri Muhammad được coi là sứ giả truyền đi các thông điệp của Chúa. Xuyên suốt lịch sử phát triển của nhân loại, sự khác biệt về đức tin luôn dẫn đến những đối lập, mâu thuẫn, thậm chí là cạnh tranh gay gắt giữa các tôn giáo, đặc biệt là những hệ thống tôn giáo lớn. Nói cách khác, mâu thuẫn tôn giáo không phải là vấn đề của hiện tại mà nó đã luôn tồn tại từ buổi khởi nguyên kể từ khi con người bắt đầu có đức tin. Đụng độ giữa các tôn giáo lớn diễn ra gay gắt nhất ở khu vực Trung Đông, điển hình là cuộc giao tranh vẫn chưa có hồi kết giữa Israel và Palestine, vốn đã bắt đầu từ giữa thế kỷ XX; bất chấp mọi nỗ lực của thế giới nhằm giải quyết những bất ổn phát sinh từ điểm nóng xung đột này. Nguồn gốc sâu xa của nó bắt nguồn từ mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo giữa người Do Thái và người Ả Rập ở Lãnh thổ Ủy trị Palestine; đem đến sự chia rẽ sâu sắc giữa người Israel với người Palestine trong nhiều thập kỷ liên tiếp. Mức độ bạo lực và tần suất giao tranh liên miên giữa quân đội chính quy, các nhóm bán quân sự, các phần tử khủng bố và các cá nhân ở cả hai bên đã gây ra con số thương vong lên đến hàng chục nghìn người sau mỗi cuộc đụng độ.

Tuy tình hình xã hội, chính trị bất ổn song các nước Hồi giáo ở Trung Đông cũng là những nước có nguồn năng lượng dầu khí dồi dào, chiếm giữ khối năng lượng lớn trên toàn cầu. Trữ lượng dầu thô ở khu vực này chiếm đến 61,5% trữ lượng sử dụng đã kiểm chứng toàn thế giới, tổng lượng là 742 tỉ thùng (chừng 100,2 tỉ tấn). Các nước như Quatar, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống nhất, Kuwait, Israel đều là những nước giàu lên chủ yếu nhờ dầu mỏ, với mức thu nhập bình quân đầu người (GDP) luôn thuộc top 30 thế giới. Mặt khác, người dân Trung Đông cũng luôn cũng tự hào về sự phát triển lâu đời của nền văn minh cổ đại ở vùng đất này – nơi các đế chế hùng mạnh nhất thế giới như Babylon, Ba Tư, La Mã, Ottoman… từng hình thành và cai trị ở đây. Di sản của họ không chỉ là những kỳ quan, kiệt tác kiến trúc nổi tiếng (Vườn treo Babylon ở Iraq, quần thể cung điện Persepolis tại Iran…) mà còn là những trước tác tôn giáo kinh điển, nổi bật nhất là bộ kinh Qur’an – văn bản tôn giáo quan trọng nhất của đạo Hồi và cũng được coi là kiệt tác hoàn hảo nhất trong văn học Ả Rập cổ điển. Với các tín đồ Hồi giáo, đây chính lời thiên khải cuối cùng của Thượng đế cho nhân loại, là nguồn gốc căn bản cho đức tin và hành động của mỗi người theo đạo. Người Hồi giáo luôn tin rằng Qur’an là cuốn sách ghi lại toàn bộ những yếu chỉ thiêng liêng mà Thượng Đế truyền cho Muhammad thông qua thiên thần Gabriel (Jibra’il) trong khoảng thời gian 23 năm để vị tiên tri này truyền dạy tới loài người. Có thể nói, mọi thực hành tôn giáo của các tín đồ đạo Hồi, từ ăn ở, trang phục cho đến cầu nguyện… tất thảy đều xoay quanh những lời phán trong kinh Qur’an. Do đó, họ luôn xem đây là một báu vật bất khả xâm phạm.

Thánh địa Mecca tại Ả Rập Xê Út đón hàng triệu người Hồi giáo trên toàn thế giới đổ về tham dự lễ hội hành hương Haji diễn ra vào tháng 6 hàng năm. Ảnh: AP

Tuy đã có những vấn đề về sắc tộc, tôn giáo kéo dài âm ỉ trong suốt thế kỷ XX, song sự mất ổn định ở khu vực Trung Đông chỉ trở nên phức tạp và ngày càng khó kiểm soát kể từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc vào năm 1991. Khối xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô sụp đổ, cán cân chính trị thế giới nghiêng về một cực, chủ yếu do Mỹ thâu tóm với vị thế nhất siêu cường. Các quan điểm, chính sách của các quốc gia, khu vực đi ngược lại đường lối của Mỹ và phương Tây sẽ chịu những lệnh trừng phạt về kinh tế, ngoại giao, hoặc chịu sự can thiệp sâu sắc về mặt chính trị. Với tất cả những lợi thế về tài nguyên và địa chính trị sẵn có, Trung Đông dễ dàng rơi vào tầm ngắm của Mỹ với âm mưu thôn tính và biến vùng đất này trở thành sân sau của mình. Để hiện thực hoá tham vọng đó, Mỹ không chỉ tiến hành các cuộc chiến tranh tại Iraq (2003 – 2011), Afghanistan (2001 – 2021) mà còn đứng sau châm ngòi cho các cuộc “cách mạng màu”, lần lượt ở nhiều quốc gia Trung Đông trong suốt thập niên đầu thế kỷ XXI. Có thể kể đến cuộc Cách mạng cây Tuyết tùng ở Libăng năm 2005, Cách mạng Xanh ở Iran năm 2009, Mùa xuân Ả Rập trên toàn bộ lãnh thổ các nước Trung Đông – Bắc Phi, bao gồm: Libi, Syria, Angieri, Yemen, Maroc, Jordan, Ả Rập Xê Út, Oman, Iraq. Các cuộc “cách mạng màu” gay gắt này đã gây được sức ảnh hưởng lớn trên khắp Trung Đông, chính thức đánh dấu sự tham gia của Mỹ và phương Tây vào địa chính trị này. Đây cũng chính là nguyên nhân tô đậm thêm các xung đột về sắc tộc và tôn giáo vốn đã bùng nổ và kéo dài căng thẳng suốt nhiều thập kỷ trước; thậm chí làm gia tăng những cuộc đụng độ mới, hình thành một mâu thuẫn mới giữa giữa Mỹ và phương Tây với các lãnh đạo Hồi giáo cực đoan. Mâu thuẫn này không những tồn tại ở khu vực Trung Đông mà còn gây ra tình trạng bất ổn ở nhiều khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu.

Cụ thể, sự can thiệp của Mỹ đã dẫn đến sự phản ứng trái chiều, gây phẫn nộ cho những người theo đạo Hồi. Các nước Hồi giáo hoặc các tổ chức Hồi giáo tự phát nằm ngoài chính phủ đã tập hợp và lên kế hoạch, tổ chức các cuộc biểu tình, bạo động, đặc biệt là những cuộc Thánh chiến quy mô lớn có tính chất khủng bố nhắm vào Mỹ và phương Tây. Đỉnh điểm của sự đáp trả từ các phần tử Hồi giáo cực đoan chính là vụ 11 tháng 9 ở Mỹ do tổ chức Al Quaeda, đứng đầu là Osama bin Laden tiến hành. Cuộc tấn công diễn ra vào sáng thứ Ba, ngày 11/9/2001, khi các máy bay do nhóm khủng bố điều khiển đâm liên tiếp vào ba toà nhà thuộc Trung tâm Thương mại Thế giới, Lầu Năm Góc, và vùng gần Shanksville, Pennsylvania, đông nam Pittsburgh, khiến 2.996 người thiệt mạng và hơn 6.000 bị thương. Cuộc chiến tại Afghanistan được xem là cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, kết thúc bằng việc Mỹ phải rút quân trong vòng vài ngày trước sự đe doạ từ chính quyền khủng bố Taliban. Năm 2014, Tổ chức Hồi giáo tự xưng (IS) tuyên bố thành lập một “Vương quốc Hồi giáo”, gây ra một cơn ác mộng toàn cầu với những cuộc chém giết, thanh trừng tập thể trong quá trình kiểm soát và làm chủ các vùng lãnh thổ ở Iraq và Syria. Tính chất man rợ của các hành vi khủng bố do nhóm này gây ra này đã làm rúng động cả thế giới, khiến Nhà Trắng đứng ngồi không yên, và phải đến tận 27/10/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới xác nhận thủ lĩnh tối cao IS Abu Bakr al-Baghdadi đã bị tiêu diệt trong cuộc đột kích của quân đội Mỹ vào tỉnh Idlib, khu vực Tây Bắc Syria. Bên cạnh đó, trong các vụ khủng bố, xả súng liên tục xảy ra ở Mỹ và phương Tây suốt thập kỷ vừa qua cũng có nhiều vụ liên quan đến lực lượng Hồi giáo cực đoan. Có thể thấy, chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo đã trở thành một vấn đề của thời đại. Phản ứng gay gắt trước phương Tây của các phần tử này đã vượt ra khỏi khuôn khổ tôn giáo để trở thành một vấn đề về địa chính trị đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp, lan rộng từ các nước Trung Đông sang đến tận châu Mỹ, châu Âu… tạo ra một ấn tượng tiêu cực đối với toàn thế giới.

Ngày 28 tháng 6, Salwan Momika, một người tị nạn Iraq sống tại Thụy Điển đã đốt bản sao kinh Qur’an trước đền thờ Hồi giáo lớn nhất ở Stockholm, đúng ngày đầu tiên diễn ra lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo. Ảnh: Reuters

Giờ đây, hễ nhắc đến đạo Hồi, người ta thường nghĩ ngay tới chủ nghĩa khủng bố đã gây ra những mất mát và tổn thất to lớn cho nhiều quốc gia. Không chỉ các Chính phủ mà người dân trên khắp thế giới, đặc biệt là ở phương Tây – nơi hứng chịu những sang chấn nặng nề nhất sau các cuộc thảm sát của lực lượng Hồi giáo cực đoan, đã nảy sinh tâm lý lo sợ và cảm xúc tiêu cực với các tín đồ đạo Hồi. Tâm lý này đã âm ỉ nung nấu trong suốt một thời gian dài và đã bùng nổ thành những phản ứng công khai. Đầu năm 2006, một loạt tờ báo của các nước châu Âu, gồm Na Uy, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan đăng bức biếm họa về đấng tiên tri Muhammad, dẫn đến làn sóng phản đối mạnh mẽ đầu tiên tại Pakistan rồi sau đó lan sang Indonesia và cả cộng đồng người Hồi giáo toàn cầu, mà đỉnh điểm là vụ các tay súng Hồi giáo cực đoan nổ súng tấn công tòa soạn tờ tạp chí châm biếm Charlie Hebdo (Pháp) tháng 1 năm 2015, khiến 12 người thiệt mạng, trong đó có cả những họa sĩ nổi tiếng nhất của nước này. Mâu thuẫn giữa châu Âu và cộng đồng Hồi giáo thế giới ngày càng trở nên sâu sắc. Diễn biến mới nhất là vào ngày 28 tháng 6 vừa qua, Salwan Momika, một người tị nạn Iraq sống tại Thụy Điển đã đốt bản sao kinh Qur’an trước đền thờ Hồi giáo lớn nhất ở Stockholm, đúng ngày đầu tiên diễn ra lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo. Ngày 24 tháng 7, hai người biểu tình tự xưng là nhóm “những người yêu nước Đan Mạch” đã đốt một cuốn kinh Qur’an trước Đại sứ quán Iraq ở Copenhagen. Theo đài Al Jazeera, trước khi đốt cuốn kinh, hai người này còn dẫm lên nó. Một ngày sau đó, đã có thêm hai vụ đốt kinh Qur’an nữa xảy ra trong trước Đại sứ quán Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ ở Đan Mạch. Phản ứng gay gắt này cho thấy sự bài trừ và chống đối kịch liệt của người dân châu Âu đối với đạo Hồi. Nó không chỉ bắt nguồn từ những xung đột tôn giáo thuần tuý, mà còn xuất phát từ mâu thuẫn lớn trong lòng châu Âu xoay quanh các vấn đề nhập cư, sắc tộc. Phong trào bài xích, ngăn cấm, phản đối người tị nạn Hồi giáo đã trở thành một làn sóng ở phương Tây trong nhiều năm trở lại đây.

Có thể nói, các cuộc xung đột vùng Trung Đông đã tạo ra một lượng người di cư lớn chưa từng có. Điển hình là trong cuộc nội chiến Syria – một phần của Mùa xuân Ả Rập, đã có khoảng 2,6 triệu người Syria phải rời bỏ nước mình và khoảng 4 triệu người phải rời bỏ nơi cư trú của mình để vượt biển tới các quốc gia châu Âu. Tất cả đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới tại khu vực này. Nghiêm trọng hơn, các tổ chức khủng bố cũng lợi dụng trà trộn vào dòng người di cư để tới châu Âu. Việc tiếp nhận người tị nạn đã gây chia rẽ lớn trong cộng đồng các quốc gia EU, dẫn đến sự kiện nước Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit) vào năm 2020 sau 47 năm gắn bó. Không những thế, nó cũng làm leo thang căng thẳng giữa người dân châu Âu và cộng đồng Hồi giáo Trung Đông. Các vụ đốt kinh, báng bổ kinh Qur’an ở Đan Mạch, Thuỵ Điển cũng không nằm ngoài mâu thuẫn này. Nó cho thấy lòng thù hận, sự bài xích tôn giáo, sắc tộc đang lên ngôi ở châu Âu – nơi vốn được xem là biểu tượng văn minh của nhân loại. Đáng chú ý hơn, nhóm người thực hiện hành vi quá khích trước các đại sứ quán Trung Đông lại coi việc đốt kinh Qur’an là thực thi “tự do ngôn luận”. Chưa bao giờ, nền dân chủ phương Tây lại bị chất vấn mạnh mẽ đến thế khi việc thể hiện quan điểm, ý kiên của một nhóm người lại vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tín ngưỡng của những người khác. Mặc dù các vụ đốt kinh chỉ thuộc phạm vi xã hội, đến từ các nhóm tự phát, song nó lại diễn ra ở các quốc gia vốn có lịch sử xung đột với Trung Đông, do đó đã làm bùng lên ngọn lửa mâu thuẫn chính trị, trở thành vấn đề có tính chất quốc tế.

Chính phủ nhiều quốc gia Hồi giáo như Iraq, Iran, Maroc, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Jordan, Saudi Arabia, Kuwait… đã có những phản ứng mạnh mẽ như triệu tập đại sứ của Thụy Điển và Đan Mạch ở mỗi nước lên bộ ngoại giao sở tại để trao công hàm phản đối hoặc dừng cử Đại sứ đến hai nước châu Âu này. Chính phủ Iraq đã trục xuất đại sứ Thụy Điển và Thụy Điển cũng rút hầu hết tất cả nhân viên ngoại giao và kỹ thuật ở đại sứ quán tại Iraq về nước. Đan Mạch cũng hành động tương tự cho dù quả quyết là số nhân viên này chỉ về nghỉ phép. Nhân dân các nước Hồi giáo cũng có những phản ứng gay gắt đáp trả các vụ báng bổ kinh Qur’an ở châu Âu. Ngày 20/7, hàng trăm người biểu tình đã đột nhập và phóng hỏa đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad, Iraq để phản đối các vụ đốt kinh Koran tại Thụy Điển. Nhiều vụ biểu tình của người Hồi giáo tại Yemen, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran… cũng nổ ra liên tiếp trong tháng 7 vừa qua. Các quốc gia Hồi giáo cho rằng chính phủ châu Âu đã thiếu kiên quyết, làm ngơ trước những hành động báng bổ đạo Hồi. Phó Thủ tướng Iraq kịch liệt lên án hành vi đốt kinh Qur’an và bày tỏ quan ngại những hành động này sẽ làm gia tăng hiện tượng bài Hồi ở châu Âu. Những nhà lãnh đạo Trung Đông đều nhất trí rằng lời xin lỗi từ Thuỵ Điển và Đan Mạch là chưa đủ mà những nước này cần phải điều tra, xử lý nghiêm minh các hành vi quá khích theo luật pháp, làm rõ giới hạn cái gọi là “quyền tự do ngôn luận” của người dân châu Âu, đồng thời bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của những người theo đạo Hồi ở khu vực này. Ngày 31 tháng 7, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp Bộ trưởng theo hình thức trực tuyến để thảo luận về hành vi báng bổ kinh Qur’an liên tiếp xảy ra ở Thụy Điển và Đan Mạch, đồng thời kiến nghị Liên minh Châu Âu phải có biện pháp xử lý triệt để nhằm chấm dứt tình trạng hiện tại. Không những thế, họ cũng sẽ cử một phái đoàn Hồi giáo đến Đan Mạch, Thuỵ Điển để cùng các Chính phủ này đưa ra biện pháp xử lý thoả đáng, có biện pháp cam kết không để hiện tượng này tái diễn và lan rộng.

Người Iraq biểu tình trước đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad, để phản đối vụ đốt kinh Qur’an vào ngày 20 tháng 7 vừa qua. Ảnh: AFP

Đến nay, không rõ việc đáp ứng những yêu cầu từ OIC của các nước Đan Mạch, Thuỵ Điển đến đâu, song phản ứng của các quốc gia Hồi giáo cho thấy, họ sẽ không ngồi yên cho đến khi châu Âu có một động thái rõ ràng. Hiện tại, nếu tình trạng bế tắc không được giải quyết thì căng thẳng sẽ còn lan rộng đến ngoài lãnh thổ Thuỵ Điển và Đan Mạch. Cho đến nay, Thổ Nhì Kỳ vẫn trì hoãn chưa phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thuỵ Điển vì một số lý do, trong đó có các vụ việc được cho là nhạy cảm này. Đặc biệt, cộng đồng các quốc gia Hồi giáo cũng dự kiến sẽ ngừng cung cấp năng lượng, khí đốt nếu châu Âu không đáp ứng được những yêu cầu nói trên. Đây là một kịch bản tồi tệ đối với châu Âu bởi khu vực này đang ở vào tình trạng khan hiếm năng lượng trầm trọng, do ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt của họ đối với Nga trong cuộc chiến tranh Ukraine. Châu Âu đã mất đi hoàn toàn nguồn cung năng lượng từ Nga, giờ chỉ có thể trông chờ vào nguồn cung cấp thay thế từ các nước Hồi giáo Trung Đông. Sản lượng dầu mà các nước này xuất khẩu sang châu Âu từ đầu năm 2022 đã tăng đến 90% so với năm ngoái, chủ yếu là nguồn nhiên liệu tới từ Iraq, Cowet, Quata, Ả Rập Xê Út… Nền kinh tế châu Âu hiện cũng đang đứng trên bờ vực khủng hoảng, lạm phát cao, kèm theo nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ liên tục xảy ra trên đất Pháp, Anh, Đức… khiến cho tình hình chính trị ở “lục địa già” ngày càng trở nên rối ren. Giờ đây, nếu các nước Hồi giáo thực hiện cam kết cấm xuất khẩu năng lượng sang châu Âu, thì đó hẳn sẽ là một thảm hoạ lớn đối với khu vực này. Nhất là khi mùa đông lạnh giá đang đến dần, người dân châu Âu sẽ không thể sinh hoạt mà không sử dụng nguồn năng lượng quý giá từ Trung Đông.

Bên cạnh những ảnh hưởng về tôn giáo, kinh tế, nền chính trị của châu Âu cũng sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực do các vụ đốt kinh Qur’an mang lại. Sự kiện này đang ngày càng khoét thêm hố sâu ngăn cách giữa Trung Đông và châu Âu, trong khi các quốc gia Hồi giáo đang ngày càng tỏ rõ tinh thần chống đối phương Tây mạnh mẽ, đồng thời có xu hướng liên kết chặt chẽ với Nga. Đây sớm muộn cũng sẽ trở thành mối đe doạ lớn về địa chính trị nếu châu Âu không có cách xử lý và kiểm soát tốt tình hình xung đột hiện tại, bởi chiến lược tìm kiếm đồng minh của Nga cũng đang nhắm tới các nước Hồi giáo, đặc biệt là ở hai khu vực Trung Đông và châu Phi. Ngày 28/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến thăm thành phố Derbent, Cộng hòa Dagestan (thuộc Liên bang Nga) – khu vực có đa số người Hồi giáo sinh sống. Tại đây, ông tham dự một cuộc họp về du lịch, gặp người đứng đầu Cộng hòa Dagestan Sergey Melikov, đồng thời công bố chiến lược an ninh của mình là tôn trọng, ủng hộ và phối hợp với các nước Hồi giáo. Nhân ngày lễ Eid al-Adha của đạo Hồi, Tổng thống Putin cũng đã đến thăm nhà thờ Hồi giáo Juma, gặp gỡ và giao lưu với người dân trên đường. Đây được xem là một nước đi khôn ngoan ở thời điểm Nga đang bị phương Tây cô lập trong cuộc chiến tranh Ukraine. Nếu tạo được mối liên kết bền chặt với cộng đồng các nước Hồi giáo ở Trung Đông và châu Phi, Nga chắc chắn sẽ sở hữu ưu thế lớn về địa chính trị, làm thăng bằng lại cán cân với Mỹ và châu Âu.

Có thể nói, lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng, xung đột tôn giáo là vấn đề thường trực, lâu dài. Tuy nhiên, nó đã và đang vượt qua khuôn khổ tín ngưỡng thông thường để trở thành một mâu thuẫn chính trị sâu sắc, thậm chí có nguy cơ leo thang xung đột quân sự giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mâu thuẫn không chỉ dừng ở Iraq, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ với Đan Mạch, Thuỵ Điển, mà đã trở thành xung đột căng thẳng giữa thế giới Hồi giáo với toàn bộ nền dân chủ phương Tây. Mâu thuẫn này hoàn toàn có khả năng phát triển sâu rộng mà không biết sẽ dừng lại ở điểm nào. Tình hình sắp tới cũng đang diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt, nếu mâu thuẫn tiếp tục gia tăng mà không bên nào có dấu hiệu “hạ nhiệt”, thì trật tự thế giới chắn chắn sẽ thay đổi và thậm chí còn làm bùng nổ một cuộc chiến không lường trước được hệ luỵ của nó đối với nhân loại.■

Đinh Thảo

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN