Quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, khi bất đồng trong việc giải quyết các tranh chấp về lao động thời chiến ngăn cản hai quốc gia theo đuổi các cuộc đàm phán ngoại giao quan trọng. Chuyến công du gần nhất tới Hàn Quốc của một Thủ tướng Nhật Bản là vào tháng 2/2018, khi cố Thủ tướng Abe Shinzo tới tham dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Pyeongchang. Những tưởng chuyến thăm có thể mở ra chương mới cho sự hàn gắn, thì ngay sau đó, căng thẳng lại gia tăng khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra phán quyết yêu cầu hai công ty Nhật Bản phải bồi thường trong vụ kiện lao động cưỡng bức thời chiến của các nguyên đơn người Hàn Quốc, trong khi phía Nhật Bản duy trì tuyên bố cứng rắn, rằng tất cả các vấn đề liên quan đến thời kỳ Nhật Bản cai trị Bán đảo Triều Tiên đã được giải quyết theo thỏa thuận song phương ký năm 1965. Không giải quyết được bất đồng, quan hệ Tokyo – Seoul từ đó đã trở nên căng thẳng với những đòn “ăn miếng trả miếng” trong nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế và ngoại giao. Hiển nhiên là, căng thẳng và trả đũa chỉ khiến hai bên thêm mệt mỏi và thiệt hại. Mối quan hệ căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc cũng làm phức tạp thêm những nỗ lực của Mỹ – đồng minh chung của cả Tokyo và Seoul – nhằm xây dựng một liên minh khu vực mạnh mẽ hơn để đối trọng với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực, cũng như trước các mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.
Vì vậy, Nhật Bản và Hàn Quốc đang cố gắng tìm tiếng nói chung trong vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến, một “vết cứa lịch sử” vốn đã ngăn cản hợp tác giữa hai nước trong nhiều thế hệ qua. Cả hai đồng minh thân cận của Mỹ hiện cũng đang nỗ lực tìm kiếm lập trường chung giữa bối cảnh căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên khi ông Yoon Suk Yeol trúng cử Tổng thống Hàn Quốc năm 2022. Chính quyền ông Yoon hiện nay quyết tâm hàn gắn quan hệ với Nhật, nước láng giềng lẽ ra đã là một đối tác tốt nếu không có vết thương chiến tranh.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đều nhấn mạnh tầm quan trọng trong nỗ lực cải thiện mối quan hệ của hai nước kể từ khi bắt đầu hội nghị thượng đỉnh ở Tokyo vào ngày 16/3. Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhất trí nối lại các chuyến thăm thường xuyên giữa các nhà lãnh đạo và thực hiện các nỗ lực giải quyết tranh chấp thương mại, an ninh quốc phòng và các vấn đề lịch sử.
Cả hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như an ninh, kinh tế và giao lưu nhân dân, tiếp tục củng cố quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc và xem đây là nhiệm vụ cấp bách trong môi trường chiến lược hiện nay. Vì vậy, nội dung thảo luận chính ở cả hai cuộc gặp thưởng đỉnh giữa Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đều tập trung vào chủ đề tăng cường hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực như quốc phòng, an ninh, kinh tế, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, cũng như hợp tác về các vấn đề văn hóa, đặc biệt là ưu tiên giải quyết vấn đề vướng mắc lịch sử trong quan hệ giữa hai nước nhằm khai thông những trở ngại về tâm lý cho các lĩnh vực hợp tác khác có lợi ích lớn hơn đối với cả hai nước trước những thách thức chung về an ninh đối với hai nước và khu vực.
Chủ đề đầu tiên được quan tâm giải quyết là vướng mắc lịch sử thời chiến. Ngay trước khi lên máy bay rời Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ: “Tôi muốn thẳng thắn trao đổi quan điểm dựa trên sự tin tưởng với Tổng thống Yoon Suk-yeol về nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm các vấn đề xung quanh tranh chấp lao động thời chiến”. Ngay sau khi đặt chân tới Hàn Quốc, Thủ tướng Nhật Bản đã đến Nghĩa trang Quốc gia Seoul và bày tỏ lòng thành kính với những người yêu nước và các cựu chiến binh Hàn Quốc đã hy sinh trong cuộc chiến giành độc lập cho quốc gia. Trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc hồi tháng 3/2023, Thủ tướng Kishida đã khẳng định quan điểm của Chính phủ Nhật Bản là kế thừa toàn bộ nhận thức lịch sử của các chính phủ trước đây, bao gồm tuyên bố chung năm 1998 được cựu Tổng thống Kim Dae-jung và cựu Thủ tướng Nhật Bản Keizo Obuchi thông qua. Tuyên bố năm 1998 kêu gọi hai bên vượt qua quá khứ và xây dựng các mối quan hệ mới, trong đó cựu Thủ tướng Obuchi bày tỏ sự tiếc nuối về “những thiệt hại và nỗi đau khủng khiếp” mà chế độ thực dân Nhật Bản đã gây ra cho người dân Triều Tiên. Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc lần thứ hai, Thủ tướng Kishida cho biết ông rất đau lòng khi nhiều người phải chịu đựng nỗi thống khổ và đau đớn khủng khiếp trong những hoàn cảnh khó khăn vào thời điểm đó. Ông Kishida không đưa ra lời xin lỗi chính thức về những gì Nhật Bản đã làm trong Thế chiến II, song Thủ tướng Nhật Bản cho biết chính phủ của ông kế thừa lập trường của các chính quyền tiền nhiệm, với một số trong đó từng đưa ra lời xin lỗi. Thủ tướng Kishida nhấn mạnh, với tư cách là nhà lãnh đạo hàng đầu của Nhật Bản, ông có nhiệm vụ cùng bắt tay với Hàn Quốc để hướng tới tương lai trong khi cân nhắc các khía cạnh lịch sử cùng một số diễn biến liên quan.
Về phía Tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Yoon Suk-yeol cũng tỏ rõ thiện chí khi cho rằng, các bất đồng lịch sử chưa được giải quyết không có nghĩa là không thể có bước tiến để gắn kết quan hệ giữa hai bên. Nhận định này của nhà lãnh đạo Hàn Quốc dường như cho thấy ông rất trân trọng thông điệp từ phía Thủ tướng Kishida nhằm đưa hai nước xích lại gần nhau hơn. Tổng thống Yoon Suk-yeol nhấn mạnh, chính phủ của ông sẽ thực hiện kế hoạch đã công bố vào tháng 3/2023 để giải quyết vấn đề lao động thời chiến. Theo đó, một quỹ trực thuộc Chính phủ Hàn Quốc sẽ đứng ra bồi thường nạn nhân lao động cưỡng bức thời chiến, thay vì đòi tiền từ công ty Nhật Bản. Những phát biểu trên của Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Hàn Quốc trong các cuộc gặp thượng đỉnh vừa qua liên quan đến những vấn đề lịch sử thời chiến là những chỉ dấu cho thấy quan hệ song phương đang đi đúng hướng, rằng cả Nhật Bản và Hàn Quốc đang nỗ lực để khép lại quá khứ, hướng tới tương lai.
Chủ đề quan trọng thứ hai được đề cập trong các cuộc gặp thượng đỉnh Nhật – Hàn là vấn đề hợp tác an ninh, quốc phòng. Hai bên tái khẳng định những nỗ lực chung nhằm cải thiện hợp tác an ninh để đối phó với chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, cũng như bày tỏ ý định tiến hành tham vấn chặt chẽ vì an ninh khu vực. Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhất trí hợp tác chặt chẽ để hiện thực hóa chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hàn Quốc lấy tự do, hòa bình và thịnh vượng làm trung tâm, cũng như tầm nhìn của Nhật Bản về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Điều này đã mở đường cho Nhật Bản và Hàn Quốc khôi phục đàm phán an ninh lần đầu tiên sau 5 năm. Ngày 17/4, các quan chức Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Nhật Bản và Hàn Quốc đã tiến hành cuộc đàm phán an ninh để thảo luận về tình hình an ninh ở Đông Bắc Á và trên Bán đảo Triều Tiên, hợp tác song phương về an ninh quốc phòng và các lợi ích chung khác. Cuộc họp tham vấn chính sách theo hình thức này được gọi là đối thoại 2+2. Hai nước cũng nhất trí nối lại đối thoại quốc phòng và đàm phán chiến lược cấp thứ trưởng cũng như khởi động lại quá trình liên lạc ba bên giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Hàn Quốc cũng không quên nhấn mạnh “tầm quan trọng của hợp tác 3 bên Nhật Bản-Hàn Quốc-Mỹ, được hướng dẫn bởi các giá trị chung, được thúc đẩy bởi sự đổi mới và cam kết vì sự thịnh vượng và an ninh chung”. Hai nhà lãnh đạo đã đồng ý tiếp tục theo đuổi cơ chế hợp tác an ninh ba bên với Mỹ, đồng thời lưu ý rằng các bên đang tiến hành đàm phán để bổ sung thỏa thuận về chia sẻ dữ liệu cảnh báo về các hoạt động tên lửa của Triều Tiên. Trước diễn biến này, Mỹ đã đánh giá cao những kết quả đạt được của Hàn Quốc và Nhật Bản tại hội nghị thượng đỉnh. Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel cho biết Mỹ và hai đồng minh đã tổ chức 40 cuộc gặp gỡ ba bên và cho rằng quá trình hợp tác này đã giúp lấy lại lòng tin lẫn nhau. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Nhật Bản và Hàn Quốc trong nỗ lực thúc đẩy những tiến bộ lâu dài. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mô tả đây là động thái “đột phá trong chương mới về hợp tác giữa hai trong số những đồng minh gần gũi nhất của Mỹ”. Ngày 16/3, ba nước đã khởi động các cuộc tập trận chung chống tàu ngầm, với sự tham gia của Canada và Ấn Độ.
Chủ đề thứ ba được đề cập nhiều trong các cuộc thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Nhật – Hàn Quốc là vấn đề tăng cường hợp tác về kinh tế và thương mại. Cả hai nước đều đang cố gắng hồi sinh quan hệ thương mại trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị đe dọa. Hàn Quốc đang nhìn thấy tầm quan trọng về hợp tác kinh tế với Mỹ và Nhật, đặc biệt ở chuỗi cung ứng bán dẫn, một trong những động lực của kinh tế Hàn Quốc.
Như một bước xây dựng lòng tin, vài giờ trước khi hội nghị thượng đỉnh ngày 16/3/2023 bắt đầu, Nhật Bản đã đồng ý dỡ bỏ kiểm soát xuất khẩu với Hàn Quốc. Đổi lại, ngày 23/3, Chính phủ Hàn Quốc thông báo đã hoàn tất các thủ tục hủy bỏ đơn kiện Nhật Bản lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sau khi các hạn chế được dỡ bỏ. Thủ tướng Nhật bản Kishida cho biết hai nước đã đồng ý bắt đầu đối thoại thường xuyên về an ninh kinh tế. Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Lee Chang-yang khẳng định hai nước sẽ tiếp tục thảo luận về chương trình khôi phục thương mại ưu tiên, phục hồi tư cách đối tác thương mại đáng tin cậy của nhau thông qua khôi phục những ưu đãi xuất khẩu song phương. Ngày 12/4/2023 Chính phủ Hàn Quốc đã ra thông cáo hành chính đối với dự thảo sửa đổi thông báo về xuất, nhập khẩu vật tư chiến lược, trong đó có nội dung đưa Nhật Bản trở lại vào danh sách các nước được ưu đãi xuất khẩu vật tư chiến lược, hay còn gọi “Danh sách trắng”, của Hàn Quốc. Theo đó, việc xuất khẩu vật tư chiến lược sang Nhật Bản sẽ được cấp phép tương tự như 28 nước khác có tên trong danh sách được hưởng ưu đãi này. Cùng với đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục thảo luận với Nhật Bản về chính sách quản lý xuất khẩu giữa hai nước, để Seoul cũng được đưa trở lại vào “Danh sách trắng” ưu đãi xuất khẩu của Tokyo.
Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho ngày 24/3 cho biết, nước này sẽ hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực kinh tế như chuỗi cung ứng và đầu tư, đồng thời khôi phục các kênh liên lạc của chính phủ và hỗ trợ trao đổi khu vực tư nhân. Những nỗ lực mới nhất của Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm khôi phục quan hệ song phương sẽ đem lại tín hiệu tích cực đáng kể cho nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á, góp phần thúc đẩy xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Cũng theo Bộ trưởng Choo Kyung-ho, hiệu quả kinh tế sẽ còn lớn hơn nữa nếu xét đến việc bình thường hóa chuỗi cung ứng các sản phẩm quan trọng, trong đó có chất bán dẫn, cùng với sự hợp tác song phương trong các lĩnh vực tiên tiến. Hàn Quốc sẽ thúc đẩy hợp tác với Nhật Bản trong dự án xây dựng cụm công nghiệp sản xuất chất bán dẫn tại thành phố Yongin, cách thủ đô Seoul 40km về phía nam, đồng thời tăng số lượng chuyến bay giữa hai nước.
Hai bên kêu gọi hợp tác chặt chẽ hơn để bảo vệ lợi ích chung trong lĩnh vực chất bán dẫn và pin xe điện, trong bối cảnh Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã hành động để bảo vệ ngành công nghiệp của chính mình. Thủ tướng Kishida đã tổ chức họp với các thành viên của Hiệp hội nghị sĩ Hàn Quốc – Nhật Bản và những người đứng đầu 6 hành lang kinh doanh của Hàn Quốc, bao gồm Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae Won – người hiện đang đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc. Tổng thống Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Kishida đã nhất trí chủ trương Hàn Quốc cử một nhóm chuyên gia đến làm nhiệm vụ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi trong tháng 5/2023 nhằm hỗ trợ kế hoạch của Tokyo về việc xả nước đã được xử lý và pha loãng ra đại dương.
Truyền thông Nhật Bản và Hàn Quốc đều chung nhận định, các cuộc gặp thượng đỉnh Nhật – Hàn gần đây đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc sưởi ấm mối quan hệ giữa hai bên, tạo động lực để hàn gắn, đưa quan hệ song phương giữa hai nước trở lại đúng hướng vì hòa bình, hợp tác và thịnh vượng cho cả hai nước, khu vực cũng như thế giới. Một quan hệ tốt hơn giữa Nhật và Hàn sẽ khiến bức tranh an ninh khu vực Đông Á thay đổi. Nhật Bản đã mời Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức tại thành phố Hiroshima của Nhật Bản ngày 19/5/2023 để tiếp tục theo đuổi các nỗ lực hàn gắn và phát triển quan hệ với Hàn Quốc.
Các nhà quan sát cho rằng sự xích lại gần nhau giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong bối cảnh tình hình quốc tế đang diễn biến phức tạp đã tác động đến an ninh khu vực, trong đó ảnh hưởng bởi ba yếu tố:
Một là: Nga tấn công quân sự vào lãnh thổ Ukraine và triển khai mạnh mẽ lực lượng quân sự ở vùng Viễn Đông không chỉ đe dọa an ninh Châu Âu mà cả khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nơi có quyền lợi sống còn của Nhật và Hàn Quốc. Cả Hàn Quốc và Nhật Bản vốn là đồng minh gần gũi của Mỹ, nên không thể đứng ngoài mặt trận chống Nga do Mỹ lãnh đạo. Cả hai quốc gia này đều có chung nhận thức mối đe dọa tiềm tàng của Nga đối với vùng Đông Bắc Á, nơi cửa ngõ của cả Nhật Bản và Hàn Quốc, nên sự nối lại quan hệ giữa hai nước là phù hợp với diễn biến tình hình quốc tế hiện nay.
Hai là: Sự tuyên chiến với Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cùng với sự gia tăng các vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên với cường độ chưa từng thấy đã làm cho hai nước Nhật và Hàn Quốc nhìn nhận an ninh chủ quyền quốc gia của họ đang bị đe dọa nghiêm trọng. Nguy cơ xẩy ra chiến tranh vũ trang giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc đã được phía Bắc Triều Tiên cảnh báo.
Sau nữa là cả hai nước đều nhận thức nguy cơ nguy cơ đe dọa an ninh của họ từ vấn đề Đài Loan. Trước sự leo thang căng thẳng ngày càng tăng về các hoạt động của Trung Quốc đối với Đài Loan và khu vực Đông Bắc Á, đối đầu với lực lượng quân sự của Mỹ và Đài Loan được đẩy lên rất căng thẳng. Không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ thôn tín Đài Loan bằng quân sự. Là bạn đồng minh của Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc xác định không thể đứng ngoài cuộc xung đột này. Việc tăng cường hợp tác quân sự giữa Nhật Bản và Hàn Quốc vào lúc này có ý nghĩa to lớn, tạo sức mạnh hỗ trợ cho Đài Loan đối phó với sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
Ba là: Đã từ lâu hai quốc gia này chứa đựng nhiều vấn đề lịch sự, phát sinh nhiều tranh chấp và mâu thuẫn gây cho Mỹ lo lắng, làm suy yếu sự liên kết đồng minh ở khu vực. Sự trỗi dậy của Trung Quốc và quan hệ Nga – Trung đang hình thành mặt trận quân sự ở Thái Bình Dương đã thúc đẩy quan hệ ba nước Mỹ – Nhật – Hàn gắn kết với nhau. Mỹ đã thành công đưa Hàn đến với Nhật. Việc Hàn, Nhật gắn kết với Mỹ là nhu cầu của Mỹ vì nó tạo được sức mạnh thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương do Mỹ lãnh đạo để đối phó với Trung Quốc.
Sự kiên khôi phục quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc là một bước ngoặt mới ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Có nhiều ý kiến đánh giá tích cực và tiêu cực xung quanh sự kiện này. Việc hai quốc gia có tiềm lực nhất nhì Châu Á, một nước Nhật đang trỗi dậy bởi thay đổi và phát triển chiến lược mới về quốc phòng an ninh, sẽ cùng với Mỹ hình thành một mặt trận đáng kể để cạnh tranh với Trung Quốc ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, cả hai quốc gia Nhật, Hàn vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc. Vì vậy, những tuyên bố của họ vừa qua cho thấy đã không làm cho Trung Quốc lo ngại.■
Hoàng Ngọc (tổng hợp)