Đức xác định "trách nhiệm đặc biệt" đối với toàn cầu trong Chiến lược An ninh quốc gia lần đầu tiên được công bố

Trong bối cảnh thế giới biến động mạnh mẽ, ở thời điểm cấu trúc an ninh của châu Âu xáo trộn đáng kể liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, Chính phủ  Đức đã công bố Chiến lược An ninh quốc gia từ sau Thế chiến II vào ngày 15/6/2023, trong đó xác định vai trò và trách nhiệm đặc biệt của nước này đối với hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng trên toàn cầu, gắn chặt trong mối liên hệ với NATO và EU. Đây là Chiến lược An ninh quốc gia đầu tiên trong lịch sử nước Đức, mặc dù trước đây Đức từng ban hành nhiều tài liệu chính sách liên quan tới vấn đề an ninh, song Berlin chưa bao giờ công bố một chiến lược toàn diện. Từ cuối năm 2021, Chính phủ liên minh cầm quyền ba đảng của Đức đã cam kết nhất trí xây dựng “một chiến lược toàn diện hơn” trong bối cảnh Đức được cho là chưa chú trọng tới các mối đe dọa toàn cầu mới nổi. Chiến lược An ninh quốc gia do Bộ Ngoại giao Đức chủ trì xây dựng là kết quả sau nhiều tháng tham khảo ý kiến của các chuyên gia và người dân trên cả nước. Chính phủ Thủ tướng Olaf Scholz từng dự định hoàn tất việc soạn thảo trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, tuy nhiên do trong các cuộc thảo luận nội bộ còn có nhiều ý kiến khác nhau nên tài liệu này đến nay mới được công bố.

Thủ tướng Olaf Scholz cho biết việc cam kết xây dựng và công bố chiến lược về an ninh quốc gia càng trở nên quan trọng hơn kể từ khi Nga tấn công Ukraine gần 16 tháng trước. Ông mô tả việc Chính phủ Đức ra mắt Chiến lược An ninh quốc gia là “bước ngoặt” trong cách thức Đức giải quyết các vấn đề an ninh. Chiến lược này là một phần trong nỗ lực giải quyết những gì Đức coi là rủi ro quân sự, kinh tế và xã hội ngày càng tăng đối với đất nước.  Ông Nils Schmid, Người phát ngôn của đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) của Thủ tướng Scholz nhận xét, lần đầu tiên, một chính phủ liên minh đã thành công trong việc đưa ra chính sách đối ngoại đồng nhất, thể hiện nhận thức chính trị mới về cách tiếp cận các mối đe dọa của nước Đức.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (giữa) cùng các thành viên nội các công bố Chiến lược An ninh Quốc gia đầu tiên của Đức vào giữa tháng 6/2023. Ảnh: Clemens Bilan/EPA

Chiến lược an ninh đã xác định môi trường an ninh của Đức đang có những thay đổi sâu sắc. Đó là trật tự thế giới “ngày càng đa cực”. Chiến tranh, khủng hoảng, xung đột tác động tiêu cực tới an ninh của Đức cũng như châu Âu. Xã hội và kinh tế Đức phải đối mặt với những mối đe dọa phức tạp, trong đó chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, tội phạm có tổ chức, tấn công mạng, rủi ro về chuỗi cung ứng có chiều hướng gia tăng. Theo New York Times, bản chiến lược mới đưa ra các phân tích môi trường an ninh theo cách tiếp cận có hệ thống dựa trên khái niệm rộng hơn về an ninh, còn gọi là “an ninh tích hợp”, tức là xem lĩnh vực an ninh là một bộ phận trong mối liên hệ chặt chẽ với tất cả lĩnh vực khác như chính sách kinh tế, chuỗi cung ứng, chính sách đối ngoại, thay vì chỉ tập trung vào quân sự và tương tự, mỗi lĩnh vực cũng có thể đóng góp cải thiện an ninh của Đức. Văn bản chiến lược này khẳng định “kim chỉ nam” cho mọi hành động của Đức là bảo vệ đất nước cũng như các giá trị của nước này. Tờ The Diplomat đánh giá, chiến lược của Đức xây dựng các chính sách an ninh theo hướng lấy lợi ích cốt lõi của quốc gia làm cơ sở cho các hành động chính trị.

Bản chiến lược xác định Đức là một thành viên tích cực của Liên minh châu Âu – Đại Tây Dương (gồm các nước thuộc và không thuộc NATO), có lợi ích quốc gia và vai trò quốc tế trong việc duy trì trật tự được xác lập sau Thế chiến II. Đức cam kết ủng hộ xây dựng một trật tự quốc tế tự do, trong đó tôn trọng cũng như duy trì luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, sự bình đẳng chủ quyền của các quốc gia, quyền tự quyết của mọi dân tộc, các quyền con người phổ quát, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Bản chiến lược cũng khẳng định: “Là quốc gia đông dân nhất và là nền kinh tế lớn nhất ở trung tâm châu Âu, Đức có trách nhiệm đặc biệt đối với hòa bình, an ninh, thịnh vượng, ổn định cũng như sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên”. Điều đó phản ánh điểm đáng chú ý nhất  trong chiến lược an ninh của Đức là nỗ lực xác lập vị thế toàn cầu. Bản chiến lược cũng nêu rõ, Đức sẵn sàng gánh vác trách nhiệm toàn cầu trong bảo vệ Hiến chương Liên hợp quốc và muốn có ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an.

Chiến lược An ninh quốc gia khẳng định, an ninh của Đức không thể tách rời an ninh của các quốc gia đồng minh và đối tác châu Âu. Cam kết của Đức với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) là “không lay chuyển”. Mục tiêu của Đức là bảo đảm “một châu Âu thống nhất trong hòa bình và tự do”. Đức mong muốn bảo đảm EU có thể tiếp tục duy trì an ninh, chủ quyền của khối “trong những thế hệ tiếp theo”, ủng hộ hội nhập và mở rộng EU, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành các cải cách trong EU. Đức cũng tuyên bố sẽ tăng cường nỗ lực góp phần duy trì kiểm soát vũ khí, giải trừ và không phổ biến hạt nhân trên toàn cầu.

Đức là nước chủ nhà cho cuộc tập trận trên không lớn nhất trong lịch sử NATO vào tháng 6/2023, với sự tham gia của 25 quốc gia và hơn 250 máy bay chiến đấu. Ảnh: bundeskanzler.de

Bản chiến lược an ninh quốc gia của Đức đã xác định rằng: “Nước Nga ngày nay, trong tương lai gần, là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và an ninh ở khu vực châu Âu – Đại Tây Dương”. Nó cũng cảnh báo rằng một số quốc gia đang “cố gắng định hình lại trật tự quốc tế hiện tại theo quan điểm của họ về sự cạnh tranh có hệ thống”, một ám chỉ gián tiếp về các mối đe dọa của thông tin sai lệch, tấn công mạng và áp lực kinh tế từ các cường quốc như Trung Quốc, nhưng lại ủng hộ cách tiếp cận cân bằng đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, tài liệu nhấn mạnh quan điểm của Berlin rằng Trung Quốc là “đối tác, đối thủ cạnh tranh và đối thủ có hệ thống”, lưu ý rằng “các yếu tố của sự cạnh tranh và cạnh tranh đã gia tăng trong những năm gần đây; bản chiến lược mô tả Bắc Kinh là “đối thủ cạnh tranh” đang tận dụng sức mạnh kinh tế để đạt được mục tiêu chính trị, nhưng tin rằng, Trung Quốc vẫn là “đối tác không thể thiếu trong việc giải quyết nhiều thách thức cấp bách trên toàn cầu”, ví dụ biến đổi khí hậu. Đức dự kiến sẽ đề cập chi tiết đến Trung Quốc trong một chiến lược riêng biệt trong tương lai gần. Theo AP, chiến lược an ninh được công bố một tuần trước khi Chính phủ Đức bắt đầu các cuộc đàm phán cấp cao với quan chức Trung Quốc tại Berlin về các vấn đề nhạy cảm. Đức có truyền thống do dự trong việc chống lại Bắc Kinh do tầm quan trọng của Trung Quốc với tư cách là thị trường xuất khẩu của Đức và là nguồn cung cấp hàng hóa chính.

Thủ tướng Olaf Scholz cũng lưu ý một tuyên bố gần đây của các nhà lãnh đạo G7 kêu gọi “giảm thiểu rủi ro” thay vì “tách rời” khỏi Trung Quốc. Ông cho biết việc tạo ra chuỗi cung ứng mới cho các mặt hàng quan trọng có thể mất hàng thập kỷ. Khi được hỏi chiến lược mới sẽ có ý nghĩa thực tế gì, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Baerbock cho biết Chính phủ sẽ xem xét kỹ lưỡng các lĩnh vực mà Đức dễ bị tổn thương nhất do phụ thuộc vào Trung Quốc. Bà cho biết chúng bao gồm các nguyên liệu thô và linh kiện cho ngành năng lượng, viễn thông và y tế, những mặt hàng mà Đức đang tích cực cố gắng đa dạng hóa nguồn cung của mình.

Trong khi khẳng định rõ quan điểm về Nga là “mối đe dọa”, Trung Quốc vừa là “đối tác” vừa là “đối thủ”, bản chiến lược chỉ nhắc rõ tên hai quốc gia bạn bè, một là Pháp – “nước làng giềng có mối quan hệ hữu nghị thân thiết” và Mỹ – đồng minh bên kia Đại Tây Dương có “mối quan hệ và hợp tác chặt chẽ”. Thủ tướng Đức nói rằng: Quan hệ xuyên Đại Tây Dương với Hoa Kỳ đã đạt đến “một cấp độ và chất lượng mới với Tổng thống Joe Biden mà chúng tôi không thể mong muốn trở nên tốt hơn”.

Về nội dung, Chiến lược An ninh quốc gia của Đức tập trung vào 3 trụ cột chính là năng lực phòng thủ, khả năng thích ứng/phục hồi và tính bền vững.

Trụ cột đầu tiên hướng Đức đến một nền quốc phòng mạnh mẽ với khả năng răn đe. Đức dự kiến tăng chi cho quốc phòng theo mục tiêu của toàn khối NATO là 2% GDP từ năm 2024. Cuộc chiến ở Ukraine đã làm gia tăng lo lắng ở Đức về sự sẵn sàng của các lực lượng vũ trang của chính họ, khiến Thủ tướng Scholz tuyên bố một “bước ngoặt” về chi tiêu quân sự. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo ở Berlin cũng có sự tham dự của Thủ tướng Scholz và các quan chức hàng đầu khác rằng” cuộc tấn công của Nga vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022 đã chứng tỏ “điều mà nhiều nước láng giềng của chúng tôi ở Đông Âu đã cảnh báo chúng tôi – rằng châu Âu rất dễ bị tổn thương”.

Bản chiến lược mới mô tả Đức sẽ đóng vai trò quan trọng trong đẩy mạnh công nghệ quốc phòng ở cấp độ châu Âu, liên kết chặt chẽ với đồng minh trong khối NATO, đồng thời mong muốn cùng các đối tác châu Âu phát triển hơn nữa chính sách an ninh chung, bao gồm các nỗ lực can dự sâu rộng để ổn định tình hình ở các khu vực lân cận lục địa.

Trụ cột thứ hai về khả năng thích ứng/phục hồi trong chiến lược của Đức tập trung vào cải thiện năng lực của nước này và đồng minh trong “bảo vệ các giá trị” kiểu phương Tây, giảm phụ thuộc kinh tế vào các đối thủ, ngăn chặn hành vi tấn công mạng. Tài liệu nhấn mạnh, Đức cần đa dạng hóa nguồn cung đối với các mặt hàng quan trọng, khuyến khích doanh nghiệp nội xây dựng nguồn dự trữ chiến lược. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói: “Trong thế kỷ 21, an ninh có nghĩa là đảm bảo được hệ thống sưởi hoạt động vào mùa đông, có sẵn thuốc cho con em chúng ta tại các nhà thuốc, có nguồn cung vi mạch đáng tin cậy cho điện thoại thông minh và đi làm an toàn vì các chuyến tàu không bị tê liệt bởi các cuộc tấn công mạng”. “Trong tương lai, chúng tôi sẽ tập trung nhiều hơn vào vấn đề an ninh khi đưa ra các quyết định về chính sách kinh tế… “.

Trụ cột thứ ba về tính bền vững nhắc đến cách thức giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng và lương thực… Chiến lược cũng đưa ra một số tham chiếu đến các mối đe dọa an ninh do biến đổi khí hậu gây ra. Chúng bao gồm nguy cơ cao về nạn đói, bệnh tật và xung đột trên toàn cầu, cũng như các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng quan trọng ở Đức.

Chính phủ cho biết họ cũng sẽ đưa ra một chiến lược nhằm tăng cường khả năng của Đức trong việc chống lại các mối đe dọa hỗn hợp, điều này sẽ đòi hỏi phải tăng cường năng lực phân tích của các cơ quan tình báo của nước này.

Tờ The New York Times cho biết, Chiến lược An ninh quốc gia của Đức nhìn chung nhận được sự hoan nghênh và đánh giá tích cực của nhiều nhà phân tích. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng tài liệu còn “thiếu chi tiết”, nhất là về vấn đề ngân sách để thực hiện “các tham vọng” đề ra. Chuyên gia Claudia Major tại Viện Các vấn đề quốc tế và an ninh có trụ sở tại Berlin nhận xét: “Ở một mức độ nhất định nào đó, chiến lược này chưa thể liên kết giữa mục tiêu và phương thức thực hiện bởi vì không đề cập rõ ràng tới ngân sách”.  Tờ Reuters lưu ý tới việc Chiến lược An ninh quốc gia mới không đề cập mối đe dọa nào sẽ là ưu tiên ứng phó của Đức, thiếu chi tiết về việc Berlin sẽ ngăn chặn các mối đe dọa đã xác định ra sao và sẽ phản ứng thế nào trong trường hợp chúng gây tổn hại cho nước Đức. Tài liệu cũng không đề cập đến việc thành lập một Hội đồng An ninh quốc gia nhằm giúp thực thi chiến lược. Trong khi đó, AP dẫn lời lãnh đạo phe đối lập Friedrich Merz cho rằng tài liệu Chiến lược an ninh mới của Đức dài 76 trang mà Chính phủ của Thủ tướng Scholz công bố “không quan trọng về mặt chiến lược, không có giá trị, không có ý nghĩa”, được soạn thảo mà không tham khảo ý kiến các quốc gia đồng minh của Đức.■

            Ngọc (tổng hợp)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN