Thấy gì từ quyết định viện trợ đạn chùm của Mỹ cho Ukraine?

Mỹ đã cung cấp hơn 42 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine từ khi xung đội giữa nước này với Nga bắt đầu vào cuối tháng 2/2022. Viện trợ này chủ yếu là các hệ thống tên lửa, pháo binh cơ động cao (HIMARS), cùng các hệ thống chống thiết giáp, vũ khí hiện đại các loại, đạn dược các loại, phương tiện hỗ trợ hậu cần và hỗ trợ bảo trì cần thiết.

Mới nhất, đầu tháng 7/2023, Tổng thống Biden đã công bố gói viện trợ quân sự thứ 42 cho Ukraine có trị giá 800 triệu USD, bao gồm các tổ hợp pháo và đạn dược, trong đó có đạn chùm với tên chính thức là Đạn Thông thường Cải tiến Đa dụng (DPICM).

Trên thực tế, theo khoa học quân sự, DPICM là đạn pháo hoặc đầu đạn tên lửa được thiết kế nhằm phát tán bom con, đạn con để bao phủ khu vực rộng lớn. Những loại đạn chùm này thường được dùng để chống lại tăng thiết giáp và gây sát thương với bộ binh. Mỹ bắt đầu phát triển loại đạn này từ những năm 1950, nhưng loại đạn này bị hơn 100 quốc gia cấm, song Mỹ, Nga và Ukraine không nằm trong số này.

Lý do bị cấm là đạn chùm phát tán lượng bom con, đạn con trên khu vực rộng lớn. Một quả đạn mẹ rải hàng trăm đến hàng nghìn đạn con trên diện tích tương đương vài sân bóng đá, đạt hiệu quả sát thương cao hơn nhiều so với đạn pháo hoặc rocket nổ mảnh thông thường. Bất cứ ai đứng trong khu vực phát nổ của đạn chùm, dù là binh sĩ hay dân thường, đều có khả năng thiệt mạng hoặc chịu thương tật nặng. Nguy hiểm hơn, nhiều đạn con trong đạn chùm không nổ khi chạm đất, đe dọa dân thường hàng chục năm sau chiến tranh, khiến vũ khí này gây tranh cãi.

Bom, đạn chùm có thể chứa hàng trăm bom con và có thể nằm sâu dưới đất qua hàng thập kỷ (ảnh: CNN)

Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) ước tính tỷ lệ đạn con không nổ trong những xung đột quân sự gần đây có thể lên tới 40%. Ví dụ, Mỹ thả khoảng 260 triệu quả đạn con xuống Lào trong giai đoạn 1964 – 1973. Báo cáo của Reuters cho thấy chưa đầy 400.000 quả đạn trong số này, tương đương 0,47%, được rà phá thành công và ít nhất 11.000 người đã thiệt mạng.

Đây chính là lý do quyết định viện trợ đạn chùm của Mỹ vấp phải phản ứng quyết liệt từ dư luận Mỹ cũng như một số nước châu Âu.

Phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, ông không muốn bom chùm, đạn chùm tiếp tục được dùng trên chiến trường. Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles khẳng định: việc Mỹ gửi bom chùm cho Ukraine là sai và Ukraine không nên sử dụng bom chùm “trong bất kỳ trường hợp nào”.

Quyết định của chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng bị Đức, Anh và Canada chỉ trích. Canada và Anh tái khẳng định cam kết của họ với thỏa thuận của Liên hiệp quốc trong việc cấm bom chùm, đồng thời lên tiếng phản đối việc sử dụng chúng trong cuộc xung đột Nga – Ukraine với lý do đây là loại đạn nguy hiểm đối với thường dân, đặc biệt là trẻ em. Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng khẳng định Vương quốc Anh đã ký kết công ước cấm sản xuất hoặc sử dụng bom, đạn chùm và không khuyến khích sử dụng chúng loại đạn này.

Một nhóm nghị sĩ Hạ viện Mỹ đã đề xuất sửa đổi Dự thảo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng để ngăn chính quyền Biden chuyển đạn chùm đến Ukraine. Một số nghị sĩ cho rằng loại vũ khí này sẽ không chấm dứt chiến sự Ukraine, ngược lại luôn xuất hiện trong những cuộc chiến tranh đẫm máu, kéo dài và tàn nhẫn nhất trong lịch sử loài người. Một nghĩ sĩ Mỹ đã tuyên bố: “Nhiều đứa trẻ sẽ mồ côi và tàn phế vì quyết định chuyển giao đạn chùm, trừ khi lưỡng đảng hợp tác để ngăn điều đó. Loại vũ khí này không phải nền tảng của hòa bình”.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng phản đối và cho rằng tấn công dân thường bằng bom chùm có thể gây tội ác chiến tranh.

Vấn đề là tại sao chính quyền Mỹ vẫn bất chấp dư luận quốc tế để chuyển giao đạn chùm cho Ukraine?

Có thể thấy quyết định này đến từ thực tế chiến trường đang bất lợi cho Ukraine và viện trợ đạn chùm là ván bài gần như cuối cùng của Mỹ với quyết tâm đánh bại Nga bằng mọi giá trên chiến trường.

Quan chức Lầu Năm Góc thừa nhận đạn chùm có ích cho quân đội Ukraine để đẩy lùi lực lượng Nga trên chiến trường. Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, giải thích quyết định viện trợ đạn chùm đến từ lo ngại “nguy cơ thiệt hại dân sự lớn khi quân đội và xe tăng Nga tràn qua các vị trí của Ukraine, kiểm soát thêm lãnh thổ vì Ukraine không có đủ pháo”. Điều này gián tiếp thừa nhận thực tế chiến trường đang rất khó khăn để Ukraine có thể giữ được thế trận.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Colin Kahl cũng nhận định tình hình “thật sự khó khăn vì Nga đã củng cố phòng tuyến trong 6 tháng”. Bộ Quốc phòng Mỹ xác định các phòng tuyến mà Nga thiết lập rất khó bị bất cứ lực lượng nào chọc thủng. Ông Kahl cho rằng viện trợ đạn chùm để “đảm bảo Ukraine đủ pháo để chiến đấu trong bối cảnh cuộc phản công đang diễn ra, do mọi thứ đang diễn ra chậm hơn so với mong đợi của một số người, dẫn đến tiêu hao cao liên quan đến pháo binh.” Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cũng cho rằng chỉ có đạn chùm mà Mỹ viện trợ mới có thể giúp đẩy nhanh quá trình giành lại khu vực Nga đang kiểm soát.

Phương Tây đang đánh giá chiến dịch phản công của Ukraine không như kỳ vọng trên mọi mặt trận. Phòng tuyến của Nga rất kiên cố khiến Ukraine khó chọc thủng và phương Tây không muốn để cuộc phản công đã lên kế hoạch thất bại. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố quân đội Ukraine “đang cạn đạn dược” để phản công và cho biết “rất khó khăn” nhưng vẫn phải đưa ra quyết định cung cấp đạn chùm. Và Mỹ đang kỳ vọng rằng đạn chùm có thể là “vũ khí thay đổi cuộc chơi” tại Ukraine như Nghị sĩ Mike McCaul, thành viên hàng đầu của đảng Cộng hòa tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, tuyên bố.

Một quả bom chùm được thả trong cuộc tập trận tại Seung-Jin, Hàn Quốc, năm 2012. Ảnh: Quân đội Hàn Quốc

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng đưa ra nhận định tương tự khi cho rằng quyết định viện trợ đạn chùm là “hành động tuyệt vọng và thể hiện sự yếu đuối của Mỹ”, trong bối cảnh “cuộc phản công của Ukraine trên thực tế đang thất bại dù được quảng bá rầm rộ”.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng cho biết nếu Mỹ thực hiện lời hứa gửi bom chùm tới Ukraine, quân đội Nga sẽ sử dụng kho vũ khí đa dạng của mình để đáp trả. Hiện chưa lường trước được Nga sẽ đáp lại như thế nào nhưng sự leo thang này của Mỹ dự kiến sẽ chỉ khiến cuộc chiến tranh trở nên khốc liệt và tàn bạo hơn. Nhiều thông tin cho biết về âm mưu phá hoại nhà máy điện hạt nhân của Ukraine và nếu như vậy, một thảm hoạ phóng xạ thực sự có thể ảnh hưởng tới toàn châu Âu và không loại trừ khả năng kéo nhiều nước EU cũng như NATO đối đầu với Nga trong cuộc chiến này. Như vậy, mỗi bước leo thang như quyết định viện trợ đạn chùm vừa qua, bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế, đều đẩy thế giới tới bờ vực của cuộc chiến toàn diện và huỷ diệt trong nay mai nếu các bên không có sự kìm chế thích đáng.

Cũng cần xét tới trách nhiệm của Ukraine với tư cách một bên tham chiến, đã liên tục kêu gọi viện trợ đạn chùm để tiêu diệt binh lính Nga, cũng là tiêu diệt chính người Ukraine trong tương lai. Cả thế giới phải lên án và coi việc Mỹ viện trợ bom chùm là tội các chiến tranh như đã phạm phải ở Việt Nam và Iraq. Mỗi một tiếng nói lên án sẽ phần nào giúp ngăn chặn thảm hoạ cho người dân Ukraine nói riêng và loài người nói chung.■

Trọng Khang

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN