Trước tình hình xung đột ở Ukraine đang leo thang căng thẳng, Nga đã có những bước đi mới nhằm tìm kiếm đồng minh với mục tiêu lâu dài là hình thành một trật tự thế giới đa cực, đối trọng với Mỹ và phương Tây. Hội nghị thượng đỉnh Nga – Châu Phi lần 2 (ngày 27 – 28/7/2023) tại St Petersburg đã cho thấy quyết tâm đó của Nga khi nối dài cánh tay tới lục địa đen, kể từ sau thành công của Hội nghị lần 1 năm 2019. Hội nghị lần này ghi nhận sự tham gia của 49/54 nước châu Phi, tăng thêm 6 quốc gia so với lần đầu tiên tổ chức tại Sochi; bất chấp những động thái phản đối và cản trở từ Mỹ và châu Âu. Đặc biệt, hội nghị diễn ra trong bối cảnh Nga đang dồn lực mở các cuộc tấn công và tiến hành chiến dịch quân sự sau hơn một năm chiến tranh tại Ukraine, đối mặt với sự công kích, lên án mạnh mẽ, gây sức ép và trừng phạt hết sức ngặt nghèo của Mỹ và các nước phương Tây. Dẫu đang ở vào tình trạng hết sức khó khăn, song Nga vẫn nỗ lực tạo dựng quan hệ ngoại giao có tính chiến lược với châu Phi. Đây có thể được xem như một bước tiến quan trọng của Nga trong quá trình tạo lập trật tự đa cực, chống lại thế giới đơn cực do Mỹ và phương Tây đứng đầu.
1. Một lựa chọn của châu Phi
Có thể thấy, mặc dù đã giáng nhiều đòn trừng phạt Nga về kinh tế, chính trị, ngoại giao, song Mỹ và đồng minh vẫn không đạt được ý muốn cô lập Nga trên trường quốc tế. Bởi lẽ, vẫn có tới 2/3 quốc gia trên thế giới một mặt không tán thành cuộc tấn công của Nga vào một nước có chủ quyền, song mặt khác cũng không ủng hộ chính sách trừng phạt và cô lập Nga do Mỹ và châu Âu khởi xướng. Nhiều nước vẫn giữ mối quan hệ hợp tác với Nga và bảo lưu quan điểm ủng hộ Nga trước sự tấn công từ phía Mỹ, trong đó có Liên đoàn châu Phi. Lý giải về quan điểm ngoại giao hướng Nga của châu Phi, trước hết cần nhìn nhận lại lịch sử đầy thăng trầm của vùng đất này.
Châu Phi là một vùng đất giàu tài nguyên và khoáng sản – một trong những điểm đến “béo bở” mà thực dân phương Tây đã khám phá ra từ cuối thế kỷ XV, với chính sách buôn bán nô lệ hà khắc cho tới đỉnh điểm là cuộc tranh giành châu Phi (1881-1914), khi bảy cường quốc Tây Âu cắt chiếm đến 90% lãnh thổ châu Phi làm thuộc địa của mình. Các nước Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Hà Lan… đã xâm lược và kìm hãm người dân châu Phi suốt hàng thế kỷ dưới “đêm trường nô lệ” nghèo đói và chiến tranh liên miên. Cho đến tận ngày hôm nay, châu Phi cũng là lục địa có thu nhập thấp nhất thế giới. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), 22/25 quốc gia nghèo nhất thế giới dựa trên GDP bình quân đầu người năm 2023 đều nằm ở châu Phi. Khu vực này luôn ở trong tình trạng thiếu thốn trầm trọng về lương thực, thực phẩm, nạn đói hoành hành khắp nơi; đi kèm với đó là hàng loạt các vấn đề bất ổn về chính trị, các cuộc di cư, tị nạn liên miên tới châu Âu và Mỹ trong suốt nhiều năm liền.
Trên thực tế, châu Phi luôn là một trong những tâm điểm của cuộc xung đột địa chính trị, giành ảnh hưởng giữa một bên là các nước Đế quốc phương Tây, một bên là Liên Xô – Nga. Sau khi chế độ thực dân cũ sụp đổ tại châu lục này, các nước châu Âu vẫn duy trì tại đây một chế độ thực dân kiểu mới. Các nước Pháp, Anh vẫn sử dụng nhiều phương thức về kinh tế, chính trị, ngoại giao để khuếch trương tầm ảnh hưởng của mình ở châu Phi; coi lục địa này như “sân sau” để tiếp tục khai thác nguồn tài nguyên và sức người vô tận. Trong khoảng chục năm trở lại đây, Trung Quốc đã nổi lên là một cường quốc kinh tế. Sau các nước châu Âu, quốc gia này cũng “đặt chân” lên châu Phi để tìm kiếm nguồn lợi về kinh tế và tăng cường ảnh hưởng về địa chính trị. Về phía Nga, kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào cuối thế kỷ XX, ảnh hưởng của nươc này tại lục địa Phi cũng suy giảm đến một mức độ nhất định. Tuy nhiên, cùng với nỗ lực tái thiết một nước Nga mới trong suốt những năm đầu thế kỷ XXI, Nga vẫn luôn chú ý duy trì mối quan hệ ngoại giao truyền thống với các nước trong khu vực và trên thế giới; trong đó có các nước lớn ở châu Phi như Nam Phi, Ethiopia, Algeria, Sudan… Đây là một mối quan hệ có lịch sử lâu đời, bắt nguồn từ sự ủng hộ của Nga đối với công cuộc giải phóng dân tộc của các nước châu Phi ở thế kỷ XX. Cụ thể, trước sự xâm lược và bóc lột của các Đế quốc châu Âu, nhân dân nhiều nước thuộc địa tại châu Phi đã tiến hành nhiều cuộc đấu tranh chống lại chế độ thực dân hà khắc. Hơn ai hết, chính quyền và nhân dân Liên Xô luôn nhiệt liệt ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập của các nước châu Phi. Các quốc gia như Ai Cập, Mozambique, Algeria, Tuynidi… đều nhận được sự trợ giúp tích cực từ Liên Xô. Nước Nga bấy giờ không những cung cấp khí tài, nhu yếu phẩm ủng hộ cuộc chiến mà còn trở thành một điểm tựa tinh thần cho cuộc đấu tranh đòi độc lập, tự chủ ở châu Phi. Phải sống giữa chế độ thực dân đầy rẫy bất công, nhân dân châu Phi đã sớm hiểu được bản chất của đế quốc. Họ thấm thía những nguyên nhân sâu xa khiến đất nước mình chìm trong đói khổ liên miên, dân tộc mình bao đời bị bóc lột tài nguyên, sức lao động, chưa khi nào được hưởng lợi từ những gì mà mình vốn sở hữu. Tiếp nhận ánh sáng của lí tưởng cộng sản, họ cũng như biết bao dân tộc khác ở châu Á, Mỹ – Latin, dễ dàng hình thành một sợi dây liên kết, gắn bó với nước Nga – cái nôi của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chính lịch sử đấu tranh mà Nga – châu Phi cùng chia sẻ đã trở thành tiền đề cho mối quan hệ ngoại giao tin cậy, thân thiết, để cả hai cùng đi tới một Hội nghị Thượng đỉnh với những tuyên bố chung.
2. Một nước đi của Nga
Trong suốt những thập niên đầu thế kỷ XX, sự thâm nhập, tranh giành địa chính trị của các nước phương Tây (sau có thêm Trung Quốc) tại châu Phi vẫn chưa hề có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Cũng như tất cả các cường quốc khác trên thế giới, Nga cũng nhận thấy rằng châu Phi không những là một mảnh đất giàu tài nguyên mà còn là một địa chính trị quan trọng, một phần không thể thiếu trong chiến lược của Nga sau này. Đặc biệt, trong chiến tranh Ukraine, khi phải nhận những đòn đánh về kinh tế và chịu sự cô lập của Mỹ và phương Tây; Nga càng nhận thấy việc gắn kết, bắt nối với các nước châu Phi là vô cùng quan trọng. Có thể nói, giá trị của mối quan hệ này mang tính chất sống còn đối với một Nga đang đương đầu với những thách thức và đe doạ từ “cực kia” của thế giới. Do đó, dẫu phải đối phó với cuộc chiến ở Ukraine, Nga vẫn xây dựng cho mình một chiến lược an ninh lâu dài, bao gồm các chính sách đối ngoại trọng điểm, trong đó xác định châu Phi thuộc một trong những mắt xích ngoại giao quan trọng nhất. Cụ thể, Nga tuyên bố sẽ đoàn kết với các quốc gia châu Phi để nỗ lực thiết lập một thế giới đa cực công bằng hơn, xóa bỏ bất bình đẳng xã hội và kinh tế đang gia tăng do chính sách tân thực dân phức tạp của một số quốc gia phát triển đối với châu Phi. Liên bang Nga dự định đóng góp vào sự phát triển hơn nữa của châu Phi với tư cách là một trung tâm phát triển trên thế giới. Chính sách ngoại giao Nga – Châu Phi tập trung ưu tiên năm điểm sau:
Thứ nhất, hỗ trợ đảm bảo chủ quyền và độc lập của các quốc gia ở châu Phi, bao gồm thông qua cung cấp hỗ trợ trong các lĩnh vực an ninh, bảo đảm ninh lương thực, phân bón và các nguồn năng lượng, hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự.
Thứ hai, hỗ trợ châu Phi giải quyết và khắc phục hậu quả của các cuộc xung đột vũ trang, đặc biệt là giữa các quốc gia và sắc tộc, ủng hộ vai trò hàng đầu của các quốc gia châu Phi trong những nỗ lực này, dựa trên nguyên tắc do họ xây dựng: “Các vấn đề của châu Phi – một giải pháp của châu Phi”.
Thứ ba, tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác Nga – Châu Phi trong các lĩnh vực khác nhau trên cơ sở song phương và đa phương, chủ yếu trong khuôn khổ Liên minh Châu Phi, Diễn đàn Đối tác Nga – Châu Phi.
Thứ tư, tăng khối lượng thương mại và đầu tư với các quốc gia châu Phi và các cấu trúc hội nhập châu Phi (chủ yếu là Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi, Ngân hàng Xuất nhập khẩu châu Phi và các tổ chức tiểu vùng hàng đầu khác), bao gồm thông qua AEU.
Thứ năm, hỗ trợ và phát triển quan hệ trong lĩnh vực nhân đạo, bao gồm hợp tác khoa học, đào tạo nhân lực quốc gia, tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe, cung cấp các hỗ trợ khác, thúc đẩy đối thoại liên văn hóa, bảo vệ các giá trị tinh thần và đạo đức truyền thống, quyền tự do tôn giáo.
Qua các tuyên bố trong chính sách chiến lược của Nga với châu Phi ở Hội nghị lần này, có thể thấy, Nga đã trực tiếp, công khai ủng hộ mạnh mẽ các nước châu Phi giành lại độc lập hoàn toàn, xoá bỏ chủ nghĩa thực dân cũ và thực dân kiểu mới của các nước phương Tây. Xác định chiến lược ngoại giao chuyển trọng tâm về châu Phi, Tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng phản đối và thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân châu Phi nghèo đói, bất ổn như hiện nay là do các nước phương Tây và chế độ bóc lột của họ trong suốt hàng thế kỷ. Ông không ngần ngại chứng minh thói “đạo đức giả” của phương Tây thông qua Thoả thuận về ngũ cốc Biển Đen (kí kết hồi tháng 7/2022), cho rằng bên hưởng lợi chủ yếu từ thoả thuận là các nước giàu có tại châu Âu; trong khi châu Phi chỉ được hưởng lợi ở mức 3%. Trong một bài báo đăng trên trang web của Điện Kremlin vào ngày 24/7, khi Nga rút khỏi thoả thuận này, ông Putin có viết: “Việc tiếp tục ‘thỏa thuận ngũ cốc’, vốn không đáp ứng được mục đích nhân đạo của nó, đã mất đi ý nghĩa”. Bởi trên thực tế, kết quả của thoả thuận hoàn toàn trái ngược với những gì mà phương Tây đã tuyên truyền trước đó về việc giúp đỡ một châu Phi nghèo đói.
Bên cạnh đó, tuyên bố của Nga cũng nhấn mạnh sẽ hợp tác chặt chẽ với châu Phi một cách toàn diện, đặc biệt là trên các lĩnh vực trọng yếu bao gồm kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng. Về chính trị, Nga chấp nhận nghiên cứu về chương trình hoà bình ở Ukraine do châu Phi đề xuất. Nga cũng tuyên bố sẽ xoá bỏ cho châu Phi khoản nợ 23 tỉ, cùng với 90 triệu USD khác sẽ được phân bổ cho các mục đích tương tự. Để giải quyết vấn đề an ninh lương thực gây nhức nhối tại châu Phi; Nga sẵn sàng cung cấp và vận chuyển ngũ cốc miễn phí tới một số quốc gia nghèo nhất. Burkina Faso, Zimbabwe, Mali, Somali, Cộng hòa Trung Phi và Eritrea mỗi nước sẽ nhận được từ 25.000 đến 50.000 tấn ngũ cốc. Phía Nga cũng cho biết, Hiệp định chấm dứt thoả thuận ngũ cốc Biển Đen chỉ xoá bỏ quyền lợi của các nước giàu ở châu Âu chứ không ảnh hưởng đến châu Phi. Tổng thống Putin khẳng định, ông đảm bảo rằng nguồn cung cấp ngũ cốc, thực phẩm, phân bón tới châu Phi sẽ luôn dồi dào và đầy đủ. Ngoài ra, Nga cũng sẽ hợp tác với một số nước ở Bắc Phi như Algeria, Maroc… để cùng phát triển năng lượng, dầu khí. Đây vốn là những quốc gia có nguồn năng lượng rất lớn mà các nước Mỹ, Pháp, Anh luôn muốn lôi kéo về phía mình nhằm bù đắp lại tổn thất do các lệnh trừng phạt Nga gây ra. Do đó, việc hợp tác giữa Nga với các quốc gia này sẽ giáng một đòn mạnh vào Mỹ và phương Tây, đặc biệt là các nước châu Âu vốn đang ở vào tình thế khan hiếm trầm trọng về năng lượng.
Hội nghị lần này ghi nhận sự tham dự của 49/54 quốc gia châu Phi, điều đó cho thấy châu Phi đang nghiêng dần về phía Nga và xa rời phương Tây. Tất cả những tuyên bố trong hội nghị của Nga – Châu Phi cũng đi đến một sự thống nhất, tán thành gần như tuyệt đối. Những vấn đề mà Nga đưa ra được dư luận các nước châu Phi ủng hộ mạnh mẽ. Mối quan hệ Nga – Phi ngày càng khăng khít, ảnh hưởng và vị thế của Nga trên trường quốc tế ngày càng tăng mạnh. Đặc biệt, khoảng thời gian diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Nga – Châu Phi cũng là thời điểm mà Cộng hoà Niger tiến hành cuộc đảo chính, lật đổ và bắt giữ tổng thống Bazoum. Đáng chú ý hơn, lực lượng đảo chính ở Niger phản đối các hoạt động can thiệp của Mỹ, Pháp song lại ủng hộ Nga. Có thể nói, đây là một minh chứng thuyết phục, củng cố mạnh mẽ quan điểm của Hội nghị về sự trỗi dậy giành độc lập, xoá bỏ chế độ thực dân kiểu mới của phương Tây ở châu Phi. Không những vậy, nó còn dóng lên hồi chuông cảnh báo về vị thế đang bị lung lay của Pháp và châu Âu tại khu vực này, đồng thời kêu gọi các nước thuộc địa trên khắp thế giới đứng lên giành lại độc lập trước các thế lực thực dân kiểu mới. Niger là nước sản xuất uranium lớn thứ 7 trên thế giới, chiếm 5% sản lượng toàn cầu. Hàng năm, Pháp sử dụng 15 – 17% uranium khai thác tại đây để phục vụ cho mục đích công nghiệp của nước mình. Nguồn uranium giàu có tại Niger, kết hợp với công nghệ chế tác uranium phục vụ cho ngành công nghiệp hạt nhân của Nga – chính là hai thứ mà Mỹ và châu Âu luôn khao khát. Do đó, sự hợp tác giữa Nga với Niger nói riêng và châu Phi nói chung sẽ là một mối nguy lớn đối với phương Tây.
Hiện tại, Nga đang phải dồn tổng lực vào cuộc chiến tại Ukraine, Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) cũng hứa hẹn sẽ can thiệp quân sự chống lại nhóm đảo chính để giải quyết bất ổn ở Niger nhưng bị nhiều nước ở châu Phi phản đối và sẵn sàng ủng hộ Niger nếu nước này bị tấn công quân sự. Tình hình thực tế vẫn đang diễn biến rất phức tạp, và phải chờ thêm những động thái tiếp theo của các bên liên quan mới có thể đi đến kết luận về hiệu quả hợp tác giữa Nga và châu Phi. Tuy nhiên, điều đáng nói là Nga đã có bước trở lại ngoạn mục, khôi phục quan hệ hợp tác chiến lược với “lục địa đen”, từ đó từng bước củng cố lại vị thế của mình trên bản đồ chính trị thế giới. Hội nghị ở St. Petersburg chính thức đánh dấu rằng Nga đã tập hợp được một lực lượng đủ mạnh để được giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh địa chính trị ở châu Phi, song song với các khu vực khác như Trung Đông và Mỹ Latin. Đây thực sự là một đòn tấn công mạnh mẽ vào tham vọng bá quyền của Mỹ và các nước phương Tây. Nhìn chung, việc thắt chặt quan hệ ngoại giao với Liên đoàn Châu Phi, thúc đẩy quan hệ với các nước Nam Mỹ, khôi phục vị thế trước khối Trung Đông (trong đó có Iran và Ả Rập Xê Út), kết nối với khối các nước mới nổi BRICS, củng cố vững chắc quan hệ truyền thống với Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Cuba… đã tái xác lập và khẳng định vị thế quan trọng của Nga trên trường quốc tế với tư cách là một siêu cường. Mặc dầu phải đối phó với sự tấn công từ Mỹ và châu Âu song Nga vẫn không ngừng nỗ lực hướng đến mục tiêu làm sụp đổ thế giới đơn cực do Mỹ và phương Tây đứng đầu, xây dựng một trật tự thế giới mới theo hướng đa cực. Có thể thấy, những nỗ lực đó đã và đang trở thành hiện thực thông qua những kết quả đạt được từ Hội nghị Thượng đỉnh Nga – Phi lần này.■
Xuân Sơn